Inrasara: Việt Nam thơ, vùng trũng hay cường quốc?

Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com, 18-2-2012 &  Tienve.org, 19-2-2012

“Tuần lễ SEA Write Award tháng 10-2005, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan, tôi nêu lên câu hỏi khiến hội trường ngạc nhiên không ít: Có ai trong chín vị SEA Write Awardees năm nay – chín khuôn mặt [được coi là] đại diện xuất sắc nhất của văn chương nước mình – quen biết nhau, đọc của nhau hay thậm chí, biết đến tên nhau? Không ai cả! Văn chương khu vực này mãi đến hôm nay vẫn còn đóng cửa với nhau, là vậy. Nhà văn Đông Nam Á không quan tâm đến nhau, không cần nhau, nếu không muốn nói – xem nhẹ nhau và, xem nhẹ chính mình. Chúng ta có học (dịch thuật, nghiên cứu, hội thảo) là học người khác chứ không học tập ta. Tâm lí hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á.

Bóng đá Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của thế giới. Đó là chuyện không cần bàn cãi. Dẫu kinh tế hay thu nhập đầu người của các nước Châu Phi hay Nam Mĩ có thể nghèo, thấp hơn rất nhiều so với một số nước Đông Nam Á, nhưng bóng đá họ so với ta: vượt trội. Điều này có thể đổ lỗi cho nhỏ, yếu của thể tạng dân Đông Nam Á. Nhưng tại sao văn học, chẳng dính dáng gì đến cơ bắp hay chiều cao lại phải chịu chung số phận?(1)

*

Chuyện bảy năm trước là vậy. Mới nhất, sau Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Hạ Long, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn, đưa ra nhận định: Việt Nam là một cường quốc về thơ.

Đó là một tuyên bố mới mẻ, và bất ngờ. Quá mới, thêm: nó bị cắt khúc nên dễ tạo dị ứng và gây mỉa mai. Đã có vài phản ứng như thế(2). Dù ngay sau đó, anh còn đưa ra mệnh đề phụ: “VN là một cường quốc về thơ, ít nhất là trong khuôn khổ châu Á”. Sau đó, anh lí giải thêm:

“Nếu chúng ta lấy một nhà thơ VN so sánh với một nhà thơ đương đại của Trung Quốc hay Nhật Bản thì khó. Nhưng một nền thơ ca có rất nhiều yếu tố và nhìn ở ý thức sáng tạo, chất lượng chung của đội ngũ nhà thơ, hay việc dịch thơ nước ngoài thì VN xứng đáng ở tốp đầu”(3)

 

Thử soi vào các “yếu tố” này.

Chưa đề cập đến chuyên “dịch thơ nước ngoài”, bởi chưa có một thống kê khoa học với những đối sánh cụ thể, nên kết luận nào bất kì đều không đáng tin cậy. Ở đây, ta chỉ xét về “ý thức sáng tạo” và “chất lượng chung của đội ngũ”. Về đội ngũ và phong trào, nhận định Việt Nam là cường quốc về thơ không khó nhận được sự đồng thuận. Việt Nam có ngàn hội viên Hội Nhà văn cấp “trung ương” trong đó nhà thơ chiếm đến hai phần ba, chưa nói các nhà khác ít nhiều cũng có làm thơ; thêm mấy vạn hội viên địa phương khác. Quả là hùng hậu! Việt Nam có 54 dân tộc thiểu số anh em, mà đa phần trong số ấy đều có các nhà thơ của mình. Chúng ta đã có Ngày Thơ được xem là quốc lễ với lá cờ thơ suốt thập niên qua đã phấp phới bay trên bầu trời khắp mọi miền đất nước. Và mới nhất, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức được Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên. Còn gì nữa?… Cho nên, nếu nói vống lên “cường quốc về thơ” thì khó có ai cãi đặng.

 

Nhưng “ý thức sáng tạo” và “chất lượng chung của đội ngũ” thế nào?

Ngoảnh lại sau lưng ở một thời chưa xa: Thơ Mới, dù học từ các trường thơ Pháp muộn non 80 năm, thơ Việt cũng đã tạo nên cuộc cách mạng lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất thế kỉ XX. Thơ hậu Thơ Mới, bên cạnh thơ Cách mạng khá thành công, thơ hiện đại bị gẫy cánh khắp nơi, từ Nhân văn – Giai phẩm ở miền Bắc cho đến nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn. Còn thơ hậu chiến mười năm sau khi đất nước thống nhất, nổi trội vẫn là các trường ca mang tính sử thi về cuộc chiến vừa qua. Riêng hiện tại: thơ đương đại, từ đổi mới đến nay, ta thấy gì?

 

1. Nhìn từ góc độ ba loại thơ: “dòng thơ câu lạc bộ”, “dòng thơ tiếp hiện” và “dòng thơ sáng tạo”(4), dễ nhận ra rằng dòng thơ câu lạc bộ phát triển rộng khắp. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam với chủ tịch Bành Thông có chi nhánh khắp các tỉnh thành cùng bao biến thái và biến tướng của nó. Rồi mỗi năm, cả ngàn tập thơ thuộc dòng tiếp hiện ra đời; đây cũng là loại thơ được in tràn khắp mặt báo chính thống, và bao giờ cũng ở thế áp đảo. Riêng loại thơ thuộc dòng sáng tạo (thơ hậu hiện đại và tân hình thức chẳng hạn) luôn chịu sự phân biệt đối xử.

Lưu ý là, tôi không đề cập đến chất lượng, bởi chất lượng còn tùy thuộc vào tài năng và chịu thử thách qua sự sàng lọc của thời gian, mà nhấn vào “ý thức sáng tạo” cùng sự chấp nhận ý thức phiêu lưu khám phá cái mới của nền thơ đó.

Ở đây, ý thức mới và cách làm mới luôn bị dị nghị.

 

2. Ý thức sáng tạo, hỏi ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào biết/ đã tuyên ngôn ra tấm ra món chưa? Ngoài Nhóm Mở Miệng với mấy tuyên ngôn lẻ, hỏi có nhóm thơ nào đã lập nên tuyên ngôn và theo đuổi đến tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó không? Không có nhóm thơ, không vấn đề gì cả. Nhưng hỏi, ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào có khả năng lập ngôn mang khả tính mở ra một trường phái thơ chưa? Hay ở cấp độ thấp hơn nữa: có nhà thơ Việt Nam nào kiêm luôn nhà phê bình tầm cỡ?

Trong khi với một nền thơ lớn, một nhà thơ chuyên nghiệp đồng thời là một nhà phê bình hoặc có khả tính phê bình, thậm chí có tác giả còn là một nhà tư tưởng hay nhà mĩ học. P. Valéry, A. Breton hay Y. Bonnefoy,… chẳng hạn. Còn ở ta? Tất cả đều cảm tính, cảm tính đến tùy tiện.

Nền phê bình thơ ở Việt Nam thì sao? Cùng thời điểm, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “những người đam mê phê bình thơ ít đi, nhiều khi nhà thơ như độc diễn”. Và chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng than phiền: “Cách nhìn nhận thiển cận và thiếu thiện chí [của nhà phê bình] làm cho thơ bị cản trở rất nhiều”.(5)

Khía cạnh này thôi, cường quốc thơ kia cũng đã bị hạ không ít điểm chuẩn!

 

3. Nhìn từ góc độ tiếp nhận, các độc giả được xem là tinh hoa ở thì tương lai, hôm nay ta đã chuẩn bị gì cho họ? Thử xem chế độ thực dân Pháp “chuẩn bị” hành trang cho thế hệ độc giả Tiền chiến đón nhận Thơ Mới, rồi nhìn vào Đại học [khoa văn] của ta ngày nay.

Học, cơ chế Đại học ta muôn năm đóng cửa với cái mới. Sinh viên Việt Nam mơ hồ về các trào lưu văn học tiên tiến trên thế giới hiện tại. Cả với sinh viên khoa văn chương. “Ở nước ta hiện nay thì những suy kém về giáo dục – nhất là ở cấp đại học – quá đỗi trầm trọng, thể chế lại quá cứng nhắc, ù lỳ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự ù lỳ này sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt”(6). Cho nên, không ngạc nhiên nếu thế hệ này không đọc thủng các tác phẩm hậu hiện đại hay các sáng tác thuộc hệ mĩ học mới nhất trên thế giới. Đọc không thủng, họ xem như không có chúng, vì chúng không phải là… thơ.

Còn độc giả phổ thông thế nào? Đại đa số họ bị phó mặc cho nền phê bình báo chí cánh hẩu đầy tùy tiện, một nền phê bình “chuyên nghiệp” “vừa thiếu vừa yếu” vừa “thiển cận và thiếu thiện chí” các loại đang thịnh hành thao túng. Ở đó không biết bao nhiêu người viết không chuyên thiếu thẩm quyền chiếm diễn đàn ba hoa về điều mà mình chưa thấu đáo.

 

4. Cuối cùng, một nền thơ lớn cần đặt nền tảng trong một xã hội tự do và dân chủ căn bản. Qua đó, nhà thơ mới có thể tự do triển khai tư tưởng mới, phát kiến thi pháp mới, mở ra trào lưu văn chương mới. Thơ Việt Nam có nhận được đặc ân đó chưa? Hỏi, có nghĩa là đã trả lời rồi. Viết tự do luôn song hành với in ấn và phát hành tự do, sau đó là thảo luận tự do. Thời gian qua, sự cấm đoán, đẩy ra ngoài lề hay thu hồi tác phẩm đã xuất bản không phải là hiện tượng hiếm hoi. Sinh hoạt văn học dòng chính, Việt Nam vẫn chưa có diễn đàn mang tính phản biện đúng nghĩa. Trao đổi hay cãi cọ thời gian qua chỉ dừng lại ở vành ngoài, và chưa bao giờ đi đến đầu đến đũa. Còn tệ hơn thuở “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” thời xa lơ xa lắc!

 

Sáng tác, dòng thơ sáng tạo bị kì thị; phê bình thơ vừa thiếu, yếu vừa thiển cận; môi trường sinh hoạt văn học tù túng và còn khá lạc hậu; độc giả bị các bài điểm sách hời hợt và vô trách nhiệm thao túng… hỏi nền thơ kia đã lớn đến đâu?

 

Sài Gòn, 17-2-2012

____________

 

Chú thích

(1) Inrasara, “Văn chương Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”, Song thoại với cái mới, HNV Hội Nhà văn, H., 2008, tr. 48-62.

(2) Nguyễn Vĩnh Nguyên, “Thời của ‘event’ thơ”, báo Sài Gòn Tiếp thị, 17-2-2012; Tai Vô Lề, “Nghĩ về câu: Việt Nam là một cường quốc về thơ”, Tienve.org, 4-2-2012.

(3) “Nguyễn Quang Thiều: VN là một cường quốc về thơ”, Cúc Đường thực hiện, báo Thế thao & Văn hóa, 1-2-2012.

(4) Inrasara, “Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, tháng 6-2010.

(5) “Bóng dáng nàng thơ trong cuộc sống hiện đại”, Vienamnet, 9-2-2012.

(6) Trần Hữu Dũng, “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và Đại học Việt Nam”, Tuanvietnam.net, 13-2-2011 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-09-tri-thuc-viet-nam-o-nuoc-ngoai-va-dai-hoc-viet-nam

 

 

 

 

 

2 thoughts on “Inrasara: Việt Nam thơ, vùng trũng hay cường quốc?

  1. Nền phê bình thơ ở Việt Nam thì sao? Cùng thời điểm, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “những người đam mê phê bình thơ ít đi, nhiều khi nhà thơ như độc diễn”. Và chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng than phiền: “Cách nhìn nhận thiển cận và thiếu thiện chí [của nhà phê bình] làm cho thơ bị cản trở rất nhiều”.
    Khía cạnh này thôi, cường quốc thơ kia cũng đã bị hạ không ít điểm chuẩn!

    Anh Inrasara phê bình quả là rất… vui.
    Nhà thơ Ng Quang Thiều quả là… mâu thuẫn. Trước anh nói VN là cường quốc thơ, sau đó anh lại phê nền phê bình VN như vậy. Có lẽ nhà thơ lớn này tập nói giọng… quan thơ rồi.

  2. Anh Sara thân,
    Mới đọc bài viết rất sắc bén về thơ VN của anh. Lâu lâu mới có một bài viết hay để đọc.
    Thân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *