Trần can: Văn 06 – Một tình yêu…

Một tình yêu với Chăm, có gì là không bình thường đâu nhỉ!
Khi ta thực sự ngưỡng mộ văn hoá, con người và có thể cho rằng tính cách Chăm là tính cách hết sức nhân văn?
Một tình yêu cũng như bao tình yêu khác trên đời, cũng có sự mê say, và rung cảm trước cái Đẹp.

Vẻ đẹp ấy trôi qua bao thăng trầm của số phận vẫn cất cao giọng ca kiêu hãnh, dù sau lưng niềm kiêu hãnh là đầy ắp nỗi buồn…

Vẻ đẹp riêng Chăm. Một vẻ đẹp lung linh được chắt lọc và lưu truyền từ ngàn năm vẫn không hề phai nhạt. Vẫn kỳ ảo như thuở nguyên sơ với tất cả những đặc thù riêng biệt không hề nhầm lẫn…

Tôi không là nhà nghiên cứu sử học để đưa ra những số liệu hay chứng cứ, cũng không là nhà chính trị để nói thiên lệch theo quan điểm, tôi chỉ là một người bình thường, một công dân bình thường của nước Việt, và tôi yêu Chăm….

Tôi yêu Chăm vì khám phá nơi tâm hồn ấy một vẻ đẹp u uẩn lạ lùng. Một tính cách nhân văn lạ lùng. Và bao dung lạ lùng…

Tôi ngạc nhiên và xúc động trước cách nghĩ của Chăm với công chúa Huyền Trân, một nàng công chúa nhỏ bé của nước Việt xưa, đã không bao giờ biết rằng số phận kỳ lạ của mình lại gắn bó với hai dân tộc, và trong khi người Kinh đánh giá chưa đúng về nàng (và về Chăm) thì Chăm lại có cái nhìn vượt trội, và tôi không thể không cảm phục.

Tôi cảm thấy buồn khi đọc câu thơ không rõ nguồn gốc, được gán ghép một cách khiên cưỡng cho Huyền Trân, và cho Chăm:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Thật hồ đồ, cần phải delete vĩnh viễn khỏi Văn Học Sử.

Trong khi Chăm vẫn thể hiện cái nhìn của một tâm hồn lớn, không chút hẹp hòi. Vẫn là Hoàng hậu Paramecvari, vẫn là “… thương Huyền Trân bước nhỏ ngập ngừng…/ về xứ lạ như trở về Cố quận” (thơ Inrasara).

Lịch sử luôn có những khoảng tối bí mật mà chúng ta không thể nào biết hết, bởi lịch sử cũng là nhận định, mà không nhận định nào không mang tính chủ quan. Chúng ta không thể tìm thấy sự thật khách quan, mà chỉ có thể chấp nhận lịch sử như nó đã là…

Như chúng ta đã là anh em…
Và tôi luôn mãi yêu người anh em Chăm của mình, dù biết rằng, còn rất lâu, mới có thể có một người như ông Thủ Tướng Australia – đã xin lỗi những người Úc bản xứ, chỉ một câu xin lỗi nhẹ nhàng, mà làm bao nhiêu người Úc, bao nhiêu thổ dân Úc phải rơi lệ… Quả là một cái Đẹp tuyệt vời và cao cả của tính nhân văn.

Và tôi cũng rơi lệ khi liên tưởng đến tình yêu của mình: tình yêu Chăm…

__________________
Inrasara trần tình:
Trần Can là ai? Lại xuất hiện đột ngột trên website inrasara.com, với tình yêu Chăm, tình yêu văn hóa Chăm mãnh liệt, và nhất là tình cảm đặc biệt dành cho Inrasara? Xuất hiện và thể hiện mình đầy tự tin và không thể nói là không tài hoa?
Đến nỗi có bạn còn nghi rằng Trần Can chính là Sara khác, vì muốn nói lên mặt khác của cuộc sống-cuộc chữ Chăm mà không tiện đứng tên thật mình, nên đã làm “ẩn danh”!

Sự vụ này làm tôi nhớ đến chuyện “ẩn danh” khác đã từng xảy ra với tôi:
Một bạn viết (khá thân) trong Tagalau đã có thư nhắc nhở” “theo em, anh Inrasara đừng đi bài mình nhiều quá ở Tagalau, nó gây dị ứng với người đọc rằng anh làm Tuyển tập là để đăng bài của mình”. Bạn này nghĩ Phutra Noroya với Guga là một Inrasara khác! Viết “hay” như Guga thì phải là anh chứ không thể ai khác. Làm như Chăm không tài hoa nào nữa, ngoài Sara! Anh Phutra thì rõ rồi, nhưng Guga thì kêu tôi cần giấu bút danh này, mới phiền (may, sau đó anh ta cũng đã tự khai).
Oan cho hai bút danh kia thì ít, oan cho tôi và Tagalau nhiều hơn.

Riêng chuyện tự ca ngợi hay viết để lăng xê chính mình, tôi cũng bị vài lần. Có anh bạn thơ hơn tuổi Sara đến một con giáp, lúc Sara còn vô danh tiểu tốt, đã có bài phê bình rất ngon lành về Tháp nắng, sau đó anh còn hai bài nữa. Thế là một ông người đồng tộc cho là tôi nhờ bà xã làm kinh doanh “mua danh” cho chồng. Oách thế chứ!

Trước đó một bạn thơ trẻ, hâm mộ và luôn có bài ca ngợi Sara, thì bị gọi đùa là nhà-Inrasara-học! Rồi, hai bút danh khác đã dành tình cảm rất đặc biệt cho cá nhân, sáng tác và nghiên cứu của tôi, cũng bị vạ lây. Sự mù mờ đánh lận của diễn đàn chữ nghĩa hôm nay đã biến các tâm hồn ngây thơ nhất trở thành người dễ hồ nghi nhất, là thế.

Hôm nay, sự hồ nghi đó chuyển sang bút danh (hay tên thật) Trần Can.
Xin nói rõ: Trần Can là một tác giả có thực, có hộ khẩu thường trú đường hoàng tại Việt Nam. Trong một ngày không xa, khi website ổn định, chúng tôi sẽ đưa ảnh và tiểu sử của mỗi tác giả có tham gia viết cho inrasara.com, vừa tiện việc tra cứu vừa giải tán sự hồ nghi gây nặng [và phiền] lòng. Dĩ nhiên, với tác giả không muốn đưa tên thật hay ảnh, thì chúng tôi tôn trọng yêu cầu của họ.
Kính báo.

One thought on “Trần can: Văn 06 – Một tình yêu…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *