Thư cho bạn trẻ: Lối nhìn mở

Sài Gòn, 30-5-2009.
Bạn trẻ thân mến!

Chăm quá ít, sống chung đụng trong một không gian chật hẹp, va chạm nhau là điều khó tránh.
Tagei dalah sibơr klah di kaik gơp – Răng với lưỡi làm sao khỏi cắn phải nhau.
Tuy vậy, vài chục năm qua, dù ta đã tản ra làm ăn, buôn bán và làm việc ở nhiều tỉnh thành, nhiều nước khác nhau – ta vẫn vứ va chạm. Tại sao? Đơn giản: Chúng ta vẫn chưa từ bỏ lối nghĩ hẹp, hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp, đóng. Mặc dù về mặc tình cảm, Chăm chân tình và tốt.

Ở quê…
Làm nông, ta vẫn cứ lúa với bắp, cứ phải sắm máy cày, nên khi bên kia được bên ta không hay mỗi trăm mẫu ruộng mà có đến 4 cái máy phục vụ, thì có vấn đề. Hoặc khi ta biết làm nho, trồng rau muống hay sắm máy gặt, thì đồng loạt ta bắt chước nhau thành ra dư thừa và ế ẩm. Lại tiếp tục kèn cựa. Tại sao ta không chịu làm chuyện khác: bán vé số hay hớt tóc, sửa xe honda,… chẳng hạn? Ngon lành hơn, ta sáng tạo ra ngành nghề khác đáp ứng nhu cầu cộng đồng để có thu nhập mà không bị cạnh tranh?
Làm thổ cẩm, ta ít biết sáng tạo mẫu mã mà cứ bắt chước mẫu mã của nhau, nên sinh chuyện. Hoặc ta không chịu khai phá vùng đất mới hơn, tìm các đối tác ngon lành hơn, mà cứ theo chân nhau đến bỏ chính mối đó, chỗ đó, ta thi nhau hạ giá, lỗ là cái chắc!
Yêu cầu đầu tiên: biết làm khác để tránh tối đa việc đụng hàng hay giậm chân cẳng nhau. Nó tạo điều kiện cho tình cảm đúng nghĩa cơ hội phát triển.

Vào thành phố…
Sao ta không theo ngành nghề khác mà cứ dân tộc học, ngôn ngữ, văn chương? Để phải giậm chân nhau! Từ đó dễ tạo ra sự so sánh và đố kị. Ta yêu nhau, nhưng cứ giậm chân nhau, cứ phải đụng hàng. Nghề báo Chăm chưa có ai theo; phim ảnh, khoa học tự nhiên chuyên sâu, kinh doanh mà không đóng khung những gì Chăm có (thổ cẩm, gốm,…) nữa.
Một người Chăm làm nghề điện rất tốt. Đang ngon lành, ai dè một nhân viên trong công ty tách ra làm riêng – chuyện này chẳng có gì sai quấy cả. Phiền nỗi là tay này cạnh tranh với chính ông chủ cũ của mình chỉ bằng mỗi cách nói xấu và phá giá! Phá giá trong chính khu vực hoạt động của công ty cũ. Tại sao không nâng cao tay nghề? Tại sao không tìm đất khác để hành nghề? Đấu đá với người ngoài trong thế giới rộng lớn, chứ không cần liếc xem Chăm bên cạnh nghĩ gì, làm gì.
Ta làm các nghề hoàn toàn không dính dáng đến Chăm nhưng ta vẫn nhận ta là Chăm, vẫn yêu thắm thiết Chăm, vẫn có thể giúp cộng đồng phát triển.
Yêu cầu thứ ai: dám phiêu lưu tìm cái mới lạ, xông vào các lĩnh vực mà chưa Chăm nào làm. Đức tính dũng cảm như thế cần được khẳng định.

Ra ngoài nước…
Tại sao cứ K, Kh, G,… hay hết Glơng Anak với Dewa Mưno mà cãi vã, cáo giác nhau? Ngoài đó còn bao nhiêu điều để chiến đấu với bao dân tộc khác mà! Ta vẫn có thể là diễn viên điện ảnh xuất sắc, có phim truyện về đề tài dân tộc mình, từ đó ta quảng bá hình ảnh Chăm đến với thế giới bao la. Tạm đưa một ví dụ thế.
Ngay chuyện văn hóa dân tộc thôi, đâu phải cứ văn chương, lịch sử, ngôn ngữ,… mà chì chiết nhau. Y học dân tộc tộc, âm nhạc,… vẫn còn bỏ trống! Nếu ta tập trung vào chúng, có công trình khoa học đồ sộ về chúng, chẳng phải có ích cho Chăm và nhân loại hơn ư?
Còn ví ta lỡ yêu ngôn ngữ và văn chương Chăm, có phải cứ chịu tự nhốt trong nghiên cứu hay nhận định không? Sao không dịch các tác phẩm lớn nhất Chăm ra tiếng nước ngoài để giới thiệu nó đến với độc giả quốc tế? Dịch thật hay, chứ không phải dịch mang tính “nghiên cứu khoa học”. Bởi dịch không hay, ma nào mà chịu đọc, ngoại trừ vài nhà khoa học đọc để tiếp tục làm khoa học hay sinh viên đọc để làm luận văn tốt nghiệp, ngoài ra chẳng ai hay ai biết.
Yêu cầu cuối cùng: dám thách thức với cộng đồng lớn, để khẳng định và khuếch trương hình ảnh Chăm ở tầm cao hơn. Đây mới là đức tính kiêu hãnh đúng nghĩa.

Tôi gọi đó là lối nhìn mở.
Nhìn mở, trí ta rộng hơn, lòng ta nhẹ hơn, tâm hồn ta khoáng đạt hơn, và nhất là: sự nghiệp ta sáng chói hơn.

Thân mến
SARA.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *