Võ Thị Hạnh Thủy: Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara

Võ Thị Hạnh Thủy, Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara
Trích Luận văn Thạc sĩ, 2008.

PHẦN KẾT LUẬN

1. Trong các nhà thơ đương đại, không phải nhà thơ nào cũng có một quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật rõ ràng như Inrasara. Sống là suy tư, trầm tư về vạn thể, nhất là trầm tư về định phận mong manh của con người. Con người chỉ hiện sinh khi con người biết trầm tư. Đó là quan niệm nhân sinh của Inrasara, đó cũng chính là hạt nhân tư tưởng làm nên thế giới nghệ thuật thơ của anh.
Suy tư về sự mong manh của vạn thể, của kiếp người là điều không mới. Những cá nhân xuất sắc của Văn học Trung đại như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ đã đề cập đến nó. Phong trào Thơ Mới, với ánh sáng tư tưởng phương Tây đã đẩy nỗi suy tư ấy lên một cấp độ khác. Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận… bằng những cảm quan riêng của mình tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng, một cách ứng xử riêng về nỗi trầm tư định phận mong manh của kiếp người. Do yêu cầu lịch sử, văn học trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã chuyển sang cảm hứng lịch sử, sử thi. Rung cảm về sự mong manh của kiếp người đang trở lại với văn học đương đại, và được mở rộng ở nhiều chiều kích.
Nỗi trầm tư về sự mong manh của kiếp người dường như còn là định phận của người cầm bút. Bất kỳ nghệ sỹ nào, trong khát khao sáng tạo, đều bị thôi thúc bởi chính sự mong manh ấy, mà trước nhất là ý thức về sự hiện tồn mong manh của chính sinh thể mình trên cõi thế. Nhưng, để nỗi trầm tư ấy trở thành quan niệm sống, rồi trở thành tư tưởng nghệ thuật chi phối toàn bộ sáng tạo thì không phải người nghệ sĩ nào cũng lựa chọn và đạt đến.
Với Inrasara, quan niệm nghệ thuật ấy, một phần còn được hun đúc nên từ chính ẩn ức dân tộc Chăm, quay trở lại, chính cái quan niệm ấy đã cho phép anh lặn sâu vào bản thể văn hóa/ vào định phận dân tộc mình để cất lời thân phận. Nỗi buồn, niềm đau và sự kiêu hãnh Chăm là những sắc thái suy tư của thơ anh. Faulkner cho rằng: Nếu thiếu đi sự đau khổ và niềm kiêu hãnh thì không thể làm nên văn chương lớn được. Suy tư, khổ đau, và kiêu hãnh về thân phận người, về thân phận Chăm, một mặt Inrasara đã chạm vào thể tính của thơ ca, mặt khác, anh thực sự là đứa con của tâm thức dân tộc anh.

2. Các phương diện cái tôi trữ tình trong thơ Inrasara đa dạng nhưng đều thống nhất ở vẻ đẹp của một cái tôi suy tư. Cái tôi ấy lặn sâu vào Tháp Chàm – biểu tượng của văn hóa/ thân phận Chăm để thấu nhận và cất lời thân phận. Cái tôi ấy truy tìm, làm hiện thể và linh thiêng những lễ hội Chăm – phần đời sống tâm linh của cộng đồng. Cái tôi ấy, nhìn nhận kiếp phận tha hương của mỗi thân phận Chăm vừa là nỗi đau vừa là ý thức trách nhiệm. Cái tôi suy tư đã đưa anh đến với cuộc hành hương tư tưởng như một giác ngộ tất yếu. Ở đây, phần trầm tích Chăm, cái mạch nguồn tư tưởng Chăm minh triết, trong trẻo được anh làm sống lại và bồi đắp. Thấu nhận cô đơn, coi cô đơn là định phận người, cô đơn là một giá trị sống, cô đơn đồng nghĩa với tự do sáng tạo là một cảm quan/ một ứng xử nhân sinh mới, đây là phần trầm tích Chăm thứ nhất anh mang đến cho người đọc. Tận hiến và vô danh là phần trầm tích Chăm thứ hai anh mang đến cho bạn đọc trong thơ ca.
Trong va đập giá trị của cuộc sống hôm nay, mỗi người đang loay hoay tự tìm con đường hiện tồn nhân bản nhất cho mình. Các nhà thơ cũng vậy, trong cô độc và kiêu hãnh, các nhà thơ đang không ngừng kiếm tìm con đường thơ riêng mình. Có một điểm khá chung, các nhà thơ trẻ đương đại (Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly…) dường như có nỗ lực chung khai phá mảnh đất của tiềm thức, vô thức, bản năng, đi vào những phần khuất lấp, u tối nhất của con người, của muôn chiều cuộc đời. Không nằm ngoài dòng chảy của thơ ca đương đại, nhưng Inrasara đã kiếm tìm ra con đường thơ riêng anh. Đó là con đường lặn sâu vào bản thể văn hóa dân tộc mình, tinh lọc, làm lớn dậy nền văn hóa ấy. Và với anh, như vậy, đồng nghĩa anh được trở về với bản thể mình. Đó là sự gắn kết tột cùng của thân phận cá nhân và thân phận dân tộc.

3. Với quan niệm “chỉ có cái khác lạ luôn vẫy gọi”, Inrasara là người luôn làm mới trong thơ. Mỗi tập thơ anh ra đời là một lần anh vượt bỏ/ vượt qua mình. Qua năm tập thơ, anh đã đưa hành trình thơ đi từ truyền thống, đến hiện đại, và đang dừng bước ở Hậu hiện đại. Những nỗ lực trong việc cách tân thơ của anh không nhỏ. Ở thể thơ tự do, anh đã tiếp tục mở rộng biên độ câu thơ để thơ có thể ôm chứa hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng phong phú, đa dạng, bộn bề, không gian thơ vì thế được mở rộng, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng mang tính khái quát cao. Nếu thế hệ trước, Chế Lan Viên được xem là người thành công trong việc mở rộng câu thơ để phản ánh cuộc Kháng chiến của dân tộc, thì đến thế hệ thơ đương đại, cùng với các nhà thơ khác như Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Inrasara tiếp tục mở rộng biên độ câu thơ, tiếp tục tiến trình cách mạng dân chủ hóa, hiện đại hóa câu thơ. Ở tập thơ Lễ tẩy trần Tháng Tư, Inrasara thành công trong cách tân thơ. Thơ anh đã thực sự vượt thoát ra khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Những yếu tính của thơ hiện đại: tính chuyển động và đồng hiện của hệ thống hình ảnh thơ nỗi bật trong “Lễ tẩy trần Tháng Tư”. So sánh phức hợp, so sánh đa tầng đã góp phần tạo nên giá trị biểu cảm của hình ảnh thơ.
Hạnh phúc của người làm thơ là có được giọng điệu riêng mình, được người đọc nhận ra mình trong giọng điệu riêng đó. Inrasara đã có được giọng thơ của riêng anh, giọng điệu của một cái tôi suy tư/ trầm tư trước cuộc đời. Thơ anh có khi cất lên một giọng trầm buồn day diết, có khi lại là giọng trầm suy niệm rắn rỏi, cũng có khi đó là giọng suy niệm hồn hậu thiết tha. Đó là giọng điệu/ là âm hưởng của văn hóa Chăm vọng trên thi đàn đương đại của dân tộc.

4. Theo Nguyễn Quang Thiều, có hai loại người: loại người thứ nhất càng sống nhiều càng buồn. Loại thứ hai sống càng nhiều càng thanh thản. Cả hai loại người này đều là những người hiểu được lẽ đời. Loại thứ nhất buồn vì thấy đời sống này sao nhiều đau khổ và vô nghĩa thế mà mình thì bất lực. Loại thứ hai thấy cần thanh thản để quên đi những đau khổ và vô nghĩa kia. Chúng tôi cho rằng, Inrasara thuộc vào loại người thứ hai kia. Tâm thế thanh thản, nhẹ nhõm trước cuộc đời là tâm thế Hậu hiện đại. Ở Văn học Miền Nam, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng là những đại biểu tiêu biểu cho tinh thần ấy. Đó là hai thi sỹ mà Inrasara yêu mến, mê đắm. Bản thân văn hóa Chăm bao gồm quan niệm về vòng đời của người Chăm và tinh thần tận hiến vô danh Chăm cũng mang tinh thần Hậu hiện đại. Hậu hiện đại cũng đang là con đường mở cho các nhà thơ đương đại tìm cách cách tân, vượt bỏ những giá trị đã định hình (của mình và của người). (Nguyễn Quang Thiều/ Người/ ). Tất cả những yếu tố trên cho thấy, Inrasara đã kế thừa được giá trị văn hóa của Chăm lẫn Việt, hành trình thơ anh đang nằm trong hành trình của thơ Việt hôm nay. Một hành trình thơ nhọc nhằn, cô độc. Sự nhọc nhằn, cô độc bẩm sinh của thi sĩ cộng thêm sự nhọc nhằn, cô độc của những người hăng hái kiếm tìm cái mới, không ngừng thể nghiệm cái mới.
Con đường thơ Inrasara còn dài ở phía trước, nhưng chúng tôi tin rằng, chỉ khi anh tiếp tục lặn sâu vào văn hóa dân tộc anh, lặn sâu vào tâm thức/ tâm cảm/ tâm linh Chăm anh mới có thể xây thêm những tháp thơ của riêng mình. Bởi bản thân bi kịch – thân phận dân tộc anh chính là cái bi kịch của nhân loại. Đó là sức mạnh thi ca anh. Và nói như Nguyên Ngọc con đường hiện đại hóa văn học, suy cho cùng đó là con đường đào sâu vào văn hóa dân tộc mình. Cùng với các lớp các nhà thơ đương đại: Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Dương Thuấn, Y Phương, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Bảo Chân, Phan Hoàng, Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý… Inrasara đã và đang góp phần hoàn thiện con đường hiện đại hóa của văn học dân tộc, tiên phong cho văn học dân tộc bước sang một giai đoạn mới: Hậu hiện đại. Đến với chúng ta hôm nay, Inrasara vẫn đang là người cầm giữ cái Ren Chăm, cầm giữ và thức dậy, làm lớn mạnh mạch hồn/ mạch nguồn Chăm trong đời sống thi ca dân tộc. Một hiện sinh độc đáo trong thơ và qua thơ.

One thought on “Võ Thị Hạnh Thủy: Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara

  1. Hi hi! Chị Hạnh Thủy à! Chúc mừng chị nhé! Luận văn của chị có nhiều điểm khá mới mẻ.
    Hôm chị bảo vệ LV em không đến được. Không biết dạo này chị thế nào? Không biết giờ không còn học nữa chị em mình có còn gặp nhau nữa không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *