Nhật Lệ: Đưa thổ cẩm ra thế giới

báo Lao Động số 226, 29-9-2007.


* Inrahani tại Hội nghị thổ cẩm – Hà Nội, 1996.

Trong tuần văn hóa VN tại Bỉ 2007, có một người phụ nữ Chăm lên diễn đàn nói về thân phận của người phụ nữ Chăm từ chiến tranh đến thời bình. Câu chuyện của chị đã làm cử tọa bật khóc. Chị đến từ làng thổ cẩm nổi tiếng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), giới thiệu văn hóa Chăm và dệt vải cho người nước ngoài xem. Tới nay, chị đã có 20 chuyến đi đến hơn 10 quốc gia. Tên chị là Thuận Thị Trụ, nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng, người đầu tiên xuất khẩu thổ cẩm của mọi miền đất nước ra nước ngoài.

Chị cũng chính là Trà Ma Hani, tác giả tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng đoạt giải của NXB Kim Đồng 2001-2003. Tên của chị đã trở thành nguồn cảm hứng cho thi sĩ Inrasara, chồng chị, người thua chị đến 8 tuổi:

Em lễ rija praung cổ tay tròn uốn cong điệu biyen, tiaung mê đắm đám trai làng theo em nhịp nhịp nhịp linga tiếng hát em hút hồn gió salatan quét cuồng nộ vào đồi trọc quê hương
ên em vang vào gió vào nắng vào khoảng rỗng đường biên được & mất, yêu & ghét giữa vô danh & vinh quang trong có mặt & vắng mặt của hữu hạn & vô hạn…

(“Trà Ma Hani”).

Trong văn phòng đầy vải vóc, túi xách, balô, ví, tranh… thổ cẩm của chị Trụ ở quận tư, TPHCM, có hơn 500 mặt hàng của các dân tộc thiểu số. Chị Trụ cũng có một xưởng dệt ở Tân Phú với hơn 50 nhân công. Lương tối thiểu của mỗi người là 1,5 triệu/tháng, cao nhất là 2,5 triệu. Ít ai ngờ rằng từ chỗ tay trắng, người phụ nữ Chăm này đã có công vực dậy làng nghề Mỹ Nghiệp, mở thị trường thổ cẩm tại TPHCM.

Người mua tơ chịu
Có những năm cuộc sống gia đình túng bấn không tưởng tượng nổi. Hai vợ chồng chị Trụ xoay đủ nghề mà vẫn không đủ sống, phải bỏ việc nhà nước, ra làm ngoài. Hết lượm phân bón đất, trồng rau muống, lên Tây Nguyên bán áo quần sida, lại về miền Tây bán heo, bán thổ cẩm cho người Khmer, thất bại lại trở về quê mở quán cà phê… Nhà có 6 nhân khẩu, không lúc nào không lo kiếm ăn vàng cả mắt. Năm 1988, tình cờ, nghe được câu chuyện của người bạn chồng có người ở TPHCM muốn mua hàng thổ cẩm, chị Trụ bụng chửa vượt mặt 8 tháng lần vào Sài Gòn tìm gặp cho bằng được. Đến nơi, người ta đưa mẫu rồi hẹn ngày giao hàng. Khổ nỗi, lúc đó trong túi chẳng có xu nào ngoài tiền đi đường, nhưng không vì thế mà chị nhụt chí, cũng tìm đến cửa hàng tơ xem sao. Đến nơi, mới hay thời bấy giờ đã có loại tơ công nghiệp không bị nhem màu, không phải tốn nhiều công đoạn (tách hạt bông, cuộn, ngâm, đập, nhuộm, hồ, chải…), lại sẵn nhiều màu sắc sặc sỡ. Thấy chị đứng ngẩn ra đó, bà chủ tiệm hỏi cần gì. Chị Trụ thú thực không có tiền, chỉ vào xem hàng mà thôi. Nhưng dường như cơ duyên định sẵn, bà chủ thấy Trụ chất phác, thật thà, mặt mũi lại sáng sủa, nên thuận bán chịu tơ cho chị.


* Inrahani tại Nhật, 2000.

Với mớ tơ đầu tiên ấy, chị mang về, phân phối đều trong làng để làm kịp đơn hàng. Nhưng khi giao hàng, có quá nhiều lỗi vì chưa có kinh nghiệm, người ta chỉ lấy 40% sản phẩm. Chị Trụ đủ tiền trang trải tơ và mua chịu tiếp, nghiến răng nhận thêm hàng. Có khi vừa giao tơ, giao tiền trước để người ta mua mắm, mua để sống; ai ngờ vì quá túng bấn mà có người nhận tiền xong… lủi mất. Lại có người làm hàng ẩu, hàng pha tạp…, bị trả hàng lại. Khổ nhất là những chuyến xe tải hàng từ Ninh Thuận vào thành phố. Có khi người ta chất bao mực biển lên bao thổ cẩm, màu mực đổ hết lên vải; có khi mưa làm thổ cẩm phai màu, không dùng được nữa. Chị đành lấy vải đó chọn những chỗ tốt may ví, túi xách nhỏ, bán để lấy lại chút vốn. Cứ thế, ban đầu phải lấy tiền bán cà phê ra bù lỗ, sau đó từ từ cũng dần trả được nợ. Đó là đầu năm 1990. Do mặt hàng thổ cẩm thời đó chưa ai bán, công việc kinh doanh cũng tạm được, chị Trụ có đủ tiền thuê chung một gian hàng ở thương xá TAX – TPHCM. Sau một thời gian, lại bị bạn hàng lừa, tìm cách gây sự đuổi đi. Chị Trụ liền thuê một góc nhỏ có tường treo hàng thổ cẩm ở trong thương xá với giá rẻ hơn.

Có một ngày chị không thể quên được. Đó là khi cặp vợ chồng người Pháp reo vang lên: “Ô, hàng thổ cẩm mình tìm kiếm khắp nơi đây rồi!” Sẵn có vốn ít tiếng Pháp, chị Trụ mừng rỡ chào mời. Hai vợ chồng mua ngon lành. Niềm vui khiếp chị ngộp thở nữa là khi có hai người Nhật đồng ý vào kho hàng khuân hết hàng tồn (tốt có, xấu có), mang tất về Nhật bán, hào phóng rút 100 triệu đồng ra trả. Từ đây, bà bầu mua chịu tơ năm nào đã có đủ khoản vốn dằn lưng để sản xuất và kinh doanh. Cho đến nay, người Nhật vẫn là khách hàng sộp nhất, ưa chuộng thổ cẩm nhất. Khi thấy hàng Chăm bán được, trong khi các hàng khác của người Thái, H’Mông… thì ế ẩm ở khu hội chợ triển lãm tại Hà Nội, chị Trụ bắt đầu nghĩ cách mua đủ mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc, ban đầu là của Thái, về bỏ mối cho các shop lưu niệm ở TPHCM. Kết quả là hàng Thái bán chạy không thua hàng Chăm. Chị chấp nhận cạnh tranh, để các làng nghề sống lại. Hiện nay, làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp được xem là làng nghề truyền thống với con số người dân làm nghề chiếm tỷ lệ lý tưởng- 95%.

Từ khi chị Trụ mở lối ra cho thổ cẩm, người dân mong chị về quê như…mong mẹ về làng. Bởi khi về, chị lại phân phát tiền bán hàng cho từng nhà, người người có của ăn của để. Những người phụ nữ Chăm không còn lo cái đói vật vã ngoài cửa, đã có thể gom tiền (vài trăm/ tháng) cho con đi học và… nuôi chồng. Năm 2000, công ty Thổ cẩm Inrahani ra đời, do chị Trụ làm giám đốc, giải quyết việc làm cho 200 phụ nữ nghèo ở Mỹ Nghiệp. Sau đó, nhờ làm ăn khấm khá, nhiều đại lý được mở ở Đà Lạt, Đà Nẵng, TPHCM… Sản phẩm của công ty có mặt không chỉ ở trong nước, mà còn ở các hội chợ triển lãm ở Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan…

Niềm vui sống dậy trên thớ vải
Nếu đã một lần nhìn thấy những phiến vải chị Trụ dệt, người xem sẽ rất vui thích khi đọc thấy ở những cách pha, phối hoa văn đầy sáng tạo của chị là cả một niềm say mê. Trước đây, người Chăm dệt thổ cẩm chỉ có 4 màu, trên nền đỏ, cùng 3 màu phối là xanh, trắng, vàng. Nhưng đến lượt Trụ, chị đưa 30 mẫu hoa văn cổ để cách điệu về màu sắc, mẫu mã. Có những mảnh khăn màu nhã, sáng, đẹp như một bức tranh với màu sắc sống động. Có những khối màu đi như sóng dậy, mơ hồ một niềm vui sướng mong manh. Dường như đó là đời sống thứ hai của chị, là những giấc mơ của chị, thoát ra khỏi những lo toan đời thường. Ngày bé, nghèo khó, vất vả, trên đầu có khi đội 20 kg rau heo, chân trần đi trên cát bỏng, mà hễ rảnh ra là chị lại mơ. Mơ được học đến nơi đến chốn, mơ được một người chồng yêu thương, mơ sao con mình nên người… Những gì hy vọng nhất đều được gửi gắm vào từng cách phối màu, hay từng họa tiết trên mặt thổ cẩm.


* Inrahani nhận 4 Huy chương vàng và Danh hiệu Bàn tay vàng tại Hà Nội, 1997.

Để trở thành nghệ nhân giỏi, chị Trụ tự học là chính, một phần do mẹ truyền nghề cho ngay từ khi mới lên 10. Nhưng mỗi lần đụng vào khung cửi, cô bé Trụ lại vì tò mò mà làm đứt sợi. Chính vì tính cách này mà khi trưởng thành, chị Trụ luôn đột phá để thoát ra khỏi cách phối màu truyền thống, làm theo ý tưởng riêng.

Tiếng lành đồn xa. Sản phẩm của công ty đoạt 4 huy chương vàng ở hội chợ triển lãm trong nước, và chị Trụ nhận được danh hiệu Bàn tay vàng, là nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất vùng Ninh Thuận. Không những thế, chị có mặt ở những đêm lễ hội, biểu diễn món dệt thổ cẩm cho nhiều người xem. Nhiều nước mời chị sang từ 2-6 tháng, trả lương hơn 1.000USD/ tháng chỉ để… trình diễn dệt vải và giải thích về nét đẹp của văn hóa Chăm. 80% mặt hàng của chị Trụ cung cấp cho các shop trong nước, còn lại xuất đi nước ngoài.

Chị Trụ khoe: “Tôi đang nghiên cứu các bức phù điêu Chăm để đưa vào thời trang thổ cẩm những chi tiết rất lạ. Phù điêu Chăm có ở khắp nơi, có khi người ta đổ đống đầy sân, toàn những phù điêu độc đáo. Vương quốc Chăm-pa ngày trước nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật múa, hát… Chính vì thế, tôi muốn thể hiện bản sắc Chăm trên mỗi sản phẩm của Inrahani.”

Có một điều lạ là người đàn bà giải quyết công ăn việc làm cho bao nhiêu phụ nữ Chăm như chị lại không biết… tiêu tiền, đếm tiền. Mọi khoản tính toán chị giao cho nhân viên. Muốn giải quyết một công việc, chị lại kêu gọi mọi người cùng ngồi lại nghĩ cách. Chị nói: “Ở công ty, tôi không phải là giám đốc, mà là một bà mẹ. Có gì cứ chỉ tận tay. Khích lệ mọi người coi công ty như nhà của mình, để tinh thần làm việc thật thoải mái. Trong gia đình cũng thế. Người phụ nữ cũng phải biết bao dung như người mẹ, ngay cả đối với chồng mình. Có như thế thì mình mới là điểm sáng trong nhà, chồng và con đều có thể cậy nhờ được”.

Trà Ma Hani ngày trẻ từng là cô giáo mầm non hát rất hay, múa giỏi. Chị còn tham gia công tác xã hội trong làng rất tích cực. Khi phát hiện ra nguồn nước ô nhiễm, gây nên nhiều căn bệnh cho người trong làng, chị có buổi tiếp xúc với đại diện của sứ quán Canada, thuyết phục họ trích Quỹ đầu tư cho dân làng hệ thống nước sạch và nhà mẫu giáo, lại vận động Hội Phụ nữ huyện thực hiện sau 3 năm bỏ quên hồ sơ dưới…gầm giường. Hai vợ chồng chị tặng sách cho thư viện làng, chị cùng con gái giúp 50 người mổ đục thủy tinh thể…

“Điều chị nghĩ mình làm được nhất trong đời là gì?” “Tôi tự hào vì mình đã đi đúng hướng. Nhất là khi nhà nước khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống, tôi dành tất cả tâm huyết làm cho làng Chăm sống động lên, các làng nghề của các dân tộc anh em cũng khởi sắc theo. Điều này cũng giống một mũi tên bắn được ba con chim: Giải quyết vấn đề kinh tế, văn hóa và xã hội. Phụ nữ Chăm quá khổ, lại ít được học, nên hiểu biết xã hội cũng hạn chế. Ngày còn trẻ, tôi vẫn thường khuyên nhủ những chị em vì giận chồng mà muốn tự tử quay lại xây dựng tổ ấm. Không hiểu trời cho cái duyên thuyết phục thế nào mà nhiều người trong số đó đã thay đổi hoàn toàn, biết cách làm vợ, làm mẹ tốt hơn trước. Thời còn trẻ, tôi từng theo chồng trước (đã mất) sang Pháp ở 3 năm, cũng thường theo các xơ làm từ thiện. Gặp cảnh khổ của người khác, mình hay rơi nước mắt, hay sầu não bên trong. May mà bà xơ biết được, khuyên tôi hãy biết loại bỏ những đau khổ kiểu ấy ra ngoài, tâm hồn mình phải giữ lấy những cái vui, cái may mắn thì mới lạc quan sống được. Từ đó, tôi nghĩ về cuộc đời của mình, của những người phụ nữ Chăm, mà ước muốn viết hồi ký hoặc viết một cuốn tự truyện. Tôi kiếm ra tiền nhưng không mê tiền, chỉ coi đó là phương tiện, vừa giúp chồng, vừa lo cho con ăn học. 5 đứa con giờ đã lớn, đứa lớn cũng có công ăn việc làm ổn định. Tôi cũng vô cùng tự hào vì anh Inrasara học nhiều, biết nhiều, từng đoạt giải thưởng lớn và uy tín. Điều tôi muốn nói với tất cả những phụ nữ trên đời này là mình hãy thương lấy mình. Việc mình mình làm, việc chồng chồng làm, mình không can thiệp được. Quan trọng là mình có thể làm chỗ dựa cho chồng những lúc gian khó. Đừng vì sầu, khổ, hận, thù… mà phá tan cả gia đình. Mình cũng chỉ là người dưng với chồng mình mà thôi. Mình lo cho con, nhưng không chỉ lo cái ăn, cái mặc, mà là để chúng tự hào về cha mẹ chúng. Đó mới là tình thương trọn vẹn nhất. Nếu cả cuộc đời mình lo cho người khác, và lo chăm sóc bản thân mình, từ sức khỏe, tinh thần, đến khát vọng trong tâm hồn, thì từ chính người phụ nữ sẽ tỏa ra vẻ đẹp nhân hậu và có sức thu hút nội tâm- đó mới là giá trị vĩnh cửu.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *