Chi chép tháng 11-2008.

Một nhà văn được đánh giá qua 4 điểm cốt yếu:
[1] Nhà văn có tư tưởng nào mới không, hoặc nêu vấn đề cốt tủy của dân tộc, đất nước và thời đại không? [2] Họ có nhiều tác phẩm, để mở rộng và đào sâu tư tưởng/ vấn đề đó không? [3] Ông/ bà ta có khám phá bút pháp nào mới, để thể hiện tư tưởng/ vấn đề đó? [4] Cuối cùng là sự suy tư về nghề, để tránh cho nhà văn viết một cách nghiệp dư, tiến tới lao động mang tính chuyên nghiệp.

Cả bốn điểm, nhà văn Việt Nam còn thiếu.
Ở điểm [3] nhà văn ta lạc hậu, thì khá rõ. Thơ Mới phát tiển phồn thịnh vào đầu thế kỉ, nhưng nó chỉ tiếp nhận trường Lãng mạn và Hiện thực Pháp của tiền bán thế kỉ XIX! Hậu hiện đại đã nở rộ khắp thế giới ba thập niên qua, hôm nay ở ta nó mới thập thò ngoài cửa! Chỉ so sánh cùng thời điểm, mới nhận ra vấn đề.
Về tư tưởng, Việt Nam chưa có truyền thống, là chuyện khỏi bàn. Nhà văn nữ nêu tư tưởng nữ quyền, là cái thiên hạ đã khai thác cạn kiệt non trăm năm trước. Chống toàn trị cũng vậy, đầu thế kỉ XX có cả đống nhà văn tài ba phương Tây khai thác và thể hiện rất oách rồi. Nêu vấn đề dân tộc, và thời đại, ta có nhưng không sâu đậm, toàn diện và quyết liệt như ở phương Tây. Ta cũng không nâng cấp nó lên giai độ toàn cầu nữa. Ví dụ: O Pamuk, vấn đề Đông Tây đặt ra ngay đất nước ông, nó còn là vấn đề chung của nhân loại hiện đại.
Riêng điểm [2], hầu hết nhà thơ ta chưa thoát khỏi định mệnh một tập, thậm chí một bài, nhà văn thì: một cuốn tiểu thuyết. Rồi tắt. Hoặc có viết nhưng không nhích lên được. Chúng ta luôn nhảy cóc từ vấn đề này sang vấn đề khác, chứ ít khi theo đuổi một tư tưởng đến cùng. Tầm vóc còn còn có nguyên nhân dễ nhận diện, đó là sự yếu kém ở mục cuối cùng: thiếu tính chuyên nghiệp.

*
Tôi đã thử nêu ý này tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, ngày 3, 4 & 5-11-2008. Suy tư về nghề của nhà văn ta rất yếu. Cứ đặt 7 Biên bản Bàn tròn văn chương của Ban sáng tác trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 bên cạnh Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo, sự chênh lệch là rất lớn. Trong khi nhà văn hôm nay đi sau thế hệ cha ông đến nửa thế kỉ!
Nhưng Ban chấp hành vẫn rất bàng quan với Bàn tròn!

Phê bình ta hôm nay cũng không theo kịp sáng tác. Khi phong trào Thơ Mới chưa kết thúc, Hoài Thanh đã làm xong Thi nhân Việt Nam, vừa bắt mạch đúng tinh thần Thơ Mới và nhất là, vừa rất kịp thời. Trong khi cả ngàn hội viên Hội Nhà văn, đến hôm nay, có ai cầm lên một tác phẩm phê bình mà nói rằng mình nhận diện được khuôn mặt thơ ở một thời đoạn dù ngắn không? Không! Đổi mới và cả hậu đổi mới cũng thế. Nhà phê bình còn chưa có ý tưởng đó nữa, có lẽ? Chúng ta làm đủ thứ tuyển, nhưng nắm bắt để khái quát kịp thời cái đang xảy ra thì, không!

Và cả Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng không hơn gì. Văn chương mạng đang phát triển mạnh, phong trào hậu hiện đại cũng thế, nhưng ta vẫn chưa lần có ý định tổng kết hay làm hội thảo về nó. Cái đang xảy ra không lo mà lo làm hội thảo tận… Cao Bá Quát. Về quá khứ xa, Viện Văn học làm không hay hơn Hội Nhà văn sao? Trong khi các vấn đề văn học nóng bỏng của hôm nay, ta lại quá ư lơ là.

Sài Gòn, 12-11-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *