Làm thế nào để nói tiếng Chăm?

I.
Từ vựng cũ

Anh, tôi, các bạn đều là Chăm, cho nên khi đặt câu hỏi: Làm thế nào nói tiếng Chăm?, như thể trò đùa. Hơn thế: một cú chơi khăm của định mệnh! Nhưng đấy là sự thật, dù đau lòng mấy cũng phải biết chấp nhận. Như kẻ đang viết bài này đây: nói với các bạn là Chăm, về vấn đề Chăm, nhưng lại dùng tiếng Việt. Bản thân tôi, trong quan hệ thư từ, ngoài vài bạn thân, còn lại tôi đều dùng tiếng Việt. Vậy mà kẻ ấy được cho là “người lưu giữ văn hóa Chăm” đấy!!!

A. Những câu chuyện thực:
Chuyện1. Thuở mười tám đôi mươi, lứa chúng tôi rất khổ sở vì nói không thông tiếng mẹ. Thế là hạ quyết tâm: anh em phân công tôi và Lưu Văn Đảo làm Từ vựng thông dụng Việt-Chăm. Còn anh bạn đề nghị áp dụng một chiêu rất lạ: “yuw panwơc Ywơn lac / như người Kinh nói” vào câu nói khi không tìm được từ Chăm thay thế. Ví dụ: Bilan hadei mưnauk drei tamư “yuw panwơc Ywơn lac” thành phố bac / Tháng sau tụi mình vào “như người Kinh nói” thành phố học.
Chúng tôi làm vậy một tháng, rồi nghỉ. Một ý hướng tốt nhưng rất khó thực hiện, vì nếu thế thì câu nói kéo dài vô cùng tận. Đúng là nhiệm vụ bất khả thi!

Chuyện2. Ông bạn ở Sài Gòn xa cộng đồng Chăm đến 40 năm, lần đầu về quê đã vô cùng ngạc nhiên. Anh nói: Chú mầy ạ, anh nghe thông báo của Hợp tác xã mà buồn não lòng: “ Mưlăm ni vào lúc chín giờ, likău da-a xã viên mai họp păk thang làng. Mik wa phải mai họp ka đầy đủ. Mưdah thay ô mai ô hợp tác xã sẽ trừ công điểm”.
Anh tiếp: chú mầy phải làm cái gì chớ, không thì Chăm mất hết.
Tôi hỏi vặn lại: Chứ anh bảo thằng em phải làm gì nào? Năm 78, tôi là kế toán trưởng HTX, hàng ngày nghe ra rả bên tai thông báo như vậy, buồn lắm chứ. Nhưng bảo họ nói harat/rặt Chăm được không? Sara nói cũng được, nhưng nếu vậy thì bà con nghe được chắc? Bất lực!

Chuyện3. Buổi nói chuyện với anh em giáo viên dạy tiếng Chăm vào mùa hè 2002, tôi dùng tiếng mẹ đẻ, dĩ nhiên có độn 20% tiếng Việt. Một nữ giáo viên hỏi: Sao nhà thơ không nói rặt tiếng Chăm? Tôi hỏi vặn lại: – Cô có thể nghe hết không? – Dạ không! – Vấn đề của buổi nói chuyện này là chúng ta muốn nghe nội dung hay tập nói chuẩn tiếng mẹ? Vậy thì hãy chấp nhận nói độn đi, bà con ạ.
Vẫn bế tắc!

Chuyện4. Thuở học sinh Pô-Klong, chúng tôi hay đùa các bạn Phan Rí (xin lỗi, ở đây không có ý phân biệt mà là nêu sự thật) về tiếng Chăm lai. Nhưng chỉ 20 năm sau thôi, cả 4 vùng Chăm nói độn ngang cựa nhau, không thua kém phân tấc.
Lại là sự thật khác.

Chuyện5. Cách đây 2 tháng, Đài tiếng nói Việt nam ban tiếng Chăm có phỏng vấn một cụ nông dân trên dưới 70. Kết quả: tiếng Việt độn vào ngôn ngữ nói cao đến tái mặt: 70%!!! Nghe Đài, anh bạn tôi than: khó chịu không thể tưởng tượng được! Tôi nói: thì bạn và tôi hàng ngày cũng làm vậy thôi mà!

Tất cả câu chuyện trên nói lên điều gì?
– Bất kì người Chăm nào cũng yêu tiếng mẹ, bởi quan niệm dị biệt nên có lối hành xử khác nhau.
– Thế hệ nào Chăm cũng có người yêu và lo cho tiếng mẹ.
– Việc tiếng ngoài (bởi chúng ta đang sống tại Việt Nam, nên chỉ bàn về tiếng Việt) xâm thực vào tiếng Chăm là có thực, ngày càng nhanh, không thể cưỡng.
– Đã có nhiều biện pháp thử nghiệm nhưng nhìn chung, lẻ tẻ và thiếu hiệu quả.
– Do đó, đôi lúc chúng ta có tâm lí phó mặc.

Đấy là thân phận của tiếng Chăm hôm nay. Tôi nhấn mạnh: tiếng Chăm sống, chứ không phải tiếng Chăm của từ điển, trong luận án hay sách vở. Mà là tiếng Chăm đang được bà con ta dùng hàng ngày. Nó đang giẫy chết. Đó là sự thật! Do đó, việc đặt câu hỏi mang tính thực tiễn: Làm thế nào để nói tiếng Chăm, là cần thiết – vô cùng cấp thiết. Bài này được viết để gợi ý giải quyết câu hỏi bức thiết đó.

B. Tại sao chúng ta ít dùng tiếng Chăm trong nói chuyện, thư từ?
Có mấy nguyên nhân:
– Thói quen. Ngôn ngữ nào mà chẳng do thói quen. Thói quen xuất phát từ làm biếng hàng ngày. Chúng ta biết “rwak”, “bac” nhưng nhiều người nói “bệnh”, “học”, vậy là ta cứ thế mà nói. Nhanh và gọn, khỏi mất công suy nghĩ cho mệt óc.
– Vốn từ vựng đã biết là thế, còn những tiếng ta không biết hay biết nhưng ít dùng thì càng tệ hơn. Ví dụ: thư / harak, đoàn kết / gul ppataum,… thì ta càng bỏ mặc. Đây có thể đổ lỗi cho: thiếu ý thức ngôn ngữ.
– Quan điểm. Vài hiện tượng cha mẹ dạy con nói tiếng Việt trước tiếng mẹ, ở các thành phố hay tại quê cũng vậy. Các bạn nghĩ như vậy con sẽ học môn văn tiếng Việt giỏi hơn. Chưa chắc!
– Làm oai. Thành phần này chiếm tỉ lệ rất ít. Ít, nhưng có. Dùng nhiều tiếng Việt cao cấp thì oai hơn, chứng tỏ trong bụng mình có nhiều chữ nghĩa hơn. Như thời Pháp thuộc, người Việt sính tiếng Pháp vậy. Tâm lí chung của nhân loại ấy mà. Vài bạn Việt ở quê mới đi Mỹ vài ba tháng, về đã xổ 20% tiếng Anh [bồi]!
– Còn nói do thiếu sách vở, thiếu chương trình cấp hai, hoặc học cho lắm Akhar o buk tamư gauk hu / Chữ cũng không bỏ vào nồi được, thì là chuyện khác rồi. Xin miễn bàn.

Theo tôi, đó là mấy nguyên nhân chính. Chỉ khuôn định trong việc dùng tiếng nói hàng ngày chứ không yêu cầu một khái niệm cao xa hay hàn lâm là: nói chuẩn, nói có nghề.

C. Làm thế nào để cứu sống nó?
– Tiếng Chăm trong sách vở là cần, nhưng chưa đủ.
– Tiếng Chăm do Ban biên soạn sách chữ Chăm sáng tác để đáp ứng nhu cầu thông tin mới, cũng vậy. Dù được dạy trong Trường tiểu học, nhưng khi được đẩy ra ngoài mưa gió cuộc đời: ai dùng chúng? Bà con vẫn cứ “tự do” chứ có ai chịu nói “eng drei” đâu!
– Anh em bà con ở xa: Pháp, Mỹ, Mã Lai,…sẽ nói tiếng mẹ đẻ mình như thế nào? Lai độn Mã, Mỹ, Tây,…là chuyện không tránh khỏi. Vậy 50 năm nữa, chúng ta có còn nghe nhau?
– Ngay ở Việt Nam thôi, Chăm Panduranga đã khác nhiều so với Chăm Miền Tây hay Sài Gòn. Anh em chúng tôi gặp nhau đã phải dùng tiếng phổ thông để tâm sự.

D. Thử đề nghị:
– Mỗi cá nhân tự mình ý thức nuôi dưỡng và dùng ngôn ngữ dân tộc. Viết truyện, làm thơ tiếng Chăm, hay chỉ cần tập nói mỗi ngày.
– Thường xuyên tập luyện trong gia đình. Không khí gia đình vô cùng thuận lợi; cha mẹ, con cái cố gắng nói “Chăm rặt”. Mãi thành quen. Ở Sài Gòn, có gia đình vẫn ứng dụng hàng ngày. Gia đình thì vậy, nhưng ngoài xã hội thì sao đây?
– Việc mở rộng sự “tập nói” ra ngoài là điều rất cần. Bạn bè / ayut cwai nên trao đổi thư từ bằng tiếng Chăm. Viết sai chính tả hay phiên âm khác nhau cũng không sao. Cứ làm đi rồi tự sửa sai. Dĩ nhiên, khi túng, cũng phải cầu cứu đến từ điển.

*
Tại palei Chăm hôm nay, tình trạng “tiếng Chăm nói” rất đáng buồn. “Một ít thống kê không chính thức tỉ lệ từ tiếng Việt đang được độn vào tiếng Chăm trong trao đổi thường ngày:
– Lứa tuổi 20 – 35: 30 – 40%.
– Lứa tuổi 35 – 50: 25 – 30%.
– Lứa tuổi 50 – 70: 20 -25%.
– Lứa tuổi trên 70: dưới 15%.
Tiếng Chăm ngày càng bị phủ bụi, lai tạp và đang đứng trước nguy cơ trở thành tử ngữ”. (Inrasara, “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, Tagalau1).
Trà Vigia, hiện đương cộng tác tại Đài tiếng nói Việt Nam – ban tiếng Chăm, trực tiếp với bà con, nhận định rằng: nếu số liệu trên đúng hoặc dừng lại chỗ đó thôi thì còn may. Hôm nay tốc độ suy giảm tiếng Chăm trong giao tiếp hàng ngày xuống cấp không gì cưỡng lại được. Tôi hỏi: vậy bạn làm gì?
Vẫn cứ bất lực.

*
II.
Từ vựng mới

Ở trên chúng ta chỉ bàn về vốn từ cũ, từ vựng đã có nhưng đang/sắp sửa chết; nên mới có Đám tang chữ. Hằng ngày, chúng ta tham dự vào cuộc đưa đám ấy, nhưng rất ít người biết. Hoặc biết, nhưng vẫn vô tư làm hành vi “cho nắm đất ân huệ”. Tội!
Hôm nay, ta thử bàn về vốn từ vựng mới.
Cuộc sống thay đổi, nhiều sự kiện mới, khái niệm mới và sự vật mới ra đời đòi hỏi làm khai sinh đặt tên. Cần có ngôn từ mới để đáp ứng những cái mới đó. Giải quyết tình trạng này, có 3 hướng chính:

1. – Nhà khoa học sáng tạo hay dịch từ mới.
Ví dụ, thời Pháp thuộc, Việt Nam có Hoàng Xuân Hãn với tác phẩm Danh từ Khoa học. Ông làm công trình này lúc tuổi còn rất trẻ. Ông lấy lại tiếng Nhật và phần nào tiếng Hoa là chính để “dịch” các từ mới. Như “siêu hình học”, ông lấy lại từ tiếng Nhật khi người Nhật dịch Métaphysique (Pháp) hay Metaphysics (Anh); dù sau này có học giả muốn thay bằng “siêu thể học” chính xác hơn, nhưng mọi người đã quen rồi. Cứ thế mà dùng.
Đây là thao tác cần thiết. Điều quan trọng là sau đó nhà văn, nhà khoa học Việt dùng nó (sử dụng có chọn lọc) làm nền tảng dịch hay viết các bài/tác phẩm khoa học.
Các từ vựng này, vì thế đã tham dự tích cực vào sinh hoạt trí thức Việt.

Với Chăm, khối lượng từ vựng Ban biên soạn sáng tác ra trong thời gian qua không phải là ít, nhưng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng đã không có được vinh dự ấy.

2. Vốn từ vựng sinh ra từ cuộc sống hàng ngày, do chính nhân dân tạo tác trong lao động, giao tiếp,…
Ví dụ, thời trước 1975, một số dụng cụ chiến tranh là các vật dụng trước đó Chăm chưa biết nên chưa có từ để gọi, là chuyện đương nhiên. Vậy là Chăm tìm cách đẻ, họ đã đẻ ra thiệt, rất vui và không thể nói là không hay:
– súng M72 (chống tăng) gọi là: phaw cuh klak/súng bắn (rồi) bỏ (nó chỉ bắn một lần duy nhất rồi bỏ: lấy công dụng đặt tên).
– súng M79: phaw abauh ada/súng trứng vịt (vì đầu đạn giống tròng đỏ trứng vịt: nhìn hình dáng đặt tên)
– máy bay trực thăng loại mỏng thì được gọi là ahauk talang/máy “xương” (vì nó “không có thịt da” như máy bay trực thăng thường). …

Hiện tượng trên nói lên điều gì? Quần chúng Chăm cách nay 30-40 năm luôn ý thức về sử dụng tiếng mẹ đẻ. Cũng có trường hợp các sự vật mới được thế hệ chú bác ta dùng thẳng tiếng Việt, nhưng có thể nói: sức sáng tạo ngôn từ vẫn còn. Còn hôm nay: hãy thử xem 4 vị Chăm chơi cờ “tiến lên” cũng đủ biết: toàn tiếng Việt! Tôi nghĩ, nếu trong cuộc này, ta thử “nói” tiếng mẹ (nếu chưa có thì cứ bày ra bừa đi ngay trong cuộc chơi đó) thì hay biết bao: kho từ vựng Chăm sẽ có vốn thuật ngữ “ăn chơi” mới!

3. Vốn từ do nhà văn tạo ra trong quá trình sáng tác.
Đây là vốn từ nằm giữa vùng danh từ khoa học và ngôn ngữ dân dã. Nó gần ngôn ngữ hàng ngày hơn, vì thế quần chúng cũng dễ tiếp nhận hơn. Với tiếng Việt, công lớn phải thuộc về các nhà tiểu thuyết tiền -Tự lực Văn đoàn, sau đó là Nhóm Tự lực Văn đoàn: từ các sáng tác phẩm của họ, các nhà soạn từ điển đã tập hợp cả một kho từ vô cùng phong phú. Riêng Xuân Diệu, tính về mặt từ vựng thôi, đã đóng góp rất lớn.

Tình hình Chăm khó khăn rất nhiều. Vẫn có vài người chuyên làm thơ bằng tiếng mẹ, thậm chí Phutra Noroya còn viết cả cuốn tiểu thuyết nữa, nhưng nhìn chung: vẫn còn rất yếu! Mà lực lượng này cũng quá ngũ tuần rồi. Dù sao, Tagalau ra đời, đã phát hiện thêm 3 gương mặt trẻ măng có thơ bằng tiếng Chăm. Hy vọng vậy thôi.

*
III.
Làm thế nào viết đúng tiếng Chăm
?

Người Chăm cư trú tại nhiều nước khác nhau. Ngay ở Việt Nam thôi, cộng đồng ta sinh sống không tập trung trên 10 tỉnh thành. Giọng nói các vùng miền khác nhau là chuyện bình thường. Và khi khoảng cách về thời gian khá xa, một lượng từ vựng-ngữ nghĩa biến đổi cũng là điều không thể tránh. Nói đâu xa, người Việt thôi: mỗi thứ cá dùng hàng ngày mà có đến 3 từ để gọi: cá tràu, cá quả, cá lóc!

Thực tế, vốn từ của Chăm Miền Tây hay Sài Gòn với Chăm Miền Trung cũng có khác biệt khá lớn. Phải chấp nhận vậy! Đó là nói về khác biệt về từ vựng.
Riêng với lượng từ chung, ngữ nghĩa giống nhau, câu hỏi đặt ra: Làm sao viết đúng?
Không đề cập chữ Chăm truyền thống akhar thrah, chỉ bàn về chữ Chăm Latin hóa thôi.
Làm thế nào ta viết ra mà ai đọc cũng hiểu? Đây là đòi hỏi từ thực tiễn. Ở đây tôi xin đứng ở khía cạnh này để bàn. Vì nếu nói đến khoa học, thì mãi đến thế kỉ XXII vẫn chưa xong, có lẽ.

1. Về âm chính:
Ví dụ khi ta viết
A- Păr, hay Pơr hoặc Par thì ai cũng hiểu nó nghĩa là bay, trong câu Ciim par nau dwah bbơng/Chim bay đi kiếm ăn.
B- Jôi, Jwai, Chồi, Choài: đừng, cũng vậy.
C- Viết: Kubaw hay Kabaw ai cũng hiểu là trâu.
D- Gilai hay Galai: thuyền, cũng thế.

Tạm kết luận: âm tiết chính a/ă/ơ hay a/u, i/a ít quan trọng trong việc xác định đúng/sai của từ. Nếu chấp nhận tính tương đối, ta có thể bỏ qua. Ví dụ B này đã xảy ra ở BBS: Ban biên soạn sách chữ Chăm viết JÔI, bởi hầu như tất cả làng Chăm ở Panduranga phát âm như thế; dù ngày trước đã có nới viết: JWAI. Cái cần nhất: ai cũng hiểu.
Do đó, mặc dù là người từ lò BBS nhưng trong các tác phẩm nghiên cứu của tôi, tôi không viết như Ban biên soạn sách chữ Chăm. Còn trong Tagalau, chúng tôi chủ trương viết cả 2 dạng, để bà con làm quen. Không vấn đề gì cả, tôi nghĩ: chúng rất tương đối.

2. Phụ âm cuối:
Khi ta viết: băR, băN, băL thì cả ba từ đó không cùng nghĩa nữa, mặc dù ta vẫn đọc là pằn. Ở đây phụ âm cuối R, N, L đóng vai trò khu biệt nghĩa.
Băr: màu sắc / Băl: thủ đô / Băn: (tấm) chăn. Như vậy, muốn viết phụ âm cuối tiếng Chăm đúng chỉ có học thuộc. Nó cũng giống phụ âm cuối “T”, “C” trong tiếng Việt vậy: cái báT, cô báC.

3. Lang likuk:
Tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết. Ví dụ ta viết: PAkak: chặn – CAkak: cắt – TAkak: nương (rẫy) – HAkak: đong – Ikak: buộc, buôn – RAkak: ứ đầy.
Nên, dù âm tiết thứ hai nào trong 5 từ trên đều là: KAK cả, nhưng trước nó có Lang likuk (tiền trọng âm) khác nhau (Pa, Ca, Ta, Ha, I, Ra), do đó chúng có nghĩa khác nhau. Vậy, nếu ta viết Lang likuk này sai, thì nghĩa cũng sai theo. Muốn viết đúng chính tả, không cách nào khác là học thuộc lòng.

Kết luận: trong tiếng Chăm, Phụ âm cuối và Lang likuk là quan trọng hơn cả trong việc xác định ngữ nghĩa của từ. Dĩ nhiên còn vài điểm phụ khác, nhưng tôi nhấn mạnh: quan trọng hơn cả. Còn làm thế nào để kiểm tra biết mình viết đúng/sai? Điểm này, tôi có phân tích kĩ lưỡng trong cuốn Tự học tiếng Chăm, Nxb. VHDT, 2003. Hay nhất, người học chỉ còn cách tra từ điển.

Sài Gòn, mùa mưa 2005.

19 thoughts on “Làm thế nào để nói tiếng Chăm?

  1. Từ vựng trong tiếng chăm hiện đại(bậc tiểu học đang dùng) và tiếng chăm xưa mà các bậc thầy cao đạo hay sử dụng trong lễ cúng bái tuy khác nhau về cách cải biến 1 số âm tiết và cách viết nhưng cháu có một điều thất mắc là tại sao chúng ta không lấy chuẩn tiếng chăm xưa để học mà phải cải biến lại nó.Hơn nữa tiếng chăm xưa tuy cách đánh vần nó hơi dài và phức tạp nhưng nó mang đậm ý nghĩa dân tộc hơn tiếng chăm cải biến bây giờ.Ví dụ một có một số người học tiếng chăm hiện đại tuy đọc viết thông thạo nhưng khingười lớn hỏi tới là chẳng bạn trẻ nào hiểu cả. Cháu được học tiếng chăm cả 2 do thường xuyên tiếp xúc với ông nội nên cháu quen với tiếng chăm xưa hơn, mãi cho tới khi vào lớp 1 cháu mới học tiếng chăm hiện đại nên cháu toàn bị vấp mỗi khi phát âm cho tới bây giờ cũng vậy.Cháu viết tiếng chăm cải biên chẳng khác gì tiếng việt nhưng khi đọc,cháu toàn đọc tiếng chăm theo cách người lớn hay đọc nhiều lúc cháu cũng không biết tiếng chăm nào mới là tiếng chuẩn nữa và dần dần nó mờ dần trong đầu cháu nhưng cháu lại thích đọc tiếng chăm của người lớn.Nên cháu nghĩ viết theo cách hiện đại nhưng lại đọc theo cách người lớn hay sử dụng liệu có được không và người ta có hiểu không nhất là thế hệ bây giờ đang học tiếng chăm cải biên.

  2. Đây chỉ là thư trả lời nhanh bạn đọc TT Nhàn. Bài viết này sẽ được chỉnh sửa và đăng lại trong trang chính, ở mục Ngôn ngữ Chăm)

    SG, 28-8-2009.
    Bạn TT Nhàn thân mến
    Cám ơn bạn đã có thắc mắc đáng trao đổi.

    1. Trước hết bạn cần phân biệt 3 khái niệm này, là điều nhiều người hay nhầm lẫn:
    – Từ (word): bauh akhar, là “đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh”. Ví dụ: cách dùng từ tiếng.
    – Từ vựng (lexicon): akhar, là “toàn bộ các từ vị hay các từ của một ngôn ngữ”. Ví dụ: từ vựng tiếng Pháp.
    – Tiếng (language): xơp, là “ngôn ngữ cụ thể nào đó”. Ví dụ tiếng Khmer.
    – Chữ viết hay chữ (writing, script): akhar wak, là “hệ thống kí hiệu được đặt ra để ghi tiếng nói”. Ví dụ: chữ Quốc ngữ.

    Về từ vựng (đúng hơn: từ), Chăm hiện nay và Chăm xưa không có gì khác nhau cả. Có một số từ cũ chết đi, từ mới được đẻ ra. Ngôn ngữ nào cũng vậy thôi. Thời đại mới nẩy ra vài khái niệm mới, khái niệm này đòi hỏi có tên gọi. Chăm hoặc vay mượn hoặc sáng tạo từ mới.

    2. Nhưng tôi ngờ rằng bạn đang muốn hỏi về CHỮ VIẾT Chăm truyền thống, gọi là akhar thrah.
    Muốn bàn về vấn đề gì cũng vậy, cần đặt nó trên nền tảng. Nền tảng ở đây là các từ điển. Chữ Chăm akhar thrah để ghi tiếng Chăm tạm chia làm 3 giai đoạn:
    – Giai đoạn 1: Lối ghi akhar thrah trong Từ điển Aymonier – Cabaton, in năm 1906.
    – Giai đoạn 2: Lối ghi akhar thrah trong Từ điển Moussay, in năm 1971 và Từ điển Bùi Khánh Thế, in 1995.
    – Giai đoạn 3: Lối ghi akhar thrah của Ban Biên soạn sách chữ Chăm, hoàn chỉnh năm 1985.
    Cơ bản, cả 3 lối này là giống nhau.

    2.1. Chữ viết Chăm bởi chưa qua kĩ thuật in ấn, nên ông bà ta ở nhiều vùng khác nhau, nhiều thày khác nhau, chép nhiều lối khác nhau. Sự KHÁC này thể hiện rất rõ trong Từ điển Aymonier (Giai đoạn 1). Ví dụ: từ MỚI viết 5 cách; từ HOA viết 10 cách. Và ở mọi trang trong Từ điển này đều viết như thế cả. Tại sao? Aymonier không chủ trương chọn lựa một cách viết, mà ghi tất cả cách ông bà Chăm đã từng viết trong văn bản.

    2.2. Nhận ra điều đó rất khó khăn cho việc học và tra cứu, Moussay và cộng tác viên là trí thức Chăm đã có bước “cải tiến”, “chuẩn hóa”. Nhưng tôi thích dùng từ “chọn lựa” ở đây hơn.
    Ví dụ: Từ MỚI, Aymonier viết 5 cách, Moussay chỉ chọn 1 cách là: BIRUW. Từ HOA Aymonier viết 10 cách, Moussay chỉ chọn 1 cách là BINGU.
    Có thể nói thế hệ Chăm 50-70 tuổi ngày nay đều viết theo Từ điển Moussay.
    Bạn nói là “chuẩn chữ Chăm xưa” chính là bạn nói về lối viết trong Từ điển này (giai đoạn 2), nghĩa là đã cải tiến, chuẩn hóa.

    2.3. Đến khi BBSSCC thành lập vào năm 1978, các trí thức Chăm (toàn những người giỏi) thấy lối viết trong Từ điển Moussay “chưa hợp lí” cho lắm, nên đã “cải tiến”, “chuẩn hóa” nữa, đến năm 1985 căn bản là xong. Ở đây, tôi cũng lại thích dùng từ “chọn lựa” hơn.
    Ví dụ nhé, từ NUỐT:
    – Giai đoạn 1 viết 2 cách: luan, luơn, nhưng rất nhiều văn bản cổ Chăm viết: luon. Chúng ta phát âm hôm nay là “lôn”.
    – Moussay ở giai đoạn 2 chọn: LUƠN, bỏ LUAN, đọc là “lôn”.
    – BBSSCC ở giai đoạn 3 viết: LON, đọc là “lôn”.

    Ví dụ 2, từ BUỒN:
    – Giai đoạn 1, Aymonier viết 4 cách: druy, drwai, droy, draiy. Chúng ta phát âm hôm nay là “trồy”.
    – Moussay ở giai đoạn 2 chọn 1: DRWAI, đọc là “trồy”.
    – BBSSCC ở giai đoạn 3 chọn 1: DROY, đọc là “trồy”.

    3. Kết luận: Tôi cho là không có ai viết sai, hay viết khác truyền thống cả. Hai giai đoạn sau, các trí thức Chăm có ý hướng chọn một cách viết. Vậy thôi. Nếu dạy theo truyền thống, thì phải dạy theo Từ điển Aymonier, nghĩa là dạy chữ cách nay hơn một thế kỉ. Tôi nghĩ rằng đó là điều không thể.
    Còn bạn nói học chữ Chăm cải biên bây giờ thì khó đọc văn bản cổ ư? Tôi e không phải vậy, bạn à. Lối viết văn bản xưa gây khó cho tất cả mọi người, cả học lối viết ở giai đoạn 2 hay giai đoạn 3 cũng vậy. Vì đó là văn bản viết tay, viết tháu, viết nhiều lối khác nhau (như đã thể hiện trong Từ điển Aymonier, giai đoạn 1). Một khi chúng ta đã rành, thì mọi loại chữ đều được vượt qua dễ dàng.
    Chữ Quốc ngữ cũng vậy thôi, thời manh nha nó khác, sau đó qua bao “cải biên” nó mới như hôm nay. Và ngay lúc này, các nhà ngôn ngữ vẫn chưa chọn được triết hay triết ? Nhưng người ta dạy trong trường học chỉ một cách duy nhất, sau này học sinh lớn lên họ đọc được tất.
    Theo tôi, có một cơ quan để thống nhất là được rồi, còn muồn đọc văn bản cổ thì chúng ta cần vài nỗ lực thêm. Chứ ngồi đó mà cãi nhau thì bao giờ mới xong?

    Tâm tư:
    Sara là người học chữ cổ của ông bà, viết theo lối dùng trong Từ điển Moussay, có làm việc ở BBSSCC nhưng không tham gia chuẩn hóa của Ban, nhưng Sara không thấy chút trở ngại nào trong việc tiếp nhận 3 giai đoạn chữ Chăm akhar thrah cả. Các bạn cũng đã thắc mắc như bạn, nhưng khi họ gặp Sara mươi, hai mươi phút thôi, tất cả đã được giải quyết thỏa đáng.

    Nhưng theo tôi, chữ viết không quan trọng bằng ngôn ngữ. Chữ viết chỉ là vỏ bọc âm thanh mang tính vật chất, còn ngôn ngữ mới là tinh thần, lưu trữ văn hóa dân tộc. Mất ngôn ngữ mới mất tất cả, như nhiều nhà bác học đã công nhận thế. Hôm nay, ngôn ngữ Chăm đang bị độn, bị lai căn. Đó là nguy cơ lớn nhất, phải không bạn?

    Thân mến

  3. Noi lai cho ro van de nay nhe: Chu viet ban ban bien soan khac xa chu truyen thong. Chu truyen thong khong co pok gak, dar tha co traok ao ma chu ban bien soan co pok gak, dar tha khong co traok ao lam sao nguoi hoc doc van ban Cham duoc. Nguoi ta noi chu ban bien soan la noi o diem do, chu ai co noi tu Luan, Lwan. Ca hai chu luan, lwan deu dung, khong sai. Rac roi o cho la ban bien soan khong tiep thu de chon mot Luan hay Lwan ma che ra chu Lon moi lam phuc tap them chu Cham.Ban bien saon sai la sai o cho do. Nguoi ta dang noi huu ma Inrasara noi vuon. Dieu nay co hai truong hop xay ra: thu nhat Inrasara khong hieu van de, thu hai co hieu nhung co y viet de danh lac huong doc gia thoi. Nen canh giac bai viet trong web nay.

  4. Thieu thân mến
    Bạn nêu 2 chi tiết, đúng và cần lắm. Nhưng chỉ vì thế mà bạn bảo “nên cảnh giác bài viết trong web này”, là SAI. Nếu một ứng viên hoa hậu có nốt ruồi hơi chệch mà kêu cô ta không xứng đáng ứng thí thì bất công lắm đó nhé.
    Nhưng bạn có chắc 2 chi tiết kia không có trong “chữ truyền thống” Chăm không? Có lẽ bạn chưa đọc nhiều văn bản cổ Chăm nên kết luận vội thế thôi. Mình đọc văn bản cổ Chăm từ năm lên 10, học ở nhiều GRU khác nhau, thuộc nhiều địa phương khác nhau. Mấy trăm văn bản kia được photocopy đang có mặt ở nhà mình. Có dịp, mời bạn ghé nhà mình hoặc ở quê Caklaing, hoặc ở Bai Gaur để xem nhé. Rất hân hạnh.
    (Chú ý, đã có hơn mươi bạn Chăm thắc mắc về chữ Chăm, khi ghé nhà mình, chỉ cần mươi phút là mình minh giải thỏa đáng)
    Thân mến
    Inrasara
    Inrasara

  5. Theo chỗ tôi biết, chỉ có nhà chuyên môn mới có khả năng bàn về chuyên môn sâu như vấn đề ngôn ngữ. Anh Sara rất tế nhị khi tránh bàn về chuyên môn trên mạng, tôi nghĩ điều này đúng.
    Qua bài viết này “Làm thế nào để nói tiếng Chăm” anh Sara chỉ đề cập chuyện NÓI tiếng Chăm. Nên bàn về chính chuyện này. Tôi biết rằng anh Sara làm mấy điều HAY mà ít ai làm được:
    1- Chính vì không muốn bàn về chuyên môn sâu, mà anh Sara dù là người soạn sách Tự học tiếng Chăm và dạy khóa tiếng Chăm đầu tiên sau 75 bằng chữ Chăm theo lối từ điển cha Moussay, nhưng anh không CHỐNG chữ của BBS. Chuyện nhỏ ấy mà.
    2- Còn công trình về văn học Chăm của anh lớn như thế nào thì miễn bàn rồi.
    3- Trong gia đình anh, họ nói tiếng CHĂM thuần mà không PHA tiếng Việt. Đây là điều đáng quý nhất. Tôi chưa thấy gia đình Chăm nào làm được. Tôi biết trong gia đình trí thức Chăm rất to, nhưng họ nói pha trộn tiếng Việt đến 60%. Nếu ai biết có gia đình nào nói được như vậy, hay chỉ có ý định nói thuần tiếng Chăm thôi, xin hãy chỉ cho tôi biết để tôi cùng kêu vợ con tôi làm gương.
    Kajap karo

  6. Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Ông còn viết: “Tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn; tiếng mất thì nước nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn, không sao vãn hồi được nữa”.
    Alphonse Daudet có viết: Quand un peuple tombe esclave, tant qu’il tient bien sa langue, c’est comme s’il tenait la clef de sa prison (Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ mà còn giữ được toàn vẹn tiếng nói, coi như dân tộc đó vẫn giữ được chìa khóa mở cửa ngục tù kia).
    Ông nhà văn có giải Nobel là Fréderic Mistral viết đại ý: “Đất có thể mất, nhưng khi dân tộc đó còn giữ được tiếng nói của mình, thì dân tộc đó vẫn còn cơ may phục hồi”.

    Cả 3 nhà văn và nhà văn hóa trên đều nói đến tiếng nói (langue), chứ không phải chữ viết (écriture). Chữ viết đâu quan trọng gì mà cãi vã nhau đến mất đoàn kết. Nhiều quốc gia lớn đã đổi chữ viết, bỏ chữ viết nhưng họ vẫn hùng mạnh. Tôi ở Hoa Kì, tôi nói tiếng Chăm pha rất nhiều. Thieu có thể ở đất nước nào đó, cũng nói pha rất nhiều (tôi tin chắc 100%). Vì ngay ở Việt Nam thôi người Chăm mình cũng như vậy.
    Inrasara nhấn mạnh chuyện tiếng nói là thế. Nhà văn này cảnh giác: nếu tiếng nói Chăm mất thì ta sẽ mất tất cả. Nên hiểu ý của nhà văn này như thế. Chớ Thieu đừng có khơi lại chuyện Chăm cãi vã nữa, xấu hổ lắm. Chả đi đến đâu cả. Mà Thieu đâu phải là chuyên gia đầu ngành đâu.
    Chào đoàn kết.

  7. Lạ là ông chủ trang mạng này lại phạm luật. Bài tiểu luận không có câu nào nói đến chữ viết, vậy mà anh đi trả lời với câu hỏi của ông TT Nhàn. Nên hơi lạc đề. Tốt hơn hết là chỉ nên quy hoạch đề tài vào nội dung mà bài viết nêu ra thôi. Lẽ ra nên xóa Phản hồi của ông TT Nhàn, xóa cả ông Inrasara, và xóa luôn của ông Thieu nữa là đúng. OK?

  8. Nói thêm: Đây là đề tài rất rất rất hay. Bà con nên xúm lại bàn, chớ có phiền trách nhau POH GĂK, DĂR THA nữa.
    Jabeh đã hỏi, Jabeh-2 xin trả lời: có anh Qua Đình Lan palây Krong nữa, nói tiếng Chăm rặt Chăm. Nghe ông Inrasara và ông Lan nói chuyện với nhau thì hết sẩy.

  9. Mỗi người có chuyên môn riêng của mình, mỗi người có tài năng riêng. Có thể anh THIEU có một tài nào đó mà Inra không có. Riêng về lĩnh vực này, tôi khuyên anh Thieu không nên bàn tới. Tôi lấy ví dụ (chuyện này chính người trong cuộc kể với tôi): Ở Đại học, sau 2 năm soạn Từ điển Chăm, 1 vị tiến sĩ Chăm có tên trong ban biên tập (tôi xin giấu tên) đã bị người ngoài gây ảnh hưởng sau đó anh tác động giám đốc Trung tâm rằng không soạn Từ điển nữa mà chỉ nên dịch Từ điển của Aymonier thôi. Vậy mà giám đốc Trung tâm nghe theo. Suýt nữa Từ điển ngưng. Thế là trong 1 cuộc họp, Inra đã chứng minh trước mặt mọi người (7 người cả thảy, 4 người Chăm 3 vị giáo sư Việt) rằng vì anh tiến sĩ không nắm được tiếng Chăm nên bị lung lạc như thế. Anh này đã trả lời nguyên văn như sau: “Ngôn ngữ không là chuyên môn của tôi, tôi chỉ là sâu đầu mối thôi”. Thế là Từ điển được soạn tiếp.
    Rồi trong Hội nghị góp ý Từ điển (hôm đó tôi có dự) gần 200 trí thức Chăm, nhiều ý kiến trước đó khiến mọi người nghĩ chắc Từ điển không in được rồi, vì “sai nhiều quá”. Nhưng chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, Inra đã giải đáp rành rọt và rất thuyết phục tất cả thắc mắc.
    Tôi không nói riêng Chăm đâu. Trong giới văn học Việt Nam, mà tôi có tham dự vài cuộc (nói riêng với nhau là tôi rất hãnh diện), hầu hết mọi câu hỏi hóc búa nhất từ nhiều thành phần khác nhau, Inra đều giải đáp rất thỏa đáng và vui vẻ.
    Inra vừa uyên bác vừa có tài hùng biện cũng như rất có duyên nữa.
    Bài “Làm thế nào để nói tiếng Chăm?”, Inra chỉ đề cập đến “tiếng nói” mà tránh bàn về chữ viết là anh RẤT tế nhị. Inra không muốn va chạm với bà con Chăm, là điều tôi ủng hộ.

  10. Bác Dang Van Dinh viết về Sara hay quá!
    Hơn cả một nhà thơ, Sara còn làm nhiều người say mê và tỉnh thức, anh đánh động lòng thương cảm và tình thương yêu của nhiều người đối với dân tộc của mình. Một điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng rất lớn lao mà chưa mấy ai làm được!
    Đó là một người tôi luôn ngưỡng mộ và yêu quý…

  11. Anh chị em ta quý mến!
    Khen nhau là để khích lệ. Ai cũng cần tiếng khen. Cám ơn anh Trần Can, anh Dang Van Dinh… Nhưng mà khen nhà văn hóa Inrasara thì hơi thừa, các anh ạ. Vậy hãy khen các đề nghị rất thiết thực của Inrasara đi. Và nếu cần thì góp thêm các ý kiến khác, hay hơn. Lý do thì Inrasara đã phân tích kỹ rồi, ta chỉ bàn về đề nghị. Inrasara đề nghị:
    – viết thư cho nhau bằng tiếng Chăm. Sai chánh tả cũng không sao, sai thì sửa, cũng như ta học tiếng Anh vậy mà.
    – trong nhà anh chị em, ba mẹ, con cái cố gắng nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nói cố gắng là bởi chúng ta đã có thói quen dùng tiếng Việt, vậy hãy dùng lại từ tiếng Chăm mà ta biết, không biết thì nhắc nhau biết.
    – bạn bè nói chuyện hay nhậu nhẹt hoặc đánh tiến lên (như Inrasara ví dụ vui) cứ đẻ chữ và nói bừa tiếng Chăm đi. Không sao cả! Sai thì sửa tiếp. Ngôn ngữ là thói quen mà. Quần chúng nói riết rồi thành quen, đâu cần gì đến mấy ông hàn lâm khoa học. Mấy ông hàn lâm thiếu óc thực tế thì hỏng bét. Cãi vã nhau mãi thôi. Inrasara rất khoa học, nhưng đề nghị của anh lại rất THỰC TẾ là vậy.
    Nghĩa là ta nói tiếng Chăm mọi nơi khi có điều kiện.
    Tại sao ta không thử đi?

  12. Bố cáo cùng bà con và ông anh Inra!
    Tháng trước Janhohka tui có chuyện ghé qua nhà họa sĩ CKT ở PR thấy cả nhà xài tiếng Việt. Đúng là xài SANG!!! Thế là tui chạy mất đôi dép bà xã mới mua. Năm ngoái tui cũng bị 1 bận, cả nhà một nữ giáo sư cấp III Chăm ở cái làng văn vật của ông anh Inra cũng xài như thế, hãi quá tôi chạy mất cặp giày ông bạn Chàm kiều mới cho. Ông anh Inra đề nghị cho cố đi, Janhohka tui thề từ nay hổng dám vào nhà một trí ngủ (à, trí thức chớ) Chăm nào nữa đâu.

  13. Nói thật với bà con chớ, các cô các chú chưa thấu hiểu lẽ đời đâu.
    Mấy ông trí thức Chăm mà chỉ có POH GAK hay DAR THA mà chửi bới nhau, bươi cả đời tư nhau, móc cả chuyện xưa ra nói đến mất đoàn kết anh em thì NGU XUẨN hết thuốc chữa. Ông Thieu nào đó hót lại thì chỉ học đòi thôi. Không biết gì mà cũng học hớt.
    Riêng nhà thơ Inrasara thì (xin lỗi – nhà thơ mà) các đề nghị đều là ảo tưởng cả. Cố lắm gia đình nhà thơ hay ông Qua Đình Lan (tôi biết ông cũng có viết nhạc) kéo dài 10, 20 năm là cùng. Không giải quyết được gì cả.
    Không ai cưỡng lại dòng chảy của lịch sử nổi. Thế thắng của lịch sử là người Chăm đang từng bước rời bỏ bản sắc của mình. Ngôn ngữ thì người Chăm bỏ sớm nhất.
    Xin lỗi về lời thật này.

  14. Tinh co ghe qua, thay mikwa buy baiy qua, xin gop vai loi.
    Yut Thieu co y hay lam. Nhung hay xem qua bai cua Quang Can trong tincham.com hay nguoicham.com co bai nay co le giai dap duoc thac mac cua yut Thieu ve chuyen ngay xua Akhar Thrah Cham co pok gak, chrauhaw khong darsa.
    Nhieu lam trong tudien Aymonier- Cabaton. Ban chep tudien (Link trong bai viet cua Quang Can) vao may roi xem se thay. Yut co the tu minh tim thay chrauhaw khong Darsa trong Aymonier- Cabaton 1906, tu yut se minh oan cho BBSSCC la che bien chu Cham. Thay moi nguoi ban thao lich su va vui ve. Minh rat mung, ddwa karun abih yut.

    Kan Kun

  15. Rat vui xin duoc tham gia dien dan. Ddwa karun Sara va dom yut.
    Theo hieu biet cua minh:
    1/. Poh Gak, va Chrauhaw khong Darsa BBSSCC dang dung co khac chu truyen thong khong? Khong khac truyen thong vi hai thu nay co trong tudien Aymonier-Cabaton 1906. Xin chep TD vao PC cua yut de kiem tra tai link nay: http://books.google.com/books?id=SSAoAAAAYAAJ&printsec=frontcover&source=gbs_ge_summary_r&cad=0#v=onepage&q&f=false
    2/. Chu Cham trong cac van ban chep tay, rat kho doc vi do cach viet thau, chu khong phai do haii van tren. Neu duoc in ra chan phuong thi moi nguoi se doc duoc. Con khong thi ca cac Gru day chu Cham cung phai danh van tung chu.
    Tadhuw yut Thieu vui ve,

    Kan Kun

  16. Em muốn học tiếng Chăm mà em không biết học bằng cách nào? Anh chị nào có thể chỉ giúp em với.

  17. Bạn hãy đến palei Cham, và quên tiếng Việt trong 1 năm đi. Sống với tiếng Chăm, bạn sẽ giỏi tiếng Chăm.
    Vậy bạn nhé!

  18. Tôi là người Rhade, tôi qua Campuchia rất nhiều lần, hầu như các tỉnh Natakiri-Muldulkiri-Kratie-Stung treng- Kpong Cham-Kpong Cnang và cả Pnompenh đều có người Cham. O Kratie , tôi đã ở với Plei người Cham, tôi sử dụng tiếng Rhade mà họ vẫn nghe hiểu 70-80%.
    Riêng Pnompenh thì họ độn tiếng Malai nhiều…
    Tôi nghĩ có lẽ tiếng Rhade và Jrai ít nhiều có thêm từ vựng tiếng Mon-Khmer (do giao thoa) , cho nên khi chúng tôi giao tiếp với người Cham bên Campuchia thật sự rất dễ dàng hơn là người Cham Vietnam. Nguoi Rhade và Cham Campuchia phát âm đúng âm “s”. Vd: Sang -nhà, k’nă -nấu, m;mông – giờ…

  19. Bạn Sam chủ quan rồi đó nhen! Ngôn ngữ khó nói đúng sai lắm.
    1/-
    – mai SANG (về nhà). người Chăm An Giang đọc “sang”, người Chăm Ninh Thuận đọc là “thang”, nhưng vẫn viết SANG.
    – SHANG mưta hay CHANG mưta (chói mắt), người Chăm Ninh Thuận đọc là SANG mưta; vậy người Chăm An Giang đọc thế nào đây?
    – và chữ X (theo lối chuyển tự mà anh Inrasara hay dùng) trong chữ XEH (học trò) nữa, người Chăm đọc thế nào?

    S / SH / X: 3 chữ này bạn đọc thế nào?

    2/- Bạn nói K’NĂK (nấu), nhưng toàn bộ người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận viết TANƯK, vậy bảo họ nói lại như thời CỔ là TANĂK, có được không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *