A. Tại sao viết bằng tiếng Việt?
1. Thân phận tiếng Chăm
Một sáng thức giấc
tôi bỗng nghe kinh hoàng khi cảm thấy mình không thể
viết được dễ dàng một câu thơ tiếng Chăm nữa
và tôi đã khóc
Đừng lầm tưởng đó là một đoạn thơ tự do diễn tả thứ tình cảm ủy mị rẻ tiền. Mà là một kinh hoàng của kẻ chợt thấy mình bật rễ và bị vứt vào khoảng rỗng.
Kẻ đã từng yêu say đắm tiếng mẹ đẻ, từng khốn đốn vì nó, từng với nó trải qua bao thương khó trong nỗi đời oan nghiệt. Và kẻ đã tập tọng sáng tác thơ tiếng Chăm từ hơn 20 năm nay!
Nhưng rồi bao năm lang thang với tiếng Việt và thơ tiếng Việt, bị tiếng Việt hút mất hồn, tôi đã bỏ quên tiếng mẹ đẻ. Ba năm qua. An tâm rằng nó đã là ngôn ngữ ruột, không cần phải trau dồi học tập vẫn có thể tác thi bất kì lúc nào mình muốn. Như là thứ có sẵn trong túi ta cứ việc thò tay lấy ra! Nhưng không.
Ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thi ca như người yêu đỏng đảnh rất cần chúng ta nâng niu chăm chút hằng ngày. Và nếu có rời xa thì cái xa cách phải là chất xúc tác làm cho hương tình thêm đượm. Vậy mà tôi đã rời bỏ nó khá lâu. Đinh ninh nó không hề phản bội mình, ít ra – không hờn dỗi mình.
Để đi làm thứ “chuyên gia” trịnh trọng.
Không phải ngôn ngữ “chuyên gia”, ngôn ngữ nghiên cứu là không cần thiết. Ngôn ngữ của từ điển, của văn bản cổ, của lắp ghép mới đáp ứng thông tin mới… Chúng rất cần thiết nữa là đằng khác. Chúng phải có mặt, như là nền đất cho ngôn ngữ trẻ tươi đâm rễ và lớn dậy.
Bởi nghiên cứu để làm gì, lắp ghép (tôi không gọi là sáng tạo) từ mới để làm gì nếu quần chúng không biết đến nó, quay lưng lại với nó?
Một ít thống kê không chính thức tỉ lệ từ tiếng Việt đang được độn vào tiếng Chăm trong trao đổi thường ngày:
– Lứa tuổi 20 – 35: 40 – 50%.
– Lứa tuổi 35 – 50: 30 – 40%.
– Lứa tuổi 50 – 70: 25 – 35%.
– Lứa tuổi trên 70: dưới 20%.
Tiếng Chăm ngày càng bị phủ bụi, lai tạp và đang đứng trước nguy cơ trở thành tử ngữ. Trong lúc chính thi sĩ là kẻ có bổn phận canh giữ ngôn ngữ dân tộc, phủi bụi, tắm gội và làm mới ngôn ngữ dân tộc. Nhưng lúc này, có mấy ai và còn ai sáng tác bằng tiếng Chăm?
2. Thân phận người nghệ sĩ
Người Chăm làm văn chương trong một hoàn cảnh rất đặc thù.
Thế hệ sinh vào những năm 40, 50 của thế kỉ XX từ lúc cắp sách đến trường đến khi trưởng thành đều học tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt và nói… tiếng Chăm. Có thể nói chúng ta suy tư Việt đến 80%, nên sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ là điều cực khó với chúng ta.
Trước 1975, có Châu Văn Kên, Đàng Năng Quạ (nhạc) và Jaya Mưyut Chăm (thơ), sau đó, thêm Tantu (nhạc), Sử Văn Ngọc (thơ) là các tác giả viết thuần tiếng Chăm. Nhưng đó là thế hệ đã bước qua tuổi 60. Còn thế hệ đàn em như Huyền Hoa. Jalau, Trầm Ngọc Lan (thơ) thì chỉ viết bằng tiếng phổ thông. Đứng trên một bậc là Từ Công Phụng. Nhưng các sáng tác của nhạc sĩ tài hoa này không mang chút nào tâm cảm Chăm. Sau hòa bình lập lại, tất cả đều chìm lặng. Riêng Tantu là người duy nhất còn động bút đến hôm nay. Và chỉ có tiếng Chăm. Nên có thể xem đây là trường hợp đặc biệt.
Sau này, hai khuôn mặt: Amư Nhân (nhạc) và Inrasara (thơ) ít nhiều được biết đến qua các sáng tác bằng tiếng Việt hơn là tiếng Chăm của họ (chiếm chưa tới 10%). Vài người làm thơ mới xuất hiện như: Trà Vigia, Thông Thanh Khánh, Thông Minh Hiền… đều dùng tiếng phổ thông để chuyển tải tình cảm, í tưởng.
Riêng thơ, Jaya Mưyut Chăm có bài thơ dài theo thể lục bát Việt viết khoảng 1967 (Nội san Ước vọng 1 của Trường trung học Pô-Klong) và Inrasara với 15 bài bằng nhiều thể thơ khác nhau ở phần phụ lục của tập Sinh nhật cây xương rồng (1997) là sáng tác bằng tiếng Chăm. Nhưng trong khi các ca khúc nhiều hay ít đều đã tạo được sôi nổi, hứng khởi của quần chúng thì với thơ, dường như chúng chưa đọng lại bao nhiêu trong lòng người đọc Chăm hờ hững(1).
Vài điểm danh sơ bộ để có một cái nhìn khái quát.
Thân phận các bài thơ đương đại bằng tiếng Chăm thật bấp bênh. Bấp bênh như danh tiếng còm của kẻ mang nặng đẻ đau ra chúng.
Ngoài thực trạng văn hóa nghe nhìn đang ồ ạt xâm thực lãnh vực văn chương, người viết Chăm còn phải đối phó với bao thực tế khó khăn khác: về sinh nhai, về ít người đọc, càng ít hơn nữa người biết tiếng Chăm để đọc. Con số lạc quan nhất: 1000 người nếu 10% người Chăm yêu văn chương, 200 người nếu 20% số người trên thông thạo tiếng mẹ đẻ. Đó là chưa nói đến địa bàn cư trú của người Chăm trải rộng khắp 10 tỉnh thuộc ba khu vực khác nhau. khoảng 15.000 người Chăm Hroi ở Bình Định, Phú Yên không biết đến akhar thrah/chữ truyền thống, 30.000 người Chăm Islam ở Nam Bộ cũng đã bỏ quên nó từ lâu rồi.
Như vậy nếu thực sự say mê văn chương, muốn sống chết với nó và cho nó, văn nghệ sĩ Chăm phải phóng tầm mắt ra ngoài về 53 dân tộc anh chị khác trên đất nước Việt Nam.
Thế là họ tập tểnh làm thơ, viết văn bằng tiếng Việt. Và khi chấp nhận viết bằng tiếng Việt hay sáng tác song ngữ, họ sẽ đối mặt với một tình thế khác gây cấn hơn nữa.
Tham chiếu các nghệ sĩ sáng tác trong hoàn cảnh đặc thù:
Joseph Conrad: rời Ba Lan lúc 4 tuổi, để không quên nguồn gốc, ông đã học rất giỏi tiếng Ba Lan, nhưng lại sáng tác bằng tiếng Anh.
Vladimir Nabokov: sáng tác bằng tiếng Nga thời gian cư trú trong nước, sang Mĩ vẫn có vài tác phẩm bằng tiếng Nga, sau đó mới chuyển hẳn sang tiếng Anh và nổi tiếng.
J.Brodsky: nhà thơ Nga sống ở Mĩ, viết tiểu luận bằng tiếng Anh nhưng lại làm thơ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Pablo Neruda: nhà thơ Chilê, 10 năm sống ở các thuộc địa nói tiếng Anh vẫn viết bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha là quốc ngữ của Chilê. Ông có hơn 300 triệu độc giả tiềm tàng để mà hi vọng. Ông chỉ lo sáng tác cho hay.
B.Singer: nhà văn Do Thái, dù sống giữa lòng nước Mĩ, ông vẫn sử dụng tiếng Yiddish để sáng tác. Ông viết với mục đích bảo vệ ngôn ngữ dân tộc. Nội dung chính: xã hội Do Thái ở Đông Âu thế kỉ XIX và trại tập trung người Do Thái của Đức Quốc xã, là đề tài đang hấp dẫn cả thế giới sau đệ nhị thế chiến. Ông biết chắc chắn sách ông sẽ được dịch và điều ông muốn gởi gắm trong văn chương sẽ đến với hàng triệu người đọc khắp hành tinh.
Đặc biệt hơn là thi hào Ấn Độ R.Tagore sáng tác bằng hai thứ tiếng: Anh và Bengali mà chất lượng đều cao tuyệt.
Trường hợp này chúng ta thường gặp ở các nhà văn Đông Nam Á từ thế kỉ XIX trở về trước. Gần chúng ta nhất, thế kỉ XIX của Việt Nam. Cao Bá Quát tác thi chữ Hán nhiều gấp cả trăm lần và hay hơn chữ nôm. Ở Nguyễn Du cả hai mảng Hán/Nôm cùng tồn tại bình đẳng. Đến Nguyễn Khuyến thì văn nôm của nhà thơ này song song với thơ chữ Nho. Có lẽ ông là nhà thơ cổ điển Việt Nam đầu tiên tự dịch các sáng tác của mình đạt hơn cả.
Ai trong các tác gia này sẽ là gương cho chúng ta?
3. Các trở ngại:
Trở ngại đầu tiên của chúng ta gặp phải xuất phát từ chính chúng ta.
O thei ngap di drei o hai
Tamuh di hatai, drei ngap di drei.
Chả ai gây cho mình cả
Tâm mình sanh sự, mình tự hành mình
(Pauh Catwai).
Đó là thứ tâm lí mà tôi gọi là phức cảm tự ti-tự tôn dân tộc
Tự tôn về nền văn minh sáng chói của tổ tiên trong quá khứ. Được thôi. Nhưng nó đã thuộc về quá vãng. Với bản lĩnh của một nghệ sĩ, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua. Còn tự ti về cái lép vế ở mọi lãnh vực của hiện tại?
Đàng Năng Thọ được vào Hội mĩ thuật Việt Nam chẳng qua là đặc cách sắc tộc. Ca khúc “Apsara – Vũ nữ Chàm” của Amư Nhân được huy chương vàng cũng nhờ sự ưu ái về đề tài dân tộc. Tháp nắng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là do có sự châm chế của Ban Giám khảo… vân vân và vân vân.
G.Marquéz: Trong sáng tạo, khiêm tốn lắm lúc là một tật xấu.
Quyết định sự lớn/bé của nghệ thuật là ở tài năng và sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật. Nó lệ thuộc rất ít hoặc không lệ thuộc gì cả vào các chuyện ngoài rìa:
Giàu/nghèo: Lev Tolstoi có trang trại hàng nghìn mẫu đất với cả trăm nô lệ phục vụ trong khi Balzac và Dostoievski hầu như dành tất cả thời gian để sáng tác trả nợ.
Thành phố lớn/tỉnh lẻ: Hãy so sánh W.Saroyan/W.Faulkner.
Thành thị/thôn quê: A.Camus/Jean Giono.
Cường quốc/nước nhược tiểu: Boris Pasternak của nước Nga giàu mạnh và rộng lớn/P.Neruda của Chilê nghèo đói và bé nhỏ đều đoạt giải Nobel Văn chương.
Đi nhiều/đi ít: Trong lúc E.Hemingway lang bạt khắp phương trời thì M.Proust đóng khung trong bốn bức tường lâu đài giữa vòng tay chăm sóc của quý bà.
Học vị cao/”thất học”: J.P.Sartre giáo sư-tiến sĩ/M.Gorki chưa một lần biết mùi không khí lớp học.
Số đông/số ít: Trong bảng vàng nền văn chương nhân loại thế kỉ XX, Ireland với 3 triệu rưỡi dân lại là nước chiếm ngôi đầu (theo Time và Le Figaro Magazine).
Hãy đứng vững nơi mảnh đất mình đứng, thu phối tinh khí của trời đất nơi mình đang sống, vận dụng nguồn nội lực tiềm ẩn để sáng tạo. Và chỉ sáng tạo.
Bao giờ vượt qua được mặc cảm bé nhỏ, chúng ta mới có thể lớn.
Bức tường thứ hai chúng ta phải vượt bỏ là sự dằn vặt về đạo đức. Làm thơ, viết văn bằng tiếng Việt, chúng ta chợt mang mặc cảm của kẻ đào ngũ, kẻ bội phản quay lưng lại thân phận vốn đã quá éo le của ngôn ngữ dân tộc.
Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
Có bao lăm kẻ đọc, rồi sẽ còn ai nhớ
Nhưng tôi muốn phí cả đời mình cho nó
Dù chỉ còn dăm ba người
Dù chỉ còn một người
Hay ngay cả chẳng còn ai.
(Inrasara, Tháp nắng, 1996)
Có cường điệu quá không?
Hỏi chúng ta có đủ từ để diễn đạt tư tưởng, tình cảm? Và người đọc Chăm có đủ khả năng (ngôn ngữ Chăm) để hiểu sáng tác phẩm Chăm, trong khi họ chỉ được phổ cập tiếng mẹ đẻ hết cấp tiểu học, sau đó không có sách, báo nào khác để đọc thêm?
Không, mặc cảm đào ngũ là thừa. Lúc này, chúng ta chỉ có quyền chọn lựa: hoặc cứ mạnh dạn viết bằng tiếng Việt hay như R.Tagore sáng tác song ngữ hoặc như Brodsky sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, sau đó bạn bè chuyển sang tiếng phổ thông (Anh ngữ).
Cả sự sợ hãi thất bại không thể không được tính đến. Xây dựng ngôn ngữ văn chương cho riêng mình trong lòng tiếng mẹ đẻ đã khó, với ngôn ngữ thứ hai thì trăm lần khó hơn.
Nhưng giữa tiếng Chăm và tiếng Việt, với người Chăm hôm nay, đâu là ngôn ngữ thứ hai? Không nên tự lường gạt mình, câu trả lời sẽ là: tiếng Chăm.
Từ sự nhìn nhận thẳng thắn với nhau này, chúng ta dễ nhận định rằng lối viết ngây ngô ngọng nghịu của các tác giả dân tộc thiểu số thời gian qua được cả người sáng tác lẫn giới phê bình nâng niu như là đậm đà bản sắc chỉ là một ngộ nhận đáng buồn.
Chúng ta sáng tác bằng tiếng Việt không phải để người Kinh thỉnh thoảng ghé mắt tò mò nhìn, nhìn bằng con mắt trên ngó xuống, như nhìn một thứ đặc sản! Mà phải như một tác giả ngang bằng – sòng phẳng và sạch sẽ.
Bức tường cuối cùng và có tính quyết định hơn cả mà chúng ta phải đối mặt là không có bức tường nào cả. Một khoảng mênh mông, trống vắng mở ra trước chúng ta. Lâu nay chúng ta quanh quẩn trong thôn ngoài xã, chúng ta được đùm bọc ấm áp trong không khí khuôn viên tỉnh lẻ. Vài bài thơ, ca khúc hay vài họa phẩm tầm tầm cũng đủ cho chúng ta một tên tuổi, chỗ đứng. Chúng ta an tâm ngủ yên trên đó. Đôi lúc cũng có vài cơn gió lạnh làm ta hắt hơi. Nhưng rồi đâu vào đấy.
Hôm nay, ta mạnh bạo bước ra ngoài (hay bị vứt ra ngoài?) thảo nguyên lớn, thành phố lớn. Đứng trước cơn gió lớn, đọ sức với số đông khổng lồ, chúng ta không tìm thấy nơi đặt chân; tuổi tên nhỏ nhoi của chúng ta có nguy cơ bị tiêu vong. Không thấy đâu là mục tiêu, chúng ta đi như bước vào chân không, hoang mang cực độ.
Chúng ta sẽ chồn chân và lui bước? Nhưng:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Chính nơi tưởng như không còn hi vọng tìm thấy dấu chân người, một mái nhà quê hương bất chợt hiện lên trước mắt con người sáng tạo. Ta tìm thấy mình.
Như vậy, khi đã giũ bỏ mọi gánh nặng mặc cảm, phức cảm và tâm thức sợ hãi, chúng ta bắt đầu dấn bước trên con đường định mệnh, con đường phiêu lưu đầy chông gai, bất trắc của sự sáng tạo.
B. Chúng ta bắt đầu từ đâu?
Hãy bắt đầu từ nơi chúng ta đang đứng. Bắt đầu từ bản sắc Chăm.
Nhưng đâu là bản sắc Chăm?
Suốt 17 thế kỉ dựng xây và vun đắp, văn hóa-văn minh Champa đã phát triển đến cao độ. Nó vừa là nhân vừa là quả của tư duy Chăm, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực.
Bên cạnh Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo là tín ngưỡng dân gian vừa mang tính khu vực vừ mang tính dân tộc; bên cạnh múa cung đình: Apsara, Shiva…là các điệu vũ dân gian: Biyen, Tiaung…; bên cạnh phương pháp nung gạch tháp kĩ thuật cao là lối nung gốm giản đơn và tiện dụng…
Văn chương như là một thành tố của văn hóa-văn minh Champa cũng không là một ngoại lệ. Song hành với văn chương bình dân phong phú: tục ngữ, ca dao, truyện cổ… là cả một kho tàng văn chương bác học đặc sắc và đa dạng: văn bi kí, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca…Tiếng Chăm như người mẹ cưu mang đồng thời là đứa con đẻ của nền văn chương này cũng đã đạt đến độ vừa giàu sang vừa tinh tế.
Nhưng nền văn hóa-văn minh ấy đã thất tán quá nhiều. Mảnh vụn của nó đang vương vãi khắp nơi. Nỗ lực thu gom hầu dựng lại khuôn mặt của nó của mấy thế hệ nhà nghiên cứu từ một thế kỉ qua cũng chưa thấm tháp vào đâu, so với đòi hỏi của nó.
Nhiệm vụ của văn nghệ sĩ Chăm là phải thâm nhập, lùng sục vào mọi xó xỉnh nền văn chương này, cắm rễ thật sâu đến những vùng tối nhất của nền văn hóa-văn minh này. Nếu không muốn mất gốc, không muốn bị bứng ra khỏi nguồn cội.
Đó là điều khó khăn. Càng khó khăn hơn nữa khi người nghệ sĩ sáng tạo hôm nay đang đứng trước bao cơn lốc thất thường của các trào lưu văn chương, triết học từ mọi nơi đổ tới. Khó khăn thách thức nghị lực, tài năng và bản lĩnh kẻ sáng tạo. Khó khăn làm tăng giá trị của thành quả.
Nhà văn Chăm sáng tác bằng tiếng phổ thông hay viết cùng lúc hai thứ tiếng thì phải gánh thêm một phần việc nữa. Bạn phải làm nhiệm vụ như một thông dịch viên tâm hồn. Nhưng chính nhiệm vụ này sẽ làm mới ngôn ngữ anh/chị nếu anh/chị biết khai thác, tận dụng mọi ưu thế của nó.
Cũng như chính những dòng lũ của trào lưu văn nghệ hiện đại sẽ làm phong nhiêu cánh đồng văn chương anh/chị, nếu anh/chị không sợ hãi để bạt ngàn cây lúa anh/chị đón nhận mọi phù sa mới mà không để bị bật rễ khỏi nền đất ruộng quê hương.
Bản sắc dân tộc không chấp nhận sự dậm chân tại chỗ, nằm ì trong nhà. Con cháu cứ mãi ru rú trong vòng tay tổ tiên chính là con cháu phản bội tổ tiên.
Hãy để tháp Cánh Tiên, tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan cùng dông bão.
Và hãy để yên những Tara, Garuda trong viện bảo tàng
Pô Klong, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang.
Hãy canh chừng hai buồng phổi ta thiếu oxy bởi khói.
(Inrasara, Tháp nắng)
Kẻ sáng tạo không chấp nhận làm người giữ kho cho tổ tiên, dẫu kho đó chứa bao vàng bạc châu báu.
Hãy đóng lại quá khứ. Và lên đường.
C. Chúng ta bước đi như thế nào?
Đóng lại quá khứ, chúng ta học đối mặt với cái xa lạ, yêu cái chưa biết và đam mê cái chưa có. Mục tiêu chúng ta hướng tới là tác phẩm tương lai còn chưa định hình.
Goethe: Ba yếu tố tạo nên kiệt tác:
– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại.
– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật.
– Và người đó làm việc ở thời kì sung sức nhất.
Như vậy, người Chăm có điều gì lớn lao để nói, nói như thế nào, và ai sẽ là thiên tài nói lên cái đó?
Mỗi tác phẩm nghệ thuật lớn thật sự hầu như chỉ xảy đến một lần duy nhất, như là tạo hóa đúc ra cái khuôn cho riêng nó để sau đó đập vỡ khuôn đi. Nên tất cả thứ phẩm bắt chước đều lố bịch, ngớ ngẩn. Một Ariya Bini – Cam, Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Nau Ikak không bao giờ kéo lê dấu vết của các sáng tác có trước nó. Nó là độc sáng, độc nhất và vô nhị.
Ariya Bini – Cam dài 162 câu ariya – lục bát Chăm biến thể. Cuộc tình một chiều của hoàng thân Cam Ahier với cô gái Hồi giáo đến từ Mecca, đi qua nhiều vùng đất quê hương với những cuộc chiến, những chia li, mất mát. Thời gian và không gian đan xen, đồng hiện, … Nhân vật thoắt vui thoắt buồn, chợt say chợt tỉnh. Ngôn ngữ hàm súc mà bay bổng, tinh tế mà vẫn cuồn cuộn tràn bờ. Kĩ thuật kể chuyện gần với các sáng tác thuộc dòng ý thức (stream of consciousness) rất hiện đại. Một hiện tượng độc nhất vô nhị trong văn chương cổ điển Chăm.
Ariya Glơng Anak dài 116 câu ariya – lục bát cổ điển Chăm, sáng tác vào khoảng cuối thế kỉ XVIII. Đây là thi phẩm triết luận – thế sự đầu tiên trong văn chương Chăm phô diễn bằng thứ ngôn ngữ vừa giàu chất tượng trưng trong ẩn dụ vừa mang tính minh triết cao, xây dựng trên nền xã hội Chăm đầy biến cố. Thi phẩm khá khó hiểu nhưng đã lôi kéo được bao thế hệ trí thức Chăm đến với nó.
Pauh Catwai với 136 câu ariya – lục bát hiện đại mà mỗi câu như một châm ngôn, một sấm ngữ ngắn, sắc và sâu, mang chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân sinh và thời sự xã hội Chăm đầu thế kỉ XIX rã tan nhiều xáo trộn, đảo điên.
Ba tác phẩm như là ba ngọn tháp đứng biệt lập trong văn chương Chăm.
Một ít phân tích sách vở hầu rút ra và kết luận mang tính nguyên lí về các yếu tố tạo nên kiệt tác văn chương Chăm ở quá khứ:
– Nội dung luôn gắn với định mệnh dân tộc, tâm thức dân tộc dù nó là tình yêu lứa đôi, triết lí hay thế sự nóng bỏng tính thời sự trong phạm vi một dân tộc nhưng đã được nâng lên tầm nhân loại, giai độ thế giới.
– Hình thức (thể thơ, ngôn ngữ, phong cách…) đầy sáng tạo, mới mẻ gần như đột biến, chưa từng có trước đó. Dù Ariya Glơng Anak mượn ariya – lục bát cổ điển nhưng nhịp thơ đi mạnh khỏe, dứt khoát không lê thê như các akayet – sử thi cũ.
– Dù là sáng tác văn chương nhưng chúng cho ta các hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực xã hội. Đọc tác phẩm, chúng ta luôn có cảm giác các tác giả phải là những đại trí thức hàng đầu của Chăm lúc đó.
Đó là ba tác phẩm xuất sắc tiêu biểu. Tiếc rằng chúng không là sáng tác dài hơi. Nhưng biết đâu trong cùng thời điểm ấy, đã xuất hiện các tác phẩm khác lớn hơn của cùng tác giả đã bị thất lạc!
Kinh nghiệm của người đi trước không hẳn là kim chỉ nam nhưng luôn gợi mở cho kẻ sáng tác hôm nay vốn hiểu biết có tính nền tảng.
Viết cho ai? Viết cái gì? Và viết như thế nào? Ba câu hỏi lớn mà Sartre đã đặt ra từ hơn nửa thế kỉ qua và đã giải quyết gần như rốt ráo rồi. Cho ông và cho nhà văn thế hệ ông.
Nhưng kinh nghiệm của tiền nhân Chăm (và có lẽ cả Đông phương) mách bảo chúng ta rằng đặt câu hỏi như thế là thừa. Thừa và phi lí nữa.
Kẻ sáng tạo thật sự không tự đặt câu hỏi: viết cái gì. Bạn có thể viết bất cứ cái gì, chúng không ít thì nhiều vẫn tỏ bày cái chí của bạn. Bạn cũng không tra hỏi mình viết cho ai nữa. Bạn viết cho bạn và cho tất cả mọi người. Glơng Anak, Pauh Catwai không chia độc giả của mình thuộc trung nhân dĩ hạ hay dĩ thượng lúc sáng tác để mà uốn nắn ngòi bút cho phù hợp. Bạn viết, thế thôi. Mặc cho người đọc đời sau muốn hiểu ra sao thì hiểu (Kim Thánh Thán bình thơ Thôi Hiệu).
Hỏi: đến hôm nay ai trong chúng ta dám tự hào rằng đã hiểu rốt ráo Glơng Anak, Pauh Catwai hay thậm chí Ariya Bini – Cam nói những gì?
Hệ luận: viết như thế nào cũng hoàn toàn không cần thiết có mặt. Bạn viết thế nào thì văn chương chữ nghĩa vẫn bộc lộ cái khí của bạn. Khi bạn đã độc sáng thì tư tưởng nghệ thuật bạn cũng độc sáng. Bạn tiêu hóa lục bát, đường luật, sonnet, haiku, tự do… ; bạn chắt lọc hiện thực, tượng trưng, siêu thực, cấu trúc, hậu hiện đại… để bật ra cái riêng bạn.
W.Whitman:
Tôi là tụ điểm tuyệt đích của mọi sự vật đã hoàn bị
Và tôi cưu mang những sự vật chưa hình thành.
Nhưng không phải tất cả đều phó mặc cho duyên phần: tùy tiện chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa và thậm chí – tự động chủ nghĩa. Như J.P.Sartre nói: chúng ta sống là sống trong chọn lựa. Trong thế giới rậm rạp phong nhiêu này, chúng ta có cả một cửa hàng bách hóa lớn các chủ nghĩa để chọn lựa.
Trở lại với tiên đề của J.W.Goethe.
Chúng ta có cái gì để viết, viết bằng nghệ thuật (mới) nào, không quan trọng bằng ai viết. Kẻ sáng tạo chân tính tự khắc sẽ hiểu đâu là đề tài nền tảng đồng thời nổi cộm mang tính đánh động nhất để đầu tư, nghiền ngẫm. Rồi trong quá trình sáng tạo, nghệ thuật của ông sẽ tự hình thành. Nhưng Ai viết? Ai sẽ là thiên tài trong Chăm để nói lên điều lớn lao nhất trong xã hội Chăm (trong lòng đất nước Việt Nam) tới nhân loại?
Ai trong chúng ta và thế hệ sau sẽ dầm mình vào dòng sông văn hóa dân tộc.
Ai trong chúng ta bắt được nhịp đập trái tim dân tộc, mạch chảy của đời sống dân tộc.
Ai trong chúng ta vượt qua mô đất phức cảm tự ti ¬– tự tôn dân tộc, mặc cảm tỉnh lẻ, nhà quê hay sắc tộc.
Ai trong chúng ta quyết từ bỏ rỉ rên: khổ lắm, đời sống khó khăn lắm, hoàn cảnh lắm, bị đối xử phân biệt ghê lắm…
Ai trong chúng ta không sợ hãi thất bại, dám đọ sức với số đông xa lạ.
Dám từ chối các đặc ân, ưu ái, đãi ngộ ngoài nghệ thuật, từ chối dựa hơi vào mọi loại chức danh, chức vị. Để đừng phải ngủ quên trên đám mây hư vinh xôm xốp chưa cân xứng với thực tài. Để mình được là mình, tự do và tự tại mà sống mà sáng tạo.
Chịu khiêm cung ẩn mình trong một thời gian dài, hoài thai trong bóng tối vô danh. Để rụng vào đúng thời điểm chín tới của tài năng, ban tặng hoa trái cho đời. Tránh tình trạng đẻ non, chết yểu.
Ai trong chúng ta dũng cảm đóng lại quá khứ, dứt áo với đồng bằng quen thuộc để nhìn về trùng khơi xa lạ.
Ai trong chúng ta dám đánh liều đời mình cho nghệ thuật, cho những đỉnh núi cao vòi vọi của văn chương.
Kẻ đó sẽ là kẻ sáng tạo, là thiên tài sáng tạo.
Mười bảy thế kỉ văn hóa-văn minh Champa với những đỉnh cao nghệ thuật: Tháp E1 Mĩ Sơn, tháp Cánh Tiên… tượng Phật Đồng Dương, tượng Vũ nữ Trà Kiệu…, các kiệt tác văn chương: Ariya Glơng Anak, Ariya Bini – Cam…
Dù hôm nay cuộc sống với bao gập ghềnh, liêu xiêu, chúng ta vẫn có quyền hi vọng.
Và tôi đã khóc…
Hơn một tháng nay tôi cặm cụi lật lại từng trang Từ điển mà mình biên soạn để học lại chữ K, Kh, G, Gh…, đọc lại Ariya Glơng Anak mà tôi đã thuộc làu từ thuở thơ dại, làm cuộc hành hương trở lại quê nhà để nhìn lại từng khuôn mặt bà con lối xóm đói nghèo, đau khổ mà tôi quá quen thân, đội lại nắng lửa trưa Phanrang, thở lại khí trời quê hương… như là bài học vỡ lòng lần nữa cho tuổi “tri thiên mệnh” của mình.
Sài Gòn, mùa Katê 2000.
____________________________
* Bởi người viết văn Chăm còn quá ít, nên tôi tạm gộp luôn các tác giả sáng tác ca khúc vào trong bài phân tích. Vả lại, thiết nghĩ phần ca từ các ca khúc này cũng đã góp một phần quan trọng tạo nên khuôn mặt văn chương – chữ nghĩa Chăm hôm nay.
*
Trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo.