Thư tháng 12-2008

Mỗi tháng tôi viết chục thư và trả lời dăm cuộc phỏng vấn các dạng. Đấy là thư riêng. Nhận thấy nó có ích chung cho cộng đồng và sinh hoạt chữ nghĩa, tôi mạn phép đăng ở inrasara.com, mỗi tháng một kì. Phần mang tính riêng tư được lượt bỏ. Thêm vài giải minh và các dẫn dụ cần thiết.
Inrasara.
.
Sài Gòn ngày 7-12-2008
Bạn quý mến.
Bạn có vài trao đổi ở thư trước. Bạn không chuyên văn chương nên có vài trở ngại nhất định; được cái là bạn thích đọc, nên đôi điều giải minh của mình là cần thiết, anh em sẽ hiểu nhau hơn. Về sinh hoạt chữ nghĩa đa dạng với những liên tục khai phá làm mới của Inrasara, người thương thì nêu thắc mắc, người không yêu thì phản bác hay thậm chí xuyên tạc. Yêu thuộc tình cảm, còn hiểu thiên về lí trí. Mình có viết ở đâu đấy: Hiểu thì càng yêu hơn. Ở thư này mình sẽ cố gắng diễn đạt giản đơn nhất có thể. Rỗi, bạn thư thả đọc. Biết đâu mình có thể giúp nhau cái gì đó. Hi vọng vậy.

1. Tiến trình của thơ. Vấn đề này mình đã đề cập rất nhiều lần.
Bất cứ lĩnh vực nào cũng có sự phát triển. Khi nó phát triển thì có trở ngại về tiếp nhận. Không chỉ khoa học kĩ thuật mà cả văn học nghệ thuật. Lạ là khi học sinh cấp hai không hiểu toán cấp ba, họ cố gắng học để biết; còn độc giả thế hệ cũ không hiểu thơ thế hệ mới thì họ bảo đó là thứ thơ tắc tị! Rõ hơn cả là hội họa.
Trích đoạn Song thoại với cái mới:

“Bạn thử quá bộ vào một phòng triển lãm tranh Cổ điển. Dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu bạn cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp [giống], bức kia xấu [không thật]. Rồi, sau đó bạn thử dời gót sang phòng tranh lập thể, chắc chắn bạn sẽ rối lên mà coi! Một khi bạn chưa biết gì về hệ mĩ học của trường phái lập thể, bạn không thể hiểu, không thể thưởng thức thì có gì đáng trách đâu. Trách chăng khi bạn đứng giữa phòng triển lãm kia và la lối rằng bọn họa sĩ phương Tây vẽ rối mò, cái nào cũng như cái nào, tôi chẳng hiểu gì sất!
Đâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/xấu thế nào, bạn phải được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác!”

Mà hội họa Tây phương đâu phải có mỗi lập thể? Họ còn có siêu thực, ấn tượng, Đađa, Sắp đặt,… Cả lô trào lưu và trường phái ra đời đã đẩy nền hội họa họ phải phát triển. Bên cạnh đó là những lí thuyết và nhà lí luận phê bình. Khi xuất hiện, các trào lưu này cũng bị phản bác. Văn chương phương Tây trở thành trung tâm thế giới vì có truyền thống lí thuyết và phê bình.
Trở lại với thơ Việt, khi Thơ Mới xuất hiện vào thời Tiền chiến, đại đa số nhà nho uyên thâm không chấp nhận. Các cụ chưa tiếp cận hệ mĩ học mới, không hiểu nó nên không thưởng thức được. Nhưng chính Thơ Mới mới đẻ ra Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,… Còn độc giả thế hệ này rung động được với các bài thơ “Hổ nhớ rừng”, “Tiếng thu”, “Trên đường về”,… là do họ được học LÍ THUYẾT MĨ HỌC lãng mạn, hiện thực, tượng trưng của Pháp ngay từ thời trung học. Họ cũng đã đọc Verlaine, Hogo, Lamartine,… trước đó rồi.
Giai đoạn hai (1950-65), ở miền Bắc khi Nguyễn Đình Thi làm các bài thơ tự do không vần, Xuân Diệu chê là thơ lủng củng; ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền cũng bị như thế. Nhưng độc giả giai đoạn đó yêu Nguyễn Đình Thi, và Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên đấy chứ. Các nhà thơ cũng hết làm thơ theo kiểu cũ rồi.
Giai đoạn thứ ba (1990-2000), khi các tập thơ của Nguyễn Quang Thiều, Đặng Đình Hưng, Trần Tiến Dũng,… xuất bản, chúng cũng bị thế hệ làm thơ thế hệ trước (toàn người tài năng) chê là thơ Tây giả cầy! Cuối cùng, thế hệ thứ tư mới nhất: thơ hậu hiện đại xuất hiện, lại bị các nhà thơ thế hệ vừa qua và nhiều độc giả yêu thơ thế hệ thứ ba không chịu nổi loại thơ như Đinh Linh, Bùi Chát,…
Chưa đầy một thế kỉ, thơ Việt Nam đã qua 4 giai đoạn phân kì về hệ mĩ học như thế. So với Âu Mĩ thì hãy còn quá ít. Đó là sự PHÁT TRIỂN cần thiết của sáng tạo. Độc giả cũng qua đó, thưởng thức chúng. Lẽ nào các nhà thơ Việt Nam cứ làm thơ theo kiểu cũ của Tiền chiến?

Tạm kết, thơ ca hay bất kì môn nghệ thuật nào cũng phải phát triển. Ngươi đọc muốn hiểu nó, muốn thưởng thức để rung động được với nó thì cần trang bị kiến thức về hệ mĩ học đó. Lưu ý, bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu học sinh cấp hai hôm nay cho là “hay” nhưng các cụ đồ uyên bác thời đó đã không chịu được. Hay bài “Phục sinh” của Thanh Tâm Tuyền đại đa số độc giả hiện tại cho là đầy tâm trạng, vậy mà nó không rung động được nhiều người đọc thời đó. Nói thế không phải hôm nay ta hết đọc Lưu Trọng Lư hay Nguyên Sa. Cái cũ khi nó đã hay thì nó thành cổ điển. Đa phần độc giả thơ hôm nay thích thơ tự do giai đoạn thứ ba hơn. Chưa có nhiều người biết thưởng thức thơ HÔM NAY. Người đọc luôn đi sau sự khai phá của kẻ sáng tạo. Sara mong muốn làm cho độc giả hiểu nó. Bằng bài lí luận và phê bình, bằng giải mã các sáng tác đương đại. Vì nghĩ thơ hậu hiện đại gần gũi quần chúng hơn, chứ không chỉ dành cho số ít người đặc tuyển, như kiểu thơ siêu thực hay tượng trưng.
Như vậy trở ngại là ở hệ mĩ học chứ không phải ở “tiến bộ” của thơ. Một bài thơ hậu hiện đại năm 2006 dễ hiểu hơn nhiều lần một bài thơ siêu thực cách nay 70 năm. Mình đã thử giảng hai bài thơ trên cho một người chưa đọc thơ nhiều, và hiệu quả thấy rõ.
Trở ngại thứ hai là ở gu thưởng thức. Ví dụ thời Tiền chiến, nhà phê bình Hoài Thanh thích thơ hiện thực và lãng mạn hơn siêu thực và tượng trưng.

2. Phê bình hậu hiện đại, là gì? Tại sao? Vấn đề này mình cũng đã vài lần lí giải. Xin trích đoạn:

“- Tại sao nhà thơ không lo tập trung cho nghiên cứu văn hóa Chăm, cho chính sáng tác của mình, mà tốn quá nhiều công sức cho phê bình và lí luận văn chương đương đại Việt Nam? Một phê bình quá mới, mới cả với người Kinh. Có thể nhà thơ thích phiêu lưu tìm thách thức, khai phá tư tưởng hiện đại hơn, mới mẻ hơn. Có cần thiết không, bởi chính việc làm đó nhà thơ đã gây ra không ít ngộ nhận, ngộ nhận rất tai hại cho bản thân nhà thơ?
– Câu trả lời đầu tiên của tôi là: bạn đúng! Có lẽ tôi là người phê bình duy nhất hôm nay về văn chương hậu hiện đại. Phê bình đó đã gặp phải các dị ứng, phản đối, tố giác,… càng đúng nữa. Nhưng nếu vậy mà cho rằng phê bình hậu hiện đại không dính líu hay tác động gì đến [văn chương và xã hội] Chăm, hoặc không có sự hưởng ứng hay đồng thuận của độc giả và người viết các nơi, thì cần xem lại.
Thách thức lớn nhất trong cuốn sách này với anh là gì?
– Đó là ý hướng nhận diện và xô đổ bức vách ngăn văn chương [bị cho là] ngoại vi và trung tâm bên cạnh phá tan nỗi mặc cảm hậu thuộc địa và ngoại vi tai hại. Đó là chuyện ngoại hướng. Riêng cá nhân tôi, khai vỡ mọi khía cạnh trung tâm/ ngoại vi trong văn chương Việt đương đại là một thách thức lớn, nó đòi hỏi khả năng bao quát vấn đề chưa được khai thác, khả năng thẩm định tác giả, tác phẩm, xu hướng hoàn toàn mới và nhất là, thường trực vượt bỏ sự thỏa hiệp…

“Vấn đề ngoại vi/ trung tâm chắc chắn không thuộc bản chất văn học, nhưng phiền nỗi nó là hiện tượng có thật. Kéo dài hằng chục thế kỉ, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến phát triển/ trì trệ của nhiều nền, dòng văn học. Một dân tộc, một địa phương hay khu vực. Bức tường được hình thành nơi tâm lí xã hội khá phức tạp, quy định bởi vị trí địa lí-lịch sử, sức mạnh kinh tế-chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, số dân, nỗi to/ bé của giải thưởng,… thậm chí cả sự cao/ thấp của chức vị hay địa vị chẳng dính dáng gì đến văn chương cả!
Bức tường thành tưởng đã sụp đổ khi chế độ thực dân tàn lụi sau thế chiến thứ hai, khi tư tưởng tự do dân chủ được truyền bá khắp thế giới, nhất là khi văn hóa internet phát triển phồn thịnh biến trái đất thành một làng: làng toàn cầu. Nhưng không! Nó vẫn có đó, lù lù và vững chãi. Cứ như một thách thức. Nữa, những tưởng chỉ có phía mạnh (trung tâm) mới có ý đồ dựng và bảo trì bức tường mà lạ thay, ngay cả phe yếu (ngoại vi) cũng rất kiên trì tâm thế bám trụ!”
Tôi đã đi sâu phân tích tâm thế này với những biểu hiện khác nhau trong rất nhiều bài viết đăng báo, tạp chí, Website từ trung ương đến địa phương, từ trong đến ngoài nước, từ của Chăm cho đến của Mỹ. Phê bình hậu hiện đại, là nỗ lực giành lại sự công bằng cho các dòng văn học ở thế lép, trong đó có văn học dân tộc thiểu số và Chăm. Nó đạp đổ bức vách ngăn đầy tinh thần đối xử phân biệt tệ hại. Đó là đặc điểm dân chủ mới của hậu hiện đại.
Văn chương là một phần của cuộc sống. Phê bình văn chương hậu hiện đại, cách nào và phần nào đó, là nói cho văn chương Chăm và xã hội Chăm. Nó tác động đến sự nhìn nhận của cộng đồng khác về Chăm, trước mắt hay lâu dài.
Phê bình hậu hiện đại còn quyết đánh tan mọi mặc cảm: mặc cảm hậu thuộc địa, mặc cảm dân tộc thiểu số hay tỉnh lẻ, mặc cảm phái yếu tòng thuộc (nữ), mặc cảm chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vân vân… Rời bỏ tinh thần dĩ Âu vi trung, tâm lí lệ thuộc, chối bỏ các đại tự sự từng/ toan thống ngự cuộc sống con người hay nền văn hóa ngoại biên, để mỗi cá nhân tự khẳng định vị thế của mình, mọi nền văn hóa nhỏ lẻ có tiếng nói của riêng mình. Là đặc điểm nhân văn mới của hậu hiện đại.

3. Về hoạt động và thơ văn Sara.
Nhà nghèo, nên từ bé, mình sống cơ cực nhưng chưa hề kể khổ. Hai bạn mình mà bạn nêu nhà khá giả, sống ít nhiều phong lưu; gia đình mình ngược lại: nông dân vô sản toàn phần. Dù thân và yêu nhau, nhưng tính khí 3 anh em khác nhau, viết khác nhau. Là rất tốt, nó làm cho văn chương Chăm đa dạng, đa phong cách. Mỗi phận người có việc làm riêng, mỗi nhà văn có cách làm riêng, lối đi riêng.
Nếu viết kể khổ (để cảm thông và yêu thương) thì trường ca “Quê hương” trong Tháp nắng là xứng đáng đại biểu. Mình viết nó theo lối thơ giai đoạn hai rười (giữa gia đoạn hai và ba: hiện đại cổ điển). Bạn thử đọc lại, chắc sẽ rất thích. Chẳng những nó được nhà thơ Trúc Thông cho là một trong vài trường ca hay nhất của thơ Vịệt hiện đại mà, rất nhiều bà con Chăm ở quê mê và thuộc lòng nó. Nhiều Chăm thuộc thơ tiếng Chăm tuổi hai mươi của Sara, nhiều bài mà mình đã quên. Nhưng lẽ nào mình cứ làm thơ như thuở ấy?

Riêng trong tiểu luận xã hội thì khác, mình thẳng thừng nêu vấn đề cộm, gây chú ý nhất: “Vấn đề xã hội Chăm và tương lai cộng đồng”, và nhiều bài khác. Không ít lần đại diện cơ quan nhà nước tìm gặp/ mời mình để trao đổi. Tìm một nhà văn Việt Nam hôm nay dấn mình về nông thôn điều tra các sự vụ nông thôn như Sara là cực hiếm. Thường thì họ về để tìm đề tài cho tác phẩm, chứ không nêu nó như là một vấn đề xã hội.
Đây là phong cách dấn thân của Sartre (nhiều người tố cáo ông trí thức xalông là sai, qua phân tích “khó hiểu” của mình, Sartre đã tác động lớn đến cách nghĩ của người Pháp và thế giới). Nhưng khác triết gia-nhà văn hiện sinh này nhắm vào vấn đề trí thức thời đại, mình nhắm về nông thôn nơi mình sống.

Sara hoạt động nhiều lĩnh vực: làm thơ, viết văn, viết lí luận phê bình, xã luận, nói chuyện, chủ trì hội thảo,… Trong sáng tác văn chương, mình liên tục thay đổi và tạo nhiều phong cách, chính nó làm cho văn thơ mình đa dạng. Các thành phần độc giả khác nhau ai thích phong cách hay thể loại nào thì đọc nấy. Vài nhân chứng nhé: Trầm Ngọc Lan chưa bao giờ “chịu” thơ mình, nhưng hắn bảo: “Phê bình của Sara là số dzách!”. Thọ Đẳng và vài nông dân: “Sara nên viết văn đi, bà con dễ hiểu hơn”. NTT dịch giả nổi tiếng: “Tiểu thuyết của bạn là cực kì”. Một nghiên cứu sinh về thơ mình: “Nếu đọc phê bình của anh trước, em sẽ làm luận án về nó chứ không phải thơ đâu”…
Dư luận riêng về thơ. Nhà thơ lão thành Nông Quốc Chấn từng yêu Sara và Tháp nắng (1996), nhưng nói Hành hương em (1999) là tắc tị; Ts PQT từng ca ngợi Tháp nắng, đến Lễ tẩy trần tháng Tư (2002) ông cho là không hay; nhà văn NVN (và không ít nhà thơ) rất thích Lễ tẩy trần tháng Tư nhưng lại tuyên bố Chuyện 40 năm mới kể (2006) chỉ đáng vứt đi; trong lúc ngược lại, rất nhiều anh nhà nông Chăm lại khoái tập thơ mới này của mình. Lộn xộn quá nhỉ! Tạm kết rằng: thưởng thức hay rung cảm nghệ thuật (ở đây là thơ) không lệ thuộc “trình độ” cao hay thấp của học vấn mà thuộc hệ mĩ học và độ nhạy cảm của người đọc.

Văn Sara: đến lúc này, ngoài 15 truyện ngắn, Sara có 3 tiểu thuyết (2 chưa in). Chân dung Cát nhấn về tinh thần và thân phận trí thức Chăm, Thằng Trạm mát (500 trang) tập trung vào tinh thần văn hóa Chăm và văn chương Việt hiện đại, Con đường vô tận hay Tiểu thuyết của Khan (900 trang) bao quát cuộc sống dân tộc nhiều mặt từ 1832 đến 2000. Nghĩa là khá đa dạng đề tài.
Riêng thơ, Sara động cập đến đề tài rất rộng và đa dạng. 1. Suy tư về mình. 2. Về dân tộc và văn hóa dân tộc, cả văn hóa của nhiều dân tộc ở Việt Nam, ngôn ngữ dân tộc, định mệnh & văn minh dân tộc. 3. Nét đẹp quê hương, cuộc sống kham khổ nơi quê hương. 4. Viết về bạn bè & người xung quanh, cha mẹ, anh em, vợ con. 5. Đối thoại với thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. 6. Thơ về tình yêu. 7. Về chiến tranh. 8. Triết lí cuộc đời và cảm thức vũ trụ. 9. Về tự do. 10. Suy nghĩ về nghề.
Phong phú đến 10 cô cậu cử chọn nó làm luận văn ra trường, 1 đề tài khoa học (đã thành công), 2 luận văn thạc sĩ, và sắp tới cả luận án tiến sĩ nữa! Đề tài rộng, cách nhìn về một đề tài cũng đa dạng.
Mỗi đề tài thôi, mình cũng có cách nhìn và lối thể hiện khác nhau. Về quê hương dân tộc chẳng hạn, bên cạnh trường ca “Quê hương” và “Đứa con của Đất” đến bác nông dân trình độ Tiểu học đọc cũng hiểu, mình còn có “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”, “Hành hương về bên kia đêm tối”, được các nhà thơ hàng đầu hôm nay như TTD, PNH cho đó là bài thơ hay nhất của Sara, cho dù ít bà con Chăm cảm được.
Nhỏ nhất, về Apsara chẳng hạn, mình vừa có “Apsara – vũ nữ Chàm” (Tháp nắng) cổ điển Amư Nhân phổ nhạc được bà con hát đầu thôn cuối xóm, vừa có “Apsara – vũ nữ Chàm” (Hành hương em) hiện đại qua ngôn từ chắt lọc, đồng thời có cả ““Apsara” (Chuyện 40 năm mới kể) theo thơ tân hình thức với ngôn ngữ giản dị đời thường.
Hỏi, sao lại cực thế? Bổn phận của triết học là nỗ lực nhận thức hiện thực. Vậy đó, có mỗi hiện thực mà lôi cuốn bao thế hệ triết gia giải thích. Mà một lần cũng đủ rồi, sao lại cần nhiều cách thế như thế cho khổ chứ! Nhưng chính nỗ lực đó đã ảnh hưởng và tác động quan trọng đến lịch sử phát triển tinh thần của nhân loại. Không phải tác động trực tiếp như nhà chính trị hay hoạt động xã hội, mà như là triết gia. Thơ ca cũng vậy, nó nhận thức hiện thực theo cách thế khác.
Ví dụ về tháp. Trích văn:

“Nhà thơ, làm gì? – Phá đổ lề thói cũ, đưa ra cái nhìn mới qua thể hiện kĩ thuật mới, hầu mở rộng kinh nghiệm trường để làm phong phú cuộc đời, của mình và của người đọc, có thể lắm. Chế Lan Viên nhìn thấy “tháp gầy mòn vì mong đợi”, “lở lói rỉ rên than” – là hay. Nhưng hôm nay, tôi phải nhìn khác Chế. Thấy khác và viết một cách khác. Tôi đã từng phục Chế, điên mê Chế, thuộc lòng Chế. Với “những tháp gầy mòn vì mong đợi”, Chế Lan Viên nói lên một tâm trạng tháp một cách bình thường. Bằng thành thật, câu thơ đã rung động người đọc ở thẳm sâu.
Bài thơ nổi tiếng của Văn Cao cũng rung động độc giả ở khía cạnh khác:
Tự trời xanh
Rơi
Vài giọt
Tháp Chàm
.
diễn tả cái gì thánh thiện, siêu việt. Tháp được nhìn bằng con mắt duy mĩ, sự có mặt của tháp thoát khỏi mọi nắm bắt của trí tuệ con người.
Tôi thì khác, phải khác. Nhìn tháp qua nhiều góc độ, tình huống và tâm trạng. Tháp hiện diện trước mắt nhà thơ muôn màu muôn vẻ: “tháp Chàm muôn mặt”. Cô độc và kiêu hãnh: “tháp nắng”. Bị bỏ rơi và run rẩy: “tháp lạnh”. Âm u đầy bí hiểm: “tháp hoang”. Tháp đột ngột xuất hiện trong ta khi ta làm tha hương nơi đất khách quê người: “Đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời”. Khi “là chim”, “tháp bay”. Là bóng ma, tháp “trườn qua đêm tối những triều đại”. Buồn, “tháp ngậm im lặng màu tro”; giữa thất thường khí hậu miền Trung: “tháp thét gào với bão”; qua chiến tranh tàn phá, tháp đổ: “tháp lãng du thế giới cỏ cây”; rồi khi tất cả tiêu tan: “tháp chuyện trò cát bụi”. Trời nóng nực: “tháp ở trần nằm”, trời lạnh: “tháp ngủ”, nhớ vương quốc: “tháp đứng”, hứng khởi: “tháp bay”,… Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ. Khi:
Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi

Tháp đã thành biểu tượng cho một suy tàn của vương quốc (hoàng hôn), một dang dở của nghệ thuật hay văn minh (mắc cạn), một ở lại với trần gian đầy đau xót, tức tưởi (ở lưng đồi). Đây là một hiện thực đầy khổ ải mà chỉ có thi sĩ Chăm chính gốc mới nhận thấy và nói ra được. Tóm lại: nó rất người.”

*
Tóm lại, các thắc mắc của bạn cũng là chung của không ít người đọc yêu Sara, chính cái đó với người không thích Sara, nó trở thành nỗi bất bình. Đời mà, mênh mông lắm. Nhà văn phải dám sáng tạo, có thể độc giả hôm nay không hiểu, chưa cảm thông, nhưng rồi thế hệ đi tới sẽ hiểu (không phải hắn bỏ rơi độc giả hiện tại để nhắm đến tương lai, mà đó chỉ là một rủi ro của định mệnh kẻ sáng tạo, hay nói to hơn: một đi trước thời đại). Nietzsche in Zarathoustra đã nói như thế lần đầu đúng 25 bản, ông tìm khắp nước Đức mới tặng được 7 người; nửa thế kỉ sau, tác phẩm đó gây ảnh hưởng lớn đến thế giới. Triết gia Marcel đã từng kêu Heidegger là tên “văn vẹo chữ nghĩa khó hiểu”, sau đó chính ông [và giới triết học] xem Heidegger là tư tưởng gia lớn nhất của thế kỉ XX. Giữa trào lưu lãng mạn đang thịnh hành, Đỏ và Đen của Stendhal ra đời rất lạc lõng và bị chê tơi bời, nhưng 30 năm sau dân Pháp xem ông là nhà cách mạng tiểu thuyết vĩ đại; Đỏ và Đen trở thành một kiệt tác. Ngay ở Việt Nam thôi, ai mà chẳng công nhận Nguyễn Du tài năng, nhưng đọc Truyện Kiều, vua Tự Đức đòi nọc ông ra đánh đòn, còn dân gian Việt lúc đó truyền tụng ca dao: “Đàn ông chứ đọc Phan Trần/ Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều”. Tác phẩm số một của Việt Nam bị người cùng thời đối xử thế đấy. Còn Hồ Xuân Hương, không ai coi thơ bà là thơ đúng nghĩa cả, nhưng hôm nay, thế giới đánh giá bà là nhà thơ đi trước thời đại.
Nhiều lắm… Sáng tạo như thế chẳng những góp phần vào phát triển văn chương thôi mà còn “phục vụ” độc giả ở chiều dài lâu hơn, sâu thẳm hơn. Nó không chiều theo thị hiếu nhất thời của độc giả hôm nay. Nó buộc độc giả phải động não “phát triển” cách đọc, cách nghĩ. Để phát triển cùng nhân loại.

Riêng về sự việc xảy ra, không cần và không thể tránh. Điều cốt yếu là mình ứng xử với nó và giải tỏa nó thế nào mà thôi. Nói không quan tâm tới những cáo giác hay xuyên tạc, mình nói theo nghĩa đó. Khi nghe hay đọc phải, mình vẫn nhớ chúng, tìm lí do phát sinh ra chúng. Và khi đã hiểu thì không nặng lòng với chúng nữa. Ví dụ về nhà văn tố cáo phản động, mình không quên nó mà tìm hiểu nguyên nhân. Sự thể này nói lên điều gì?
– Nó bộc lộ khía cạnh tinh thần nhà văn đương đại: hay bị ám ảnh bởi chính trị.
– Ý kiến trên đã được đăng báo, nghĩa là thuộc lịch sử rồi.
– Cho nên cần nêu ra để giải minh và giải tỏa nó.
– Có nhiều hướng giải tỏa, mình chọn cách humor.
Tại sao humor? Theo thiển ý, đó là cách khả dĩ hơn cả ở thời hiện đại. Mình đã humor các bạn và chính mình trong “Chuyện chữ”:

“Chăm hôm nay có vẻ hết biết klau?
Ông bà ta cười nhiều, đủ sắc thái, cấp độ. Chỉ cần kê chữ cười klau ra thôi cũng đủ cho chúng ta cười vỡ bụng rồi (chắc gì tôi đã liệt kê đủ). Vậy mà hôm nay chúng ta không chịu cười, mới lạ! Bạn thơ Jaya Hamu Tanran ăn nói duyên ơi là duyên, nghe cứ tathrok klau muốn cười, vậy mà làm thơ lại quá ư mô phạm. Trầm Ngọc Lan cũng một giuộc, ngoài đời chọc thiên hạ cười suốt, thế mà thơ cứ “buổi chiều”, “lũy tre”, “nỗi nhớ” để mà buồn. Chả có lấy một tiếng cười thầm klau jwa, nói chi cho bạn đọc cười ngất klau pik mưta, cười đến chiều mai còn cười klau tơl paguh bia harei! Phê thiên hạ là vậy, thơ tôi có hơn gì đâu. Nghe đồn giới chữ nghĩa và khi tự soi lại mình, dám nói là hầu như trong thơ Inrasara có đủ cả, chỉ mỗi sự thiếu: cái cười. Mới khổ chứ. Cứ cà vạt vét tông mà nhăn trán, chả kém gì anh giáo làng gàn.
Mà Chăm thì rất cần cười, hơn bao giờ hết. Khổ lắm rồi, cực nữa, vậy mà có thứ trời cho không biếu không là tiếng cười, ta lại cứ hè nhau mà tiết kiệm. Ở Việt Nam đã vậy, qua tận Tây, Mĩ chúng ta cứ thế mà không chịu cười. Cười để giải tỏa nỗi niềm, khuây khỏa u buồn, giữ gìn sức khỏe, thanh tẩy tinh thần. Để chúng ta còn sáng tạo nữa chứ”.

Humor như thế, J-H. Tanran, Trần Ngọc Lan hay Inrasara không những không mếch lòng mà còn có khả năng tự thức tỉnh và “sửa sai” nữa đấy.
Thân mến. Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *