Jalau Anưk – Văn xuôi 02: Mùa hạn

Mến tặng các bạn trẻ Chăm mình

Mỗi khi có tiếng con Nô sủa inh tai ngoài cổng, tiếng lầm bầm chửi rủa, trách móc của hắn ném chát chúa vào đêm khuya tĩnh mịch ở cái Palei nhỏ bé này là mẹ hắn trở mình uể oải, khoác vội chiếc khăn choàng vào cổ mà ra mở cửa cho hắn.
Hầu như đêm nào hắn cũng uống. Đêm nào hắn cũng say. Chẳng hiểu hắn lấy đâu ra rượu mà uống nhiều đến thế! Mỗi lần say về hắn vừa than: “thân mình sao khổ thế?” vừa chửi con Nô nhà hắn nào là: “đồ phản chủ”, nào là: “đồ ngu”, là: “thứ mày nuôi cho tốn cơm tốn cháo”, là: “đồ vô tích sự, cả chủ mà cũng không nhận ra.”.
Công bằng mà nói cũng tội nghiệp cho con Nô. Ngày thường không có cái thứ nước vừa đục đục vừa nong nóng, cay cay ấy vào trong người, hắn là một thanh niên giỏi giang, tháo vát, nói năng lịch sự. Thế nhưng mỗi khi hắn đi nhậu về thì đố ai còn nhận ra hắn. Hai con mắt hiền hậu của hắn chỉ cần nhận được tín hiệu của rượu là ngay lập tức đỏ ngầu lên, tèm nhem như cái đuốc được tết bằng một nắm rạ ướt mùa nước lụt. Bộ dạng lịch sự của hắn chẳng mấy chốc cũng biến thành một cái hình nộm biết đi. Giọng nói trong trẻo ngày thường của hắn nghe cứ như giọng thầy pháp lúc đuổi tà ma vậy.
Không có tiếng con Nô sủa thì đố ai biết được là hắn về?!
Nói đi thì cũng phải nói lại. Hắn trở nên như vậy cũng có nhiều lí do. Ba hắn mất sớm. Mẹ lại già yếu. Nhà thì đông anh em. Cả Palei ai cũng thương cho hoàn cảnh của gia đình hắn. Không ai không hiểu được bản chất vốn dĩ rất tốt của hắn. Họ chỉ buồn và tiếc rằng hắn thiếu ý chí quá, suy nghĩ còn non nớt quá. Hắn hay mặc cảm, tự ti quá. Điều đó đã làm hắn tự đánh mất mình một cách vô tâm, vô thức.

*
Mùa hạn. Cả Palei khát. Những đám ruộng vốn đã khô cằn nay lại há hốc mồm đòi nước. Bầy dê, bò từ trên núi cũng phải nhọc nhằn lê những bước chân xiêu về phía con mương lớn mà ngao ngán thở dài. Gọi là con mương lớn vì cả Palei của hắn chỉ có mỗi một con mương đó chạy qua. Con mương rộng cỡ chừng bằng hai lần hắn đánh nhịp tay nếu muốn bơi từ bờ phía bên này sang phía bên kia. Mương lớn mà cũng hết nước thì cái nỗi khổ của Palei lại càng chồng chất. Bình thường chỉ cần đặt mô tơ, cắm phích điện rồi ngồi nghe tiếng máy nổ rào rào là đã có nước lên tận mấy đám rau muống nhà hắn. Tha hồ mà cho heo ăn.
Kể từ ngày hết nước, hai con heo nái của mẹ hắn đói rồi ngã bệnh mà chết. Mấy đám ruộng vừa mới được gieo xuống cũng cháy sém như bị sét đánh vậy. Bữa cơm của nhà hắn từ dạo đó cũng trở nên khiêm tốn dần dần. Càng nghĩ hắn càng thấy buồn, càng sinh chán rồi tìm đến rượu. Gọi là rượu chẳng qua là vì chính hắn cũng không biết gọi thứ nước vo gạo pha cồn và một ít đường phèn ấy là gì. Kệ. Cứ uống. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác … rồi thành nghiện mất. Có được đồng nào hắn uống đồng nấy. Hết tiền thì hắn sẽ bò tới nhà các “chiến hữu”. Hôm trước hắn bao thì hôm sau họ bao. Đó là lẽ thường tình trong một bàn nhậu. Cùng lắm hắn sẽ đi mua thiếu. Khi nào có mưa về thì trả.
Hắn buông xuôi mình như thế. Mẹ hắn đêm nào cũng chỉ cần nghe tiếng con Nô sủa là lại trở mình ra mở cửa để hắn vô nhà mà ném phịch cái hình nộm xuống giường rồi ngáy như con trâu tơ bị cắt tiết.

*
Con Nô lại sủa.
Hắn nhấc cổng nhà kót két mà lầm bầm chửi rủa con vật tội nghiệp. Đốt hết hai điếu Era rồi mà vẫn không thấy mẹ hắn ra mở cửa. Nhà chỉ còn có hai mẹ con. Mấy đứa em nó thì đi học xa. Mỗi khi hắn đi, bà cụ chỉ biết thui thủi ở nhà một mình với cơ man nào là việc.
Thấy lâu, hắn nhấc cái hình nộm hắn lên, nhảy vèo qua cổng. Hắn định ném phịch cái hình nộm xuống giường mà ngáy nhưng lại thôi. Hắn rón nhẹ tới phòng mẹ hắn. Hắn nhìn qua mấy cái lỗ mọt nơi cánh cửa thì thấy mẹ hắn đang ngủ mê man, miệng cứ rên hừ hự. Hắn mở cửa bước vào. Hắn lay nhẹ vào người bà. Hắn lấy tay sờ lên trán bà. Hắn thấy người bà nóng quá. Cũng phải thôi. Mấy ngày nay bà cụ đã phải khom lưng đội về từng lu nước mà bà cất công đi vét giếng từ lòng mương về nhà xài. Tuổi già sức yếu, bà đã kiệt sức mà ngã bệnh. Hoảng hồn, hắn chộp vội cái khăn trên đầu giường đem đi thấm nước rồi đắp lên trán bà. Lát sau, hắn thấy miệng bà mấp máy. Hắn đút từng giọt nước cho mẹ…
Bà cụ từ từ mở mắt nhìn hắn. Hắn cũng nhìn mẹ mình mà gọi “Mẹ ơi! Mẹ khỏe chưa?”. Bà cụ khẽ gật đầu. Bà không giấu nổi những giọt nước long lanh từ hốc mắt sâu hóm chảy dài xuống hai gò má nhăn dúm như vỏ dừa khô của mình. Hắm ôm chầm lấy mẹ mình mà khóc nức nở. Hắn khóc mãi. Khóc cho đến lúc nào hắn cũng không nhớ được. Chỉ biết rằng khi tỉnh dậy, hắn thấy hắn choàng tay qua người mẹ mình. Thật thân thương!

*
Sáng. Hắn dậy thật sớm. Hắn mồi lửa bắt cho mẹ mình một bát cháo rồi lại đi. Ngôi nhà lại trở nên buồn và cô độc đến lạ. Mẹ hắn lại chỉ biết lầm lũi một mình.

*
– Quái lạ! – Hắn tự nghĩ – “Sao hôm nay mình về mà con Nô không những không sủa nữa mà còn ngoe ngoảy đuôi mừng?”. Hàng xóm cũng không nghe thấy tiếng lầm bầm chửi rủa của hắn. Mẹ hắn cũng không hề trở mình mà ra mở cửa cho hắn. Cánh cổng nhà hắn cũng không có tiếng kót két như mọi đêm. Mẹ hắn đang say giấc lại bỗng chợt nghe thấy tiếng gọi cửa trong trẻo, ấm áp của hắn : “Mẹ… Mẹ ơi! Mẹ… Mở cửa cho con mẹ ơi…!”. Bà vùng dậy, vớ vội cái khăn choàng lau vội nơi khóe mắt rồi ra mở cửa cho hắn.
– Con đi đâu mà tới giờ này mới về?” – Lâu lắm rồi bà mới hỏi con mình câu này.
– Con đi lên rẫy đào giếng mẹ ạ! Sắp xong rồi! Tối mai là nhà mình lại có nước để bơm lên ruộng rồi! Mẹ lại đau mắt phải không?
Mẹ hắn ngậm ngùi đánh rơi chiếc khăn choàng xuống đất tự lúc nào không hay rồi ôm chầm lấy hắn, để mặc những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế tuôn ra. Bà xoa xoa vào đầu hắn như khi còn nhỏ mỗi lần hắn bệnh vậy. Con Nô nãy giờ không biết có hiểu chuyện gì không mà nhảy chồm lên người nó, liếm vào cổ nó, đùa giỡn với nó…

*
Từ mùa hạn năm đó, không ai còn nghe thấy tiếng con Nô nhà hắn sủa lúc nửa đêm.

2 thoughts on “Jalau Anưk – Văn xuôi 02: Mùa hạn

  1. Dễ thương lắm . Truyện rất nhẹ nhàng mà lại ẩn chứa tính giáo dục cao. Các bạn trẻ sau khi đọc truyện thì …uống ít rượu thôi nhé

  2. Rượu làm đổi tính…, đọc xong cảm thấy thật yêu mẹ hiền vì lo cho con thầm lặng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *