Inrasara nghĩ gì?: 20 năm thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam

Sau bài này, Inrasara.com nghỉ 7 ngày để ra Bắc. Hẹn gặp lại.

Kính báo – Thuk siam!

Tạp chí Văn hóa Dân tộc, 11-2011.

Phóng viên tạp chí Văn hóa Dân tộc phỏng vấn.

Trước sự đổi mới của đất nước về tất cả mọi lĩnh vực, văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với những thực tế đầy khó khăn và thách thức, đó là làm thế nào để đưa văn học – nghệ thuật đi vào đời sống, làm thế nào để văn học – nghệ thuật phải là một phần của cuộc sống hiện nay. Với ý kiến cá nhân, ông nghĩ gì về văn học – nghệ thuật dân tộc thiểu số sau 20 thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam?

Inrasara: Sự ra đời thành và tồn tại của bất kì hội đoàn nào không là gì cả, nếu nó không giới thiệu được sản phẩm của chính nó hay nhờ sự đỡ đần của nó. Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

20 năm có mặt và hoạt động, Hội gần như đã phủ sóng Hội viên đều khắp mọi tỉnh thành của đất nước. Đó là điều đáng chú ý đầu tiên. Để rồi thông qua Hội, nhiều khuôn mặt văn hóa – nghệ thuật dân tộc thiểu số sáng giá xuất hiện, cho ra đời các tác phẩm giá trị. Nhiều tác phẩm về và của tác giả dân tộc thiểu số được cả nước biết đến, ở đó không ít tác giả đoạt được Giải thưởng cấp Quốc gia lẫn khu vực. Tiếng nói của Hội ngày càng có sức nặng hơn trên diễn đàn văn học – nghệ thuật dân tộc thiểu số cũng như của cả nước nói chung.

Nhưng như thế đã đủ chưa? Khi đất nước đổi mới. Mở cửa, toàn cầu hóa, hội nhập, APEC, WTO,… bao nhiêu là sự kiện dồn dập tới. Đến không kịp thở. Đến dễ lỗi nhịp và lạc hậu, nếu ta không sẵn sàng thái độ mới, mở, và sẵn sàng nhập cuộc.

 

1. Vậy, đâu là tâm thế cho thái độ tiếp nhận?

Mặc cho các trào lưu văn chương phát triển và nảy nở trên khắp thế giới, ta mãi thái độ dửng dưng. Ta cứ nghĩ nó là của thế giới chứ không liên can gì đến ta. Chưa có trào lưu văn học – nghệ thuật đương đại nào được ta giới thiệu và tiếp nhận nghiêm túc, thì làm sao lớp độc giả tương lai đó có thể tiếp cận với các sáng tác mang tính cách tân, để từ đó ta có thể sàng lọc ra được các sáng tác phẩm giá trị? Ngay cạnh ta thôi, trong chương trình “Tiến tới toàn cầu trong thiên niên kỉ mới”, tờ The Korea Times (11-1999) viết: “Người Hàn Quốc không cần sợ bị mất bản sắc văn hóa của mình. Tốt hơn, họ nên sợ mất cơ hội thưởng thức các nền văn hóa khác”.

 

2. Và tâm thế cống hiến?

Nhận của thiên hạ, còn ta, ta có cái gì đáng khoe, để gọi là cống hiến? Ta đã làm gì cho âm nhạc, mĩ thuật hay văn học cổ điển của các dân tộc thiểu số, là truyền thống vô cùng quý giá của ông bà để lại? Và cả văn chương đương đại nữa, ta đã quảng bá nó tới đâu? – Chưa gì cả! Mãi đến hôm nay, các tác phẩm văn chương của các tác giả dân tộc thiểu số quan trọng giai đoạn qua còn chưa được giới thiệu bài bản đến các độc giả của cả nước, nói chi việc tổ chức dịch chúng ra vài ngoại ngữ phổ thông, để phổ biến ra thế giới.  Muốn cống hiến, các người làm văn học – nghệ thuật dân tộc thiểu số vẫn không biết đường nào mà cống hiến.

 

3. Làm gì?

Trong khi tinh thần mới sẵn sàng bước ra khỏi làng xã, để đi ra biển lớn. Câu hỏi: ta đã bước chưa? Và bước như thế nào? Ở đó vẫn còn bao nhiêu mặc cảm. Ta thực sự chưa ứng xử công bằng với văn học [bị cho là] ngoại vi, trong đó có cặp đối kháng thiểu số/ đa số. Từ thẳm sâu tiềm thức, ta còn mang tâm phân biệt, không dứt ra được.

Nhà văn là phản kháng lại tâm phân biệt đó.

Tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm, phi tâm hóa. Nó đạp đổ bức vách ngăn được dựng lên ngay trong suy nghĩ của mình. Người viết hôm nay dù sinh sống vùng xó xỉnh nhất của trái đất vẫn có thể tự tin nhập cuộc. Chính sự phi tâm hóa của thế giới hậu hiện đại cung cấp phương tiện cho nhà văn [bị cho] là ngoại vi nhập lưu văn chương thế giới.

Chỉ khi nào bước ra khỏi tâm thế làng xã, chúng ta mới hội nhập đúng nghĩa

 

 

2 thoughts on “Inrasara nghĩ gì?: 20 năm thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam

  1. Pingback: Lượm tin | Dahanhkhach's Blog

  2. Nhà phê bình người dân tộc Nùng là Hoàng Quảng Uyên viết trong tham luận của mình vừa qua như sau:
    “Inrasara say mê dân tộc mình, đắm đuối với dân tộc mình nên có khi bị gây dị ứng từ nhà văn khác…”.
    Ý ông muốn nhắc đến Phó giáo sư Tiến sĩ PQT đã phê bình Inrasara trên tạp chí Nhà văn, và nhà văn Inrasara có đáp lại:

    “Khắp bài báo, ông PQT luôn có ý quy chụp rằng Inrasara cho cái gì của dân tộc Chăm cũng nhất. Sau đây là đoạn ông PQT nhấn:
    “các cây bút trẻ Chăm theo Inrasara, “đa dạng và đa diện, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát”, và cố nhiên, hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác”.
    – “Cố nhiên”, là chữ ông PQT suy diễn thành… Các chữ in nghiêng là ông PQT thêm vào, chứ tôi không dại dột viết câu văn có ý đó”.

    Ý Vynhân muốn nói là Inrasara yêu say mê dân tộc mình, nhưng nhà văn Chăm này không đến nỗi dại dột cho rằng cái gì dân tộc mình cũng nhứt cả!!!
    Đọc nhà văn Inrasara nư vậy là không hiểu Inrasara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *