Nhân đọc tập thơ Em và màu mây qua tháp của Chế Mỹ Lan,
NXB Văn học, tháng 01/2008.
Không phải là một chuỗi các thể nghiệm rườm rà, không phải bóng bẩy ngôn từ, rối rắm chữ nghĩa, khoe trương thủ pháp, Em và màu mây qua tháp của Chế Mỹ Lan chứa đựng sự cô đơn đến tức giọng, sự cô đơn của phận nữ nhi, mà đặc biệt là phận nữ nhi có một “xuất phát tĩnh”, xuất phát vẫn ít nhiều tiềm ẩn những góc cạnh mà, theo tôi, chúng ta không nên cứ nhắm mù hai mắt lại để ca tụng – xuất phát mẫu hệ, một xuất phát mà ở đó “Likei dơng di mưsuh, kamei dơng di mưnưk”.
Thử nhìn lại lịch sử đầy thăng trầm của văn học Chăm từ cổ chí kim, từ Dewa Mưno, Inra Padra, Um Mưrup, Pram Dit Pram Lak… đâu là một tác phẩm của nữ giới, ngay cả Kabbon Muk Thruh Palei, một tập thơ giáo huấn còn lưu truyền trong dân gian Chăm, được xem là một cẩm nang sống biểu đạt những lời lẽ truyền dạy của một người mẹ đối với con, một người bà đối với cháu, nghe rất có vẻ như là một tác phẩm của nữ giới, nhưng cũng không hẳn thế. Hay ngay cả Tagalau, một sân chơi vừa để thể nghiệm và cũng là để trải nghiệm đã trải qua chín số phát hành với sự cộng tác của trên 150 tác giả, loay hoay mãi mới đếm được vài tác giả Chăm là nữ với những bài viết dù ít nhiều được ghi nhận nhưng nhìn chung là HIẾM: Trà Ma Hani, Hồng Loan, Thạch Giáng Hạ, Báo Thị Thu Trâm, Quỳnh Chi… Chính vì thế sự bừng khởi của một cây bút nữ Chế Mỹ Lan bằng một tập thơ đầu tay là một tín hiệu vui đáng được trân trọng.
Vậy, điều gì đã thai nghén và sản sinh ra Em và màu mây qua tháp? Không gì khác ngoài sự cô đơn, cái cô đơn của một kẻ tha hương, cái thèm khát đến rát họng của một kẻ luôn đau đáu nhìn về một miền đất đã nặn ra hình hài mình, tâm hồn mình. Và, trên hơn hết đó là nơi mình đã ra đi mà chính bản thân mình cũng không chắc là đã đi bằng tâm thức hay vô thức.
Bay đi én nhỏ bơ vơ
Hãy bay đến chốn giấc mơ thuở nào
Lòng ta bổi hổi làm sao
Theo người ta cũng muốn ào bay ra
Có ra đâu được mà ra!
(“Bay đi chim”)
Một kiểu thoát li mơ hồ, một kiểu thoát li vừa “hãy” vừa “muốn” lại vừa chần chừ thiếu quyết đoán có dấu chấm than ẩn chứa niềm vương vấn “Có ra đâu được mà ra!”. Bay đi đâu? Bay khỏi cái gì? Cái lồng ư? Hay bay khỏi cái thực tại? Mà là thực tại nào mới được chứ? Một kiểu lục bát chưa thuần thục một cách dễ thương, dễ hiểu và dễ cảm thông biết dường nào.
Cái cô đơn đến mức phải nỗ lực của Chế Mỹ Lan còn hiện hữu rất vô tình qua những động từ nằm trong các tựa đề của những bài thơ: bay, vụt bay, nhớ, về, hỏi, đi, qua, chôn, đón, đến, tâm sự rồi lên đèo, mơ ước, hát, yêu … Cái cô đơn mòn mỏi, cái cô đơn như đang chờ để ùa về vào tháng Bảy:
Dài quá hở em, mùa tháng Bảy?
Ta mong nhớ mãi mấy hôm rày
Tháng thường đâu có lâu như vậy
Giờ phút chao ôi chậm khác thường
(“Lâu quá hở em?”)
Thật lòng tôi không thể khen Chế Mỹ Lan được ở thủ pháp, không có chỗ nào để khen những thủ pháp viết lục bát như những câu thơ trên. Nhưng, sẵn sàng bỏ qua những hạn chế về niêm luật bằng-trắc trong thể thơ lục bát, tôi vẫn thích đọc, rất thích là khác, thích cái hồn nhiên chân thực, thích cách mà tác giả nhả ra những cảm xúc, một loại cảm xúc mà khi đọc lên tôi lại mường tưởng cảm xúc nhớ nhung quê hương, nhớ nhung và trông mong một sự kiện thiêng liêng sẽ diễn ra ở quê hương một cách hết sức trong sáng:
Tháng thường đâu có lâu như vậy
Giờ phút chao ôi chậm khác thường
Cảm xúc mong chờ, nổi niềm tha hương, sự trông ngóng dài dặt về phía có nơi chôn nhau cắt rốn:
Dòng sông nào không nhớ về bến cũ
Đứa con nào chẳng tìm lại cố hương
Cuộc tình nào là thiên đường vĩnh cữu
Cho trái tim ca hát mãi thương yêu
(“Về”)
Dẫu biết thế, dẫu biết đó là qui luật muôn đời của tạo hóa, dẫu biết có thể “Atah yuw brah saung padai, Jaik yuw amraik saung xara”. Nhưng:
Những linh hồn mong thành bât tử
Khi nâng niu dân tộc giữa tim mình
(“Về”)
Cám ơn sự cô đơn, đôi khi. Cái cô đơn tưởng chừng như vô ích và hoang tàn:
Trên đỉnh đồi kia tháp cô đơn
Cảnh cũ người xưa đã vãng tàn
(“Bất chợt Đồng Dương”)
Cám ơn nỗi đau của sự lưu lạc, đôi khi. Sự lưu lạc tưởng chừng như bị nuốt chửng bởi không gian và thời gian. Nhưng không:
Có đau nào bằng đau lưu lạc
Có buồn nào bằng buồn xa quê hương
Có vòng tay nào hơn vòng tay của mẹ
Vỗ nhẹ êm cho con ngủ giấc nồng
(“Ta lại còn gì”)
Cô đơn mang hình hài quê hương và lưu lạc mang hơi ấm nồng của mẹ đã làm bừng khởi một tâm hồn, làm dấn thân một số phận vào thơ ca:
Buồn, ta chẳng biết làm thơ
Cũng ưu tư cũng lơ mơ ráp vần
Tập tành cửa ngõ văn chương
Ê a chữ nghĩa trắc bằng mua vui
(“Từ khi quen em”)
Khiêm tốn và giản dị nhưng hy vọng những bước đi tếp theo của Chế Mỹ Lan có thể để lại được gì hơn Em và màu mây qua tháp. Mong rằng sau những bước đi lưu lạc của tác giả, sau nổi cô đơn xa nhà của tác giả luôn để lại một chút hương, ít ra cùng là hương của nắng, mùi của gió và màu của những áng mây nơi quê nhà. Hãy đi và mang những hạt bùi gieo ở đó:
Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể
(“Dưới vòm trời là những mái nhà”, Jalau Anưk)
Và, chúc mừng Chế Mỹ Lan. Mừng vì ở quê nhà đang có Em và màu mây qua tháp.
Sài Gòn 14/02/2008