Phim truyền hình: Người Chăm Ấn độ giáo tại Việt Nam
Ngày 02.08.2007, bà G.Wojtiniak, Đài Truyền hình Đức và Hà Lan – Berlin và Đinh Huyền Trâm, Trung tâm Hợp tác báo chí truyền thông quốc tế thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, tiến hành quay phim về Người Chăm Ấn độ giáo tại Việt Nam.
Đây là serie phim về Ấn Độ giáo. Về Chăm, Chương trình quay tại các tháp Ppo Inư Nưgar, Ppo Klaung Girai, lớp dạy chữ Chăm tại Caklaing-Ninh Thuận, và nơi làm việc của nhà thơ Inrasara ở Sài Gòn. Nhà thơ Inrasara được mời thuyết minh về Chăm và trả lời phỏng vấn xung quanh đề tài Ấn Độ giáo.
*
Tóm tắt phát biểu của Inrasara:
1. Người Chăm ở Việt Nam gồm khoảng 16 vạn người, cư trú ở 10 tỉnh thành khác nhau; tập trung đông hơn cả ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hơn 100.000 người. Tại 2 tỉnh này, người Chăm Ấn Độ giáo (còn gọi là Cam ahier) chiếm 2/3 dân số, ở hơn 20 làng khác nhau.
2. Ngược dòng lịch sử, Bia Võ Cạnh ở Nha Trang xuất hiện vào cuối thế kỉ thứ II được viết bằng chữ Sanskrit đánh dấu văn hóa Ấn Độ đã có mặt tại Champa từ trước. Sau đó, vào cuối thế kỉ IV, Linga tại Mĩ Sơn là dấu ấn Ấn Độ giáo đầu tiên được nhận biết.
3. Ấn Độ giáo tại Champa thể hiện rõ nét nhất qua các khu di tích đền tháp, các bức tượng hay phù điêu có mặt rải rác suốt dải đất Miền Trung Việt Nam ngày nay: Thánh địa Mĩ Sơn, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận,…
4. Ấn Độ giáo còn thể hiện qua hơn 200 bi kí viết bằng chữ Phạn và chữ Chăm cổ. Nội dung các bài kinh hiện vẫn còn có mặt trong các ciet sách của các giáo sĩ Ấn Độ giáo Chăm, gọi là Agal.
5. Người Chăm dù qua bao biến động của thời cuộc, vẫn lưu truyền phong tục truyền thống trong do Ấn Độ giáo rất đậm nét. Các lễ hội lớn như Kate, Cabbur,…bà con đội bánh trái lên tháp làm lễ. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ có nghĩa trang tộc họ mẹ; người chết sau khi làm đám thiêu, tinh cốt đựng trong cái hộp-klaung nhỏ, sau đó được tập hợp làm nghi thức cúng tế đưa vào Kut. Cả sư Ấn Độ giáo-Ppo Dhya là người chủ trì tất cả cuộc lễ bái này.
6. Văn hóa Chăm là một mảng rất phong phú và đặc sắc, nó làm nên tính đa dạng của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Từ ngôn ngữ-chữ viết cho đến văn chương hay triết lí sống, từ phong tục tập quán cho đến tôn giáo hay sinh hoạt thường nhật đều thấm đậm văn minh Ấn Độ giáo được bản địa hóa. Nền văn hóa này có chiều sâu và bề rộng, từng phát triển khá cao. Thế nhưng trước nguy cơ tan rã của cơ cấu nông thôn Chăm trong xu thế đô thị hóa, việc bảo tồn nó là cấp thiết.
7. Cộng đồng Chăm và nhất là trí thức Chăm rất ý thức về bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu, công trình khoa học giá trị về văn hóa Chăm được công bố. Cá nhân tôi có lối đi riêng của mình: ngoài nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ, tôi còn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ – tôi nghĩ đó là một cách phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn cả. Đến nay, tôi đã xuất bản hơn 20 tác phẩm, hàng trăm bài tiểu luận về văn hóa và xã hội Chăm; ngoài ra tôi còn chủ biên Tuyển tập Tagalau do các tác giả Chăm viết, phát hành rộng rãi trong quần chúng Chăm.