Thư cho bạn trẻ 06. Bí quyết…

Vài điều tạm gọi là bí quyết thành công

Sài Gòn, tháng 4.2006
Bạn trẻ thân mến
Một trải nghiệm 30 năm, khá riêng tư. Kể vui và, nghe vui. Kinh nghiệm nào bất kì, có thể chỉ có ích cho kẻ này nhưng chưa hẳn với kẻ khác, thậm chí gây trở ngại nữa! Bà con anh chị em nào thấy có lợi thì nghe, còn không – xin cho qua.
Trong các cuộc nói chuyện về văn chương-chữ nghĩa, câu hỏi thường xuyên bạn đọc đặt ra với Sara: Xin hỏi, dường như nhà thơ hoạt động nhiều lãnh vực mà lãnh vực nào cũng thành công; nhà thơ vui lòng cho biết bí quyết. Nói có thành công thì to quá, nói không thì bị cho là giả vờ khiêm tốn: ở sao cho vừa lòng người? Các bạn đã hỏi, nên tôi cũng phải đáp ứng, rải rác đây đó. Tạm đúc kết: không có bí quyết nào cả!

1. Cuộc đời là cuộc vui. Chúng ta được ban cho thể xác và linh hồn đồng đều, có quỹ thời gian bằng nhau. Vậy, ai suy tư đúng về cuộc đời, biết vận dụng thời gian hợp lí, kẻ đó sẽ có thành tựu. Tôi có vài quan điểm:
Không quan tâm chuyện thiên hạ nghĩ hay nói về mình. Nếu có – giải quyết một lần rồi thôi. Tôi không dằn vặt bởi í tưởng ám muội đen tối nào đó; không đau khổ bởi tiếng chê vu vơ; còn với lời khen tặng hay giải thưởng, cứ vui thích, nhưng hãy quên nó ngay vào sáng hôm sau!
Không chú í chuyện vặt vãnh ngoài lề. Các loại ghế quan trường, chức hiệu trưởng, chủ tịch xã hay học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư hoặc danh vị nhà văn, nhà nghiên cứu… có thể rất quan trọng với kẻ khác (chẳng có gì đáng chê trách cả); riêng tôi: tuyệt không.
Không cố chấp vào một thứ gì đó. Cuộc đời mênh mông, bao nhiêu là chân trời cho ta thi thố, chứ cãi cọ trong đám ruộng chật hẹp mà chi. Ví có ai chê tôi về thơ, tôi còn có vài thứ khác để mà kiêu hãnh: công trình khoa học hay lí luận-phê bình, hoặc món câu cá hay gì gì nữa…, chứ mặc cảm làm gì cơ chứ!
Làm việc vì niềm vui thôi, chứ đừng vì tiền. Năm nay tôi được đề nghị 3 “chức” văn chương, 2 chức không tiền, chức còn lại được trả lương khá cao. Họ cho là, chỉ có tôi đảm đương được. Bạn bè rất hào hứng, muốn tôi nghiêng về ghế có tiền. Ngược lại, tôi chọn 2 “chức” trước. Nơi nào có hơi đồng, tôi tránh rất xa. Ở đó bao nhiêu là hệ lụy triền phược.

2. Sức khỏe. Cuộc sống bạn tùy thuộc vào cái bao tử của bạn.
Tôi thường xuyên tập thể dục: 15-20 phút/ngày. Không bỏ ngày nào. Chớ yêu cầu cao hay kì khu, có thể tập bất kể đâu trong bất kì điều kiện nào. Tôi còn là đồ đệ trung thành của môn yoga. Yoga luyện sức chịu đựng của lưng, luyện tâm bạn không bị xáo động trước mọi sự biến.
Giấc ngủ nữa – tối quan trọng. Ngủ sâu. Tôi có tật đặt mình xuống là ngủ. Ngủ – thức đúng giờ. Không phải tính toán trả thù ai cả. Có vài kẻ hả hê khi chửi một ai đó. Ừ, cứ cho họ sướng trong địa ngục tâm của họ. Dù chuyện đời nghiêm trọng tới đâu, hãy để ngày mai lo cho ngày mai; chuyện riêng tư rối rắm thế nào đi nữa, hãy vứt sau lưng mà bước vào giấc ngủ. Bà xã rù rì đã đời, quay sang thấy tôi ngủ êm ru lúc nào không hay! Sáng mai, nhẹ nhõm bước vào ngày mới, lại chào mặt trời mới.
Tạ ơn đời. Và sống. Và làm việc.

3. Học. Làm sao học được nhiều nhất?
Do quỹ thời gian ít, nên tôi chỉ học (đọc đi đọc lại) tuyệt tác của nhân loại mà thôi. Các bậc thầy tư tưởng và văn học của tôi là: Đức Phật, Long Thọ, Khổng Tử, Hồng Lâu Mộng, Trang Tử, Heraclite, Platon, Aristotle, Kant, Nietzsche, Whitman, Husserl, Jaspers, Heidegger, Faulkner, H.Miller, Dostoievski, Tolstoi, Camus, Char, Derrida, Foucault, Rilke, Hoelderlin, Goethe, Tư Mã Thiên, Krishnamurti, Đỗ Phủ, Thiền tông, Suzuki, Wittgenstein, …Đó là tên tuổi ảnh hưởng quyết định đến suy tư và hành động tôi. Các tác giả khác, tôi đọc để làm việc là chính.
Hoặc tôi học ở những con người vô danh. Năm 2002, hơn 30 văn nghệ sĩ Sài Gòn đi thực tế Cần Thơ; điều ngạc nhiên là đại đa số thích quanh quẩn phố xá hay tìm gặp anh em văn chương địa phương hàn huyên; riêng tôi tình nguyện đi vùng nông thôn xa nhất, ở lại nhà nông dân, lắm lúc bỏ cơm khách sạn. Những con người bình thường đã dạy tôi rất nhiều. Tập thơ mới nhất nửa phần được gợi hứng từ: Chuyện người đời thường.

4. Làm. Làm việc thế nào hiệu quả nhất?
Thường bị cho là thông minh, nhưng tôi không tin vào nó cho lắm. Ngay từ cấp II, tôi học các thứ ngoài chương trình là chính, những điều không được dạy trong lớp, chứ ít khi bám sách vở: ngôn ngữ Chăm, thơ ca, triết học, yoga, …
Làm việc chưa đủ, cần có phương pháp. Nhớ rằng, bất kì công việc nào, có rất ít phương pháp tốt dẫn đến thành công; trong rất ít này, chỉ có một phương pháp tốt nhất. Vạch mục tiêu rõ ràng, phân thời đoạn cho chương trình ngắn và dài hạn. Và hãy làm thật, chứ đừng tỏ vẻ ta đang làm việc, với kẻ xung quanh. Giới văn nghệ sĩ hay mắc phải tật này.
Làm việc theo chương trình chứ không theo tâm tính. Làm một việc nào đó cho xong. Hãy viết cuốn sách bạn đang viết, làm công việc bạn đang làm.
Thay đổi công việc, nhưng biết xác định đâu là việc chính. Bỏ dở nửa chừng một công việc tạo cho chúng ta thói quen lần lữa.

Chuyện vui. Mùa hè năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trại Sáng tác ở Vũng Tàu, quy tụ 18 nhà văn ưu tú từ khắp tỉnh thành. Mọi người gặp nhau giao lưu là chính. Tôi với Nguyễn Quang Hà thách vui: anh tiểu thuyết, tôi tập thơ. Và phải hoàn thành trước đóng trại. Cuối cùng, như dự định: tập Lễ tẩy trần tháng Tư được viết dòng cuối tại Trại đó. 2 ngày còn lại, anh em tôi tự thưởng bằng vài cuộc vui đáo để. Tôi gọi đó là kích thích sáng tạo trong cuộc cạnh tranh lành mạnh!

5. Chơi. Làm việc cật lực nhưng vẫn tận hưởng cuộc đời.
Nghỉ ngơi bằng cách thay đổi công việc. Tôi xem thay đổi công việc là cách chơi tích cực. Nghiên cứu mỏi, tôi quay sang lí luận văn chương và làm thơ. Triết lí bế tắc, tôi chơi bằng cách học vẽ. Thuở khó khăn, cày ruộng oải – tôi xách cần câu xuống sông. Tôi thường xuyên theo dõi bóng đá, quyền anh, trượt băng nghệ thuật, tennis,… Trong khi thưởng thức chúng, tôi ghi chép các í tưởng nẩy ra bất chợt.
Biết chơi rèn cho ta không trầm trọng hóa vấn đề. Mọi thứ trên đời đều rất đáng pha.
Chả có gì nghiêm trọng cả!

6. Vượt lên chính mình. Nietzsche: “Học trò sẽ phản bội thầy khi mãi chỉ làm học trò”. Và Aristotle: “Tôi yêu Platon, nhưng tôi yêu chân lí hơn”. Tôn trọng và kính thầy (thầy đúng nghĩa thầy), nhưng hãy luôn nghĩ cách vượt qua thầy và các bậc thầy. Tại sao bạn không thử làm khác cái mình được dạy ở nhà trường? Tại sao bạn không thử khai phá một lối mới, hoàn toàn không nằm trong sách vở?
Trước khi làm cái gì, tôi luôn đặt trước tôi câu đó.
Chẳng những vượt thầy thôi, bạn cũng cần vượt qua chính mình. Đây là điều khó. Không vượt mình nên, nhiều nhà thơ chịu định mệnh nhà thơ-một bài hay nhà thơ-một tập. Nhà thơ xác lập được một phong cách đã khó, vượt mình để tìm phong cách mới cho thi phẩm kế tiếp thì khó trăm lần hơn. Tôi luôn nỗ lực tạo phong cách mới cho mỗi tập thơ (thành công hay không thì còn tùy): Lễ tẩy trần tháng Tư khác hẳn Tháp nắng; Chuyện 40 năm... không còn dáng dấp phong cách của các tập thơ trước đó.

Mặt trái của nổi tiếng. Tôi được cả thảy 15 giải thưởng lớn/bé! Hơn 200 bài viết và phỏng vấn, 9 phim riêng,… Tôi đọc say sưa các bài này, cạnh đó còn sưu tầm và lưu giữ nữa. Thế nhưng tôi hoàn toàn không quan trọng chúng. Chuyện như đùa: tôi còn chả phân biệt nổi cơ quan trao giải cho tôi nữa là. Giải thưởng dành cho Văn học Chăm II, lâu nay cứ ngỡ của Ban văn học Dân tộc thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, 9 năm sau có bạn văn nhắc, tôi mới biết nó là của Hội đồng Dân tộc – Quốc hội khóa IX, mới chết chứ! 12 năm, tôi có thể đúc kết cái vụ nổi tiếng của mình thành một mệnh đề ngắn gọn: rất mất thì giờ! Từ đó tôi quyết:
– Hạn chế quan hệ điện thoại với cánh báo chí, chỉ gặp khi không thể tránh.
– Hạn chế tối đa quan hệ với người trong giới (tôi có tiểu luận: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo): toàn chuyện cà kê; còn với anh em Chăm, tôi giữ quan hệ mang tính tình cảm đồng tộc.
– Trong cuộc tiệc, tôi luôn tìm cách rời bàn nhậu càng sớm càng tốt!

2 thoughts on “Thư cho bạn trẻ 06. Bí quyết…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *