Sài Gòn, 20-6-2011
Bạn trẻ thân mến
Xung quanh trả lời phỏng vấn của Inrasara trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 19-6-2011: “Inrasara: Phá huỷ là sáng tạo” với phụ đề “‘Thằng Trạm mát’ và bí ẩn Chămpa “, tôi nhận được khá nhiều phản hồi. Nhất là từ các bạn trẻ, xung quanh 3 điểm tương đối khó hiểu hay dễ gây hiểu lầm. Tôi xin minh giải từng điểm như sau:
1. Tại sao “tin vào tôi là thiệt thòi cho bạn”?
Viết hay nói, nhà văn hoặc thuyết trình viên nỗ lực tối đa để thuyết phục người nghe tin theo mình. Điều đó không sai. Nhưng như thế vô hình trung ta dựng lên bức tường ngăn cách giữa người thuyết và người nghe. Người thuyết là kẻ biết nhiều hiểu rộng đến nói cho người nghe, và biến đối tượng trở thành kẻ tiếp nhận thụ động. Đó là cách làm vừa quan liêu vừa phi dân chủ, từ đó dẫn đến sự/ nuôi dưỡng tâm thế độc đoán và nô lệ. Thầy/ người thuyết độc đoán và trò/ người nghe trở thành tên nô lệ một chiều cúi đầu tòng thuộc.
Tôi ngược lại.
Trong mọi cuộc thuyết trình (non trăm cuộc cả thảy), hay chủ trì Bàn tròn Văn chương, mào đầu của tôi là: Đứng trước các bạn, tôi không phải với tư cách người biết nhiều đến với mục đích truyền đạt kiến thức cho các bạn, mà như là kẻ đưa vấn đề ra để cùng mổ xẻ, thảo luận, và học tập. Vậy cần học thái độ phi tâm hóa, từ cách xếp bàn ghế đến bố trí chỗ ngồi, từ cách trao đổi đến lối điều tiết thời gian cho các đối tượng.
Nói hay viết là cuộc đối thoại, song thoại và tương thoại, chứ không là độc thoại.
Vừa qua, ở Tọa đàm tại Hà Nội vào sáng 23-4-2011, tôi nói với các nhà văn và Lớp viết văn trẻ rằng: Chúng ta tập làm Bàn tròn Văn chương kiểu mới, nghĩa là học cắt đứt với truyền thống hội thảo xưa nay Việt Nam quen làm: lên đọc tham luận rồi xuống và người khác lên, cứ thế cho đến hết buổi. Cực kì vô ích và nhàm chán.
Hội thảo hay Bàn tròn là cơ hội cho mọi người tham dự được quyền thảo luận, trao đổi.
Dông dài như thế để các bạn hiểu rằng, viết hay nói bất kì đề tài nào, tôi không ý định độc chiếm để thao túng đầu óc đối tượng, khiến họ nghe theo tôi, mà là khai mở chiều kích mới và khác trong chính tư duy của họ.
Hàng mã kí ức là câu chuyện của Inrasara về tinh thần văn hóa Chăm, tâm hồn con người Chăm. Nó được nhìn theo cách của tôi, kể theo lối của tôi. Như vậy đó là Chăm của Inrasara chứ không phải của bạn.
Hàng mã kí ức gợi hứng cho bạn tìm đến hay tìm lại Chăm, gợi mở về văn hóa và con người Chăm, với mục đích duy nhất là: bạn hãy khám phá Chăm của chính bạn.
Hàng mã kí ức là diễn ngôn (discourse) của tôi về Chăm. Lê Việt Hà diễn ngôn về Hàng mã kí ức theo chị, Lưu Văn diễn ngôn tiểu thuyết này theo kiểu của anh, Jaya Bahasa diễn ngôn nó theo kiểu khác nữa. Hậu hiện đại (postmodernism) cho rằng mọi diễn ngôn đều không đáng tin cậy… Còn ai cho rằng diễn ngôn của mình đúng nhất, thì ngốc hết chỗ nói.
Tin theo Inrasara là thiệt thòi cho bạn, là vậy.
2. Thế nào là vươn ra ngoài thế giới Chăm?
Hiểu diễn ngôn như thế, nên tôi rất ít để ý đến chuyện mình được khen hay bị chê. Đấu đá, giành phần đúng cho mình tôi càng tránh xa. Nhất là anh chị em Chăm với nhau.
Thứ Bảy tuần trước, thầy Tỷ ghé tôi chơi. Ông kể chuyện bao đồng, trong đó có chi tiết về hai tiến sĩ Chăm hải ngoại cãi vã dẫn đến tặng cho nhau ngôn từ với hình ảnh cực kì nhơ nhớp. Nghe, buồn và ngỡ ngàng. Tại sao lại vậy chớ?! Điều mình nói hay viết ra, người ta “chửi” đúng thì mình nghe, sai thì mình im lặng. Không có gì đáng căng thẳng cả.
Vươn ra thế giới ngoài Chăm, là:
– Thứ nhất, nếu cần đi ra khỏi địa lí làng xã
– Thứ hai, thoát khỏi đề tài Chăm
– Thứ ba quan trọng hơn: vượt ra tâm thế ao làng, cách nghĩ ao làng.
Từ đó ta khẳng định vị thế cá nhân với cộng đồng ngoài Chăm, khẳng định vị thế Chăm với thế giới.
Ví dụ, Freud là người Do Thái-Áo, nhẫn nhục trước chủ nghĩa bài Do Thái đang thời cao trào khi vừa bước chân vào Đại học. Ông KHÔNG cần tự hào về dòng máu Do Thái, KHÔNG cần biết đến văn hóa truyền thống Do Thái, KHÔNG mộ đạo Do Thái. Ông âm thầm học và làm việc, để cuối cùng trở thành nhà phân tâm học “có ảnh hưởng nhất không chỉ trong lịch sử cận đại mà còn trong mọi thời đại”. Lạ, ông vẫn luôn là Do Thái, trước và cả sau khi thành danh.
Freud là con người đã vươn ra thế giới ngoài Do Thái.
Có Chăm nào như vậy chưa? Ở trong nước hay ra tận Mỹ, Pháp… ta cứ nghiên cứu hết văn hóa Chăm đến ngôn ngữ Chăm, để rồi ta cứ vô danh với thế giới bên ngoài. Sinh hoạt trong ao làng chật chội ấy, ta sinh kèn cựa nhau. Trong khi ngoài kia không ai biết ta là ai cả, cùng lắm họ nói: Ừa, ông/ bà đó nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ hay văn hóa Chăm gì gì đó…
Ví dụ khác, một gia đình Do Thái có mỗi cha mẹ với ba đứa con nheo nhóc bị xua đuổi khỏi Đức, sang định cư trong một tỉnh xa lạ nước Pháp. Họ KHÔNG cần tìm đến cộng đồng Do Thái đang cư trú ở các tỉnh thành khác, họ nhẫn nhục sống, học tập và làm việc. Rồi chỉ đến đời cháu thôi (40 năm sau), gia đình đó nảy ra một nhà văn nổi tiếng, một giáo sư Đại học hàng đầu và trở thành gia đình doanh nhân ảnh hưởng cả thành phố. Cả ba thành tích kia hoàn toàn KHÔNG dính dáng đến đề tài Do Thái. Họ vẫn là Do Thái, mới lạ.
Gia đình Do Thái đó vươn ra thế giới ngoài Do Thái.
Có gia đình Chăm nào được như vậy chưa?
Cả hai ví dụ, các bạn chú ý các từ KHÔNG.
Trả lời câu hỏi phụ: Inrasara có vươn ra thế giới ngoài Chăm chưa? Trả lời là: – có!
Hãy loại ra các nghiên cứu của tôi về ngôn ngữ Chăm và văn học Chăm, hãy loại luôn việc tôi chủ biên Tagalau hay quá trình tôi dạy chữ Chăm và văn hóa Chăm các nơi. Tôi có 2 thứ “vươn ra ngoài Chăm”: SÁNG TÁC và PHÊ BÌNH. Không phải bất kì ai làm bất cứ đề tài nào ngoài đề tài Chăm là đã “vươn ra thế giới ngoài Chăm”, mà là đạt đến tầm nào đó. Để thế giới ngoài Chăm (Việt Nam, ĐNÁ, thế giới) biết tới công trình [ngoài Chăm] đó.
Nói, không phải để khoe khoang (là điều với tôi thậm vô ích, hơn nữa: đứng cạnh Freud, Inrasara là bé con). Nói là để chúng ta cùng nhận ra vấn đề. Nói là để gợi mở, để khích lệ và hối thúc thế hệ trẻ Chăm dũng mãnh VƯƠN RA thế giới mênh mông ngoài kia.
3. Thế nào là “đi vào rừng”?
Đây là vấn đề khó, liên quan đến tư tưởng và thái độ sống. Tạm trích Hàng mã kí ức để các bạn đọc qua cho biết.
“Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, đạo sĩ Bà-la-môn là một thiện tri thức Kalyāṇamitra, hơn thế nữa – một người biết Paramārtha-vid.
Nhưng để đạt được bốn cứu cánh đó, người Bà-la-môn cần trải nghiệm bốn giai đoạn cuộc đời. Ngay buổi đầu làm đời môn đệ antevāsin, bạn tự buộc tuân thủ nguyên tắc: vâng lời và tuân phục. Sống “dưới chân thầy”, và chỉ biết có thầy guru. Đó là giai đoạn tìm học đầy hứng khởi.
Học, người học sẵn sàng trả giá đắt nhất cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, họ dám hi sinh, cả cái tưởng như không thể. Học, không phải mưu lợi, mà để biết. Đến khi trò đã to cẳng cồ vai, hãy bỏ thầy mà đi. Một mình. Cả thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình.
Giai đoạn môn đệ kết thúc, người đàn ông lao vào cuộc sống gia đình. Bạn là một chủ hộ grhastha, nai lưng gánh vác gia đình với đầy đủ trách nhiệm của người chồng, người cha,… Dù Ấn Độ nổi tiếng hướng vọng cõi tâm linh nhưng chớ mong họ tha thứ cho kẻ ăn bám, nếu kẻ ấy chưa qua nấc thang cuối cùng của triết lí sống. Mãi khi công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha.
Đây là giai đoạn thử thách tâm linh khốc liệt nhất dành cho một đạo sĩ. Tôi hiểu nghề nghiệp kia không phải là tôi, chức vụ và danh vị kia, tiếng tăm và tài sản kia, mặc cảm và kiêu hãnh kia,… nghĩa là tất cả mọi mặt nạ nơi thế gian u tối mà tôi đang sở hữu kia không phải là tôi. Giữa nhà grāma và rừng vana là khoảng tối ngắn ngủn nhưng dài dằng dặc bạn phải băng qua, đựng chứa bao nỗi nguy hiểm rình rập. Sơ sẩy trong thoáng sát na, bạn có thể hủy hoại cả “vốn liếng” gầy dựng trước đó. Một cuộc truy tìm hướng nội đầy gian nan, nhưng đạo sĩ Bà-la-môn phải can đảm lao vào. Nhảy qua và cắt phăng cây cầu dẫn về trần gian, để dấn mình trọn vẹn vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn khất sĩ bhiksu. Làm kẻ lang thang vô gia cư, “phong phanh giữa trời đất”!”
Trả lời câu hỏi phụ: Với Inrasara, sau khi Tagalau 16 ra đời hay ở độ 60 (nếu tôi còn sống tới đó), tôi sẽ đi vào rừng. Vào rừng không đồng nghĩa với ẩn tu hay về hưu hoặc theo nghĩa “tiêu cực” như xưa mà là, trở về để đi vào lòng Chăm lần nữa.
Sài Gòn, 20-6-2011
Đọc bài viết này, tự dưng tôi cảm thấy nhiều nghi vấn của mình đã dần được tháo gỡ. Khi tôi đọc các tác phẩm về Chăm, dĩ nhiên, là người ngoài cuộc, tôi cảm thấy sự hào hùng của Chăm toát ra từ những câu chữ, những bài viết của các bạn và tôi cảm thấy tự hào vì đất nước mình có những tâm hồn luôn gìn giữ sự trong sáng và tôn vinh vẻ đẹp của một nền văn hoá lớn của cộng đồng.
“Freud là người Do Thái-Áo,nhẫn nhục trước chủ nghĩa bài Do Thái đang thời cao trào khi vừa bước chân vào Đại học. Ông KHÔNG cần tự hào về dòng máu Do Thái,KHÔNG cần biết đến văn hóa truyền thống Do Thái,KHÔNG mộ đạo Do Thái. Ông âm thầm học và làm việc,để cuối cùng trở thành nhà phân tâm học “có ảnh hưởng nhất không chỉ trong lịch sử cận đại mà còn trong mọi thời đại”. Lạ,ông vẫn luôn là Do Thái,trước và cả sau khi thành danh”.
Đáng lẽ ra ông Inrasara phải viết thêm như sau:
“Sau khi thành danh, không ít người từ chối mình là người Chăm. Hay nếu không từ chối, thì chỉ riêng mình là dân tộc Chăm, con lại con cháu mình HẾT nhận là con dân Chăm”.
Viết như vầy mới đúng. Nhưng buồn lắm.
Xin viết thêm:
Tôi hoàn toàn nhất trí cao với ông Inrasara ở điểm này: “vươn ra ngoài thế giới Chăm”.
Tôi xin nói thêm là, quá nhiều ông người Chăm chỉ muốn mình là số một xã hội Chăm, mà không chịu hướng ra bên ngoài. Chỉ muốn mình hơn người bên cạnh. Đó là lối nhìn CẬN THỊ. Nếu người Chăm mình cao nhất là 12 điểm, ta đạt 12,5 điểm là vuốt râu thỏa mãn rồi. Còn ở “ngoài” người ta 50 điểm mới đạt điểm VN, 100 điểm đạt điểm thế giới. Tôi thí dụ thế.
Lẽ dĩ nhiên ông Inrasara nói thì ng ta dễ cho ông thiếu khiêm tốn. Nhưng tôi dám nói rằng tác phẩm thơ của ông và về phê bình của ông (như ông nói là 2 lĩnh vực ngoài Chăm) phải nằm giữa con số 50 và 100.
Tôi là kĩ sư, cũng là lĩnh vực ngoài Chăm, tôi tự chấm cho tôi 7,5 điểm. Nói như vậy nghĩa là tôi còn ở cấp kĩ sư trung bình chỉ trong 1 tỉnh lỵ.
Các bạn hiểu rằng tinh thần dân chủ là điều mà bài viết muốn nhấn mạnh, ở chỗ phần 1. Tin tôi là thiệt thòi cho bạn.
Rất dễ hiểu.
Còn ở phần 2 là. Con dân Chăm hãy tập trung hướng ra ngoài, khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Còn bài này đưa ra ví dụ cảnh giác là, dù con dân Chăm ra sống ở nước ngoài lâu năm rồi vẫn còn mang tâm thế ao làng ở quê, cạnh tranh nhau tao hơn mầy.
Cũng rất dễ hiểu.
Đó là 2 ý chính, các linh tinh khác độc giả không đọc cũng được.
Bạn Thông Minh Vỹ nói hơi to rồi. Ai lại đi chấm điểm như vậy? Tôi cũng không dám nhận thang điểm mà bạn cho ấy. Như tôi nói: tôi cố gắng “ra ngoài đề tài Chăm”. Cố gắng và tôi đã làm được. Còn chuyện nó đi tới đâu là tùy… trời, bạn ạ.