Xây dựng và phát triển


* Ysa Cosiem, Trà Vigia và Inrasara tại Sài Gòn, 2005.

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang được triển khai rộng khắp đất nước và được nhiều thành phần, đủ lứa tuổi, dân tộc tham gia bằng nhiều cách thế khác nhau qua nhiều hình thức khác nhau. Vừa qua, nữ họa sĩ trẻ đang lên Chế Kim Trung đoạt Giải thưởng (Giải A duy nhất) thường niên của Hội Văn học nghệ thuật của Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009, với họa phẩm Làng Chăm ơn Bác.
Nhưng huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Trà Vigia – qua câu chuyện Amư Nhân, Chế Kim Trung và “Làng Chăm ơn Bác” – báo động về mặt trái này. Anh cho biết, đã gởi bài phản hồi cho chính tạp chí Văn hóa các Dân tộc, là tiếng nói của Hội đã trao Giải thưởng cho họa sĩ CKT, nhưng tạp chí này không hồi âm. Nên anh đã gởi đến diễn đàn Inrasara.com báo động về văn hóa dân tộc Chăm đang nguy cơ suy thoái qua việc làm của “không hiếm trường hợp ăn theo tên tuổi của Bác để tạo chỗ đứng cho riêng mình hoặc chỉ vì quyền lợi nhỏ nhen”
.
Inrasara.

*
Để thực hiện nghị quyết 23 của Đảng về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, thiết nghĩ dễ mà khó – khó mà dễ. Dễ khi chúng ta bắt đầu từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao tuần tự nhi tiến từng bước vững chắc. Khó khi chúng ta làm việc lớn để định hướng và dìu dắt thế hệ trẻ tiếp bước, mẫu mực từ trên cao để nâng tầm nhận thức từ thấp dần lên theo xu thế phát triển của thời đại. Dẫu biết vậy, nhưng xem ra còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Để từ đó, phát huy và khắc phục những ưu khuyết không thể không va vấp trong sinh hoạt đời thường cũng như đầu tư trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật. Muốn có kết quả tốt, chúng ta phải mạnh dạn đi từ những cái chưa được hơn là cứ mãi báo cáo về những thành tựu đã qua.
Cũng từ cơ duyên tại trại sáng tác Đà Lạt kết thúc 14-03-2010 vừa qua cũng là ngày hội thảo bế mạc. Một người con Padí, nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã theo chân một người con Chăm xuống miền đất Panduranga đầy nắng gió; với mong mỏi được tiếp cận và tiếp nhận một nền văn hoá tưởng như quen mà lạ. Cứ như là hiển hiện nơi thực tại mà cứ như mơ hồ chìm sâu trong tro bụi thời gian và không gian. Không phải ai cũng có cơ hội đi khắp miền đất nước, gặp gỡ những người dân tộc anh em trên mọi con đường phố phường đô hội hay vùng sâu vùng xa… Bởi vậy, cần tranh thủ thu nhận tối đa những gì có thể trong những chuyến rong chơi điền dã.
Vào một ngày chúng tôi ghé nhà nhạc sĩ Amư Nhân uống chén rượu nhạt, nghe anh tâm tình về đời nghệ sĩ long đong, về một kiếp người đa mang miếng cơm manh áo gạo tiền, về tình người đen bạc tráo trở, về con đường sáng tạo gập ghềnh bước chân vào ngày mai mênh mông hun hút… mà ngậm ngùi. Là đồng tộc đồng hương, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi ghé anh và nghe anh tâm sự với nhiều tâm trạng bức xúc chẳng đặng đừng. Kể cũng lạ! Tôi nói ra để biết rằng: ngay cả anh em nghệ sĩ Chăm chúng tôi cũng chẳng gắn bó với nhau mấy, thì làm sao san sẻ và cảm thông được nhau? Nói chi cùng nhau xây dựng và phát triển một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc đang cần nhiều bàn tay chung sức! Không biết nhà thơ Pờ Sảo Mìn cảm nhận thế nào về chuyến đi, chỉ thấy vẻ mặt anh hơi buồn buồn đăm chiêu, một chút ái ngại và thương hại… Riêng tôi, có một số vấn đề cần đặt ra để chúng ta cùng suy ngẫm, khả dĩ sáng tỏ được định đề: dễ mà khó – khó mà dễ.

1.- Nhạc sĩ Amư Nhân phản ảnh: hoạ sĩ Chế Kim Trung vi phạm tác quyền tựa đề một bản nhạc của anh mang tên “Làng Chăm ơn Bác” được sáng tác vào năm 1985, đã có giải thưởng và bằng chứng nhận của các ban ngành liên quan cũng như được phổ biến trình diễn nhiều nơi. Với cộng đồng Chăm nhỏ bé, chưa có thành quả gì nhiều trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật hiện đại, nên có lẽ đây mới là sự kiện đầu tiên nếu không muốn nói là có một không hai trong quyền sở hữu trí tuệ, trong hành trình sáng tạo còn quá mới mẻ này và hy vọng rằng sẽ không còn xảy ra trong tương lai. Thú thật thì lúc đầu tôi cũng hơi bất ngờ vì không để ý lắm, một chút ngạc nhiên và một chút buồn cười. Một là những tác gia Chăm có thể đếm trên đầu ngón tay, sân chơi còn quá rộng cho một tập thể bé xíu đủ chỗ cho mỗi người độc quyền độc diễn. Thế mà lại giẫm lên chân nhau làm đau người khác thì quả là rắc rối! Hai là kho tàng văn hoá Chăm thẳm sâu đến thế, con cháu có ăn xài đến đâu thì chắc cũng còn lâu mới cạn kiệt. Chúng ta không chịu đào bới tìm cái mới mà cứ nhởn nhơ lượm lặt cái cũ đã lạc thời thì e rằng chẳng đâu vào đâu. Ba là phải biết tôn trọng người khác để tự trọng mình, nói nôm na là biết kính trên nhường dưới để tương trợ lẫn nhau. Cứ “ngak tui hatai” làm theo ý mình thì có ngày “O thei ngak di drei o hai/ Tamuh di hatai drei ngak di drei” nghĩa là chẳng ai làm gì hại mình đâu, chỉ vì mình muốn gieo gió nên phải gặt bão. Suy đi nghĩ lại chỉ biết cười buồn bâng quơ! Đúng ra vấn đề chẳng có gì phức tạp nếu Chế Kim Trung hỏi ý kiến hoặc xin phép Amư Nhân về chủ ý trùng hợp tựa đề vì đã lấy cảm hứng trực tiếp từ bản nhạc này hay một lý do nào khác để tái tạo qua tranh vẽ. Được như thế, tôi tin rằng nhạc sĩ sẽ không hẹp hòi từ chối, thậm chí sẽ rất vui lòng ra nghĩa cử một người anh đi trước sẵn sàng dắt díu một người em đi lên. Còn đi tới đâu, đi như thế nào thì hẵng hay! Đằng này, cô em hoạ sĩ cứ rú ga bóp kèn cho thiên hạ giạt ra để mình tiến tới, không biết đàn anh đang ngồi chờ quá giang thì e rằng vô tình thôi mà như cố ý xúc phạm, làm tổn thương cho người và đôi khi cả cho mình. Thiển nghĩ, đây cũng là một phần trách nhiệm của ban giám khảo, cả nghĩ chuyện bé không thể xé ra to! Cần xem xét và điều chỉnh kịp thời những sai sót dù nhỏ, cũng như nhắc nhở và tư vấn cho tác giả nếu thấy cần thiết. Vì đây là những tác phẩm có giải thưởng, đã và sẽ phổ biến rộng khắp như một tiêu chuẩn nên không dễ xoá tên.

2.- Quần chúng Chăm phản hồi: văn học nghệ thuật là một bộ phận cấu thành văn hoá, luôn được tiếp biến giao thoa qua từng thời kỳ để bồi đắp ngày càng vững chắc, hoặc chịu số phận biến chất ngày một lai căng dần xa rời bản sắc truyền thống. Nói một cách khác, văn hoá là gốc có bộ rễ bám sâu vào lòng đất và thân để trụ vững cho cành nhánh vươn ra. Văn học nghệ thuật là tược non để đâm chồi nẩy lộc, ra hoa kết trái. Rễ có cắm sâu mới hút đủ dưỡng chất nuôi cây, cành lá có sum suê mới quang hợp tốt, hấp thu khí trời nuôi gốc rễ. Đến khi cành lá héo rụng lại rơi xuống gốc tạo phù sa cho đất tái tạo một chu kỳ mới. Hoa trái là thành quả cho một quá trình đầu tư thu hái và xử lý cho từng nhu cầu. Cho nên quy trình ấy phải được liên kết chặt chẽ không thể tách rời cho một dời cây, một đời người. Nếu không cây đời sẽ chết hoặc còi cọc một đời sống không sinh khí. Bởi vậy, một người làm văn học nghệ thuật phải thấu hiểu nền văn hoá đã sản sinh và dưỡng nuôi ra mình. Có như thế mới đủ tư cách nhập cuộc, có đủ bản lĩnh sáng tạo, có những tác phẩm giá trị khả dĩ phản ảnh được sinh hoạt đời sống và tinh thần của dân tộc mình với các dân tộc anh em. Nếu không sẽ là một tai hoạ khôn lường, lợi bất cập hại!
Trở lại chủ đề “Làng Chăm ơn Bác” của hoạ sĩ Chế Kim Trung. Ngoài sự vi phạm bản quyền như đã nói ở trên còn có một yếu tố khác quan trọng hơn nhiều cần được mổ xẻ rút kinh nghiệm, cũng là nêu bật được bản sắc văn hoá dân tộc vốn là câu hỏi luôn được đặt ra nhưng không phải lúc nào cũng có câu trả lời thoả đáng. Nếu xét về lý thì đã rõ, còn giải quyết thế nào thì tuỳ vào cơ quan chức năng có trách nhiệm. Nhưng nếu xét về tình thì lại là chuyện khác! Thử biện hộ, có thể nữ hoạ sĩ trẻ CKT vô tình hoặc chủ quan cạn nghĩ rằng: “Làng Chăm ơn Bác” của AMN là làng Phú Nhuận, quê của tác giả thuộc huyện Ninh Phước. Còn làng Chăm của CKT là làng Phước Nhơn thuộc huyện Thuận Bắc. Nếu nghĩ thế, nữ hoạ sĩ nên đặt tên cho hoạ phẩm mình là: “Làng Phước Nhơn ơn Bác” thì câu chuyện đã không đến nỗi gay go. Tổng thể địa bàn cư trú của người Chăm trên khắp đất nước Việt Nam có khoảng 100 làng với dân số hơn 100.000 người. Và dĩ nhiên mỗi làng mang ơn Bác mỗi khác, sự biểu hiện tình cảm chắc cũng khác nhau mỗi làng một vẻ. Để tránh sự trùng lặp đáng tiếc có thể còn tiếp diễn, lưu ý mỗi tác giả nếu hướng vào chủ đề này nên có tên làng cụ thể để tránh sự hiểu lầm ngộ nhận gây mất đoàn kết rất không nên và gây khó khăn cho ban giám khảo. Chủ đề và nội dung tác phẩm phải đi đôi và hoà quyện với nhau. Trong khi nhạc sĩ AMN rất thành công trong logic: “Từ Làng Chăm (Phú Nhuận) xa xôi, nay con về thăm quê Bác” để thưa với Bác và loài người rằng: “Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm, Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam”. Thật tài tình và biến hoá! Còn hoạ sĩ CKT đã thất bại hoàn toàn khi bê nguyên xi hai câu nói trên làm khẩu hiệu gắn lên tháp Chăm, treo cả trên đầu thần Shiva! Một hành động vô tiền khoáng hậu, đi ngược lại với truyền thống văn hoá Chăm nếu không muốn nói là trịch thượng và phạm thần. Rất khó nói, khó nghĩ và khó nghe… Không ai đem khẩu hiệu gắn lên nhà thờ, chùa chiền, đền tháp hay những nơi sinh hoạt tâm linh tôn giáo. Một người làm văn hoá phải hiểu điều đó hơn ai hết, chưa nói sứ mệnh hướng dẫn nhận thức và thẩm mỹ cho công chúng. Điều ấy gây phản cảm và bất bình trong quần chúng Chăm, nếu không được chấn chỉnh và chấm dứt ngay thì e rằng hệ quả ngày càng bi đát không thể cứu vãn được!

3.- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: một vấn đề quan trọng được Bác nhắc nhở “Văn hoá của dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”. Thế nhưng nếu mỗi người không hiểu được hoặc hiểu sai văn hoá dân tộc mình, làm cho người khác hiểu lệch lạc hoặc đánh giá thấp văn hoá dân tộc mình thì đó là một tội lỗi! Bởi vậy cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những thực tiễn đời thường. Ngay cả 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng chưa hẳn người lớn chúng ta ai cũng quán triệt. Còn 8 chữ: “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” chưa chắc ai cũng nhập tâm. Không hiếm trường hợp ăn theo tên tuổi của Bác để tạo chỗ đứng cho riêng mình hoặc chỉ vì quyền lợi nhỏ nhen. Điều ấy chỉ khiến Bác thêm thất vọng buồn phiền và tương lai phát triển của đất nước ngày thêm mờ mịt. Học làm người trước khi học làm giàu! Học nữa học mãi, không chỉ kiến thức mà cho cả đạo đức để hình thành một nhân cách sống. Cho hôm nay và thế hệ mai sau…

Để giải toả những ưu tư thắc mắc của nhà thơ Pờ Sảo Mìn và nhiều trí thức Chăm khác về hiện tượng trùng lặp chủ đề “Làng Chăm ơn Bác” giữa nhạc sĩ Amư Nhân và hoạ sĩ Chế Kim Trung. Tôi viết bài này trong ý thức xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với tấm chân tình và tinh thần trách nhiệm. Có xây dựng một đội ngũ lành mạnh biết tương trợ nhau trong sinh hoạt sáng tạo, có xây dựng một nền tảng văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc mang tính bền vững mới mong có cơ hội phát triển trong thời đại mới với những thử thách mới. Còn nhiều bất cập cần được khắc phục sửa sai theo một lộ trình phù hợp và tiêu tốn nhiều thời gian công sức. Còn nhiều thật giả vàng thau lẫn lộn cần được sàng lọc định danh tạo đà cho những bệ phóng mới. Chúng ta phải nhận thức rằng nền tảng văn hoá là cứu cánh chứ không phải là phương tiện để đạt được mục đích của riêng ai với bất kỳ danh nghĩa nào. Mong rằng nữ hoạ sĩ trẻ Chế Kim Trung sẽ còn nhiều phấn đấu để đạt được một đẳng cấp nhất định, chứ không là một phong độ nhất thời với những giải thưởng mang tính thời vụ. Giải thưởng lớn nhất vẫn đang ở phía trước mà người trao giải không hẳn là ban giám khảo, những người đương thời. Có thể từ thế hệ mai sau, chính con cháu của chúng ta…

25 thoughts on “Xây dựng và phát triển

  1. D.Sơn hoan nghênh Trà đã phát hiện kip thời cú ăn theo “tiếng tăm” của CKT. Thiết nghĩ, đây cũng là quả “chuông nhỏ” đánh lên để cảnh báo cho các người trẻ Chăm hôm nay sớm thức tỉnh…

  2. Ôi có chuyện đó xảy ra sao?
    Nữ họa sĩ người Chăm mình đã “bê nguyên xi hai câu nói trên làm khẩu hiệu gắn lên tháp Chăm, treo cả trên đầu thần Shiva! Một hành động vô tiền khoáng hậu, đi ngược lại với truyền thống văn hoá Chăm nếu không muốn nói là trịch thượng và phạm thần”. Có chuyện này thật sao, anh Trà Vigia?

  3. Nịnh bợ thì lẽ đời ai cũng có, nhưng nịnh bợ đến thế đó thì phải là siêu.
    Bôi nhọ văn hóa dân tộc mình để được vài lợi lộc nhỏ nhen như vậy cũng thuộc hàng siêu!!!

    Krung adăt mưng muk kay
    Kôc no pablay láy ô sanăc
    Phong tục truyền từ tổ tiên
    Hốt mang đi bán bảo là không thiêng.

    Ông Lâm Gia Tiến rất đau lòng khi cảnh báo cô. Ôi Chế Kim Trung ơi là Chế Kim Trung. Tốt nhất là cô hãy rút lại Giải thưởng kia, vứt bỏ bức tranh kia và xin lỗi bà con Chăm mình đi, đau lòng lắm cô ạ. Bà con Chăm không làm gì cô nhưng họ sẽ oán cô đến muôn đời vì vết nhơ này.

  4. Cháu xúc động quá chú Vigia ơi! Chú nói đúng: ” Một nền văn hóa đã sản sinh và dưỡng nuôi ra mình”, vậy mà với tư cách là một họa sĩ danh tiếng, có tên có tuổi của người Chăm, mà không hiểu được điều ấy, lại đem khẩu hiệu của một tấm lòng “tôn sùng”, gắn lên làm “biểu tượng” cho Tháp cao quý. Cháu thiết nghĩ, chắc hẳn người họa sĩ ấy hiểu được “nền văn hóa cao” quý như thế nào. Cháu hy vọng rằng đây là một bài học kinh nghiệm cho chúng cháu, lớp trẻ, sẽ không có ai giẫm lên con đường mà họa sĩ CKT đã đi.
    Đã mất nhiều rồi! Nền văn hóa Chăm sẽ phải mất đi bao nhiêu nữa đây, chú ơi…

  5. Đọc phản ứng này của Trà Vigia, tôi cảm nhận được cái nỗi đau của Trà. Vốn dĩ là khá gần gũi với Trà Vigia, xem Trà như là bậc đàn anh, cha chú, khá hiểu mỗi khi Trà viết lên cái gì? nói lên điều gì? ngẫm sự gì … ? cũng rơm rớm. Những lúc ấy, chẳng biết phải chia sẻ thế nào, không thể bật khóc trước mặt nhau. Để dành, chờ đi thật xa, bật điện thoại đi động… nghe nhau khóc vậy!

    Lạy Yang, tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú với những chuyện như thế này. Tôi đã tự rất non dạ, yếu đuối, vô tích sự mà ngồi thẩn cả ngày – để không thể hiểu nổi một cái điều bé như con cá lòng tong nào cả khi ngồi đọc một tạp chí “khoa học” do một vị trí thức được cho là rất “có số” trong công đồng, thậm chí trên trường quốc tế làm chủ biên. Yang lơi!!!! Từ trang đầu đến trang cuối chỉ là để phê phán, lên án, chê bai, khiển trách …

    Qua bài này của Trà, tôi muốn có một số ý kiến tham khảo như sau:
    1. Chế Kim Trung nên chủ động gặp gỡ anh em. Nếu CKT vì lý do gì đó không chủ động làm việc này thì Trà và AMN – những người đàn anh đi trước nên ngỏ lời (không biết động thái này đã được làm trườc khi có bài này lên internet chưa nhỉ!?). Gặp không phải để phê phán nhau, bắt lỗi, lên án nữa, gặp để cùng nhau nhìn thấy phải-trái. Nhìn để thấy, thấy để có hành xử đúng mực, hành xử đúng mực để trưởng thành lên.

    2. Rõ ràng đây là sự tắc trách của BGK giải thưởng, sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm trong thẩm định và ra quyết định trao thưởng, sự thiếu tôn trọng (hoặc có thể là do thói quen) đối với giá trị nghệ thuật và thành quả của sự sáng tạo. Không thể nói Hội Văn học nghệ thuật của Dân tộc thiểu số Việt Nam không biết là AMN – một hội viên lâu năm của mình, nằm ngay trong tổ chức của mình, có khá nhiều đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã có một tác phẩm có tên “Làng Chăm Ơn Bác”. CKT ở một cái tầm bé con hơn nhiều so với những khuôn mặt to con ở Hội này. CKT không hiểu là điều còn có thể cảm thông chứ Hội mà không hiểu thì quả là… klak thoh (bỏ đi). Sự hiểu biết của các thành viên BGK nói riêng và của Hội nói chung rõ ràng là “thiểu năng” khi không nhận ra rằng việc “đem khẩu hiệu gắn lên nhà thờ, chùa chiền, đền tháp hay những nơi sinh hoạt tâm linh tôn giáo” là phi văn hóa.

    3. Bài viết này và những vấn đề đang được đề cập trên đây nên được gửi đến tận tay BGK và Hội Văn học nghệ thuật của Dân tộc thiểu số Việt Nam, không phải để đòi lại tác quyền cho AMN cũng không phải để lấy lại hình ảnh của CKT mà chính là để cứu vớt thật kịp thời uy tín của BGK và Hội Văn học nghệ thuật của Dân tộc thiểu số Việt Nam. Nếu không thì cái hộ này ẹ quá!

  6. Tôi thuộc hàng cha chú CKT. Tôi chưa thấy trí thức Chăm nào ghét Chế Kim Trung Trung cả. Nhiều người còn mừng thầm cho vài thành công dù chưa lấy gì làm to tát của cô. Tre già măng mọc. Sau Inrasara Chăm đã có Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Bá Minh Trí, Tuệ Nguyên… Sau Đàng Năng Thọ là CKT. Mừng lắm chớ. Nhưng CKT phạm sai lầm đầu tiên mà sai lầm quá lớn. Nên cá nhân tôi cũng khó ăn khó nói.
    Bà con nào có kế sách hay bày cho tôi biết với. Còn CKT, cô nghĩ thế nào?

  7. Lưu Văn C. (USA)
    Về bài của Trà Vigia và sự cố Chế Kim Trung

    1/- Về Trà Vigia
    Anh viết bài rõ ràng, nhẹ nhàng nhưng đích đáng. Vừa hợp tình vừa hợp lí. Không giống vài trí thức Chăm khác ở hải ngoại tố cáo nhau nhiều từ ngữ rất dơ bẩn, đáng xấu hổ. Trà Vigia đúng là nhà văn. Tôi nể phục.

    2/- Về Jalau Anưk.
    – Tôi rất hiểu và thông cảm bức xúc của bạn trẻ về một tạp chí Chăm ở hải ngoại: “không thể hiểu nổi một cái điều bé như con cá lòng tong nào cả khi ngồi đọc một tạp chí “khoa học” do một vị trí thức được cho là rất “có số” trong công đồng, thậm chí trên trường quốc tế làm chủ biên. Yang lơi!!!! Từ trang đầu đến trang cuối chỉ là để phê phán, lên án, chê bai, khiển trách…”

    – Nhưng tôi cho là bạn trẻ không đúng khi yêu cầu “Trà và AMN là đàn anh đi trước nên ngỏ lời” với CKT. Tại sao? Vì họa phẩm kia đã đưa ra công chúng, đã có Giải. Chỉ có thể Chế Kim Trung đến xin lỗi AMN, rút lại Giải thưởng, và xin lỗi bà con Chăm như một vị khách Inrasara.com này đòi hỏi. Nhưng CKT có dũng cảm làm vậy không? Nếu không làm được như vậy, cô họa sĩ này coi như tự tử trí thức rồi!

    3/- Về Hội Dân tộc thiểu số
    Hội này chẳng biết gì về văn hóa Chăm, nên JA trách Ban giám khảo Giải thưởng là “tắc trách” là chưa đúng. Họ biết A. Nhân quá đi chứ, nhưng tôi nghe kể (chính xác) Đại hội DTTS vừa qua, họ quên cả A. Nhân là người từng là thành viên Ban chấp hành Hội họ nữa, mà lúc đó nhạc sĩ này đang có mặt ngay trong Hội trường. Xem thường nhau như thế là cùng.

    4/- Tôi trách là trách nhà thơ Inrasara. Tại sao???
    Câu hỏi thứ nhất: Inrasara ở trong BCH Hội, là Trưởng Ban lý luận phê bình của Hội, tại sao Inrasara không biết để ngăn cản? Thứ hai: hay họ không hỏi ý kiến của nhà thơ Chăm? Câu hỏi thứ ba: nếu không hỏi ý kiến, có phải họ coi thường anh như từng coi thường A. Nhân giữa chốn ba quân? Thứ tư, hay họ chỉ “tắc trách” như JA nói?
    Tôi tin chắc với hiểu biết và tính cách thẳng thắn của mình, nếu Inrasara nhìn thấy họa phẩm này, anh không bao giờ để sự cố đáng tiếc này xảy ra.

    Trên đây là tôi chỉ đoán. Còn thực tế thế nào, nhà thơ Inrasara hãy giải thích cho bạn đọc và bà con Chăm khắp nơi. Vì dẫu sao đi nữa, với vị thế và vai trò của anh, anh cũng ít nhiều có trách nhiệm. Hay anh đòi hỏi Hội Dân tộc thiểu số trả lời.
    Bà con và trí thức Chăm đang chờ đợi.

  8. than van ma lam gi cac ong trach nhau mai de lam gi xem lai bai phan hoi co tu nao la Cham dau ma trach nguoi khac toi doc thay toan tieng Viet ca. Thoi dung cai nhau nua chang ich loi gi dau ma nguoi ta doc lai cuoi cho.

  9. Ja Clu viết vậy là sai rồi!
    – Họa sĩ CKT có tác phẩm hội họa phản văn hóa dân tộc.
    – Nhà văn Trà Vigia viết bài chấn chỉnh và cảnh tỉnh để các bạn trẻ sau này đừng làm sai như vậy nữa.
    – Các bài phản hồi của người đọc đều rất có trách nhiệm. Không ai dùng từ quá mức mà website Inrasara.com cho phép cả.
    – Người Chăm mình dùng tiếng Việt là tiếng phổ thông. Đó là tiếng chung của Việt Nam. Người Chăm viết cho Chăm đọc và cho dân tộc trên đất nước Việt Nam đọc. Không có gì đáng trách cả.
    – website này có mục tiếng Chăm, nhất là các bài thơ tiếng Chăm của nhà thơ Inrasara rất hay, nếu thích bạn cứ vào đó đọc và trao đổi lại bằng tiếng Chăm. Có lẽ nhà thơ Inrasara rất hoan hộ Ja Clu. Nhưng tôi đâu thấy Ja Clu trao đổi bằng tiếng Chăm ở mục đó đâu!
    Tadhău kajăp karô

  10. Vài gợi ý của Inrasara.com:
    1. Trà Vigia là tác giả quen thuộc của Inrasara.com. Anh viết trên tinh thần trách nhiệm cao và suy nghĩ rất kĩ trước khi gởi đến cho chúng tôi. Nên không có chuyện trí thức Chăm trong nước cãi nhau hay tố cáo nhau ở đây.

    2. 2 ngày qua, bài viết nhận được nhiều phản hồi của độc giả và bà con Chăm. Chúng tôi chỉ chấp nhận đăng phản hồi nào có tinh thần xây dựng, không mang tính chính trị, ngôn từ không có tính xâm phạm cá nhân – cả cá nhân CKT.

    3. Bài được đăng chúng tôi có edit (biên tập), nhất là chia mục để độc giả dễ đọc. Tuyệt đối không sửa ý tác giả.

    4. Về việc liên quan giữa Inrasara, Hội VNNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam và Giải thưởng của CKT. Xin trả lời độc giả Lưu Văn C. (USA) là Hội đồng Giải thưởng có nhiều bộ môn khác nhau: Văn học, Âm nhạc, Hội họa, Văn học dân gian,… Tôi chỉ phụ trách chuyên mục THƠ trong tiểu ban văn học gồm văn xuôi và lí luận phê bình. Chuyên mục ai nấy phụ trách. Ban chấp hành Hội thiếu người nên họ còn mời cả các nhà văn, nhà nghiên cứu ngoài Hội tham dự nữa.
    Cho nên nói “xem thường” ở đây là không đúng. Ban Mĩ thuật chấm giải chịu trách nhiệm về nội dung và kĩ thuật họa phẩm kia. Còn CKT nếu thấy mình sai thì có bổn phận giải thích sự việc với bà con Chăm và văn hóa dân tộc.

    5. Cuối cùng, Inrasara.com mong nhận được nhiều phản hồi hơn nữa của bạn đọc khắp nơi.
    Thuk siam!

  11. Hoàn toàn nhất trí và đồng ý với lối giải thích và tinh thần của nhà thơ Inrasara.
    Chỉ đề nghị anh xem lại câu “Ban Mĩ thuật chấm giải chịu trách nhiệm về nội dung và kĩ thuật họa phẩm kia”. Nếu họa phẩm (ở đây là của Chế Kim Trung) liên quan đến văn hóa dân tộc (Chăm), thì Ban đó phải cần đến chuyên gia là người dân tộc đó (là Inrasara) chứ!?
    Đồng ý với JA là Hội này làm ăn rất tắc trách!!!!!

  12. Chế Kim Trung tài năng tầm tầm thôi. Do các Hội nhỏ (không phải Hội chuyên ngành) châm chế nên cô có vài Giải nhỏ. No problem! Nhưng rồi do anh Inra ưu ái bọn trẻ quá nên cô Chế Kim Trung tưởng mình tài lớn thiệt nên làm tới. Nói ưu ái là anh Inra đã đăng rất nhiều bức tranh của CKT trên Tagalau sai kiến thức về văn hóa Chăm. Ai đọc Tagalau cũng thấy. Hệ quả nhỡn tiền: CKT “bóp kèn” (chữ Trà Vigia) làm tới và đã vẽ một “kiệt tác” như vậy đấy. ĐỂ ĐỜI!!!
    Buồn thay!!!!!!!

  13. Tôi có vài ý kiến về trường hợp này:
    1. Tôi không đồng ý về cách trả lời của Inra, anh nói anh phụ trách về mang văn học, nhưng ít ra anh cũng nằm trong BCH. Anh là người thường xuyên có những cuộc họp với BCH Hội, đáng ra anh phải là người lên tiếng đầu tiên, ít nhất là sau khi giải thưởng được công bố.
    2. Anh Trà Vigia cũng thế, trường hợp xảy ra như thế, sao anh không chủ động gặp CKT để phân tích cho cô ta biết phải trái, đúng sai, đằng này anh chỉ gặp AMN. Theo cá nhân tôi, các người Chăm thuộc Hội viên trong Hội cụ thể như: Inrasara, Trà Vigia, AMN, Lộ Minh Trại… có trách nhiệm về việc này, trước khi bài viết của Trà đăng trên web inrasara.com.
    3. Việc đã xảy ra rồi, các anh đã giải pháp gì cho trường hợp này chưa?
    – Giữa cá nhân giữa CKT với AMN?
    – Hội VHNT các Dân tộc thiểu số có động thái như thế nào về trường hợp này?

  14. Jawe
    Trước hết tôi xin giới thiệu tôi cũng là Hội viện Hội VHNT DTTS Việt Nam, nhưng xin cho tôi dùng nickname.

    1. Về sự cố này, tôi không thấy nhà thơ Inrasara có chút lỗi nào cả. Lý do:
    – Về “sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống” vừa qua, Inra là người biết đầu tiên (Chăm dường như chưa ai biết). Inra là người đầu tiên viết phản hồi, từ đó trí thức Chăm lên tiếng. Buộc NTT phải sửa bài nghiên cứu của mình.
    – Tại Hội nghị VHNT DTTS Việt Nam tháng 3 vừa qua ở Đà Lạt, Inra và Trà Vigia là 2 người duy nhất phát biểu phản biện. Rất nhiều đại biểu chỉ biết nói theo (xem Ghi chép tháng 3-2010).
    2 sự việc trên chứng tỏ Inra là người thẳng thắn và nhanh nhạy.

    2. Về sự cố CKT, tại sao Inra không lên tiếng trước tiên?
    Theo tôi, sự cố Chế Kim Trung ít nhất 30 người Chăm biết (họ là Hội viên Hội DTTS), tác phẩm đăng trên tạp chí của Hội tháng 2-2010 được gởi biếu tất cả Hội viên. Inra biết quá đi chứ, nhưng theo tôi có lẽ anh muốn để cho anh chị em tự nhận định. Nếu chuyện gì anh cũng nói trước thì anh dễ bị coi là sanh sự. Hành xử như vậy là khôn ngoan và đúng. Vì chắc gì ý kiến anh đã đúng hết.

    3. Về Trà Vigia, cuối tháng 3 anh nhận được tạp chí, anh viết ngay cho tạp chí Hội yêu cầu đăng, chờ một tháng sau khi tạp chí kia không đăng, anh mới gởi cho Inrasara.com. Anh đã “suy nghĩ rất nhiều” trước khi gởi đăng. Vậy là không chậm rồi.
    Còn tại sao Trà không đến gặp CKT, rất dễ hiểu, Trà đã nói rõ: bức tranh kia đoạt giải và đã đưa ra thông tin cả nước. Nên nó không còn là chuyện riêng tư nữa. Cần phải được bàn bạc trên phương tiện thông tin đại chúng để ra lẽ.

    4. Bàn tiếp về vai trò nhà thơ Inrasara trong Hội
    Anh thuộc Ban văn học, anh trách nhiệm về bộ môn này là đúng. Tôi biết Hội rất nhiều bộ môn, không ai kham hết nổi. Inra trong BCH cũng không kham nổi. Mà anh là nhà văn tự do đâu phải ăn lương Hội! Anh còn có trăm công nghìn việc khác. Bộ phận mỹ thuật không hỏi ý kiến anh là sơ suất của bộ phận này. Nhưng Inra chấm bộ môn văn học, anh cũng đâu có hỏi ý kiến bộ môn khác.
    Sáng nay Inra phone cho tôi biết, anh vừa chấm Giải VHNT ở Tây Ninh gồm âm nhạc, mỹ thuật và văn học. Phần ai nấy trách nhiệm, rồi xong.

    Tôi cũng vừa nhận tin nhắn của Inra là sau cuộc bàn này, anh sẽ gom tất cả ý kiến gởi đến Hội. Còn Hội giải quyết sự cố thế nào là thuộc về Hội và tác giả CKT.
    Rất có bài bản và hợp logic.

    5. Có chăng, đồng ý với một bạn: tôi chỉ trách nhà thơ Inrasara là ưu ái cánh trẻ quá. Nhiều nhà văn người Việt phê bình Inra đã như thế về các nhà thơ trẻ. Với Chăm mình anh cũng có lối ứng xử như vậy. Khen để động viên thì được chớ anh ca tụng quá họ sẽ mang ảo tưởng. Anh từng ca tụng Văn Món, Bá Minh Trí, Jalau Anưk, Thạch Giáng Hạ… CKT thì anh quá ưu ái. Anh Inra nên tự xem lại phần này.

    Cũng xin cám ơn nhà thơ Inrasara người đã lập web này tạo diễn đàn nghiêm túc để bà con ta còn có dịp gặp mặt trao đổi và cả… chê anh!!!

    Kính chào.

  15. Các bạn chớ có nghĩ vị thế của nhà thơ Inrasara là to gì lắm. Nên có việc anh làm được, có việc thì ngoài tầm với của anh.
    Anh là người kiêm nhiều nhà đấy, nhưng vị thế của anh với chính quyền là con số không.
    Tôi ví dụ nhé. Ngay trong xã hội Chăm thôi, ông Bố Xuân Hổ so với Inrasara thế nào ai cũng biết, nhưng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số vừa qua hay Đại hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2004, cả 2 lần ông Hổ được mời, còn Inrasara thì không lần nào.
    Nhìn ngoài, Đại hội vừa rồi vài nhà văn Tày được mời, Inrasara lại không. Tày có nhiều nhà văn, trong khi Chăm chỉ có mỗi Inrasara là nhà văn, Ủy viên Ban chấp hành Hội DTTS Việt Nam nữa chớ. Về chuyên môn, so sánh các nhà văn này với Inrasara thì thấy ngay ai thế nào. Nhưng Inrasara luôn là ở thế lép.
    Có thể nói, Inrasara với tư cách nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu thì to đấy, nhưng ở vị thế để có tiếng nói chính thống với chính quyền thì là số KHÔNG.
    Cho nên ở nhiều khía cạnh, bà con Chăm chớ kì vọng nhiều vào Inrasara, tội nghiệp anh.
    Vài lời chân tình.

  16. Chúng ta hãy thật bình tĩnh suy xét vấn đề. Xin hãy quảng đại tránh gây đau lòng nhau. CKT có lỗi thì chị nhận lỗi. Tôi nghĩ do chị kính yêu Bác muốn thể hiện sự kính yêu đó trong bức tranh của mình. Tôi chắc chị vô ý thôi.
    Chúng ta dùng chữ “nịnh bợ siêu” với chị là hơi quá.
    Còn nói “Inrasara với tư cách nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu thì to đấy, nhưng ở vị thế để có tiếng nói chính thống với chính quyền thì là số KHÔNG” thì theo cạn nghĩ của tôi, Người yêu Tagalau (có thể cũng yêu Inrasara) chưa thật chính xác. Inrasara là nhà văn chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh có tiếng nói rất uy tín trên văn đàn trong và ngoài nước.
    Lời cuối cùng: chúng ta hãy bình tĩnh, phê bình nhau trong tình yêu thương và cảm thông. Biết tha thứ cho nhau vài lỗi lầm. Tôi nghĩ chắc không có gì mới để nói thêm. Nhà thơ Inrasara nên cho tạm DỪNG ở khúc này thì đủ rồi.
    Tôi xin trích dẫn lời của chính ông chủ trang web này cách nay 3 năm mà tôi thuộc lòng:

    Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó. Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật. Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
    Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương
    ” – Inrasara.

    Chúc mọi người sức khỏe và hạnh phúc.

  17. Cháu thấy nhà họa sĩ “tài hoa ấy” không thể “vô ý” như thế được. một người trí thức không thể vô ý một cách vô trách nhiệm như thế. Như chú Sara nói đúng, đây không phải là vì người Chăm ghét nhau mà chơi khăm nhau, mà vì “lẽ phải” thì phải nói. Giải thưởng thì ai mà không thích, nhưng một nhà trí thức thì phải biết phát huy một bản sắc dân tộc đi đúng hướng để còn dẫn lớp trẻ đi lên. Đằng này, nhà họa sĩ ấy đã làm thế nào? Cháu thấy, họa sĩ đã xem thường, nếu như không muốn dùng từ (“…”) bản sắc dân tộc Chăm chúng ta.
    Cháu không dùng từ quá đáng chứ?

  18. Xalam!!!

    Sau khi đọc qua bài viết của chú Trà và comment của mọi nguời, cháu mãn phép có vài ý kiến sau, nếu có gì sai phạm mong mọi người bỏ qua.
    Bắt đầu từ đâu nhỉ? À, là “bản quyền” cháu nghĩ “bản quyền” người ta thường nghĩ đến “bản quyền” của cùng một lĩnh vực, có thể sơ ý có ai đó ko nghĩ đến lĩnh vực rộng hơn, bản quyền ko chỉ lĩnh vực âm nhạc với âm nhạc hay mỹ thuật với mỹ thuật hay các lĩnh vực khác. Theo cháu nghĩ chắc cô CKT nghĩ “Làng Chăm ơn Bác” là lĩnh vực âm nhạc, cô mượn làm chủ đề cho bức họa cho mình là ko gì đáng ngại, ko biết cô chủ quan hay vô tình xem nhẹ nó.
    Bài hát “Làng Chăm ơn Bác” vẫn sống mãi trong lòng mọi người, nếu có thêm bức họa” Làng Chăm ơn Bác” thì bài hát của nhạc sĩ AMN cũng ko giảm uy, cũng có thể nâng hơn đó chứ. Vấn đề nên gói gọn lại giữa nhạc sĩ AMN và họa sĩ CKT, cháu nghĩ nhạc sĩ AMN và họa sĩ CKT sẽ có cách làm việc với nhau và thông cảm cho nhau, mọi người đừng nên trách móc nhiều làm cho cô CKT khó xử.
    Nhập gia tùy tục, ngày vào lớp vỡ lòng các cháu đã được chỉ dạy về Bác Hồ, tấm gương đạo đức. Sau này học lên, Bác càng xuất hiện nhiều hơn trong âm nhạc, thơ văn, lịch sử…
    Tham gia cuộc thi nào đấy, cá nhân ai cũng mong cho mình có giải thưởng cao, ngay ngày xưa chúng cháu đi thi học sinh giỏi Văn, trong bài viết lúc nào cũng nói về Bác, ca ngợi Bác, ca ngợi Đảng, vì sao vậy??? Vì chúng ta đang sống trên dãi đất hình chữ S…
    Có lẽ cô CKT nhất thời ko nghĩ sâu xa nên vô tình gắn khẩu hiệu đó lên tháp Cham.
    Cháu nghĩ sau sự việc này cô CKT sẽ tự kiểm điểm và rút ra bài học.

  19. Các ông BGK không nhìn thấy gì cả!
    Cá nhân CKT chỉ là 1 người gây lỗi lầm, còn cả Ban chấp nhận và tâng bốc cho cái lỗi lầm đó thành lấp lánh hợp pháp mới đáng phê phán.

    Mong rằng đây là sai lầm đáng quên nhất của chị Chế. Vẫn hy vọng chị thành công hơn về sau!
    (Xin lỗi bạn đọc Ikan di Ram về vài biên tập cần thiết – Cám ơn bạn)

  20. Cham Sai Gon viết (…)

    Cáo lỗi!
    (…) Sau khi Inrasara.com thông báo kết thúc Sự cố CKT, đã có nhiều phản hồi tiếp tục gởi đến, tôi đã miễn phép không đưa lên. Ý kiến bà con đã rõ ràng rồi. Nay bạn yêu cầu Inrasara.com lấy ý kiến của độc giả. Là yêu cầu vượt ra ngoài tầm của trang mạng này. Nên thành thật xin lỗi bạn.
    Mong sự cộng tác của bạn.
    Thân.
    Inrasara

  21. Nhìn bức ảnh cháu mới biết chú Sara lớn hơn chị em cháu ít nhất cũng 15, 16 tuổi. Ui da, cháu cứ tưởng chú cùng thế hệ Phan Trung Thành, Giảng Yên, Nguyễn Tất Độ.
    cháu chơi trên mạng dui lắm răng chú lại nghỉ chơi với chị em cháu.
    thithi

  22. BBT đã thông báo nhiều lần và mạn phép bạn đọc rằng:
    Sự cố CKT đã kết thúc, nên Inrasara.com xin miễn đăng Phản hồi từ 3 tháng qua.
    Rất mong bạn đọc thông cảm.
    BBT

  23. … (BBT cắt bỏ đoạn lạc đề, KL vui lòng nhé) Liêm sỉ, hoà hảo sắc tộc, những điều đó còn chờ chúng ta xây dựng cộng đồng tri thức, và ai dám từ bỏ cái ích kỉ của mình khi quyền lợi bưng ra trước mắt.
    Lần nữa xin nhắc lại:
    BBT đã thông báo nhiều lần và mạn phép bạn đọc rằng:
    Sự cố CKT đã kết thúc, nên Inrasara.com xin miễn đăng Phản hồi từ 3 tháng qua.
    Rất mong bạn đọc thông cảm.
    BBT

Leave a Reply to BBT Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *