Nguyễn Đăng Cương: Inrasara, người đi tìm kho báu văn học Chăm

Báo Phụ nữ Tp.HCM, 30.4.1994.

Khi đặt bút viết bài này, tôi cứ bị cuốn hút bởi cái từ tiếng Chăm ấy: đait liga, có nghĩa là viên ngọc. Mà kho báu văn học Chăm quả có những viên ngọc vô giá. Và người âm thầm, bền bỉ đi tìm nhặt những viên ngọc ấy, là một trí thức dân tộc Chăm, còn rất trẻ, hiện công tác tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á (Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM): anh Phú Trạm, bút hiệu tiếng Chăm là Inrasara.
Inrasara không chỉ đi sưu tầm tài liệu, anh đã bỏ ra hơn 8 năm để viết cuốn sách mà anh hằng ấp ủ: Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển. Sách sẽ do Nxb.Văn hóa dân tộc in, gồm 2 tập với khoảng 800 trang. Cuốn sách của Inrasara giới thiệu với người đọc một nền văn học đặc sắc của dân tộc Chăm: Tục ngữ, thành ngữ, câu đố, ca dao, đồng dao, thơ triết lí, trường ca trữ tình v.v…

Từ rất lâu, Inrasara có ý định sưu tầm folklore Chăm. Kì nghỉ hè nào, anh cũng đi về các làng Chăm. Anh đặt chân tới gần như khắp mọi vùng đất của tỉnh Thuận Hải cũ để ghi chép. Anh cùng vợ chắt chiu từng đồng cho việc sưu tầm. Tủ sách tham khảo hơn 5000 cuốn của anh là do tiền chạy chợ của chị Thuận Thị Trụ – vợ anh, trang trải. Khi bước vào Trường Đại học Sư phạm, anh đã sưu tầm được gần hết các mảng văn học Chăm. Anh nói: một nửa công trình nghiên cứu này là của vợ tôi, cô Trụ.

Nhiều lần anh mời các cụ già và trí thức trong vùng tới nhà chơi, đãi cơm rượu và hồi hộp lắng nghe những ý kiến đóng góp, xác minh của mọi người về từng câu thơ cổ. Anh gọi đó là những cuộc hội thảo bỏ túi. Có trường hợp, để ghi được một câu tục ngữ, anh phải hỏi tới hàng chục người, nhất là các cụ già, rồi so sánh, tìm ra ngữ nghĩa của tiếng Chăm cổ. Có khi trong câu chuyện với bạn bè, hoặc trong một đám ma, đám cưới, lễ hội, anh cũng nhặt được những lời vàng ngọc. Inrasara còn thu được hàng chục băng cassette tư liệu văn học truyền miệng. Không ít lần anh đã xúc động đến ứa nước mắt khi tìm được những câu thơ mà người xưa cẩn thận chép bằng chữ Chăm trên lá buông, giấy bản. Có bản chép tay, cách nay cả 300 năm rồi. Đi sâu vào các làng Chăm – Ninh Thuận, anh có một khám phá nhỏ vừa ngạc nhiên và lí thú: hầu như có mặt ở nhiều làng nét chữ chép tay của một cụ già tên là Kadhar Gammuk. Hỏi ra mới biết, cụ sinh năm 1910, ở Phước Lập. Thì ra, trong một thời gian dài cụ đã sống bằng nghề chép thơ.
Inrasara giải thích: Trong xã hội Chăm, nghề viết chữ, chép thơ, được trân trọng như một nghề cao quý.
Ở vùng đồng bằng Chăm, trong một số gia đình thường có một cái ciet sách, một dụng cụ như rương được đan bằng cói. Ciet sách bao giờ cũng được treo ở một góc trang trọng, sáng sủa nhất trong căn nhà và được đem ra phơi nắng định kì. Chính nhờ những ciet sách ấy mà qua bao thăng trầm, nền văn học Chăm vẫn sống mãi. Inrasara thân thiết gọi đó là những thư viện mini ở vùng Chăm.

Trong chuỗi ngày đi thu thập tư liệu điền dã vào năm 1976, Inrasara đã tìm tới gia đình anh bạn thân: “tủ sách” của ông Huỳnh Phụng ở làng Mĩ Nghiệp, một trung tâm dệt thổ cẩm nổi tiếng, gồm ba ciet sách quý. Một lễ cúng đơn giản mà thiêng liêng được bày ra để rước ciet sách xuống. Lễ vật gồm trầu cau, rượu, trứng gà.

Khi ciet sách được rước xuống, Inrasara vô cùng sung sướng, biết là mình đã lạc vào một kho báu lớn nhất từ trước đến nay. Sau này mới biết, hai phần ba khối lượng thơ ca mà Inrasara sưu tầm được là từ ciet sách thiêng nhà anh bạn thân này.
Tìm được những bản chép tay thơ ca cổ, như tìm được ngọc. Nhưng nhận cho ra ngọc thật, đâu phải dễ. Có trường ca tìm được tới 3 bản, một trường ca khác lại tìm tới 7 bản khác nhau. Công việc đối chiếu dị bản, có khi còn khó khăn, vất vả gấp trăm lần so với công đi tìm ngọc.

Inrasara đã kể về cái may mắn và sung sướng của anh khi tìm ra được trường ca trữ tình (khuyết danh) Ariya Bini – Cam, mà theo anh là thi phẩm đồ sộ hơn cả và hay hơn cả. Đây là bản chép tay vào năm 1903 của cụ Than Tiơng, gồm 350 câu thơ lục bát (còn khoảng 300 câu nữa không tìm được). Căn cứ vào nội dung tác phẩm, các nhân vật và địa danh, có thể đoán định thi phẩm được sáng tác vào thời vua Ppo Rome (1627-51), thời vương quốc Champa lóe sáng lần cuối cùng, để rồi đi vào bóng tối của lịch sử. Câu chuyện kể về mối tình đắm say, đầy thơ mộng và đau khổ của một vị hoàng thân Chăm theo đạo Bàlamôn với nàng công chúa theo đạo Islam.

Giống như nhân vật hoàng thân trong thi phẩm Ariya Bini – Cam, trái tim Inrasara cũng được thắp sáng bởi hai mối tình: Yêu quê hương và mái ấm gia đình. Càng yêu quê hương bao nhiêu, anh càng say mê nền văn học của dân tộc bấy nhiêu. Cuộc hành hương gần 20 năm đi tìm kho báu văn học Chăm của Inrasara là cả một chặng đường dài khám phá và sáng tạo. May thay, con đường lặng lẽ, xa hun hút ấy, nay Inrasara đã đi gần tới đích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *