Triển lãm Không gian Văn hóa Chăm & Festival thơ ở Huế
1. Không thể về quê làm phim cho VTV1 về Vai trò đàn ông Chăm trong xã hội ngày nay. Lưu Khánh kêu: chết em đó! Nhưng không sao, Sara xuất hiện quá nhiều rồi, hãy dành đất cho nhân vật khác. Khánh nói anh Inrasara là nhân vật chính dẫn truyện từ đầu đến chót phim, không thể không về. Nhưng rồi mình cũng không về. Mình giới thiệu bác sĩ Lai thay thế. Và khi đang Hà Nội, bạn phone bảo phim đã trình chiếu, có cả anh Sara trong đó!
Sắp tới có đến 3 phim về Inrasara nữa chớ!!!
* Đang diễn để chuẩn bị làm phim sắp tới.
2. Sáng 26-5 Hani và Jaya bay ra Hà Nội trước 2 ngày, chuẩn bị cho triển lãm. Cuộc này suýt nữa bị đình chỉ do sự thiếu sâu sát trong tính toán. Họa sĩ Lê Thiết Cương bảo: hai anh Văn Thành với Sara nghệ sĩ quá xá! Nhưng rồi, triển lãm Không gian văn hóa Chăm cũng đã thành hiện thực. Trưa 27-6 khi mình bay ra tới nơi thì coi như các khâu chuẩn bị đã đâu vào đấy.
Vị trí dành cho Không gian Văn hóa Chăm có thể nói đẹp nhất Hà Nội. Rộng thoáng, sạch sẽ và ít xe cộ. Khu trung tâm dành cho triển lãm thì hơn cả tuyệt vời, như cách nói thời thượng của các MC trên Đài. Đây là kiệt tác của nhà kiến trúc hàng đầu châu Á, giới chuyên môn đánh giá vậy. Kiến trúc mái vòm cách điệu độc đáo đó lại được bàn tay của họa sĩ hàng đầu Việt Nam đương đại Lê Thiết Cương động đến, đã tôn vinh nét đẹp của văn hóa Chăm lên đến mức cao nhất có thể. Sản phẩm gốm và thổ cấm cùng sách Chăm các loại có mặt đầy trang trọng. Đã có người chê triển lãm ít hàng quá, không gian thừa nhiều chỗ khiến văn hóa Chăm trông có vẻ nghèo nàn. Mình bảo: Hani mang đến gấp năm lần thế này. Nhưng cần tôn trọng sự sắp đặt của họa sĩ nhà nghề.
Trào với Y dân Caklaing vừa triển lãm xong ở Thái Nguyên về nhập cuộc. Cả Bá Minh Triều – Hamu Tanran đang công tác bên VTV tiếng dân tộc nữa. Anh chị em Chăm có nhau là ấm áp, vui vẻ.
Ban tổ chức mãi lo ngại cuộc Triển lãm đụng hàng nhiều hội nghị dễ xảy ra tình trạng ế khách. Nhưng không! Từ 3 giờ chiều, mình đã bị bao vây bởi bao nhiêu là báo. Trả lời phỏng vấn đến rát họng. Trả lời trước cả cuộc Họp báo diễn ra một tiếng đồng hồ sau đó. Phiền nỗi, là trong thời gian Họp báo, nhà báo không chịu hỏi chung mà cứ giành phần hỏi riêng. Mấy chục loại báo. Thêm Đài truyền hình nữa. Sau giờ Khai mạc 5 giờ chiều cũng vậy. Thế là buộc phải trả lời đến 9 giờ tối mới được về… ăn cơm chiều. Mình đã kinh nghiệm về các cuộc này, nên đã chuẩn bị trước cho cái bao tử: luôn ăn trước giờ nhập cuộc.
Đây là cuộc triển lãm văn hóa Chăm tập trung đầu tiên diễn ra tại thủ đô. Trước đó, cũng có vài cuộc nhưng lẻ tẻ, hay chỉ triển lãm chung và mang tính hội chợ hay phong trào. Con đây là làm thật. Hoành tráng. Làm thật, với con người Chăm thật, sản phẩm thật,… nên nó đã thu hút đông đảo khách tham quan – những vị khách thật.
3. Tối 31-5, cả cuộc nói chuyện về Văn hóa Chăm cũng vậy. Chị Thái Thanh phụ trách chính cứ lo cho ế khách. Mình bảo không vấn đề gì cả đâu. 20 người là tốt rồi. Nếu chỉ 5-6 người đến mình cũng sẽ phục vụ trang trọng. Mình bắt đầu bằng câu thơ của Szymborska: “Buổi đọc thơ của tôi có 12 người tham dự. 6 người là thân nhân tôi, số còn lại là khách trú mưa”. Nhà thơ đoạt Giải Nobel văn chương đã thế, huống chi. Và bà vẫn hào hứng đọc. Giữa vô vàn sinh linh, có được vài người quan tâm vấn đề ta đổ công sức thì không đáng quý sao?
May, cuộc nói chuyện lôi cuốn được con số từ 40 rồi dần dần lên 50 người đến nghe. Một con số rất lí tưởng. Inrasara với văn hóa Chăm chứ có phải Lam Trường với ca khúc thịnh hành đâu!
Mình nói về Chăm là gì? Dòng máu Chăm đang luân lạc nơi đâu? Đâu là dấu vết Chăm giữa lòng Hà Nội? Chăm đã đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, hôm qua và hôm nay? Đời sống của người Chăm ngày nay ra sao?… vấn đề đặt ra bao nhiêu câu hỏi với khách thính. Chúng cũng nhận được nhiều nhiều phản hồi thú vị. Hơn mươi câu hỏi đặt ra với Sara. Các trả lời có vẻ chưa thỏa đáng. Bởi dẫu sao chỉ trong hơn tiếng đồng hồ “đối thoại” với cả nền văn hóa như thế, thì không thể đòi hỏi hơn. Hẹn các bạn dịp khác vậy.
Sau đó là phát biểu của Tiến sĩ sử học Shine, Tiến sĩ văn học Nguyễn Phạm Hùng, và cuối cùng là Giáo sư – nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến.
Giữa cuộc là màn múa truyền thống của Hani. Tuổi đã quá 60, nhưng bà nó vẫn múa dẻo như thuở hai mươi vậy, – mình đùa bà xã. Dẫu không có nhạc sống (chỉ mở băng thu sẵn) và dù thiếu không gian cho múa tập thể phụ họa như dự định, nhưng Hani vẫn đầy cảm hứng và nhiệt tâm như nghệ sĩ chính hiệu. Chăm là vậy. Quý ông Chăm không biết hát là không phải Chăm; người nữ Chăm không biết múa thì cần thử lại ADN! Ai đã nói thế?
4. Sáng 1-6: Đi tàu lửa vào Tam Kì. Gặp ai? – Không gặp ai cả, mình bảo các bạn như thế. Bởi nếu không có ai để gặp thì mình đi gặp… Tháp Chàm. Nhưng rồi thì cũng có nhiều người để gặp, để tán dóc. Bài phỏng vấn đăng báo Quảng Nam cuối tuần về các vấn đề xung quanh di tích Chăm ở vùng đất này được Lý Đợi phone đánh giá là ngắn nhưng đã nêu được nhiều í then chốt.
Trưa hôm sau, đi xe đò ra Đà Nẵng. Trưa nắng, khách sạn Bạch Đằng kín phòng, mình phải bảo xe ôm chạy sang khách sạn nhỏ nằm sau Bảo tàng Chàm Đà Nẵng. Chờ Lê Vĩnh Tài ở Buôn Mê Thuột xuống, mình tạt vào Bảo tàng chiêm ngưỡng lần nữa nghệ thuật điêu khắc của tổ tiên. Đà Nẵng thì quá nhiều khuôn mặt quen rồi. Thế là kéo nhau từ quán này đến nhà hàng nọ. Cà phê với lai rai. Trần Thiên Thị, Trần Tuấn, Đoàn Minh Châu, Hồ Trung Tú, Liêu Thái, Đỗ Phước Tiến,…
5. Trưa 5-6: ra Huế cùng Tài trên xe nhà của Bảo Thi. Festival mênh mông câu chuyện.
Cùng nhà thơ Lê Vĩnh Tài và Nguyễn Tiến Văn thăm Trung tâm văn hóa Huyền Trân. Sau đó là Khu di tích lịch sử Chín Hầm, nơi giam tù nhận của chế độ Ngô Đình Diệm.
Chiều 6-6, Hội thảo Thơ đến từ đâu? do Hội Nhà văn Thừa Thiên – Huế và tạp chí Sông Hương tổ chức tại Văn phòng tạp chí. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn vào mình, hai lần mời. Mình phân tích phần được và thiếu khuyết của chuyên luận Thơ đến từ đâu? Sau đó, nói về tâm thức hậu hiện đại của nhà thơ hôm nay. Có vài í kiến hỏi mở rộng cùng vài chất vấn nhỏ. Hai í kiến bảo thủ được nói lên, rồi là vài phản bác. Sau đó khi Nguyễn Tiến Văn đệm theo quyết liệt, thì… hết chuyện.
Dư luận hành lang cho là phe bảo thủ thất thế và phản bác yếu ớt như vậy là rất… khá. Hai ông đẩu đâu từ xa đến mà ăn nói to tát như thế, thì dân địa phương ít khi chấp nhận. Lại thuyết về phong trào thơ ngoại biên nữa, ai mà chịu cho thấu. Vậy mà rất nhiều nhà văn, nhà phê bình cỡ bự của xứ kinh kì đã nín lặng là coi như cuộc hội thảo đã thành công tốt đẹp rồi.
Mình thì nghĩ khác. Inrasara đã quá quen thuộc với lớp nhà văn kì cựu xứ Huế. Thêm: trước khi vào cuộc, anh chị em tay bắt mặt mừng. Và dù gì thì mình cũng là dân chính thống được các tổ chức chính thống công nhận rồi. Nhất là, Festival làm cho nhau buồn lòng mà chi. Chứ cõi văn chương thì có ai chịu ai đâu, nhất là về khía cạnh mĩ học sáng tác.
Tối, nhà thơ trẻ từ 5 tỉnh thành khác nhau diễn đêm Thơ trình diễn. Đây là nét lạ và mới tại đây. Có cả Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên của Chăm dự cuộc. Trục trặc kĩ thuật, muộn mất một tiếng hai mươi phút. Thêm mưa lắc rắc. Mình lẻn về khách sạn một mình xem chung kết Giải Paris mở rộng Nadal – Soderling, bỏ đêm Thơ trình diễn, bỏ cả cuộc Du thuyền trên Sông Hương.
Chiều 7-6, bay vào Sài Gòn.
Sài Gòn, 11-6-2010.
Anh Sara,
Hôm nay KP mới đọc bài viết nầy trên website của anh. Có những chi tiết rất thú vị về văn hoá Cham, về nhà thơ SZymborska. Nhưng Kp “phê bình” Sara mấy chi tiết sau:
– Các ý kiến chất vấn nhỏ và ý kiến đối lập, “bảo thủ” với Sara trong Hội thảo “thơ đến từ đâu” là gì, tại sao không thấy được nêu?
– Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói Sara và anh Văn Thành “nghệ sĩ quá” là hàm ý “trách yêu”, vì vụ việc gì, nếu không nói thì sao bạn đọc hiểu được?
Nếu tường thuật theo cách nầy của Sara, sẽ thấy sự việc có phần giống như báo cáo thành tích của thời bao cấp ngày xưa, tuy có thiên tai địch hoạ nhưng tóm lại là thắng lợi giòn giã.
– Một chi tiết không chính xác: nhà thơ Trần Nghi Hoàng không nói là “Mình chưa 1 lần lần được nói nhưng bạn Sara phát biểu nhiều”, cứ theo cách thức của TNH thì có lẽ ông ta sẽ nói thế này, “tôi chả mắc mớ chi mà nói, ông thì hăng hái thế”
Hihi…
Dạ thưa KP
Chuyện như vầy. Mình quen ghi Nhật kí mỗi ngày. Từ năm 15-17 tuổi. Có ngày 2-3 dòng, có ngày đến nguyên trang vở học sinh. Vào Sài Gòn càng ghi bạo. Mãi khi có Web, bên cạnh Nhật kí mình còn thêm Ghi chép. Ghi chép chủ yếu để GỢI NHỚ cho “sáng tạo” của mình ngày mai. Vì sẵn có Web, nên nghĩ đăng lên cho bà con đọc để biết đại khái và vui. Mỗi tháng 1-2 kì, do đó nó cực vắn tắt. Chỉ chi tiết nào thật đắc địa mới đưa lên. Và vì ghi nhanh nên nó đầy lổm cổm. Đăng lên, có vài bạn vỗ tay ủng, tưởng ngon ăn nên 3 năm nay cứ thế mà làm tới.
Về Ghi chép tháng 5-2010, vài chi tiết bạn nhắc là vầy:
– Lê Thiết Cương quạo thiệt chứ không trách yêu mến gì đâu. Ghi chi tiết ra thì dài lắm, nên bỏ.
– Câu nói của anh TNH là “xảy ra” ở ngoài hành lang, chứ không trong phiên hội (Sara vừa lật lại hồ sơ. Trong Ghi chép mình quên ghi chú chuyện này). Nhưng vì anh H không thích, anh nhắc, mình đã xóa nó rồi. Nghĩ là chi tiết vui vui, nên “dại dột” ghi ra. Còn bà con cô bác diễn ngôn thế nào cũng chịu chớ bảo sao cho trót đây.
Thêm, mỗi kì Hội thảo, Bàn tròn, Ra mắt sách… Sara luôn có “Biên bản lập chậm” rất hoành tráng (xem Biên bản lập chậm Hội đồng Anh đăng Tienve hồi năm 2007 thì biết). Mình cũng hơi “phục” mình về lối làm kiểu bàn giấy này. Hết cãi! Ở Huế vừa qua mình cũng lập chậm nữa, không sót 1 chi tiết, cả chi tiết hành lang và sau đó. Nên khi đọc tổng kết Hội thảo trên tc Sông Hương số kì đó, ở Đà Lạt, mình có nói qua vài thiếu khuyết với anh Trương Đăng Dung.
Đến nay đã có hơn 30 Biên bản lập chậm. 30 nhưng chỉ đăng có 1! Cũng như 7 kì Bàn tròn văn chương chỉ có 1 “bị” đăng. Lập chậm cho mình, là vậy.
Còn nỗi “bao cấp”, bạn may mắn ông bà trời đẻ tránh được thời đoạn son ngời này của lịch sử nên không dính đòn, chớ mình 10 năm tình cũ ăn ngủ với nó suốt, nó thấm tận xương tủy rồi. Dù đã có cậy đến quý ông đại to cồ Heidegger hay Derrida cũng khó mà gột rửa. Vết bao cấp rửa bao giờ cho phai…
Vui nhé
S.
Chị Khánh Phương nữ nhi tò mò đúng chất nhà thơ nữ, anh Sara đáp ứng chị đi.