Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara

Lê Thị Tuyết Lan – Nguyễn Thị Thu Hương
Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, 2008.
Trích đoạn:

KẾT LUẬN

Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara là thế giới của tâm hồn, tình yêu, cả nỗi đau và sự cô đơn của bản thân trên con đường tìm chân lí sống. Thế giới nghệ thuật ấy được thể hiện bằng ngôn ngữ phong phú, giọng điệu mới lạ và hơn hết là những cách tân đổi mới.
Trên tiến trình phát triển, Inrasara ngày càng đi gần đến với hiện thực đời sống, miêu tả cuộc sống trên bình diện một xã hội mới đầy những biến đổi. Đời sống trong thơ ông không chỉ đầy những nét vẽ tài hoa tươi đẹp mà trong đó còn có cả những tâm tư của con người trước thời cuộc cũng như sự phát triển với tốc độ nhanh chóng để khẳng định bản lĩnh sống. Con người trong cuộc sống không chỉ hưởng thụ cái mà xã hội phát triển mang lại mà còn phải chịu những mặt trái của nó là sự cô đơn cũng như thờ ơ, cách xa nhau về mặt tâm hồn. Trong đó hình ảnh người con tha hương hay người lữ thứ trên con đường lửa thiêng cứ trở đi trở lại, tạo nhiều khắc khoải. Cùng với đó là quê hương, con đường, ngôi nhà… cũng là hình ảnh quen thuộc gợi về những kỉ niệm xa xăm đồng thời là nơi lưu giữ tâm hồn. Thơ Inrasara cũng là sự hòa quyện giữa chất đời thường và tâm linh. Số phận con người trong cuộc sống đời thường cùng với hình ảnh thần Shiva hủy diệt hay vũ nữ Apsara cũng như lễ tẩy trần vào mỗi tháng Tư đã cho thấy con người dù có sống trong cuộc sống hiện đại đến đâu thì chất tâm linh vẫn như là cái bản ngã luôn quay về với thể xác con người.
Để có được những vần thơ in đậm vào tâm trí người đọc như vậy, ngoài nội dung vừa gần gũi, vừa sâu xa, tác giả đã thể hiện bằng thứ ngôn từ phong phú, linh hoạt của riêng mình, không trộn lẫn. Đứng giữa đường biên văn hóa Việt – Chăm, Inrasara không chỉ để cho tâm hồn mình lưu lạc về cả hai phương trời ấy mà ngôn ngữ của ông cũng lãng du qua cả hai miền đất. Tiếng Chăm hòa lẫn trong tiếng Việt tạo nên sức hấp dẫn lạ kì của ngôn ngữ. Cùng với đó là những cách tân về nghệ thuật hết sức độc đáo, mới lạ. Inrasara là một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên sử dụng những thành tựu của thơ ca hiện đại một cách nhuần nhuyễn và cũng đã góp phần làm cho thơ ca hiện đại Việt có những tiếng nói và bản sắc riêng. Lối thơ vắt dòng và phân cắt là sự đổi mới về hình thức đồng thời cũng đánh giá khả năng bắt kịp xu thế văn chương hiện đại trên thế giới. Cách sử dụng những câu dài triền miên, bất tận như trải lòng mình với ngôn ngữ. Có thể nói Inrasara là một trong những nhà thơ Việt Nam đầu tiên thử nghiệm lối thơ Tân hình thức và Hậu hiện đại thể hiện một con người thơ luôn đi cùng thời đại.
Cuối cùng, trên tiến trình thơ của mình, Inrasara cùng với những nhà thơ dân tộc thiểu số khác làm nên nét văn hóa riêng của dân tộc mình trong dòng chảy thơ ca dân tộc Việt. Ngoài những điểm giống nhau và dường như là điểm chung của các nhà thơ là niềm tự hào cũng như thể hiện bản sắc dân tộc mình, thì thơ Inrasara cũng có những điểm khác biệt đáng chú ý. Những điểm khác biệt ấy đã làm nên một Inrasara với chất thơ đi cùng thời đại và hòa vào dòng chảy văn chương của thời đại.
Với những đặc điểm về nội dung, hình thức nghệ thuật cũng như thơ Inrasara trên tiến trình thơ ca dân tộc thiểu số, thế giới nghệ thuật trong thơ Inrasara đưa ta đến gần hơn với thơ ca hiện đại và đến với tâm hồn người con luôn day dứt, băn khoăn trước thời cuộc, trước dân tộc mình. Và thế giới nghệ thuật ấy cũng là chìa khóa giúp ta mở cách cửa văn hóa Chăm – một nền văn hóa lâu đời, hào hùng tưởng như đã rơi vào quên lãng.

3 thoughts on “Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara

  1. Người Em Gái Champa

    Duyên dáng thay với áo Chăm truyền thống
    Em dịu dàng uyển chuyển điệu Siva
    Dưới ngọn tháp Champa sừng sững
    Từng điệu nhạc gợi lại ký ức xưa
    Tay đưa tay em nghiêng mình trong nắng
    Nhịp hòa nhịp trong tiếng trống Ginăng
    Ôi!nghe đâu đây tiếng saranai ai thổi
    Làm não nùng cả đôi mắt người em
    Có ai biết ưu tư người em gái
    Ai? ai sẻ được nỗi buồn cùng em tôi
    Tháp vẫn đứng vẫn còn theo năm tháng
    Vẫn uy nghi như thuở còn ban sơ
    Trong khoảng khắc bầu trời chuyển sắc
    Bóng người em dần dần khuất trong đêm
    Hỡi em gái Champa ngày ấy
    Bóng dáng em mãi mãi ở trong anh.

  2. Đây là bài thơ cháu tự làm không biết nó có hay không nữa. Nhưng có người đề nghị gởi bài này cho chú xem thử. Có thể in được bài này trong Tagalau sắp tới không, thưa chú?

  3. Bạn Thiết mến
    Tôi không biết bạn bao nhiêu tuổi, làm thơ từ bao giờ, nhưng thơ bạn còn non lắm. Vừa rồi, số Tagalau 11 nhà thơ Inrasara bị phê bình vì có đăng vài bài thơ phong trào. Tôi cũng có góp ý với nhà thơ Inrasara về chuyện này. Tôi thấy từ số 5, Inrasara không đăng thơ mình nữa, là để dành đất để đăng thơ người khác, nhất là thơ trẻ. Đó là ý tốt, tôi không phản đối. Nhưng nếu trẻ mà không hay, thì đừng đăng. Cần chọn lọc kĩ càng, vì mỗi năm Tagalau mới ra 1 kì, cần chất lượng. Chỉ có làm được như vậy Tagalau mới sống được và giữ uy tín với người đọc.
    Xin lỗi bạn Thiết, cho tôi xin nói thật như vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *