Thơ trẻ dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại, những bước chuyển

Inrasara: Thơ trẻ dân tộc thiểu số…

Báo Nhân dân cuối tuần, 8-6-2011

* Lớp Sáng tác trẻ DTTS 2011, Photo Nguyễn Á.

1. Truyền thống và hiện đại, tiếp thu và sáng tạo… là cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi đề cập đến văn chương – hai thập niên qua. Thế nhưng thực tế, chưa ai chỉ ra cho ta thấy cụ thể đâu là truyền thống văn học dân tộc. Từ Chăm đến Tày, Khmer hay các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tất cả… Ta hiểu mơ hồ và làm mơ hồ. Từ đó xảy ra bao ngộ nhận.

Ngộ nhận, nên ta cứ đinh ninh mấy ê hê, thổ cẩm, thắng cố, vòng xòe, apsara, cái gùi, buôn plây phum sóc… là dân tộc. Cứ đùn thật nhiều ngôn từ cụ thể, lối nghĩ sơ giản, lối nói dân dã mộc mạc vào thơ là mặc nhiên ta đã đậm đà bản sắc. Không cần biết đến cách tân hay sáng tạo. Từ đó, ta vỗ về và ca tụng nhau, phê bình và nhận định tác phẩm của nhau. Mơ hồ vậy thôi, và không gì khác. Vô hình trung, các cụm từ trở thành khẩu hiệu sáo rỗng, mất hết hồn vía.

Cho dù không ít nhà thơ dân tộc thiểu số có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng mươi năm về trước, “thơ dân tộc thiểu số Việt Nam vừa đi vừa ngủ”. Ngủ từ quẩn quanh với các thể thơ truyền thống cho đến cảm thức mãi nằm lại ở hệ mĩ học nông nghiệp, từ nhịp điệu thơ sang thi ảnh, từ đề tài cho đến ngôn từ sử dụng, tất tần tật. Bộ phận thơ kia thi thoảng lộ ra vài cái đẹp riêng đáng trân trọng. Nhưng nó vẫn cứ ngủ. Vừa đi vừa ngủ. Rồi từ bấy đên nay, cả khi thế hệ mới xuất hiện, nó vẫn thế – vừa ngủ vừa đi. Từ Bùi Tuyết Mai cho đến Hoàng Chiến Thắng, từ Hoàng Thanh Hương cho đến H’Trem Knul…

Vẫn các đề tài ấy và vài thể thơ ấy, quanh đi quẩn lại vẫn số lượng từ vựng ấy với các thủ pháp nghệ thuật ấy. Lặp đi lặp lại. Không khác, không dám thử bước chệch khỏi quỹ đạo đã vạch sẵn – dù chỉ một lần. Chúng ta cứ thể mà “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tây Nguyên của Hoàng Thanh Hương (dân tộc Mường) hay Tây Nguyên với “Tiệc rượu” của H’Trem Knul (dân tộc Êđê) cũng thế. Các sự vật gần gũi: bậc thang, bầy dê, cạp váy, rượu cần… bên cạnh các hình ảnh quen thuộc: gùi bầu nước, địu, lên rẫy, nhấp nước rượu,… không khác mấy so với các dân tộc anh em ở các tỉnh phía Bắc. Chúng là cuộc sống hàng ngày, là máu thịt của đồng bào, thân thuộc và đầy tình yêu thương. Không phải nó không hay, nhưng nó lặp lại. Lặp lại bao nhiêu điều mà các cây bút đi trước đã viết. Nó thuộc hệ mĩ học cũ: hệ mĩ học nông nghiệp. Từ Mai Liễu, Lò Ngân Sủn cho đến Lương Định, Dương Thuấn…

2. Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Nhưng thế nào là bản sắc? Ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một/ những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam? Ở phạm vi hẹp hơn, văn học chẳng hạn, đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn học dân tộc thiểu số khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học đa dân tộc Việt Nam?

Văn chương cổ điển, dân tộc thiểu số đã cống hiến nhiều cái khác lạ cho nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Sử thi Đam San,  Xinh Nhã, Xống Chụ Xon Xao, Đẻ đất đẻ nước, Mo Mường,… Đó gần như là nguồn suối vô tận cho thế hệ đi sau “tiếp thu và sáng tạo” nên những tác phẩm mới. Để có đóng góp mới. Nhưng hỏi các thế hệ vừa qua và cả thế hệ hôm nay, chúng ta đã làm được gì với kho tàng trân bảo phong phú kia do ông bà để lại?

– Vẫn còn khá khiêm tốn. Khiêm tốn, khi các nhà thơ Tày, Nùng, Chăm, Thái,… thể hiện qua ngôn ngữ dân tộc, cả khi ta thể hiện qua ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt. Mãi đến hôm nay – ngoại trừ Chăm với đặc san Tagalau, sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm– , các dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn chưa có tạp chí riêng của mình. Chưa có nhu cầu, có lẽ. Thậm chí có dân tộc còn chưa có nhà văn nhà thơ của mình.

Chăm thì sao? Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu bạn góp thêm một Sử thi Akayet Dewa Mưno hay một Trường ca Ariya Glơng Anak mới vào thì kho tàng văn chương Chăm, thì kho tàng đó không vì thế mà giàu sang thêm. Và Chăm, nếu dân tộc này có thêm một Truyện Kiều hay một Hồ Xuân Hương mới, nó chẳng có tác động tích cực nào đến phát triển văn học Việt Nam cả! Vấn đề là cái KHÁC, sự độc đáo. Vậy Chăm có cái gì khác?

250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. Các Sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm. Các sử thi này đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Bên cạnh các trường ca triết lí, ba Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Riêng về hình thức: Ariya – lục bát Chăm là thể thơ gần giống lục bát Việt với cấu trúc rất linh hoạt. Vân vân…

Nhưng giữa bạt ngàn sáng tạo của tổ tiên từ ngàn năm trước, sau đó là thế hệ của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Vương Trung cho đến Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu,… thế hệ thơ trẻ dân tộc thiểu số hôm nay đã có nỗ lực nào để “tiếp thu và sáng tạo” văn học? Và đâu là cái tinh túy đầy bản sắc, để các thế hệ tiếp nối dẫu luân lạc đến tận chân trời xa lạ nào, vẫn không thể đánh mất sợi dây kết liên với cuống rốn kia, khi sáng tác?

3. Cái khác biệt rõ nhất chính là ý thức về cá nhân và thân phận, về sinh thể mang tên con người là “tôi” trong lòng xã hội Chăm giữa cộng đồng Việt Nam. Từ Đồng Chuông Tử (dân tộc Chăm):

Tôi – hạt bụi cô đơn của trái đất…/ Tôi bừng cháy.

Ta xóc hành trang đựng đầy gió/ lên

đôi vai gầy gã trai Chăm mơ mộng/ cô độc đi…

cho đến Hoàng Chiến Thắng (dân tộc Tày):

Những viền khăn không chít nổi nỗi buồn

Vo nụ cười ma quái/ Khoác lên vai,

Tôi bắt đầu một hành trình/ ngược tối

Đó không phải những cái tôi như thể cái tôi lãng mạn thơ mộng thuở nào, hay cái tôi sơ giản chân chất đậm đà bản sắc, mà là cái tôi đầy hỗn độn nhiều bất trắc đồng thời biết phản tỉnh và dám tự lật trái mình. Lật trái để cười cợt mình. Jalau Anưk (dân tộc Chăm):

Thuở ấy tôi đi/ với/ hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì/ ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.

Thuở ấy tôi đi…/ mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ.

Họ hiểu mình vừa bị đánh bật gốc khỏi nền văn hóa dân tộc qua cơn phấn khích đầy háo thắng trong cuộc vật lộn với cơm-áo-gạo-tiền, trong hướng vọng chiếm lĩnh đỉnh cao. Có thể nói, không người trẻ tuổi nào khi cầm bút viết văn làm thơ mà không ý thức đến tồn vong của văn hóa dân tộc. Tại sao tôi viết thơ? Tại sao là tiếng Việt mà không là tiếng Chăm, Tày, Bana? Văn bản này dành cho ai? Ai đọc nó? Và nó sẽ đi về đâu, ngày mai? Những câu hỏi dễ dẫn họ vào vùng tối. Tuệ Nguyên (dân tộc Chăm):

Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn

mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu.

Nhưng có phải để bảo vệ bản sắc, muốn ôm khư khư truyền thống mà các thi sĩ trẻ Chăm hãi sợ ngó ra ngoài, không dám mạnh bạo đạp tung cánh cửa truyền thống để bước vào thế giới xa lạ mênh mông ngoài kia không? – Ngược lại là khác. Ưu tư, tìm tòi và khám phá lại. Tuệ Nguyên đã dũng mãnh dấn bước trên con đường mù mờ đó. Thế giới thực là ở bên kia hiện thực đời sống ngày qua ngày, một thế giới mới lạ nhiều cuốn hút đòi hỏi phương cách chinh phục lạ biệt:

Tôi đang sống cùng thời đại với họ,

nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay

Gom góp để bảo tồn, họ sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Bản sắc văn hóa dân tộc như là bất di bất dịch mà là các sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau sẽ gọi là bản sắc điều họ đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Chưa xa trước đó, Bùi Tuyết Mai “xuống phố” nhẹ nhàng “mùi hoa sữa”, “bóng chim xanh”, “bóng chú mèo” yểu điệu cổ điển của một thời xa lơ lắc, Jalau Anưk đã rất khác. Anh thôi thúc người cùng thế hệ dũng cảm bước tới, cũng là cách tự thôi thúc mình:

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố/ tỏa hơi em vào phố

chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố/ và lớn lên cùng phố…

phố không nuốt chửng em đâu/ bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!

mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh

Phố không nuốt chửng em đâu“, thì tại sao phải ngại ngần? Thế hệ trẻ dân tộc thiểu số hiểu mình phải nhập cuộc, nếu không để bị bỏ lại. Nhập cuộc trọn vẹn vào cuộc sống sôi động hôm nay. Thơ họ từ đó ít còn quanh quẩn ở đề tài làng bản, núi rừng mà đã rất phố.

Khác với đại đa số nhà thơ thế hệ vừa đi qua mà đề tài chỉ dừng lại ở những gì gần gũi, quen thuộc với không gian văn hóa nông nghiệp, các bạn trẻ động cấp đến các đề tài rộng hơn, góc cạnh hơn. Trong lúc Vương Anh (dân tộc Mường) ở lại với “Hoa trong Mường”, “Cơm mường Vó”, “Tình còn tình chiêng”, “Buộc chỉ cổ tay”; Lương Định (Tày): “Lời người cha lũng núi”, “Núi và hòn đá lẻ”, Ngẫu hứng đêm lễ hội”, “Đêm Stiêng”; Pờ Sảo Mìn (Padí): “Cây hai ngàn lá”, “Thị trấn đôi ta”, “Tiếng chim Péc-kà”, “Gọi thầm Sapa”; Lâm Quý (Cao Lan): “Đêm vùng cao”, “Nếu em bỏ ôm chồng”, “Tiếng khèn”, “Thêu cả bốn mùa”… thì Jalau Anưk, Tuệ Nguyên với “Tạ lỗi”, “Người về”, “Nói với em”, “Tôi”, “Gởi bạn”, “Dưới vòm trời là những mái nhà”, “Tiên tri”, “Cổ tích em “, “Trên đường đi”, “Ở nơi ấy như tôi thấy”, “Nghệ sĩ ban mai & bé gái sứt môi”, “Đêm”, “Truyện mi kể”, “Mặc”, “Hắn và giấc mơ”, “Những mảnh vỡ”, “Chúng ta là những kẻ đáng thương”… – đã rất khác… Cái khác đầy phản tỉnh và phản biện. Họ không nhìn hiện thực một chiều mà nhiều chiều. Họ hiếm khi tô hồng cuộc sống mà phản biện đời sống xã hội đương đại – phản biện chính con người mình trong xã hội họ đang sống ấy. Nhìn khác và thể hiện khác.

Cách nhìn khác đòi hỏi một lối viết khác. Thủ pháp so sánh chẳng hạn. Trước đó không lâu, ta thấy Y Phương dùng thủ pháp so sánh: “Oa oa oa/ mẹ mừng ngây như đá… / Mẹ ngủ/ mẹ ngủ mềm/ ngát như hoa…“, Lò Ngân Sủn: “Người đẹp trông như tuyết/ Sờ vào lại thấy nóng”, hay Dương Thuấn: “Em hãy ngủ như trăng sao ngủ“,… So sánh luôn so sánh đơn, các mẩu vật gần, quen thuộc. Các cây bút trẻ hôm nay đã rất khác. Thủ pháp so sánh phức hợp, nhiều tầng liên tưởng đòi hỏi sức tưởng tượng của người đọc. Tiếp nhận cha ông, bên cạnh họ không từ chối vận dụng mọi thủ pháp học được từ bên ngoài. Hiện thực, hiện thực huyền ảo hay siêu thực, hiện đại với hậu hiện đại, cả tân hình thức hoặc thơ trình diễn. Tuệ Nguyên tiếp nhận thể thơ Pauh Catwai từ truyền thống Chăm:

Khi kẻ thắng đuổi kẻ bại chảy lòng vòng
tôi làm kẻ đứng nhìn
khắc ghi tên mình trên mặt biển.

Những kể lể về việc tự nhủ với thành bại vinh nhục
thúc đẩy tôi quen dần với đời sống ma thuật.

4. Dù gì thì gì, dẫu có phiêu lưu khai phá tới đâu, dẫu cư trú tận đất trời nào, thi sĩ dân tộc thiểu số thuộc mọi lứa tuổi vẫn chưa bao giờ vĩnh viễn rời xa nguồn cội. Như Hoàng Thanh Hương:

Buôn xa/ em gùi gió mưa về/ hoang dại chiều ơi tóc nâu mắt nâu

gót trần cỏ cứa/ dã quỳ tàn trong gió/ thảng thốt tiếng chim kêu bầy

thảng thốt tiếng gió lạc/ bên tai vấn vít lời ướm hỏi

em chưa muốn bắt anh về/ gầm sàn nhà em chưa đầy củi

áo chăn em dệt chưa nhiều/ em chưa thuộc hết lời amí dạy

người có thương em thì đợi…

Dù thế nào đi nữa, chỉ khi những đứa con tha phương trở về như là trở về, thì mọi truyền thống và hiện đại, tiếp thu và sáng tạo, tiếp nhận tinh hoa thế giới,… thôi còn là những cụm từ, mấy khẩu hiệu vô hồn bật ra ở đầu môi chót lưỡi, mất hết sức nặng vốn có của chúng.

Chỉ khi đó thôi, thi sĩ mới tìm thấy mình an cư ở Nhà như là nhà mình giữa miền sỏi đá Quê hương.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *