Sách mới: Nguyễn Văn Tỷ: Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội

Nhà xuất bản Thanh niên, H., 2009.
270 trang, khổ 14,5 – 20,5 cm, số lượng in: 1.000 cuốn, giá bìa: 40.000 đồng.
Đã phát hành – có bán tại Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận.

MỤC LỤC
Lời mở đầu
PHẦN I : Giáo dục và con người
Chương 1 : Định nghĩa và mục tiêu của giáo dục
Chương 2 : Vấn đề giáo dục và sự phát triển đất nước – đoàn kết ác cộng đồng dân tộc
Chương 3 : Những yếu tố tạo nền móng vững chắc cho giáo dục – đào tạo
Chương 4 : Học và Hành, Danh và Thực
* Tiểu kết I

PHẦN II : Gương giáo dục thành công
A/ Giáo dục về đạo đức
Chương 1 : Giáo dục bằng những gương tốt
Chương 2 : Giáo dục bằng những thói quen tốt
Chương 3 : Giáo dục tinh thần kỷ luật
Chương 4 : Giáo dục tính nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm
Chương 5 : Giáo dục danh dự và lòng tự trọng
Chương 6 : Giáo dục lòng nhân ái và tinh thần cao thượng
Chương 7 : Giáo dục nhân cách và đạo làm người.
* Tiểu kết II

B/ Giáo dục về chuyên môn
Chương 8 : Một số yếu tố quan trọng cho việc dạy tốt và học tốt
Chương 9 : Một tiết dạy có chất lượng
Chương 10 : Vấn đề dạy thêm học thêm
Chương 11 : Kiểm tra và thi cử
Chương 12 : Vấn đề thể dục và giải trí
Chương 13 : Hiệu quả của giáo dục Pháp (tham khảo)
* Tiểu kết III

Kết luận và đề nghị
PHỤ LỤC: Thanh thiếu niên hư hỏng: một số nguyên nhân và giải pháp.

LỜI MỞ ĐẦU
Sau 1975 và trước thời kỳ đổi mới, đất nước Việt Nam tràn ngập khó khăn về mọi mặt: an ninh chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá, xã hội. Là một thầy giáo, tôi rất lấy làm bức xúc và có nhiều suy tư, trăn trở về vấn đề giáo dục lúc bấy giờ bị méo mó nhiều đến mức độ khó nhận diện được. Trong hoàn cảnh phức tạp, rối ren lúc đó, rõ ràng giáo dục không thể nào tự xoay sở để cứu mình ra khỏi hoàn cảnh “bày nhày”đó được.
Từ nhỏ tôi được theo học tại một trường Pháp nổi tiếng là nghiêm túc và chất lượng nhất Đông Dương, đó là Lycée Yersin Dalat. Nhờ đó, tôi mới có điều kiện hồi tưởng lại môi trường và tổ chức của trường Pháp để mà so sánh với môi trường giáo dục của ta. Ngay còn học ở Trường Tiểu học Pháp tại Nha Trang, tôi đã hiểu được chân giá trị của kỷ luât, kỷ cương của nhà trường, trật tự nề nếp của lớp học, sự tận tâm tận lực của thầy cô giáo. Tất cả cái đó làm cho tôi có nhiều suy tư khi phải đối diện với hoàn cảnh giáo dục rất khó khăn lúc bấy giờ. Vào Lycée Yersin, tôi càng ngạc nhiên khi chứng kiến cách tổ chức trường lớp, học tập, sinh hoạt, lao động, môi trường sống, nhất nhất đều tươm tất trong khuôn khổ kỷ luật kỷ cương tuyệt diệu! Vì thế về nề nếp nói chung cũng như tác phong và phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo thì không có cách nào chê trách được. Nếu nói “thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, thì thầy và trò ở trường này phải là mẫu người đẹp nhất mà xã hội ao ước.
Kết quả đương nhiên của tấm gương ấy là: Hiện tượng học sinh trốn lớp, bỏ học hay không làm bài, không thuộc bài, hoặc ăn mặc không chỉnh tề, lời nói thiếu lễ độ là một hiện tượng rất hiếm thấy! Việc dạy và học nghiêm túc, tác phong mẫu mực của thầy cô giáo đưa đến kết quả hết sức “lý thú” và khó tưởng tượng khác là: Học sinh trường Pháp vào giờ thi – dù là thi học kỳ hay thi tốt nghiệp, tú tài – không bao giờ quay cóp nhau, hay đem “phao”vào phòng thi! Hiện tượng như vậy đúng là khó hiểu và khó tin đối với chúng ta hôm nay, nhưng việc lý giải thì không có gì đơn giản bằng: Chỉ vì các học sinh ấy suốt năm học đã được dạy và học rất nghiêm túc (dạy thật, học thật), nắm rất vững chương trình môn học của mình và đặc biệt là rất tự tin khi bước vào phòng thi! Như vậy, các thí sinh ấy còn tìm cách quay cóp để làm gì cho mất thì giờ?
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Pháp văn Đà lạt, tôi đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho nền giáo dục Việt Nam ở cả hai chế độ chính trị. Là giáo viên, rồi cán bộ quản lý của Trường Trung học, tôi đã có dịp so sánh môi trường làm việc cũng như cung cách làm việc của cả hai phía: trường Pháp và trường Việt Nam và đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu.
Sau giải phóng (1975), đất nước được thu về một mối. Nhưng trong hoàn cảnh phức tạp và rối ren lúc bấy giờ, ta chỉ chú trọng đến việc tháo gở những khó khăn về kinh tế và an ninh chính trị, nên gần như “bỏ ngỏ”phần giáo dục. Khi các giáo viên đến các gia đình động viên các em đã bỏ học trở lại trường thì thường nhận được câu trả lời từ phía cha mẹ một cách tự nhiên là: “thiếu chữ không chết, thiếu gạo mới chết”. Đúng là khó khăn chồng chất lên khó khăn.
– Các thầy cô giáo ở lớp Tiểu học thường đối phó với khó khăn kinh tế bằng cách “dồn lớp dạy”, để cho một người dạy 3 lớp, hầu giúp hai người kia được rảnh rỗi đi kiếm gạo cho gia đình.
– Nhiều giáo viên khó khăn quá, xin thôi việc thì không được chấp nhận, và tự bỏ việc thì e ngại, nên cứ bỏ bê công việc dạy học để mong được “đuổi việc”.
– Các trường Sư phạm lúc đó tuyển nhận đầu vào rất kém, vì giáo viên khốn đốn như thế thì ai còn muốn làm giáo viên? Có nhiều trường Sư phạm phải nhận cả học sinh có điểm thi là “zéro”! Thời đó, và trước đó nữa, dân gian đã có câu vè: “chuột chạy cùng sào mới sa vào sư phạm”, ý rất xem thường ngành học này.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung như thế ((Nhà nước cũng chỉ dành cho giáo dục một ngân khoản rất khiêm tốn là dưới 2% của ngân sách quốc gia) thì chúng ta hiểu rõ chất lượng của giáo dục – đào tạo bi thảm như thế nào rồi vậy.
Tôi thật sự có nhiều suy tư và trăn trở cho nền giáo dục nước nhà lúc bấy giờ và cho tương lai đất nước sau này, khi thế hệ học sinh đang được đào tạo trong hoàn cảnh khó khăn như thế ra đời. Thế hệ học sinh mà tôi đang nói là các em đang theo học ở cấp Tiểu học và Trung học từ 1975 đến 1985, nghĩa là hiện nay họ đã trở thành cán bộ công nhân viên chức Nhà nước ở mọi cấp có tuổi đời trung bình là 40! Cái lôgic của vấn đề xã hội hôm nay là thế, vì giáo dục có liên quan mật thiết với xã hội.
Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một “hiện tượng tiêu cực tổng hợp”do giáo dục không thành công để lại; đời sống xã hôị đang bị sức ép nặng nề từ nhiều phía: tham ô, lãng phí, xì ke, ma tuý, AIDS, học giả bằng thật, thi cử gian dối, đạo đức nhà trường xuống dốc, chạy chức chạy quyền, hàng giả, lừa đảo, quản lý lơi lỏng, trộm cắp, cướp giật đang xảy ra tràn lan. Khi Việt Nam chuẩn bị vào WTO, dư luận lại càng bức xúc và quay sang đặt vấn đề thẳng với Bộ Giáo dục – Đào tạo: Đất nước như thế này là lỗi tại ai? Đảng và Nhà nước đã đề ra “chiến lược con người” thì Bộ Giáo dục – Đào tạo đã chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng đáng tin cậy để đi vào hội nhập quốc tế chưa? Bộ Giáo dục – Đào tạo có biện pháp gì để vực dậy sự xuống cấp của đạo đức nhà trường rất trầm trọng và cung cách học tập hôm nay là “cần để tiến thân, mà không cần tri thức?”.
“Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”, riêng bản thân Bộ Giáo dục – Đào tạo không thể nào xoay chuyển nổi tình thế này nếu xã hội không tiếp tay. Chính trong hoàn cảnh như hiện nay, chúng ta mới đặt vấn đề “sứ mạng của trí thức chân chính”.
Có một điều chúng ta phải thừa nhận là có một mối quan hệ giữa giáo dục và cuộc sống của đất nước đang ở độ biến động chưa từng có như hiện nay. Việc này cũng không có gì khó hiểu vì chúng ta đã từng nói đến “chiến lược con người” và từng xác định con người là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Con người hôm nay – hay nói rõ hơn là nguồn nhân lực hôm nay – là do Giáo dục đào tạo làm nên và cung cấp cho xã hội. Nếu nguồn nhân lực ấy bị xã hội phê phán, chê bai thì không còn gì để nói đến chiến lược con người nữa, như thế xã hội này sẽ đi đến nhiễu nhương, xáo trộn là một điều đã được tiên liệu trước vậy. Trong một nước yên bình, không phải tự nhiên dân chúng lại phải gởi những đơn khiếu kiện vượt cấp lên chính phủ, ngày càng quá nhiều đến ùn tắt, không thể giải quyết nổi, khiến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phải lấy làm bực bội mà nói rằng: “mỗi tuần, nhân dân gởi 15 kg đơn! Chỉ hiền quá hoá ngu mới không biết phẫn nộ trước một tình hình đất nước như thế!”. Hiện tượng ấy chỉ nói lên một việc rất cụ thể là đội ngũ cán bộ cơ sở quá yếu!
Chính tình trạng xã hội bi đát và những áp lực từ mọi phía mà giáo dục phải chịu nhận trách nhiệm như hôm nay đã thôi thúc những người tâm huyết phải chia sẻ một phần trách nhiệm với giáo dục để góp công, góp sức cùng tháo gỡ. Từ dòng suy nghĩ đó, tôi mới mạo muội biên soạn ra quyển sách nhỏ này, có tựa đề là Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội. Nội dung quyển sách không có gì mới mẻ lắm: Tất cả cái gì tôi viết ra đây cũng đã đựơc người khác nói đến rồi, song tôi vẫn thấy mình làm một việc có ích cho giáo dục nói riêng và cho xã hội nói chung, khi đúc kết lại và hệ thống hoá những ý kiến xác đáng về giáo dục để gợi ý một biện pháp thích nghi nhằm mở ra một lối thoát nào đó. Mặt khác, với những kinh nghiệm thực tiễn và sống động qua học tập và làm việc với hai hệ thống giáo dục của hai nhà trường Pháp và Việt mà tôi đã từng trải qua, tôi có thể khẳng định rằng: Nhà trường Pháp đã thành công trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực và nhân cách cho xã hội đáng được các nước học tập. Chính sự so sánh hai khuôn mẫu giáo dục Pháp – Việt nhằm vạch ra nguyên nhân của sự thành công cũng như sự thất bại trong sự nghiệp “trồng người” sẽ là cốt lõi của quyển sách này vậy.

Quyển sách gồm 2 phần:
– Phần I, gồm 4 chương là phần lý thuyết nói về mối liên quan, giữa giáo dục và sự sinh hoạt mọi mặt của xã hội. Ở phần phụ này, tác giả muốn minh định lại cụ thể: Định nghĩa và Mục tiêu của giáo dục, sự thăng hoa của nền giáo dục thành công và sự tác hại của nền giáo dục không thành công.
– Phần II, gồm 13 chương nói rõ về sự thành công đáng thán phục của khuôn mẫu giáo dục Pháp trong việc hình thành NHÂN CÁCH con người ở học sinh, cũng như đào tạo con người có NĂNG LỰC, có kỷ luật, kỷ cương rất mẫu mực.
Về văn phong, tác giả cố gắng viết rất giản dị vì mong muốn quyển sách này sẽ phục vụ rộng rãi, vừa là sách tham khảo cho các nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời cũng là sách tham khảo cho giáo viên, sinh viên, học sinhvà phụ huynh học sinh. Tác giả hy vọng, qua quyển sách nhỏ này, sẽ mang lại một lợi ích nào đó nhằm góp phần trách nhiệm của một thầy giáo già vùng nông thôn đối với nền Giáo dục đang cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh hội nhập với cộng đồng quốc tế hôm nay.
Đề tài về giáo dục là một đề tài rộng lớn; tôi tin rằng dù tác giải có cố gắng đến đâu cũng không thể nào tránh khỏi sự khiếm khuyết. Rất mong những vị quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà vui lòng góp ý xây dựng cho quyển sách này hầu có dịp chỉnh sửa lại cho hoàn thiện hơn.
Tác giả rất cám ơn.

NGUYỄN VĂN TỶ
(15-1-2008)

*
Trong sinh hoạt thường ngày, người luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao là người tốt, thường được xã hội khen ngợi. Nhưng trong cuộc sống đầy đấu tranh như hiện nay, người hoàn thành tốt nhiệm vụ chưa đủ mà còn phải làm hơn thế, phải bỏ công sức đầu tư suy nghĩ để có nhiều sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, làm thế nào công trình đã thực hiện phải được hoàn thành với chất lượng cao nhất mà chi phí lại thấp nhất. Trong giao tiếp, không làm mất lòng ai, không hại ai chưa đủ, mà phải gây được sự đoàn kết tương thân tương ái trong bà con họ hàng, trong khu dân cư và trong cộng đồng. Trong một đất nước chậm tiến đói nghèo, là một cán bộ mẫu mực chưa đủ mà còn phải tìm mọi cách giúp đỡ chính quyền chặn đứng được mọi tiêu cực và phát hiện những sâu dân mọt nước để đưa đất nước đi lên. Như thế mới là người có NHÂN CÁCH, biết ĐẠO LÀM NGƯỜI.
(Trích đoạn Đúc kết chương 7/P1)

One thought on “Sách mới: Nguyễn Văn Tỷ: Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội

  1. Bác Nguyễn văn Tỷ đúng là một trí thức chân chính và rất có tâm huyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *