Jalau Anưk – Văn xuôi 01: Trăn trối

Truyện ngắn

Ngày… tháng… năm…
Tôi giật mình thức dậy giữa màn đêm đặc sệt.
Cha tôi vẫn lù lù như một cái bóng côi, vẫn rít dài điếu thuốc, mắt cứ dõi xa xăm, tựa hồ như đang tìm về một nơi vô tận.
Đâu phải chỉ có đêm nay.
Suốt gần một tháng trở lại đây, cha tôi khác lắm. Đêm nào ông cũng đánh vật với đêm khuya: trầm ngâm, đăm chiêu và vắt kiệt sinh lực già cội của ông vào những trang sách “Tự học Tiếng Chăm”, miệng cứ lầm bầm những thứ âm thanh vừa quen vừa lạ. Thi thoảng ông lại lặng đi như một kẻ vô hồn rồi lại ngượng ngùng nắn nót từng nét chữ, lại lầm bầm, vò đi, rồi ngượng ngùng nắn nót…
– Thì ra ông đang làm thơ. Tôi đoán thế. Nhưng đã bao giờ ông căng thẳng đến thế đâu? Đã bao giờ tôi nhìn thấy ông khổ sở đến vậy mỗi khi làm thơ đâu nhỉ? Đối với ông, việc viết văn, làm thơ dường như chẳng có gì khó khăn cho lắm. Điều này có lẽ không một người Chăm nào không biết.
– Hay là cha đang nghĩ đến một đề tài hóc búa nào đây? Tôi tự hỏi rồi lại thiếp đi trong trạng thái đầy tự hào về ông – một trong những thi sĩ được coi là khá nổi bật và viết khoẻ nhất trong cộng đồng.
Liên tục mấy hôm sau, tôi luôn mong được cha tôi gọi đến bên ông để nghe ông đọc những bài thơ mới mà ông đã đầu tư rất nhiều công sức.
Vậy mà nào có gì đâu!
Ngày lại ngày. Trời lại sáng. Đêm lại đổ ập xuống cái palei bé nhỏ của tôi. Dòng mương xinh xắn mà chúng tôi thường trốn cha để được thoả sức lặn ngụp cứ thế trong veo rồi lại đen kịt. Chú gà trống mà nội tôi mang về sau một chuyến nao ikak (1) cứ gáy o..o… mỗi sáng. Cha tôi có lẽ vẫn chưa viết được gì!

Ngày… tháng… năm…
Tôi lại giật mình thức dậy giữa màn đêm đặc sệt. Cha tôi lại lù lù như một chiếc bóng côi.
Đêm nay, cha tôi vẫn viết. Ôi, tội nghiệp!
Giá như tôi có thể giúp gì được cho ông! Giá như tôi có thể mang lại cho ông những cảm xúc dâng trào! Giá như tôi có thể phù phép được, lẫn được vào dòng suy tưởng của ông để giúp ông nặn nên cái hình hài của đứa con tinh thần mà ông đang dốc sức! Giá như…
Không được rồi. Tôi nửa muốn ngồi dậy nhẹ nhàng đến bên ông nửa lại không, bởi từ trước đến giờ cha tôi không hề cho phép ai lại gần mỗi khi ông viết.
Tiếng rít thuốc đến buốt xương, tiếng lầm bầm như thể những lời than tuyệt vọng làm tôi thấy xót. Tôi quyết định ngồi dậy, lại gần bên ông:
– Cha chưa ngủ sao cha? Trời đã gần sáng rồi.
– Cha chưa ngủ được. Cha còn phải làm việc. Con đi ngủ trước đi, mai còn đi học – Ông trả lời tôi mà mắt cứ nhìn đâu đâu, về nơi xa ngái.
– Cha làm thơ hả cha? – Tôi gặng hỏi.
– Ừ, cha đang làm thơ.
– Thế cha đã viết được bài nào chưa cha?
– Chưa được bài nào con trai ạ! Ông nhìn tôi, nở một nụ cười nhạt nhẽo đến lạ. Điều đó chẳng thể nào giấu được sự âu lo, mệt mỏi trong ông.
– Thế cha đang viết về điều gì vậy? Tôi lại hỏi.
– Cha đang viết về một điều mà cha đã ấp ủ gần suốt một đời người con trai ạ!
– Cha nói cho con biết được không?
– Con chưa thể hiểu được. Khi nào con lớn lên con ắt hiểu. Bây giờ con đi ngủ đi. Cha đang làm việc – Lúc này ông có vẻ rất dứt khoát.
Tôi đành quay về, đánh phịch người xuống giường rồi ngủ thiếp đi, một giấc ngủ vô tư trẻ nhỏ. Chú gà trống nhà tôi lại gáy o… o…, con mương sát nhà lại trở nên trong vắt. Một ngày mới lại bắt đầu với palei tôi.

Ngày… tháng… năm…
Tôi giật mình thức dậy giữa màn đêm đặc sệt nhưng chẳng phải vì thói quen mà vì những tiếng ho khù khụ của cha. Cha tôi ho, những cơn ho như thể không bao giờ dứt. Ông như đang vắt kiệt sức mình cho những cơn ho mà âm thanh của nó mỗi lúc lại một yếu đi. Tôi vội vàng choàng dậy, lại gần cha: – Chao ôi, những máu là máu! – Tôi la toáng lên.
Cả nhà tôi thức dậy, ai nấy đều hoảng hốt. Mấy đứa em tôi đứa nào đứa nấy tái mét đi, mặt không còn một giọt máu. Mẹ cứ lê những bước chân chập choạng như trẻ mới lên ba.
Tôi đỡ cha vào giường, đặt cho ông nằm xuống. Tôi nhìn chằm chằm vào mắt cha tôi. Nhưng thật lạ! Cha lại cứ nhìn lên trần nhà. Tôi cố lay cha dậy, tôi cố hỏi cha thật nhiều để được nghe ông nói một điều gì đó. Vậy mà ông chẳng hề nghe thấy.
– Cha mệt rồi. Ngủ đi cha! – Tôi nghẹn ngào buột miệng.

Cha tôi không còn nhìn lên trần nhà nữa. Ông nhắm nghiền mắt lại.
Tiếng khóc cứ thế vỡ oà từ mọi ngõ ngách của ngôi nhà. Chú gà trống ngoài kia vẫn cứ gáy o… o… Con mương sau nhà lại trở nên trong vắt. Hôm đó cha tôi vĩnh viễn ra đi.

Chôn cất cha xong, tôi dọn dẹp tất cả những sách, bút mà cha để lại cùng với những giọt máu tím bầm còn vương trên đó. Lục trong cái ví của cha, tôi phát giác một mảnh giấy lòe nhòe những nét chữ phũ phàng dến ghê sợ: “Ung thư…”. Đó là một mẫu kết quả xét nghiệm của bệnh viện.
Mở những trang sách “Tự học Tiếng Chăm” và những tờ giấy mà cha tôi đã vò đến nhăn dúm, tôi thấy có vài câu thơ bằng chữ Chăm. Tôi chẳng hiểu cha tôi đã viết gì trong đó, tôi chỉ thấy ở phía cuối mấy dòng thơ này là bút tích bằng tiếng Việt của cha: “Trời! Chẳng lẽ ta không viết được nổi một bài thơ bằng tiếng mẹ hay sao…?

Ngày… tháng… năm…
Tôi lại giật mình thức dậy giữa màn đêm đặc sệt. Cha tôi không còn ngồi ở nơi quen thuộc nữa. Tôi thấy nhớ cha. Chờ cho đến khi con mương sau nhà trong veo trở lại, chờ cho đến khi con gà trống mà nội tôi mang về sau một chuyến nao ikak o… o…; tôi đi thăm mộ cha. Lòng vòng mãi giữa rừng, tôi không thể nào nhận ra phần mộ của cha tôi. Tôi cố sục sạo trong trí nhớ của mình về nơi cha đang tạm nghỉ mà cũng chẳng tài nào nhớ được. Tôi mở tròn con mắt, cố đọc những con chữ trên những tấm bia gỗ cắm trên những nấm mồ tạm (2). Nhưng đối với tôi tất cả chỉ là những đường nét ngoằn ngoèo, vô nghĩa. Bất chợt, tôi thét lên “Trời ơi! Tôi không đọc được gì hết trời ạ…!” – Tiếng thét cứ thế vang lên, cao vút, xa dần rồi… mất hút.

Bóng chiều lại trầm mình xuống núi, tôi lại trở về với bóng đêm. Dòng mương xinh xắn mà chúng tôi thường trốn cha để thỏa sức ngụp lặn lại trở nên đen kịt. Chú gà trống mà nội tôi mang về sau một chuyến nao ikak lại vào chuồng. Palei lại âm thầm vỗ về từng giấc ngủ…
Tôi mơ thấy cha tôi.
*
Chú thích:
nao ikak: đi buôn; nấm mồ tạm: sau khi mất, thi thể được chôn tạm để khoảng 1-3 năm sau cải táng làm lễ hỏa thiêu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *