Nguyễn Văn Tỷ: Về phát triển kinh tế vùng Chăm

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi của xứ PANRANG (tức Phan Rang), một trong ba vùng (Tam Phan) ít mưa và nhiều nắng nhất nước. Ấn tượng sâu sắc nhất của đời tôi có lẽ là sự đói nghèo: những người nông dân Chăm suốt đời lam lũ với nắng mưa sương gió, nhưng ít khi được ăn no mặc ấm, chứ chưa nói đến giàu sang dư dả. Những tiếng hát ru của bà mẹ Chăm nỉ non than thân trách phận cứ văng vẳng bên tai tôi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi về sự nghèo đói này. Từ đó một câu hỏi cứ thôi thúc tôi mãi cho đến hôm nay đã gần 70 tuổi đời: “Tại sao người Chăm phải sống trong cảnh nghèo nàn lạc hậu triền miên? Số phận? Hay do cung cách làm ăn thiếu khoa học?”
Vấn đề kinh tế lúc nào cũng là vấn đề bức xúc hàng đầu của con người, vì đó là vấn đề chết sống trong việc đấu tranh sinh tồn cũng như phát triển của loài người. Bài tiểu luận này sẽ đề cập trước hết đến những nguyên nhân của sự việc, những biện pháp đối phó và những hướng mở cho tương lai.(1) Qua bài viết này tôi ước mong được đóng góp nhỏ nhoi vào chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà Nước như đang nỗ lực hiện nay trên đất nước Việt Nam.

I. Tình hình kinh tế Chăm hiện nay:
Nếu so sánh tình hình kinh tế Chăm hiện nay với tình hình làm ăn của bốn, năm chục năm về trước thì ta thấy rõ là có sự tiến bộ rất nhiều: từ nhà cửa, ăn uống, ăn mặc đến phương tiện đi lại đều có phát triển. Nhưng nếu ta so sánh sự phát triển đó với đà tiến bộ chung của đất nước và của thế giới thì ta không khỏi ngạc nhiên…
Trong lúc nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI đầy tự tin về những thành tựu khoa học to lớn, đặc biệt là địa hạt khai thác vũ trụ và du hành Mặt trăng, sao Hỏa, thì đại đa số người Chăm vẫn sống trong sự thiếu thốn, cơ cực, phải chạy ăn từng ngày. Có những thôn xóm, vì thiếu đất nông nghiệp, chỉ sống chủ yếu bằng nghề “đem con đi ở đợ” cho các hộ dân thị thành và làm thuê làm mướn kiếm ăn qua ngày, hoặc bằng nghề rất cực nhọc và có thu nhập kém như: giũ rơm, lượm phân bò, hái mủ trôm trôm, chặt tre… Hầu hết các hộ người Chăm đều có ruộng rẫy, nhưng diện tích hẹp, đất bạc màu, lại thường không chủ động nước, nên không đủ sống và có hiện tượng mới là thiếu nữ Chăm từ 16 tuổi trở lên thường rủ nhau đến các thành phố lớn tìm việc làm… Trong thực tế, hơn 90% các hộ người Chăm luôn luôn thiếu trước hụt sau, phải vay mượn để sinh sống hàng ngày, chưa kể đến nợ vay mượn sản xuất. Nói một cách khác, hơn 90% người Chăm không có tích lũy và luôn luôn có số tiền thừa là âm. Chính vì vậy mà hầu hết người Chăm lúc lâm bệnh thường không đủ tiền để đi bệnh viện chạy chữa, cứ lần lữa hẹn ngày này qua ngày khác, đến khi bệnh nặng mới đưa đi bệnh viện, và thường không cứu được. Tuy nhiên, một số hộ biết buôn bán hoặc chăn nuôi (khoảng 8%) thì có mức sống tương đối đàng hoàng…
Các khách thập phương đến các vùng Chăm đều đánh giá là người Chăm có mức sống khá cao, do sự nhận xét bề ngoài: nhà cửa kiên cố khang trang, ăn mặc tươm tất, phương tiện đi lại (nhất là xe đạp) tương đối đầy đủ. Được bề ngoài bóng láng như vậy là do tính “đua đòi” của dân thôn quê Chăm: thấy người khác sắm của, mình cũng tìm mọi cách kể cả đi vay mượn với lãi suất cao để mua sắm cho bằng người. Do đó, nợ nần chồng chất.
Chính sự phồn vinh giả tạo này càng làm cho bức tranh kinh tế vùng Chăm thêm phần ảm đạm… Chúng ta thử tìm những nguyên nhân để trên cơ sở đó có những đối sách thích hợp hầu tháo gỡ vấn đề.
II. Nguyên nhân của sự đói nghèo
Tất cả sự việc xảy ra trên đời này đề có nguyên nhân của nó. Sự đói nghèo của người Chăm rõ ràng bắt nguồn từ những quan điểm sai lầm và cung cách làm ăn lạc hậu. Chúng ta hãy xem xét và phân tích sự việc.
1/ Những quan điểm sai lầm:
Người ta thường nói: “Tư tưởng đẻ ra hành động”. Tư tưởng sai thì hành động không thể nào đúng được. Kinh tế vùng Chăm không phát triển nổi trước hết là do nếp suy nghĩ quá cũ kĩ, và người dân địa phương chỉ thích đi theo lối mòn chứ không bao giờ dám khai phá con đường mới để đi.
– Sai lầm thứ nhất là không muốn sáng kiến và sợ cái mới. Tại sao người Chăm lại không muốn sáng kiến, sợ cái mới trong lối làm ăn? Rõ ràng là do thiếu sự tự tin, thiếu óc phân tích khoa học. Một ví dụ nhỏ: tôi và con tôi tự xây lấy kiềng nhà kiên cố. Mọi người xung quanh lấy làm ngạc nhiện và thầm thì với nhau: “Nguy hiểm quá, sao ổng không mướn thợ hồ xây cho chắc?” Có người mạnh dạn hỏi tôi việc đó. Tôi liền trả lời: “Chính chân kiềng rất quan trọng nên tôi không dám mướn thợ, sợ họ làm dối trá không chắc. Chắc chú thấy là cha con tôi bỏ ra hàng chục ngày công chỉ để đầm chân kiềng cho vững chắc trước khi xây; nếu đặt khoán cho thợ thì họ chỉ bỏ ra hai công là họ đã kêu: “Lỗ quá!” làm sao bảo đảm kiềng nhà của mình! Anh ta gật đầu, cười thông cảm. Tính thiếu sáng kiến đồng nghĩa cới tính cách bắt chước. Chính vì thế, ở thôn tôi những người có tiền (đa số là người có thân nhân ở nước ngoài) chỉ đua nhau mua máy cày và máy xay xát làm cho sự kinh doanh của hay ngành này rơi vào thua lỗ!
– Sai lầm thứ hai là không có sự dấn thân và tính quyết tâm. Người Chăm sẵn sàng đem con đi ở đợ, hoặc bán hết của cải để mua một đôi bò đực xe dùng làm phương tiện làm ăn (cày thuê, chở mướn). Rõ ràng đôi bò đối với họ là “tất cả”. Nhưng khi bò mắc bệnh thì không bao giờ họ chạy chữa đúng mức vì sợ tốn kém, và cả việc che mưa, chắn gió cho bò cũng không có! Chỉ cột đôi bò dưới bóng cây là hết trách nhiệm! Trong lúc đó, nếu chúng ta có dịp đi qua miền Trung (như tỉnh Phú Yên) hoặc miền Nam (như Cà Mau) thì sẽ thấy người nông dân nơi đây thương trâu bò lắm, họ sẵn sàng giăng mùng cho bò ngủ ban đêm để tránh muỗi đốt! Ta cũng không ngạc nhiên khi thấy một chuồng dê hàng trăm con nằm dưới nền đất ẩm ướt, bẩn thỉu, nhưng không bao giờ người chỉ nghĩ đến chuyện bán một hai con dê để làm chuồng cho cao ráo, sạch sẽ là điều kiện ắt phải có trong kỹ thuật chăn nuôi dê! Dĩ nhiện cách nuôi như vậy sẽ khiến đàn dê tàn lụi hết thôi! Đó cũng là “theo lối làm ăn cũ” đã ăn sâu vào tâm can của người nông dân Chăm vậy.
– Sai lầm thứ ba là xem việc sống ở rẫy và ở nông trại là việc đáng hổ thẹn! Tôi còn nhớ rất rõ, trước ngày giải phóng (1975) người Chăm không chấp nhận được việc phải sống riêng lẻ ở rẫy, vì xem đó là một cuộc sống đày đọa, phải xa cách cộng đồng (nhất là khi có đám đình lại không có mặt mình là một khuyết điểm lớn!?) Chỉ sau 1975, những nông dân Chăm mới làm quên dần với việc sống ở rẫy ở nông trại để khai thác việc trồng rau, trồng màu và kết hợp với chăn nuôi là con đường xóa đói giảm nghèo một cách vững chắc!
– Sai lầm thứ tư là thiếu sự hỗ trợ vốn cho nhau để làm kinh tế mà chỉ giúp nhau tích cực trong việc xây nhà, mua xe. Người Chăm không quen giúp vốn cho nhau làm ăn (khác hẳn với người Tàu), nhưng lại rất vui vẻ, thoải mái trong việc giúp vốn cho bà con, bạn bè mình xây nhà cho đẹp và mua xe gắn máy cho sang! Đúng là một tập quán lỗi thời và một quan điểm sai lầm lớn đối với việc phát triển kinh tế! Nếu chỉ giúp nhau làm nhà để ở, mua xe để đi thì đúng là đầu tư vào “việc không sinh lãi”, nghĩa là chôn chặt vốn. Ngược lại giúp nhau làm kinh tế là việc thiết thực cần hỗ trợ nhau, đùm bọc nhau trong công việc xóa đói giảm nghèo và tiến lên giàu có. Chỉ riêng sự suy nghĩ lạc hậu này cũng đủ để trì hoãn mọi sự phát triển kinh tế vùng dân tộc Chăm rồi!
– Sai lầm thứ năm là đã thiếu vốn làm ăn lại không biết sử dụng vốn một cách khoa học. Tồn tại gay gắt và bức xúc nhất trong việc phát triển kinh tế vùng Chăm là sự thiếu vốn. Đã vậy, một ít vốn có thể huy động được lại đặt không đúng chỗ: làm nhà thì phải là nhà đúc, kiên cố. Không một ai suy nghĩ nên làm nhà đơn giản, bình thường, rộng rãi, mát mẻ, nhưng không tốn kém nhiều cho việc đúc đá, đá mài, đá rửa. Chạy vay vốn để làm ăn đã là việc bất đắc dĩ, vì phải lo toan, tính toán cho việc làm ra lãi, tích lũy, để có thể hoàn trả vốn, nay phải đi vay vốn để thỏa mãn tính đua đòi, phô trương của mình thì… rõ là bế tắc trong nguyên tắc khoa học kinh tế!
– Sai lầm thứ sáu là kiêng cữ trồng cây trong khuôn viên nhà ở và ngại trồng rau. Một trong nếp sống đặc trưng của vùng Chăm là khuôn viên nhà ở rất rộng để dễ sinh hoạt trong việc đình đám, lễ hội gia đình (rija praung, rija …); nếu các gia đình Chăm biết lợi dụng khuôn viên rộng rãi để trồng một ít cây ăn trái như: đào, ổi, dừa, chuối, mít… thì có thể thỏa mãn yêu cầu về dinh dưỡng trong gia đình một phần nào, nhất là đối với gia đình nghèo, ít khi có đủ tiền để mua trái cây. Nhưng lại phải kiêng cữ thì thật đáng tiếc! May thay, vấn đề kiêng cữ này được khắc phục dần dần trong những gia đình người Chăm tiến bộ. Việc người Chăm không trồng rau (đại đa số) trong miếng đất ở của mình lại là không do sự kiêng cữ mà là do sự “chay lười” là chính, dựa trên “lý sự” đất xấu và xa nước… Những bữa ăn của người Chăm cần rất nhiều rau, nấu canh hoặc ăn sống, nhưng lại chỉ đem tiền đi mua của người Kinh sinh sống cộng cư với người Chăm chuyên phục vụ món hàng “la-ghim” này. Tình trạng này đã được ông Aymonier, một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm người Pháp, ghi lại trong những bài báo của ông ta vào cuối thế kỷ XIX – cách đây hơn một thế kỷ!!
– Sai lầm thứ bảy là thiếu sự đoàn kết tương thân tương trợ. Chúng ta, những người Chăm, rất đau lòng mà phải nhìn nhận một sự thật gần như chân lý này: nếu người Tàu sinh hoạt cộng đồng đoàn kết bao nhiêu thì người Chăm sinh hoạt thiếu gắn bó, thiếu chặt chẽ bấy nhiêu! Trong sự hoạt động kinh tế của một cộng đồng, phải nói là sự đoàn kết tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách, không những là một phương châm, mà còn là một đòn bẩy rất tích cực và thiết thực. Công đồng nào đi ngược lại với phương châm này thì xem như là cộng đồng đó đã nói lời “giã biệt” với sự phát triển kinh tế quy mô vậy.
– Sai lầm thứ tám là chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề kinh doanh. Ta thường nói “phi thương bất phú” mà! Có lẽ là vào thời xa xưa, lúc nền kinh tế khu vực cũng như thế giới còn phôi phai và lạc hậu, chỉ gói ghém trong phạm vi “tự cung tư cấp” thì vấn đề thương mại chưa phát huy tác dụng của nó. Nhưng ngày nay, nền kinh tế của địa phương, của khu vực cũng như thế giới đã phát triển tột độ thì rõ ràng là cá nhân nào, cộng đồng nào, đất nước nào thiếu quan tâm đến thương mại thì chấp nhận một sự thiệt thòi to lớn. Trong thực tế, ta có thấy một cá nhân hay một nước nông nghiệp nào làm ăn giàu có, đầy đủ bao giờ? Ngược lại, có nhiều nước có thể nói là phi nông nghiệp làm ăn rất phồn thình chỉ dựa vào dịch vụ, kinh doanh các hàng hóa, như các nước: Tân Tây Lan, Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu…

2. Cung cách làm ăn lạc hậu
Nói đến cung cách làm ăn của người Chăm trước hết là nói đến tác phong, thái độ, nghĩa là tinh thần giải quyết công việc, sau đó, ta xem xét cách người Chăm đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc phát triển kinh tế như thế nào.
Về tinh thần, chúng ta thấy gì ở người Chăm?
– Sự thiếu quyết tâm: mỗi khi đã tính toán làm một nghề gì, một việc gì thì thường là chúng ta phải có kế hoạch và phải làm cho bằng được, chứ không được trì trệ hẹn nay hẹn mai, được chăng hay chớ. Đó là yếu tố hàng đầu để bảo đảm cho sự thành công, đó cũng là nguyên tắc khoa học.
– Sự thiếu vắng đầu tư suy nghĩ và kế hoạch để thực hiện hay rơi vào sự lề mề. Làm kinh tế quy mô mà chỉ đi bắt chước (thiếu suy nghĩ) việc làm của người khác thì sự thua lỗ chính là bạn đồng hành của mình vậy.
Về việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh, ta thấy:
– Một nền nông nghiệp lạc hậu: đất đã xấu mà lại không biết tranh thủ tri thức khoa học vào sản xuất, và hoàn toàn thiếu thâm canh. Một gia đình chỉ có vài sào ruộng, nhưng cũng phải mướn người cày, người nhổ cỏ, người gặt thì còn đâu là phần dư, phần lãi nữa!
– Một năm có mười hai tháng, mà đa số ruộng dân Chăm chỉ sử dụng hai tháng là đã giải quyết xong công việc. Nếu không tính đến nghề phụ như chăn nuôi gà, heo, làm ruộng trại, hoặc làm các dịch vụ như: dịch vụ xe đạp, hớt tóc, buôn bán nhỏ thì thử hỏi làm sao chỉ làm nông nghiệp lúa nước hay rẫy bắp trong hai tháng mà nuôi sống được cả gia đình trong một năm dài mười hai tháng?

III. Hãy làm một bài toán so sánh
Ta thử so sánh cách suy nghĩ và cung cách làm ăn của người Chăm với một vài dân tộc khác để tham khảo và rút tỉa bài học :
A. So với các dân tộc Âu Mỹ ta thấy:
– Người Chăm hoàn toàn thiếu cương nghị, quyết tâm. Một thanh niên người Âu hay người Mỹ(đặc biệt là Mỹ) đã có sự suy nghĩ về cách làm giàu từ ngay tuổi thanh xuân. Một thanh niên Âu, Mỹ tự cam kết với chính bản thân mình :”lớn lên, tôi phải là người giàu nhất nước!”là một sự kiện rất bình thường! Thanh niên Chăm có suy nghĩ được như thế không ?
– Người Chăm không dám liều lĩnh. Trong lúc các thanh niên sứ ấy sẵn sàng vay hàng tỉ vốn ngân hàng để kinh doanh để đầu tư vào một việc kinh doanh nào đó mà mình đã có suy tính và kế hoạch cụ thể, thì thanh niên Chăm chưa hiểu “kinh doanh” là thế nào? Và người nông dân thì nhút nhát, chỉ bằng lòng với cung cách làm ăn cò con của mình.
– Người Chăm chỉ biết dùng bắp thịt để cuốc cho mạnh, chặt cho chắc thì người Âu Mỹ sử dụng trí tuệ vào việc làm ăn. Thực tế cho thấy: không biết dùng trí tuệ thì không thể nào có kết quả tốt như mong muốn.

B. So với người Kinh ta thấy người Chăm:
-Thiếu kiên nhẫn, thiếu cần cù. Chúng ta dễ nhận thấy bản tính này trong công việc làm soi hay gặt hái: nông dân Chăm rất ít đầu tư vào việc làm soi(trồng hành, tỏi, rau…) vì phải cần cù chăm sóc cả ngày với dụng cụ bé tí làm cỏ, công việc mà người Chăm hoàn toàn thiếu kiên nhẫn. Làm ruộng thì thích mướn người gặt (thường là người Kinh) vì công việc này tương đối nặng nhọc.
– Thiếu sự tiết kiệm: vì bản tính hay đua đòi, không muốn thua thiệt bạn bè,
xóm giềng; Chưa biết tích luỹ vốn để làm ăn.
– Không dám bỏ đất đi xa: người Kinh tính toán rất thực tế và nhanh nhẹn trong viêc “đất bồi thì ở, đất lỡ thì đi”. (Nghĩa bóng và nghĩa đen)
– Thiếu tính khắc phục khó khăn: trong việc chống thiên tai (hạn hán, lũ lụt…)
người Kinh tỏ ra gan lì, xoay sở giỏi, chịu đựng tốt, nhưng người Chăm rất dễ bị khuất phục…

C. So với người Tàu ta thấy:
– Người Chăm chưa hiểu thuận lợi kinh tế to lớn trong việc buôn bán (dù nhỏ hay lớn), trong lúc người Tàu lại biết khai thác triệt để mối lợi này.
– Người Tàu biết giúp đỡ nhau, dìu dắt nhau để thoát khỏi đói nghèo và tiến lên làm giàu, trong lúc người Chăm chưa thoát khỏi vòng lẩn quẩn của sự ích kỷ và “tự lực tự cường” của bản thân.

IV. Biện pháp tháo gỡ
Ở phần trên đây, chúng ta đã phân tích được “nguyên nhân của sự đói nghèo” của người Chăm, và làm một “bài tính so sánh cung cách làm ăn” giữa người Chăm với một vài dân tộc tiêu biểu. Qua đó, chúng ta thấy lộ ra một cách tự nhiên và lôgic những nhược điểm của người Chăm cùng những tính tiêu cực cần được khắc phục trong việc phát triển kinh tế vùng Chăm. Tôi xin giới thiệu một vài ý trong biện pháp tháo gỡ như sau :
1. Trước hết là phải đầu tư suy nghĩ để có định hướng rõ ràng dựa trên những dữ kiện khoahọc như : đất đai, tiềm năng lao động, thời tiết, thuỷ lợi, cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật, môi trường, thị trường… Trong kinh tế, vấn đề làm ra của cải là một vấn đề then chốt. Nhưng nếu của cải được làm ra mà không có thị trường tiêu thụ thì cũng là một thất bại. Vì vậy năng lực trí tuệ phải được huy động tối đa, thay vì chỉ biết sử dụng bắp thịt.
2. Muốn làm ăn có kết quả thì phải có tổ chức và có kế hoạch cụ thể, nghĩa là phải có sự tính toán trong sự sắp xếp mọi vấn đề: từ việc phân công phân nhiệm, phải việc giao khoán, thời gian giải quyết công việc, thời tiết khí hậu, v.v.. cho đến thời điểm thu hoạch và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Tóm lại đã làm kinh tế thì phải tính toán theo nguyên tắc khoa học.
3. Đã làm muốn làm giầu thì phải dấn thân và có quyết tâm cao, không thể nào chấp nhận cho một bầy bò cái phải đứng suốt đêm trong chuồng phân lún đến tận bụng vào mùa mưa! Phải chịu khó làm hai chuồng: chuồng cho mùa nắng và chuồng mới cho mùa mưa. Khi đã gieo xong mà gặp mưa thì phải lập tức đội mưa chạy đến ruộng đấp lại cho thoát nước để khỏi bị trôi giống. Đã sắm xe bò thì phải có chỗ để sao cho kín mưa khuất nắng… Một khi đã bỏ vốn ra làm ăn thì phải cương quyết đạt được năng suất cao và lợi nhuận lớn.
4. Phải biết tiết kiệm và biết đầu tư đúng mức. Những nhà tỷ phú đều là những người biết tiết kiệm tối đa. Nghĩa là lúc nào cần chi thì họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la (dù là cho vấn đề từ thiện), nhưng lúc nào cần tiết kiệm thì dù một đồng họ cũng không chi! “một đồng tiết kiệm là một đồng thắng lợi”, một nhà tỷ phú Mỹ đã nói như thế. Nói về nguyên tắc tiết kiệm trong việc làm ăn, người Chăm nên rà soát lại tính hay đua đòi của mình, vì sự đua đòi đó đồng nghĩa với sự lãng phí và thiếu tính toán. Ngược lại khi cần đầu tư thì phải biết đầu tư và dám đầu tư cho đúng mức: theo nguyên tắc khoa học như chiếc xe cần có xăng mới chạy được, con gà mái cần ăn uống như thế nào đó mới đẻ được mỗi năm trên 200 trứng; ta không chia xăng cho xe, không đầu tư thức ăn cho gà là một việc làm phi lý và phản khoa học. Tương tự như thế, ta muốn sản xuất lớn, làm ăn to để thu lợi nhuận như ý muốn mà không dám xuất vốn ra đầu tư (hoặc đi vay vốn ngân hàng) cho đúng mức là một việc làm không thể chấp nhận được. Trong thực tế, ông chồng người Chăm thường than phiền:”số phận người dân tộc Chăm không thể giàu được, trời không muốn vì mỗi lần tiền đã vào tay bà xã thì khó mà xuất ra được, đành chịu thua và an phận”. Đúng là một thực tế xót xa.
5. Việc chọn nghề nghiệp là một việc có tính quyết định cho sự thành bại trong tương lai. Thông thường người Chăm “không chọn nghề” mà cứ cúi đầu làm theo nghề cha mẹ truyền lại là làm ruộng lúa nước và làm rẫy trồng bắp cùng các loại đậu. Riêng sự kiện này cũng đủ làm cho người Chăm tự nhiên phải chấp nhận sự thất bại đến 50% ở tương lai của mình. Biết chọn đúng nghề phù hợp với gia đình và địa phương, dễ làm và mang lại thu nhập cao là đã đứng vững trên trục đường thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình rồi vậy. Việc chọn nghề đòi hỏi phải đầu tư suy nghĩ tối đa, làm sao cho nghề ấy hoàn toàn thích hợp với các điều kiện của gia đình và địa phương (từ khí hậu, canh tác đến thị trường tiêu thụ sản phẩm). Tôi thấy hiện nay kinh tế trang trại đang phát huy tác dụng trong nhiều địa phương trên toàn quốc. Ta cần một vài mẫu đất để trồng các loại cây ăn trái thích hợp (xoài, nhãn, sapôchia, đào và nhất là đào lộn hột) kết hợp với chăn nuôi dê, cừu hay gà giống địa phương, như thế là ấp ủ được một mối hy vọng thành công khá lớn vậy. Một việc xem chừng là “việc nhỏ”, nhưng sao cứ ám ảnh tôi trong cách lý luận lẫn kết quả thực tiễn: đó là việc chăn nuôi gà (không phải là gà công nghiệp mà là gà lai giống địa phương). Cách đây nửa thế kỷ một bà mẹ Chăm có kể cho tôi nghe là bà ta lúc còn con gái chỉ nuôi “amatơ” một con gà mái giống địa phương (rặt giống), một thời gian sau đó đã thu được 12 tấn lúa do lợi nhuận bán gà giò cúng đem lại. Lúc đó một con gà giò cúng bán được nửa giạ lúa (một giạ là 16kg). (Giá cả như vậy đã tồn tại và ổn định gần 2 thế kỷ: thế kỷ XIX và đến ¾ thế kỷ XX; sau đó lại không bán theo lúa mà bán theo tiền). Nếu đem so với giá cả hôm nay, theo thực tế tôi đã phải mua một con gà trống giống là: 2,8kg x 23.000đ= 64.400đ. trong lúc giá lúa lúc đó chỉ 18.000đ/giạ như vậy một con gà trống bán tiền mặt tính được là > 3,5 giạ lúa! Sản xuất ra 3,5 giạ lúa không dễ tí nào, nhưng nuôi lớn một con gà trống như thế hoàn toàn không khó, mọi người có thể làm được. Vấn đề là có chịu để ý, theo dõi và suy nghĩ một cách khoa học lợi nhuận nêu trên, để rồi đưa vào thực hiện không?
6. Vấn đề buôn bán. Buôn bán lớn thì phải đòi hỏi có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng buôn bán nhỏ như các quán cóc thì không đòi hỏi cái gì cao xa lắm. Tôi càng nghĩ càng tiết: trong xóm tôi có hơn 5000 nhân khẩu mà không có một người Chăm nào sửa xe đạp hay honda (cộng chung khoảng 500 chiếc)! Nghề hớt tóc nam chỉ có một tiệm, cắt tóc nữ thì không có người nào! Những thanh niên “thất nghiệp” thì rất đông. Thật là mâu thuẫn! Bán những thức ăn điểm tâm thì chỉ người Kinh bán. Rõ ràng là người Chăm chưa hiểu được những lợi nhuận mà các dịch vụ thương mại đem lại. Tuy nhiên, các hộ biết buôn bán thuốc nam (ở Phước Nhơn, An Nhơn, Thành Tín) và các hộ buôn bán thổ cẩm cho người Chăm và các dân tộc Tây Nguyên đều có kinh tế khấm khá cả.
7. Vấn đề chọn nơi định cư: người Chăm rất ít khi di rời chỗ ở xa quê hương mình, chỉ vì lý do không muốn bỏ kut và ghur của mình (các thổ mộ Chăm). Như vậy thôn nào đã được định cư ở một nơi sỏi đá, đất đai cằn cỗi thì cũng… chịu chết, muôn đời cũng phải ở đó! Đấy là một thiệt thòi rất lớn về nguyên tắc phát triển kinh tế vì thiếu sự uyển chuyển theo phương châm: “Đất bồi thì ở, đất lở thì đi” của dân tộc Kinh.
8. Việc khắc phục lãng phí trong các đám đình theo phong tục chưa được làm tốt. Người Chăm theo đạo Bàni và Bàlamôn (gọi chung là tôn giáo Chăm) còn lãng phí rất lớn trong các đám Karơh (cắt tóc cho con gái), Likhah hay Bbơng mưnhum (đám cưới) và đám tang, xét cho kỹ, đó là những nguyên nhân làm cho người Chăm cạn kiệt vốn đến vỡ nợ! Riêng đám tang, chi phí rất lớn, một gia đình trung bình phải tích luỹ hàng chục năm mới có thể đủ tiền để chi riêng cho một đám tuần (Bàni) hay đám thiêu (Bàlamôn).
9. Một bữa ăn của người Chăm cần rất nhiều rau, nhưng người Chăm không bao giờ trồng rau là một sự què quặt, mất thăng bằng kinh tế một cách khó lý giải! Nếu người Chăm có nhiệm vụ sản xuất lúa gạo thì người Kinh có nhiệm vụ sản xuất rau vậy! Đúng là một sự thiệt thòi lớn cho một nền kinh tế nông thôn vẫn còn nặng về “tự cung tự cấp” nhu cầu địa phương!
10. Điểm cuối cùng mà tôi muốn nhắc lại và nhấn mạnh ở đây là vấn đề “tương thân tương trợ” trong việc phát triển kinh tế. Nếu đây là ưu điểm lớn nhất của người Tàu, làm cho người Tàu “tha phương cầu thực” trở thành người giàu có tại nơi mình xin định cư, thì đó cũng là nhược điểm lớn nhất của người dân tộc Chăm khiến cho người Chăm không ngoi đầu lên nổi trong việc phát triển kinh tế!

Kết luận:
Hiện nay, toàn thế giới đang sôi sục về cạnh tranh thương mại, hợp đồng kinh tế làm ăn với nhau giữa nước này với nước khác. Trong tương lai kinh tế, chứ không phải là các ngành khác, sẽ chi phối hoàn toàn các hoạt động của nhân loại.
Nhìn lại kinh tế vùng Chăm, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và lo lắng: đời sống vẫn còn khó khăn, phương tiện còn thô sơ lạc hậu, năng xuất vẫn còn thấp, nhưng mọi người đều chưa quan tâm đầu tư trí tuệ và công sức vào việc phát triển kinh tế để làm giàu; ngược lại chỉ thích sống phè phỡn, lề mề, tới đâu hay tới đó, thích đua đòi mua sắm và đi chơi! Thiếu tiền thì đi vay hay đem con đi ở đợ! Châm ngôn Nhật có câu: “Sự không biết lo xa là tính xấu nhất trong tất cả tính xấu”. Người Chăm chúng ta hãy suy ngẫm…
Trong sự cạnh tranh gay gắt về vấn đề làm ăn như hiện nay, người Chăm vẫn chưa chuẩn bị vào cuộc, dĩ nhiên sẽ phải thua thiệt lớn lao trong tương lai, một khi số người thì càng ngày càng đông, đất đai thì càng ngày càng bị thu hẹp. Ngoài việc phải thay đổi hoàn toàn lối suy nghĩ lạc hậu như hiện nay, người Chăm cần phải biết tính toán tích cực và cụ thể mới có thể chen chân mà sống được với thiên hạ:
– Làm nông nghiệp thì phải biết kèm theo chăn nuôi
– Làm lúa nước thì phải biết tính trồng thêm rau màu
– Trong thời gian nông nhàn thì phải biết buôn bán, đổi chác hàng hoá với các dân tộc xung quanh mình trong tỉnh và ngoài tỉnh
– Mọi người, mọi nhà phải tính toán tạo được một nghề phụ; có thể là: sửa xe, hớt tóc, bán thức uống, buôn bán trái cây, buôn bán các thứ lặt vặt linh tinh, làm các nghề thủ công, làm các dịch vụ phục vụ cho các lễ hội, đám đình Chăm, và phục vụ cho đời sống hàng ngày như: cúng bái, ăn uống, học hành, vui chơi, giải trí.v.v… như thế, sẽ có đồng ra đồng vào hàng ngày một cách vui vẻ…
– Người Chăm ai cũng có rẫy, tại sao không tính xây dựng một nông trại nho nhỏ (hay quy mô tuỳ theo hoàn cảnh)? Thực tế đã cho thấy sự phát huy tác dụng rõ ràng, ngay tại tỉnh ta. Đây là hướng xoá đói giảm nghèo một cách vững chắc, và tiến đến làm giàu không khó
Theo tôi, muốn thay đổi số phận, trước hết phải thay đổi tư duy, sau đó phải có quyết tâm cao. Các bạn sẽ thấy là mọi vấn đề sẽ được khắc phục dần dần và sự thành đạt sẽ còn là vấn đề thời gian…
Ninh Thuận, 20/08/2002

One thought on “Nguyễn Văn Tỷ: Về phát triển kinh tế vùng Chăm

  1. Musa rat dong y voi ong Gs. Nguyen Van Ty tren tat ca nhung gi ong ta dua ra da lam tri tre doi song tien bo cua nguoi Cham. Van de la khong chi co nhung nguoi di truoc ma ca the he tre ngay nay co hoc co bang cap cung khong biet tinh ke ke hoach lam an lam dau tu hay kinh doang.
    Hy vong vao tuong lai cua tuoi tre Champa ngay nay se nhan thuc duoc dieu quan trong ma Gs. Ty da dua ra rat thuc te nay.
    chuc tat ca nguoi Champa toi vui ve va thanh cong.
    Musa Porome

Leave a Reply to Musa Porome Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *