Phê bình văn học đứng ngoài “văn hóa đọc”

Thanh Xuân thực hiện.

Rất nhiều bàn tròn, hội thảo – mới đây lại thêm một tọa đàm tại TP.HCM, song nhiều nhà phê bình vẫn bị xem như những “con gấu ngủ đông” vì chẳng còn ai nghe họ nữa hoặc họ tự đánh mất chức năng của mình bằng cách mỗi tháng viết dăm ba bài điểm sách trên các tờ báo.

VTC thực hiện cuộc trao đổi với các nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Chí Hoan, nhà thơ Inrasara và nhà văn Ngô Thị Kim Cúc.

*
(Trích đoạn phần của Inrasara)
Thanh Xuân: Hiện nay, trên văn đàn có nhiều cuộc hội thảo, bàn tròn, nhận định về vấn đề phê bình văn hoc (nói chung). Vậy theo anh (chị) “vấn đề” này có quá thừa khi phải nói đến điều mà ai cũng biết mà cũng chẳng giải quyết được gì hay không?
Inrasara: Phê bình thì ai cũng biết, nhưng đâu phải ai cũng biết cho tới đầu tới đũa! Không thừa đâu. Nhiều bàn, lắm hội như vậy làm vui cuộc. Miễn sao chớ mở các cuộc hao tốn tiền của đồng bào. Để bàn dân thiên hạ còn biết văn chương vẫn đang tồn tại, phê bình vẫn có mặt. Hi vọng một Bàn tròn hay Hội thảo nào đó giải quyết vấn đề văn chương nào đó ư? Chẳng giải quyết được gì cả đâu; nhưng dẫu sao chúng tạo sân chơi cho anh chị em văn nghệ sĩ gặp nhau vui vẻ [hay rầu lòng], nhà phê bình rút vài bài học be bé và cánh nhà báo có cái để viết!

Pv: Tình trạng một số Nhà xuất bản mua hẳn một trang báo, và cứ theo từng kỳ báo giới thiệu vài quyển sách của Nxb đó phát hành, anh (chị) nghĩ sao về điều này?
Inrasara: Chẳng nghĩ sao cả. Mốt mai Nhà xuất bản còn có thể mở cả một tòa báo chuyên lăngxê ấn phẩm của mình nữa là, có chi to chuyện đâu. Đáng nói là bài giới thiệu được viết ra sao? Tụng ca tác phẩm nào? Rồi sau khi dụ được người mua sản phẩm quảng cáo đó, độc giả sẽ đọc và phản ứng thế nào? Chính điều đó mới thành chuyện.

Pv: Phê bình và điểm sách có phải là “kim chỉ nam” cho văn hóa đọc không?
Inrasara: Có, nếu nhà phê bình có tư tưởng, tay nghề cao và làm ăn thật. Và nhất là, nếu nó được hỗ trợ trúng nhịp từ chương trình giáo dục nhà trường. Nhưng tôi không thích cụm từ “kim chỉ nam” của bạn. Phê bình như thế khả năng bẻ gẫy, chuyển hướng cả lề thói thưởng ngoạn văn chương của người đọc; qua đó gợi mở cho người đọc nhiều vùng khai phá mới trong tiếp nhận văn bản văn chương

Pv: Theo anh (chị) phê bình một chiều có phải là “bệnh” hiện nay?
Inrasara: Nếu kêu là bệnh, thì đó là bệnh tự tạo, tự hài lòng, do đó – không ai muốn khỏi bệnh cả!

Pv: Cá nhân anh (chị) đã có kinh nghiệm (hay tai nạn) nào từ một trong những bài phê bình (hay điểm sách) của mình chưa?
Inrasara: Kinh nghiệm – một bận. Phê bình thơ dân tộc thiểu số, qua 5-6 tập/tác giả, đang ngon trớn bất chợt tôi nhận thấy mình tự lặp lại. Tôi khá lúng túng, và thử đi tìm nguyên do. Đích thị nó đây rồi: sự sáo mòn trong ngôn từ, sự đồng dạng của đề tài, nhịp thơ, tất tần tật… của các nhà thơ này gần như là hệt nhau! Thế là tôi buộc phải ném bỏ hết các bài đã viết riêng lẻ mà gộp chung làm một: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”. Đấy, phê bình lặp lại còn nhảm, nhàm nói chi sáng tác!
Tai nạn ư? Cũng có. Duy một trường hợp. Đó cũng là điều may, với kẻ dấn mình suốt 4 năm lập biên bản văn chương. Anh bạn trẻ gợi ý tôi giới thiệu tập thơ mới của mình. Tôi đọc và thấy nó cũng đáng “lập biên bản”. Tôi đã bày ra hiện trường như sự thể xảy ra, có phần nghiêng về “tụng ca” nữa. Vậy mà bạn trẻ nghĩ tôi chê thơ mình, từ đó sinh bao chuyện cỏn còn con. Ô là là…

Pv: Vì sao, những bài đánh giá hoặc phê bình giành cho các thế hệ trẻ, có sáng tác mang màu sắc đương đại thì luôn phải đi trên các web “bên ngoài” còn những đánh giá trù dập thì cứ đường hoàng xuất hiện như mong muốn. Như thế ảnh hưởng ra sao đối với tâm thế người sáng tác và mức độ?
Inrasara: Ảnh hưởng ra sao và mức nào thì tôi không biết được. Các bạn trẻ rơi vào trường hợp đó ắt rõ hơn tôi. Riêng các bài viết của tôi về cánh văn thơ đương đại này, tôi có thừa kinh nghiệm. Tôi thấy ở đó sự thiếu công bằng và chưa sòng phẳng trong cuộc chơi.

Pv: Một câu dí dỏm, anh (chị) ví nhà phê bình như cái gì, điều gì, con gì, hiện tượng gì (tất nhiên là trong bối cảnh này)?
Inrasara: Nhà văn là con người, nhà thơ cũng là con người và, cả nhà phê bình cũng là con …người nốt. Cho nên, chớ có thái độ phân biệt đối xử mà phiền lòng nhau.

*
VTC.vn, 23.07.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *