Thư cho bạn trẻ 04

Biện chứng của khẳng định và phủ nhận

Sài Gòn, tháng 01.2006.
Bạn trẻ thân mến
Tagalau, một bài cũng rằng hay/dở khác nhau, huống chi cả tập. Phản ứng gay gắt của vài nickname ở Website về bài của Nguyễn Văn Tỷ đăng trên Tagalau4, có người tóm ý cho ông biết, ông nói không bao giờ trả lời nặc danh. Ai thắc mắc cứ viết cho Tagalau, ông sẽ trả lời tất, ngay tại đất Tagalau. Về tiểu luận “Để hiểu văn chương Chăm” trên Tagalau3 của tôi cũng vậy. “Phỏng vấn giả định” là thể loại ưa dùng của một số nhà văn Tây phương, vừa linh hoạt vừa đi vào ngõ ngách vấn đề. Ở Việt Nam, tôi là một trong rất ít người sử dụng nó. Bà con Chăm thấy lạ, không gì ngạc nhiên cả! Có kẻ còn cho tôi bày đặt tự phỏng vấn mình!
Tôi thấy Chăm trong cuộc sống thường nhật hay cười. Nó làm nên đặc tính rất đẹp của tâm hồn Chăm. Tiếc là khi viết, hoặc khi trao đổi qua lại chúng ta lại quá cứng, căng.

1. Khẳng định. Sống có nghĩa là khẳng định. Tôi luôn nhận mình là Chăm, khẳng định văn học Chăm trong nền văn học Việt Nam, tài năng Chăm trong cộng đồng các dân tộc. Không tí ti mặc cảm! Nói về anh chị em hay về bản thân cũng vậy. Vài nhận định đầy tính tiêu cực “về chuyện tự khen” xuất phát từ lối tư duy nhỏ, hẹp, rất cục bộ và nhất là – mặc cảm, cả tự ti lẫn tự tôn. Các bạn lo rằng: “Sara được tung hô quá, tặng hết giải này đến giải nọ, không khéo hắn bay mất, không còn là Chăm nữa!”. Lo – đúng lắm! Bởi có vài ca tụng làm ta ngủ quên trên “vinh quang”, ta không một lần gượng dậy để làm việc nữa.

Câu chuyện1. Năm 1998, tôi nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn ở Hà Nội về, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – ĐNÁ thuộc Đại học KHXH và NV Tp.Hồ Chí Minh, nơi tôi đang làm việc, mở buổi tiệc nhỏ gọi là mừng tin vui (nhớ trước đó, Trung tâm không ai biết tôi làm thơ cả, nếu có khoe thì họ đã biết ráo rồi). Trước 20 cử tọa, vị giáo sư thông báo nguyên văn như sau: “Khi nghe tin, tôi khá bất ngờ. Tôi nghĩ đó chỉ là do Hội Nhà văn ưu ái dân tộc. Nhưng khi đọc hết tập, tôi thay đổi hoàn toàn quan điểm: đây là tập thơ xuất sắc, rất hiện đại”.
Nêu chi tiết này, tôi muốn nói: nhiều thành tích của văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số luôn bị coi là nhờ châm chế, ưu ái. Đàng Năng Thọ, Amư Nhân, và cả tôi nữa. Trong suốt mấy năm, đã không ít vị cứ nghĩ Tháp nắng có Giải là do châm chế sắc tộc (không nên trách lối suy nghĩ này). Cả bên thiểu số hay đa số. Hầu như tất cả nhà văn dân tộc thiểu số biết và chịu đựng vậy, chứ ít ai dám nói ra sự thật đó. Mãi khi tập Lễ Tẩy trần tháng Tư đoạt giải lần thứ hai, mọi người mới ồ lên: Thằng này nó tài thiệt chứ đừng giỡn!
Có phải tất cả mọi thành quả đều là nhờ ưu ái hay châm chế không? Tiểu luận “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” được viết với mục đích đánh tan mặc cảm trên ấy. Mặc cảm thua kém của ta, về người mình, từ đó khiến người ngoài cũng nghĩ vậy về mình. Đây là đoạn cao trào: Bằng cách dẫn chứng ngay bản thân để đánh đổ thành kiến. Một trăm bài thơ [được cho là] hay của thế kỉ, có bài “Đoản khúc chiêu hồn” của Inrasara. “Không phải bởi tôi là Chăm, cũng không vì đó là đề tài Chăm”. Ở đây tiêu chí chọn là nghệ thuật, chứ không phải ưu ái hay châm chế chi chi cả! Một bằng chứng không thể nào thuyết phục hơn. Cho nên, nếu tái bản, có lẽ tôi vẫn giữ lại đoạn kia trong tiểu luận đó. Người đọc có thể hiểu lầm (đành vậy), nhưng cái được hơn cả là tôi đạt mục đích của bài viết: phá tan mặc cảm tự ti! Để đạt mục tiêu quan yếu đó, tôi chấp nhận phần thiệt! Xin trích đoạn cuối cùng của bài viết để bạn đọc tham khảo thêm:

“Ai trong chúng ta và thế hệ sau sẽ dầm mình vào dòng sông văn hóa dân tộc. Ai trong chúng ta bắt được nhịp đập trái tim dân tộc, mạch chảy của đời sống dân tộc. Ai trong chúng ta vượt qua mô đất phức cảm tự ti – tự tôn dân tộc, mặc cảm tỉnh lẻ, nhà quê hay sắc tộc?
Ai trong chúng ta quyết từ bỏ rỉ rên: khổ lắm, đời sống khó khăn lắm, hoàn cảnh lắm, bị đối xử phân biệt ghê lắm?
Ai trong chúng ta không sợ hãi thất bại, dám đọ sức với số đông xa lạ? Dám từ chối các đặc ân, ưu ái, đãi ngộ ngoài nghệ thuật, từ chối dựa hơi vào mọi loại chức danh, chức vị. Để đừng phải ngủ quên trên đám mây hư vinh xôm xốp chưa cân xứng với thực tài. Để mình được là mình, tự do và tự tại mà sống mà sáng tạo.
Chịu khiêm cung ẩn mình trong một thời gian dài, hoài thai trong bóng tối vô danh. Để rụng vào đúng thời điểm chín tới của tài năng. Tránh tình trạng đẻ non, chết yểu?
Ai trong chúng ta dũng cảm đóng lại quá khứ, dứt áo với đồng bằng quen thuộc để nhìn về trùng khơi xa lạ?
Ai trong chúng ta dám đánh liều đời mình cho nghệ thuật, cho những đỉnh núi cao vòi vọi của văn chương?
Hắn sẽ là kẻ sáng tạo, là thiên tài sáng tạo.”

Như vậy, bên cạnh vấn đề dân tộc, các nghệ sĩ ở địa phương (tỉnh lẻ), dù dân tộc thiểu số hay đa số cũng hay bị xem thường. Ai dám dũng mãnh đứng lên đạp đổ bức tường tâm lí tệ hại đó?!

Dường như ngoài Dohamide-Dorôhiêm trong Bangsa Champa có dành cho tôi lời khen trân trọng, còn lại – chưa! Riêng tôi, tôi viết về anh em nhiều hơn cả, cả bài riêng lẻ lẫn tham luận mang tính tổng kết, đến nhiều bạn Việt cho tôi ưu ái dân tộc! Dĩ nhiên – khen đúng mực. Nhưng cũng có vị Chăm cảnh giác: chú khen bọn trẻ quá, không khéo nó mang bệnh ảo mất! Nhưng tại sao sợ và tiếc lời khen? Ban tặng lời khen đúng lúc vẫn có thể động viên tinh thần, kích thích làm việc. Riêng tôi, khởi sự viết, đích tôi nhắm tới không quanh quẩn phạm vi một dân tộc hay một đất nước mà ở tầm rộng hơn, khoảng không gian lớn hơn, thời gian dài hơn . Sự vụ này, tôi viết ngay phần cuối bài “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, và nhiều chỗ khác nữa. Chính tinh thần gà què ăn quẩn cối xay sinh ra bao đố kị, chì chiết vô ích, bấy lâu.

Anh quay lại phận gà ăn quẩn
Cối xay xưa đã rệu rã dáng bồng
Đồng xu cũ xài mòn năm tháng
Tự vỗ về sau khuyếch tán mây suông

(Hành hương em, 1999).
Nhưng đó có phải là cao ngạo không? Italo Calvino:
“Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lãnh vực, nhưng không thể bị chối từ trong lãnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống khi chúng ta tự đặt ra cho mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả hi vọng của sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ, nhà văn tự đặt ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì chừng ấy văn chương mới đạt được tác dụng của nó”.
Nếu ta nghĩ nhà văn Ý này ngạo mạn, thì thà thiên hạ nghĩ tôi cao ngạo còn hơn phải từ bỏ một suy tư toàn cầu như thế, suy tư và giúp thế hệ trẻ suy nghĩ như thế.
Nghĩ thì như vậy, còn bạn biết tôi “hành động” như thế nào không? Đi vào các làng Chăm lượm nhặt từng câu ca dao, tục ngữ, để 20 năm sau có được cuốn: Văn học dân gian Chăm. Đây là tác phẩm tôi trân quý hơn cả, không phải vì nó “hay” mà nó biểu hiện trọn vẹn tinh thần hậu hiện đại: Suy nghĩ toàn cầu, hành động cục bộ! Một đoạn thơ khác:

Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành
Và con đường nằm trên bước bước chân
Con đường bạt núi ngàn thành phố
Con đường băng tìm những con đường chưa khai mở của trần gian
.
….
Bao giờ chúng ta trút gánh nặng xuống, lên đường!
Con đường băng qua buổi chiều những triều đại
Con đường vượt qua Đông phương, Tây phương
Giáp mặt với chiều sâu bóng tối
?
(Tháp nắng, viết năm 1982)
Đó là dự phóng. Còn hắn có vượt được không, và vượt tới đâu thì còn tùy tài năng và,…tùy trời. Chứ ai lại đi dự phóng làm gà què ăn quẩn! Phải không bạn?

2. Phủ nhận. Khẳng định là vậy, nhưng nhà văn phải là kẻ tự phủ định mình quyết liệt hơn cả! Đối thoại ngắn có thật với một bạn thân ở Sài Gòn:
– Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau không có gì ghê gớm lắm đâu!
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả!
– Không là gì cả à? Mầy nói thật?
– Ừ… thì mình có nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mầy cả! Không là gì sao mầy bỏ cả công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, phi lí vậy đó. Vậy, hãy sống trọn vẹn với sự phi lí ấy!

Thật tình, tôi ngại nói nó với các bạn trẻ hôm nay, các bạn chưa được chuẩn bị tư tưởng “vô bố úy”, bởi: nó rất đáng sợ. Nếu chưa được chuẩn bị tinh thần, các bạn sẽ rơi vào tâm trạng bi quan, mất phương hướng? Tôi xem thường tất cả những gì tôi viết, những nỗ lực của tôi, các công trình nghiên cứu hay tập thơ của tôi. Tôi quay lưng với chúng ngay khi chúng ra đời. Mỗi cuốn sách ra đời như nó phải ra đời, xong rồi thôi. Đó là lí do tôi rất ít hào hứng với chuyện tái bản, dù vài cuốn đã hết từ lâu. Độc giả có nhu cầu, tái bản vừa có tiền, lại thêm danh! Ngay cả Tagalau đang cật lực làm đây, và sắp tới còn tiếp tục làm nữa, tôi vẫn cứ coi nhẹ nó, mới lạ chứ!

NHỮNG NGÀY RỖNG – Ngày 1. Tôi

tôi đang làm gì là gì
nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh doanh
hay miếng giẻ rách. Kiếp trước
chắc chắn tôi là chim kiếp sau
làm loài ếch có lẽ
kêu ồm ộp ngoài mưa

trí thức không hẳn trí thức
truyền thống không thật truyền thống
thi ca vắng mặt thi ca.

tôi kêu ồm ộp trong mưa thật to
tôi đang ở đâu/có gì
lang bạt chiều Hội An Hà Nội
lạnh run đêm Kumamoto
chết đói đường phố Kandahar
tôi bay sương mù Đà Lạt

1957 tôi đẻ ở Phan Rang
năm 1257 tôi sinh tại Mĩ
Sơn ngày 20 tháng 9 đúng bảy
thế kỉ sau tôi ra đời trong làng
vô danh tận Brasil.

tôi không bay nữa và tôi không
còn phải kêu ồm ộp nữa. Tôi bước
đi

(Lễ tẩy trần tháng Tư)
Ngay từ 15 tuổi, tôi nhìn thấy con người chỉ là những thân phận li ti giữa vũ trụ, cả vũ trụ cũng bấp bênh, nói chi một cá nhân nhỏ nhoi với các thành tích bé con, nhỏ nhoi của hắn. Mọi nỗ lực rồi đều bị chìm vào lãng quên. Nền văn minh như của Champa cũng chung số phận tiêu vong. Đoạn thơ viết vào năm 1984:

…Trong điệu vũ khơi vơi
Apsara phô phang đường cong diễm ảo
Những đường cong chạm vào vĩnh cửu
Vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường

Đến Đồ Bàn cũng chịu tang thương
Người lưu lạc xô văn chương lưu lạc
Chế Bồng Nga một thời ngang dọc
Đành chìm trong vực xoáy không hư!

Kinh đô Nha trang
Xứ sở diệu kì
Đẹp nét đẹp mong manh thần thánh
Chiếc nôi ru bé-thơ-vương-quốc-Champa khôn lớn
Là chiếc nôi đưa người ngủ giấc yên.

Trở lại Phan Rang
Người xuôi Nam quến tháp xuôi Nam
Thưa-nhỏ-yếu-ớt dần, tội nghiệp!
Vương quốc ngàn năm đổ vào một cuộc
Một cuộc đau
!
(“Quê hương” trong Tháp nắng)
Bộ Văn học Chăm tôi dành 20 năm cho nó, tôi nghĩ nó cũng bị chìm khuất một ngày không xa. Làm công việc mà mình biết chắc nay mai nó sẽ bị thời gian và nhân gian vùi lấp, nhưng vẫn làm. Đó là tâm trạng của Sysiphe lăn tảng đá lên đỉnh núi để rồi nhìn nó rơi trở lại chỗ cũ; nó còn hơn thế: không để lại dấu vết! Khủng khiếp quá, phải không? Sinh mệnh của tôi, của anh, của em…
…Ngày mai tôi chết
khi rớt lại sau lưng chằng chịt dấu vết
tội lỗi và thánh thiện, đậm hay mờ
tất cả sẽ bị xóa nhòa
có lẽ cũng chả có gì trầm trọng
tôi xế bóng
.
(Hành hương em)
Nói chi mấy tập thơ nhỏ nhoi, vài ngiên cứu thấp bé! Mọi vinh quang đều là hư vinh. Từ “hư vinh”, “hư phù”, “phù du” lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt mấy tập thơ: “Từ đỉnh mây hư vinh nỗi cô đơn ném tôi rớt vào mẫu số”…

…Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt
hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó, đã ẩn mình
thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật
hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh
.
(Hành hương em)
Rồi cả giấc mơ hay cố gắng của chúng ta hôm nay, ngay cháu con ta thôi cũng sẽ bỏ mặc nó đơn côi cho sự vô thường của vũ trụ dẫm đạp bước qua. Những người đọc thơ tôi ít khi chú ý đến mảng này. Tôi cũng cố giấu kín nó lắm, nhưng nó cứ bật ra bất ngờ không thể níu lại được. Nêu tư tưởng này, tôi mong bạn trẻ xem nó như là thuốc chủng ngừa sự chán nản, đồng thời để nêu một ý khá cộm mà vài Chăm hay ngộ nhận Sara: luôn nghĩ tác phẩm mình ngon, từ đó vểnh râu hãnh diện. Đúng ra, tôi đã rất xem thường nó, xem thường nó còn hơn bất kì ai khác. Cho nên chớ có so sánh tôi với bất kì ai khác. Không thể so sánh được. Không phải cao, hay bằng hoặc thấp hơn mà hắn không có ở đó để so đo. Hắn đã lãng sang mặt khác: biến thành Ma Hời từ lúc nào rồi!
Nhưng dù gì đi nữa, vẫn phải làm việc, phải không?

3. Biện chứng. Các bạn coi đây như thứ thuốc chủng ngừa cần thiết. Biện chứng pháp của Hegel thuộc phạm trù triết học, một khoa học về/của triết lí; nó thuộc suy luận của lí trí. Biện chứng chúng ta đang thảo luận thuộc phạm trù Đạo học (có thể gọi như vậy) nghiêng hẳn về linh hồn; nó thuộc sự minh triết của tinh thần; không suy biện duy lí mà cần một trực cảm của tâm hồn mới đón nhận được nó.
Khi trực cảm được con người là những sinh thể li ti yếu đuối dễ bị quét sạch khỏi trần gian đang sống lúc nhúc trên mặt đất cũng rất bấp bênh có thể bị nát bấy bất cứ lúc nào khi đụng phải muôn ngàn hành tinh khác giữa vũ trụ vô thường: chúng ta thấy nó mỏng manh biết bao! Khi chúng ta trực cảm thế giới vô tình, tự nhiên vô tình sẵn sàng dẫm đạp bước qua mọi nỗ lực của con người, mọi “khai phá” của các nền văn minh nhân loại: chúng ta chán nản, bất lực và, thấy cuộc sống phi lí biết bao!
Vậy mà chúng ta cứ sống, cứ làm việc…Bi kịch xảy đến giữa tâm hồn chúng ta. Một bi kịch vừa mang tính siêu hình vừa mang tính xã hội. Nỗi kinh hoàng ập đến.
“Cảm thức xao xuyến – angoisse, là một khám phá lớn của triết học thế kỉ XX. Các triết gia hiện sinh cho rằng: “trong sâu thẳm tâm hồn con người chúng ta có nỗi xao xuyến nền tảng, một khoảng trống nơi mà tất cả những hình thái âu lo và bất an tuôn trào (…) Nỗi xao xuyến đó thình lình đến với chúng ta khi chúng ta đang mơ màng, tách lìa thế giới; chúng ta vùng thức giấc giữa đêm tối (…) Thường chúng ta cố tránh né kinh nghiệm này vì nó gây đau đớn và chia xé (…) Phật giáo cho rằng không bao giờ chúng ta có thể sung sướng, hạnh phúc trước khi chúng ta chiến thắng được nỗi xao xuyến nền tảng này…” (E. Conze, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật).
Chúng ta đứng một mình cô độc, chơi vơi không nơi nương tựa. Hoang mang cực độ. Chúng ta thấy mình bỗng chốc rơi vào nơi chốn trống không mà Đức Phật gọi là “vô sở trụ”: không nơi bấu víu; nhà thơ Đức Rilke đặt cho cái tên: “Không có quê hương trong thời gian”. Khi khám phá (hay cảm nhận) sự kiện siêu hình này (rất hiếm hoi, chỉ con người có khuynh hướng trầm tư mới may mắn/rủi ro giáp mặt được với nó), người ta có thể có những hành vi không thể lường được. Rời bỏ ngai vàng, như Đức Thích Ca Mâu Ni; nhảy cầu sông Seine; ôm bom lao vào đám đông để khủng bố; hoặc lang thang vô định như Bùi Giáng,…Ba ông bạn Chăm của tôi cầu cứu đến chai thuốc độc: cầu bình an cho linh hồn họ! Một số con người may mắn hơn hay, có một số tố chất nhất định, đã vượt qua được thử thách tâm linh này để trở lại làm con người bình thường.
Hắn thấy tội nghiệp cho những con người quan trọng hóa vài thành tích bé con hư phù nơi cõi người quá phù du này. Tội nghiệp nhưng không khinh bỉ. Hắn xem thường các thành quả, công việc của chính hắn nhưng hắn vẫn tiếp tục làm. Vì đó là định mệnh của hắn. Hắn có thể đối thoại với những con ma mà không vấn đề gì cả; bởi hắn cũng chính là con ma: Ma Hời!
Hoelderlin: Chúng ta là những con ma…
Heidegger: Con người vừa sinh ra là đã đủ già và chết…
Từ cõi chết, hắn trở về với cõi sống tạm bợ, phù du. Hắn thấy cuộc sống đáng yêu làm sao, những khuôn mặt đáng yêu làm sao, các công việc dẫu bé con cũng đáng gánh vác làm sao! Hắn không muốn bỏ cuộc nữa. Hắn thấy tất cả đều có lí do tồn tại. Mỗi sinh thể có mặt đều có lí do, mỗi tác phẩm, mỗi công việc, mỗi động thái,…Và hắn cảm tạ cuộc sống:

Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn
nằm ngoài chân trời đếm đo được/mất
tạ ơn làm cho ta lớn lên
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư)
Một tứ thơ rất đơn giản. Nhớ cách đây 5 năm, anh em Chăm đọc tập Hành hương em, không hiểu, đã tổ chức một buổi gặp mặt mời tôi nói chuyện. Tôi nói, anh em đừng suy luận đâu xa xôi, thơ nằm ngay đó thôi, cạnh chúng ta – hàng ngày. Tạ ơn thì không so đo tính toán được/mất. Không hơn thua. Mỗi ngày khi chúng ta mở mắt nhìn mặt trời là một ngày linh thánh, một ngày đáng sống. Hãy biến ngày đó thành cuộc lễ của cuộc đời. Còn nếu chúng ta tính toán chi li, thì chính nó biến chúng ta ngày càng trở nên bé nhỏ, vụn vặt, lắt nhắt. Tâm hồn chúng ta không thể lớn được, dù ghế ta giữ có to tới đâu, bằng cấp cao cỡ nào, thành tích vĩ đại ra sao đi nữa,…

Quỳ gối trước đoá hoa dại nở đồi trưa
tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt
tạ ơn câu thơ viết từ thế kỷ trước
giọng cười xa, nụ hôn gần.
Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai

Dẫu không là cái đinh gì cả / tôi vẫn cần thiết có mặt
vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư)
Tôi không là cái đinh gì cả, nhưng tôi xin tạ ơn tôi, như tạ ơn anh em bạn bè, xa hơn – tạ ơn tổ tiên. Đó chính là ý nghĩa của vô nghĩa. Triết lí mà để làm gì trong cuộc đời tai ương này, trong thời đại chạy theo lợi nhuận này? Trong lúc Chăm vẫn còn nghèo khổ, với khối chuyện cần lo, cần làm? Đây là câu hỏi không chỉ đặt ra cho Chăm; ngàn năm trước và đến tận thế, câu hỏi trên mãi đặt ra cho nhân loại!
Quan niệm bi kịch Hi Lạp, theo Nietzsche, như một liều thuốc ngừa bệnh. Con người phải được tiêm chủng trước ở bi kịch trên sân khấu, để sau đó đủ sức đối phó với bi kịch thật trong cuộc sống, khủng khiếp ngàn lần hơn. Triết lí là cái gì còn cao hơn kịch nghệ. Nó giải phóng tâm hồn con người tránh khỏi tinh thần cố chấp, hẹp hòi, trả thù vặt,…Nó nâng tâm hồn con người lên khỏi những ràng buộc của lo toan thường nhật. Sống hân hoan và, tin tưởng. Dù gì đi nữa, cũng phải làm việc và sáng tạo.

Châm ngôn tôi (từng dùng), xin gởi cho các bạn trẻ Chăm:
H.Miller: “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *