Thư cho bạn trẻ11: Thiện tri thức

VỀ TỪ THIỆN TRI THỨC VÀ BA DẠNG TINH THẦN
Thư gới cho bạn trẻ 11
.

Sài Gòn cuối năm 2005.
Người Trung quốc phân biệt hai loại tri thức (hay kiến thức, tri kiến): Văn tuệ và Tri tuệ. Văn tuệ do sự nghe (văn) mà biết, Tri tuệ do sự suy nghiệm (tri) mà được. Cả hai đều cần thiết cho phát triển xã hội.
Văn tuệ là kiến thức thu thập được từ thầy, trường lớp, đọc sách hay nghe giảng. Nghĩa là tất cả những gì từ mắt thấy, tai nghe. Nhưng cao hơn một bậc là Tri tuệ. Từ vốn kiến thức Văn tuệ, ta suy nghiệm bằng kinh nghiệm và trí thông minh của mình, phát triển thêm, thành sáng tạo.
Sáng tạo là giá trị cao tuyệt. Chính ở điểm này, hàng đạt đạo hay triết gia lớn của nhân loại dù “ít học” nhưng đã đạt đến tri thức tinh duệ, tư tưởng dẫn đạo lịch sử nhân loại. Thấp hơn một cấp là các nhà sáng tạo (đủ lãnh vực: văn học, nghệ thuật, khoa học,…) sáng tác các tác phẩm, công trình để đời. Còn người Văn tuệ là kẻ thu gom kiến thức từ hai bậc trên, thực hành hay truyền đạt thực hành.
Cả ba hạng người đều có ích cho xã hội, cộng đồng.
Dĩ nhiên điều cần thiết là mỗi người biết mình (tự tri) đứng tại bậc nào để mà liệu cơm gắp mắm.

Phật giáo có từ Thiện tri thức (trong kinh Hoa Nghiêm), ý nghĩa gần như nguyên nghĩa từ Triết gia của Tây phương. Thiện tri thức là người yêu tri thức và đi tìm tri thức. Yếu tố tạo thành một Thiện tri thức đúng nghĩa là:
Người đó có vốn tri thức căn bản; dám chiến đấu chống lại những ý tưởng sẵn có (không nô lệ nghe theo thầy, sách vở, truyền thống…); con người của những ý tưởng độc lập bởi, chính các đầu óc “nghe tin theo” mới gây bạo loạn chứ trí tuệ độc lập thì không; yêu thích sự sáng tạo, yêu thích phê bình và chấp nhận sự phê bình. (Có nhiều kẻ phê bình người khác thì được nhưng khi bị phê bình thì lại giẩy nẩy lên như đỉa phải vôi); và biết giữ khoảng cách cần thiết với hệ tư duy truyền thống hay kẻ đồng thời. Khổng Tử: “Quân tử hòa nhi bất đồng”. Người quân tử là kẻ sống hòa với tất cả mọi người, nhưng tư tưởng thì không đồng nhất với kẻ xung quanh.
Nghĩa là độc lập hoàn toàn.
Câu nói nổi tiếng của Aristote: Tôi yêu Platon, nhưng tôi yêu chân lí hơn.

*
Có 3 dạng tinh thần:
Tư tưởng độc tôn luôn tìm cách lôi kéo mọi người về phía mình hoặc còn lại: kết án, quy chụp phía khác. Trong khi tinh thần tôn trọng dân chủ luôn đòi hỏi mở, và tìm cách đối thoại. Riêng thái độ không hay không biết thì quá tiêu cực.
Và muốn đối thoại, chúng ta cần nghĩ rằng đối tượng có tinh thần thiện chí.
Nói là nói cho, nói giúp cho cuộc tương thoại dễ dàng hơn, từ đó khai mở vấn đề. Giúp đối tượng tiếp cận ý kiến của mình, từ đó hóa giải câu hỏi. Chứ không phải tự biện hộ (mặc dù tự biện hộ không có gì là sai cả).
Ví dụ: muốn đánh giá tác phẩm văn học có giá trị hay không, giá trị ít/nhiều, thì cần một nền tảng đọc nào đó, từ đó mới có thể đối sánh. Vì không thể đánh giá một tác phẩm trong thế cô lập. Và muốn thế, yêu cầu người đọc theo dõi thường xuyên và tương đối toàn diện tiến trình văn học trong và ngoài nước.
Ở trong nước chẳng hạn: ít nhất anh theo dõi thường xuyên mươi loại tạp chí, báo điện tử chuyên về văn học nữa. Còn sách: giữa mênh mông sách in hàng năm, nên chọn đọc tác phẩm nào, của ai? Người ta chỉ tin vào sự sàng lọc của thời gian và Ban giám khảo của các Giải thưởng uy tín: tác giả nổi tiếng và tác giả đoạt giải được chọn đầu tiên, là bởi vậy!
Thế nhưng, giải thưởng là điều rất tương đối. Ngay tác giả Pháp đoạt giải danh giá nhất thế giới là Nobel văn học: Prudhomme, trăm năm sau có ai đọc ông ta nữa đâu, trong lúc nhà thơ Đức Rilke không đoạt giải nào cả vậy mà, nửa thế kỉ sau khi ông mất, cả thế giới ngưỡng mộ. Chính vì vậy mà, giải uy tín của Pháp Goncourt vẫn không thỏa mãn hết văn giới Pháp; họ bày ra một giải khác như là Anti-Goncourt. Ở Mỹ cũng hệt vậy.

Đó là việc chiếm lĩnh tri thức văn học, còn việc thẩm thấu và khả năng thẩm định văn chương lại là vấn đề khác nữa.
Cho nên giải thích luôn là giải thích về sự giải thích cho cái giải thích. Nó sẽ kéo dài vô cùng.

One thought on “Thư cho bạn trẻ11: Thiện tri thức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *