Góp nhặt sỏi đá hay Thử nhặt các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ hôm nay.

Bản mới và đầy đủ.

GÓP NHẶT SỎI ĐÁ
Thử nhặt các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ hôm nay.
Kì 1.

Các loại thơ thử nghiệm dị hợm – Trào lưu lỗi thời đã bị thải ở phương Tây – Chúng hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam – Không thể vượt qua rào cản của người đọc – Thơ cần tự nhiên, giản dị và thành thật – Vài sự sáo mòn đồng bộ của sáng tác trẻ – Các nỗ lực cách tân nhưng chưa tới – Bất cập và tùy tiện của nhận định – Phê bình “lập biên bản” của Inrasara – Thừa và thiếu của Văn nghệ trẻ – Nỗi chưa đủ cô đơn nhảm nhí.

Hội nghị Những người viết văn trẻ vừa qua tại Quảng Nam, một bạn thơ tuyên đầy hãnh tiến rằng không đọc bất kì cái gì trong nước mà chỉ đọc các sáng tác nước ngoài trên mạng. Nghe mà phát hoảng. Càng hoảng hơn khi bạn trẻ khác tự nhận là không thèm biết đến “văn học già” Việt Nam. Nữa: chỉ cần đọc một, hai bài cũng đủ hiểu ngay tác giả nói cái gì (cứ như một thiền sư đắc đạo)! Còn một nhà thơ khá danh giá tự nhận là dù được tiêu chuẩn tem phiếu ba loại báo của Hội Nhà văn nhưng đã không nửa lần ngó ngàng tới chúng. Vân vân ví dụ điển hình và không điển hình.
Đó là điều trớ trêu của sinh hoạt văn học chúng ta hôm nay.
Chưa vội bàn chuyện văn học nước nhà có cái gì đáng đọc hay không mà vấn đề là, chính thái độ đà điểu đó đẻ ra nỗi trớ trêu khác: các ý tưởng [lớn/bé] dẫm đạp lên nhau mà không biết. Trong đó không ít người viết trẻ [tự nhận] cấp tiến vô tình dẫm lên dấu chân của cánh [bạn cho là] bảo thủ và cả người cùng thế hệ. Ba đoạn trích dưới đây là minh chứng sáng giá cho sự dẫm đạp tréo ngoe ấy.
Riêng tôi, tôi theo dõi khá kĩ những Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Dân tộc, Nhà văn để cuối cùng, ngoài nhận biết hiện tình văn nghệ nước nhà ra, còn là đụng phải bao nhiêu là hời hợt và đồng bộ của ý tưởng, bất cập và tùy tiện của nhận định, thói ta đây với xu phụ của phê bình, nỗi lặp lại sai lầm không biết mệt mỏi của phát biểu.
Câu hỏi & trả lời, là câu hỏi thường được đặt ra với/ đáp ứng của người viết rải rác đây đó dăm năm qua, trong các cuộc trao đổi, phỏng vấn, các buổi nói chuyện về thơ với sinh viên, câu lạc bộ thơ, hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố. Nhận định cũng vậy, là nguyên văn phát biểu của người cùng thời được lượm nhặt rải rác trên các trang viết và phản hồi của người viết. Ở đây, chúng ta sắp xếp lại cho nề nếp để tiện theo dõi.
Inrasara

– “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…). Theo một bài báo của một GS Mĩ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách (!?). Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”(1)
– “Tôi rất ghét cái gọi là phương pháp nghệ thuật. Những thứ như nghệ thuật viết đơn tuyến, đa tuyến, cấu trúc, sắp đặt… rồi những hậu hiện đại hay sau hậu hiện đại… đều khá buồn cười. Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay hay học đòi cách viết lạ (nhưng lạ với mình mà cũ rích với thế giới) mà quên đi rằng: Phương pháp nghệ thuật có kiểu cách thế nào đi chăng nữa vẫn thua sự giản dị. Vì người viết có giản dị tự nhiên mới có được tác phẩm Thật”.(2)
– “Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài (…) như “hậu tân thi trào” đã được chôn vùi ở Trung quốc từ thập niên 80 của thế kỉ trước (…) hay hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” (…) hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó”(3)

1. Được xem “là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”, và đã có nhiều thành tựu về sáng tác và phê bình; nhưng xin mạn phép hỏi tại sao nhà thơ lại đi ca ngợi và cổ xúy các sáng tác thiếu nghiêm túc hay các thể nghiệm dị hợm, như nhóm Mở Miệng hay phong trào tân hình thức, hậu hiện đại chẳng hạn?
– Đây là câu hỏi nhỏ và vừa, mang tính thời sự; nó đụng đến bản chất sinh hoạt văn học Việt Nam hôm nay và, biết đâu đấy – quy định khuôn mặt văn học Việt Nam ngày mai. Bởi nó đang là thời sự văn học nên ta thử một lần nghiêm túc thảo luận, nếu không muốn nó trợt khỏi tầm tay.
Trước hết, xin hỏi vặn lại bạn: Bạn đã tìm hiểu thấu đáo mĩ học của tân hình thức, hậu hiện đại chưa? Chắc chưa và, chắc không, phải không? Bởi ngay cả các nhà thơ Việt sinh sống tại Mĩ vài chục năm qua vẫn còn hiểu và đánh giá các phong trào văn nghệ này đầy sai biệt cơ mà! Cứ xem các nhà thơ tranh luận về tân hình thức trên diễn đàn Talawas.org vào cuối năm 2002, cũng đủ biết. Mỗi người tiếp cận phong trào tân hình thức theo cách/ý của mình. Đó là họ có điều kiện hơn (tôi nói có điều kiện hơn, bởi người sống ở phương Tây chắc chi đã hiểu rõ, đúng một phong trào văn chương thịnh hành ở đó hơn kẻ khác, nếu không dành cho nó sự quan tâm đúng mức), và chỉ giới hạn ở một phòng trào là thơ tân hình thức.
Riêng chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu phát triển mạnh, ảnh hưởng rộng khắp, nếu không muốn nói nó trở thành xu thế chung của thế giới thì càng khó nắm bắt hơn nữa. Có người nhận định chủ nghĩa hậu hiện đại như thể “cơn kịch phát của của chủ nghĩa hiện đại”, là ý chí cắt đứt với tính hiện đại duy lí của thế kỉ Ánh sáng (Luc Ferry, 1990); và cũng có nhà lí thuyết xem nó “vừa là sự tiếp nối vừa là sự siêu việt hóa của chủ nghĩa hiện đại, là một thứ hỗn hợp mang tính chiết trung của bất cứ truyền thống nào với những gì vừa mới qua” (Ch. Jencks, 1996). Dù gì thì dù, đó là trào lưu văn nghệ đã và đang phát triển mạnh mẽ từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mĩ Latin và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…
Hầu hết các nước trên thế giới đều có đại biểu nhà văn hậu hiện đại sáng giá, trong đó lực lượng tác giả xuất thân từ các quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba góp mặt đông đảo(4). Bạn có thể tìm đọc các tiểu luận về Tân hình thức trên Tạp chí Thơ xuất bản tại Hoa Kì (từ năm 2000 trở đi) cũng như các cuộc thảo luận về phong trào sáng tác này trên diễn đàn Talawas.org(5).
Dài dòng văn tự như vậy để thấy rằng, ta rất dễ bút sa gà chết nếu chưa điều kiện [muốn, khả năng] hiểu thấu đáo sự thể nào đó mà đã vội phán. Đấy là nói chuyện lí thuyết. Còn thực tiễn Việt Nam thì sao? Theo tôi biết, bạn vẫn chưa đọc hết các sáng tác thuộc hai phong trào này, phải không? Chưa đọc, chưa biết chúng tròn méo thế nào thì làm sao dám cho chúng là dị hợm? Đâu phải loại thơ nào khác với thơ mình, lối viết nào xa lạ lối viết lâu nay ta nhìn nhận thế mới là thơ, thì đều dị hợm. Thơ Mới chẳng đã từng như thế với bị các cụ Đồ?
Bạn trách tôi cổ xúy ư? Tôi vỗ tay ở đâu cơ chứ! Nhưng, cổ vũ sự chuyển động trong văn học có gì là xấu, khi chuyển động đó khả năng làm thay đổi thơ Việt, đẩy nền thi ca đang ì ạch của chúng ta nhích tới? Thật lòng mà nói, không giả vờ khiêm tốn đâu: tôi đã học được bộn cái hay ở hai phong trào văn nghệ này. Sau Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi tắc và, chính tân hình thức đã cứu tôi tạm thời vượt qua giai đoạn bế tắc đó. Còn hậu hiện đại, tôi thường xuyên ghé viếng thăm nó.

2. Đồng ý, tôi không đọc nhiều. Thật ra không có nhiều để đọc, và cũng không cần thiết đọc nữa. Đơn giản: mới lướt qua khoảng chục bài thơ với vài “tác giả”, tôi cũng đủ hiểu đó không gì hơn “trò lừa mị” câu khách rẻ tiền và, tắc tị! “Tác phẩm” photocopy với văn chương số, tôi không xem chúng là một tác phẩm đúng nghĩa như các Nhóm này rêu rao thế!
– Bạn không xem như vậy là quyền của bạn. Mặc thế giới thay đổi, mặc thơ ca dưới gầm trời này chuyển động, còn bạn cứ yên trí đứng lại hay thậm chí, thụt lùi, cũng là quyền của bạn nữa! Thế bạn nghĩ sao về các tập thơ in photocopy được mọi người chuyền tay đọc hay sao chụp nhân bản, trong lúc các tập có giấy phép đàng hoàng, in đẹp, lượng “phát hành” lên đến con số ngàn mà có biếu cũng không chạy? Cái nào xứng danh “tác phẩm” hơn cái nào?
Và, tại sao bạn dị ứng với Internet? Thế điều tra của báo Figaro, rằng 86% người Pháp sử dụng Internet cho biết họ có đọc thơ, hơn nữa phần lớn trong số họ có làm thơ(6) không đáng gờram mỡ dưới mắt bạn ư?
Còn nếu bạn không lang thang trên mạng tìm đọc các tác giả nước ngoài, bạn có chút cơ may tiếp cận với thơ người thiên hạ không? Bởi trên thực tế, văn học dịch của ta còn èo uột, sách ngoại văn mới có mặt lác đác trong vài hiệu sách ở các trung tâm văn hóa lớn. Với thế giới, văn chương ta vẫn cứ he hé cửa. Trong khi Internet là lối thoát duy nhất giải quyết nỗi tụt hậu của chúng ta, sao bạn lại đi chối bỏ thứ phương tiện thiện xảo như thế kia chứ!

3. Các trào lưu văn chương mọc lên ở phương Tây như nấm sau cơn mưa. Các bạn thơ trẻ xu hướng chạy theo phong trào thời thượng ấy cứ tưởng là mới lắm! Thực ra, tân hình thức với hậu hiện đại “đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây”, đã bị các nhà thơ phương Tây vứt bỏ mấy chục năm qua rồi. Nghĩa là nó “cũ rích với thế giới” rồi.
– Lạ! Khi có vài trí thức phương Tây làm chuyến “Hành trình về phương Đông” hay đi tìm “Địa đàng ở phương Đông” thì ta mừng rơn, như thể phương Đông đang lên giá ghê gớm lắm, nên Tây phương đổ xô đi học lại giá trị văn hóa cổ truyền của phương Đông. Còn ví có xu hướng ngược lại, thì mình vội la lên rằng con cháu hôm nay chối bỏ quá khứ với lai căng, mất gốc.
Nhưng, thế nào là vứt? Các phong trào văn nghệ nẩy nở, phát triển rồi suy tàn có phải là vĩnh viễn bị chôn vào nghĩa trang văn chương như lâu nay chúng ta quan niệm và thích thú mỉa mai đầy ngây ngô không? Thử nhìn xem phong trào siêu thực: nó thực sự chết khi thế chiến thứ hai bùng nổ, nhưng bút pháp siêu thực vẫn còn được nhà thơ các nơi vận dụng dài dài đấy chứ!
Nữa: thế nào là cũ? Phong trào tân hình thức và chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là lí thuyết, chỉ mới ra lò ở phương Tây hai, ba mươi năm nay thôi, và đang thịnh hành (cũng có thể “đang tàn lụi”, như vị giáo sư đã tuyên như thế); trong khi thành tựu của Thơ Mới đã làm cuộc cách mạng lay chuyển nền thơ ca Việt Nam, không phải các nhà thơ ta học lại từ chủ nghĩa hiện thực, lãng mạn hay tượng trưng Pháp, cũ gần thế kỉ đó sao?
Tại sao sợ học, sợ ảnh hưởng? Có cái gì mà không lai căng? Nếu không “lai căng” thì làm gì có chuyện tiếp biến văn hóa? Ôm khư khư cái mình có, có phải là đậm đà bản sắc? Xin mời bạn thử đứng ngoài đường mà ngó quanh mình.

Cạnh ta, Trung Hoa chẳng hạn, công chúng văn học biết đến vài cuộc thay đổi lớn. Các trường phái triết học hình thành và phát triển qua các thời kì khác nhau hoặc xuất hiện cùng thời và cạnh tranh quyết liệt; thêm các biến động kinh tế-xã hội,… kéo theo sự biến động của văn học. Người viết tiếp nhận tư tưởng mới, đáp ứng đòi hỏi của thời đại cũng như nhu cầu làm mới tự thân, chắc chắn đã có những lối thể hiện mới, khác. Nói như Lưu Hiệp, văn chương thay đổi theo thời: thời tự. “Từ thời Trung hưng về sau, các người tài hơi đổi lối văn”, “thời Hán Hiến Đế (189-220) nhường ngôi, văn học chuyển nhanh”, “Thời Giản Văn Đế (371-372) văn học nổi lên đột ngột”, “từ Minh Đế trở xuống, văn lí thay đổi”(7). Người đọc, tùy gu hay não trạng, chọn lựa thứ văn chương hoặc tác giả mình yêu thích. Cứ thế…

Rồi bạn thử nhìn liếc sang mĩ thuật nhé!
Dấu hiệu chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật manh nha từ Claude Monet, xuất phát từ một quan niệm. C. Monet cho rằng sự vật biến đổi theo ánh sáng và bị tác động bởi chuyển động nhanh. Năm 1863, bức họa “Bữa ăn sáng trên cỏ” của Eduard Manet “gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người bênh vực truyền thống kinh viện và các văn nghệ sĩ trẻ” (M. Fragonard, 1997). Gần mười năm sau, khi trưng bày bức “Ấn tượng, rạng đông” (1872), C. Monet đã gây sửng sốt cho giới thưởng ngoạn hội họa thời ấy. Bố cục thiếu rõ ràng, không còn sự cân xứng hòa hợp như người ta thường thấy ở các tác phẩm cổ điển, chỉ có cảnh vật mơ hồ chìm ngập giữa màu sắc chập chờn, u u minh minh. Họa sĩ không còn quan tâm đến đường nét cảnh vật mà chú trọng hiệu ứng quang học trên cảnh vật. Trường phái ấn tượng tạo bước ngoặc lớn trong thể hiện hiện thực, mở đường cho sự bùng nổ các trường phái hội hoạ hiện đại sau đó.
Năm 1877, rời bỏ ấn tượng, Paul Cézanne thách thức chính không gian của các nhà ấn tượng. Sự vật không còn thuần túy là đối tượng bị nhìn, ở đó còn có cả người nhìn. Tương tác qua lại tạo hiệu quả của sự tri giác thực tại một cách đặc thù. Nhưng phải đợi đến năm 1907, khi “Những cô gái ở Avignon” của Pablo Picasso xuất hiện, chủ nghĩa hiện đại mới ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử mĩ thuật. Việc bóp méo hình dạng tạo sự chuyển hướng quyết định, như một tuyên ngôn về hình thức hoàn toàn mới: một phản biểu đạt mới. Từ đó, liên tục xảy ra cách mạng lật đổ. Trường phái đánh đổ trường phái. Cuộc cách mạng còn xảy ra trong mỗi nghệ sĩ nữa. Cùng với Georges Braque, P. Picasso giai đoạn thứ hai mở cuộc tấn công vào mục tiêu của P. Cézanne. Hình dạng méo mó và góc cạnh bị đơn giản hóa thành những khối và mặt phẳng hình học. Nhiều điểm nhìn đồng thời trong một bức họa, các chuyển động đan cài vào nhau; ở đó ta thấy sự tổng hợp giữa không gian và hình thể. Cách mạng lập thể là một chấn động mạnh (M. Fragonard). Nó quy tụ nhiều anh tài, làm mưa làm gió.

Vẫn còn là chưa đủ. Năm 1918, Tuyên ngôn Dada ra đời, các nghệ sĩ Dada không còn quan niệm nữa! Với khẩu hiệu: Phá huỷ cũng chính là sáng tạo, “Dada tồn tại vì tự nhiên và chống lại nghệ thuật giả tạo” (Jean Arp). Có thể nói, Dada khai mào cho chủ nghĩa tự động (automatism), nghệ sĩ ném bỏ mọi quy tắc truyền thống. Thế nhưng chủ trương vô chính phủ, chống lại mọi thứ giá trị của phong trào này bị phản đối bởi những người trong cuộc: André Breton cắt đứt quan hệ với Dada và tuyên xưng một trường phái mới: 1924, Tuyên ngôn Siêu thực ra đời, nỗ lực khám phá cái vô hình đằng sau cái hữu hình giả tạo. Hầu như tất cả để chống lại sự hời hợt đầy giả tạo lan tràn trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Marcel Duchamp không còn “nặn” tượng hay “vẽ” tranh nữa; ông dùng ngay vật có sẵn, tước bỏ công dụng của chúng, mang chúng vào phòng trưng bày. Thế là tác phẩm nghệ thuật ra đời. “Giá đựng chai” (1914) và “Bồn tiểu” (1917) là rất tiêu biểu.
Rồi Daniel Buren xuất hiện, đặt dấu hỏi về chính chiến tích oanh liệt của M. Duchamp: nơi chốn trưng bày tác phẩm có phải là đặc quyền của phòng triển lãm? Tại sao không là khoảng không gian rộng hơn: rạp hát, quán cà phê hay công viên? Và cuối cùng, chủ nghĩa hậu hiện đại lại mở cuộc công phá mới, khác nữa. Bao nhiêu quan điểm, bấy nhiêu trào lưu chừng chưa đủ. Chủ nghĩa Tân-Dada, Nghệ thuật sắp đặt, Trình diễn, Video Art hay Đa phương tiện,… cấp tập ra đời ở phương Tây.
Thử nghiệm tiếp nối thử nghiệm! Cái mới luôn kêu đòi cái mới hơn, chen vai thích cánh, cạnh tranh nhau hay xô ngã cái mới trước đó, hình thành bao làn sóng sáng tạo dồn dập, sôi động vô cùng lí thú. Chỉ cần đặt một dấu hỏi đúng hay thay đổi một mệnh đề là nghệ sĩ có thể đánh đổ hoặc chuyển hướng một kĩ thuật thể hiện, thậm chí cả một thi pháp, một hệ mĩ học. Chúng đòi hỏi nhà nghệ sĩ/ người thưởng thức nghệ thuật thay đổi lề thói tư duy và có khi – thay đổi cả thái độ sống(8).

Mà cần gì phải nói đến thơ văn, nghệ thuật, là những thứ vốn xa xỉ, mơ hồ, khó đoán biết, khó thuyết phục. Ví như điện và các tiện ích của điện, ngày nay không người Việt nào còn nghi ngờ khả năng của nó. Nhưng thời Pháp thuộc, Nguyễn Trường Tộ qua Pháp nhìn thấy bóng điện, về tâu trình với triều đình nhà Nguyễn, thì bị cho đó là trò ma quỷ, xém bị chém đầu.
Với một nước đang phát triển như Việt Nam, xài đồ nghĩa địa, hàng si-đa là điều khó tránh khỏi. Các thứ cũ người mới ta ấy lại đáp ứng kịp thời nhu cầu của số đông, và cho ta kinh nghiệm tốt để xài hàng mới.

4. Tôi không dị ứng với cái mới và có thể nói, luôn ủng hộ giới trẻ tìm tòi, cách tân thơ. Nhưng tôi thấy “sự tìm tòi này chưa tới đâu cả”. Chắc chắn các sáng tác phẩm dị hợm ấy sẽ bị độc giả phản ứng, tẩy chay. “Không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”. Đó là sự thật. Sự thật đó đã và đang xảy ra, nhà thơ không nhận ra sao?
– Tới đâu là tới đâu? Một nghệ sĩ sáng tạo nếu biết mình tới đâu thì có còn hứng thú sáng tác không? Và nếu có sẵn “định hướng và đích đến” – thì hết là sáng tạo rồi còn gì. Ngay nhóm Sáng Tạo, khi bắt đầu cuộc cách tân thơ ở miền Nam trong những năm sáu mươi, cũng đâu biết mình sẽ làm mới từ đâu và tới đâu. Mới, theo họ đơn giản là cắt đứt với cái đã có. Mới trong thơ Sáng Tạo là phải khác với “mới” của Thơ Mới. Mới trong thơ hôm nay là tìm lối khác lối đi thế hệ trước đã đi hôm qua. Đừng nói cho to tát: chôn phứt quá khứ để lên đường. Mỗi thế hệ hãy nỗ lực làm khác đi. Thế thôi.
Riêng bạn bảo độc giả phản ứng. Xin hỏi, độc giả là ai? Mà độc giả nào? Mắc mớ gì họ phản ứng? Thường thì người ta hay lôi độc giả ra để làm bình phong cho chủ quan của mình. Và số đông quay ngược lại tin vào bình phong đó. Thế mới kẹt. Thói quen thơ: từ thể thơ: lục bát, 5-7-8 chữ, hay thơ tự do có vần/điệu cho đến hệ mĩ học: cổ điển (Trung Quốc), lãng mạn, hiện thực quy định lối thưởng thức thơ của chúng ta. Bài/ tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi thì được cho là hay.
Nhưng thế nào là hay? Tại sao các thế hệ/ trường phái thơ không thể chấp nhận nhau? Tôi đã có lần trả lời phỏng vấn ở Tạp chí Thơ số Mùa Xuân 2006: người đọc cần phải được đào tạo! Bởi, thật sự các thế hệ độc giả hôm nay và cả tương lai gần chưa được chuẩn bị tinh thần đón nhận cái mới [nên mỗi lần đọc phải cái xa lạ, cái ngoại nhập là giật mình thột], chưa trang bị tri thức cơ bản để hiểu cái mới [đã không ít kẻ vỗ tay cổ vũ cái mới nhưng bởi lí giải thiếu thuyết phục, nên người đọc càng dị ứng với cái mới hơn]; bên cạnh đó thông tin đại chúng ta không công nhận (in, đăng báo, giới thiệu) các sáng tác mới, thì người đọc không thể tiếp nhận chúng thì có chi lạ.
Đâu phải cái mới nào cũng hay. Phải qua bao nhiêu cuộc sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học văn chương đó, đánh giá hay/ dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua thẩm định của thời gian nữa.
Bạn cứ ngoái lại nhìn xem các cụ đồ Nho đối xử với Thơ Mới như thế nào cũng đủ biết. Dám trách các cụ không? Thế hệ các cụ đồ chưa biết gì về thơ phương Tây. Qua lối nghĩ, lối nói hoàn toàn xa lạ với những gì các cụ từng biết, từng quan niệm về thơ.
Và khi phong trào Thơ Mới nở rộ, thơ mới tràn lan mặt báo, để trong hơn mười năm thế hệ nhà thơ đó cho ra đời hàng mấy vạn bài thơ [mới], mấy trăm tập thơ được in để chỉ còn trăm bài sáng giá được Hoài Thanh – Hoài Chân cho đăng kí hộ khẩu thường trú trong Thi nhân Việt Nam.
Còn hôm nay thì sao? Chúng ta đón tiếp và đãi cơm các sáng tác tân hình thức với hậu hiện đại như thế nào? Đó là chưa nói kẻ phiêu lưu làm mới có nhiều nhặn gì đâu. Số lượng thua xa thời Thơ Mới, trong khi dân số Việt Nam lên gấp bốn lần, số người đi học lại gấp bốn mươi lần. Mà ít người làm mới, thì nói gì tới/làm sao đủ số lượng để sàng lọc. Nhưng, sao cứ đòi thơ tân hình thức hay ngay từ buổi đầu nó chập chững ngơ ngác? Đáng lưu ý không kém, làm dở, làm thất bại, làm không tới đâu là quyền cơ bản, là quyền cuối cùng của người sáng tạo. Nữa: Tại sao người ta chỉ được quyền làm hay, làm tốt mà không được quyền làm dở, làm không thành. Ngoài xã hội, ở mọi lĩnh vực, kinh tế chẳng hạn, số người thất bại cao hơn rất nhiều so với kẻ thành công đấy chứ, sao không ai “chửi họ”, mà chỉ an ủi – vì tiền mất tật mang. Với văn học, nghệ thuật cũng thế: chúng rất cần thái độ khích lệ tương tự từ phía xã hội.

Và, sao lại có cả chuẩn bị tinh thần? Mới đây thôi, kinh nghiệm đọc của một nhà phê bình thơ bậc thầy như Hoài Thanh hay nhà thơ tài hoa như Xuân Diệu đã cho ta bài học. Không chấp nhận với sáng tác thuộc hệ mĩ học khác mình: tượng trưng [phần nào siêu thực] của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh. Khía cạnh này, có thể viện đến não trạng hay gu thưởng thức thơ. Bởi, ai dám cho Xuân Diệu, Hoài Thanh chưa hề biết tới tượng trưng hay siêu thực?
Điều đáng nói là chớ vì thế mà có ý định loại trừ các sáng tác khác lạ ra khỏi đời sống văn chương. Hãy để cho các hệ mĩ học sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó cần có môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mĩ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.

5. Nhưng nói gì thì nói, theo tôi, sáng tác tân hình thức với hậu hiện đại không phù hợp với truyền thống Đông phương, cụ thể hơn: truyền thống văn hóa Việt Nam. Đâu chỉ có tôi, ngay cả một tên tuổi trong làng thơ trẻ “viết đang lên tay” cũng đã nhận rằng chúng “hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó” cơ mà!
– Lại truyền thống với bản sắc. Bạn hiểu truyền thống thế nào kia chứ?
Riêng về thơ, thử hỏi thơ Đường luật trước đó có là truyền thống Việt? Hay Thơ Mới thời Tiền chiến? Bản sắc thơ Việt có cái nào na ná thơ tự do của nhóm Sáng Tạo không? Hoặc như áo dài, mới có lịch sử chưa tới trăm năm, thì trước đó áo gì là bản sắc? Những ngày đầu tiên của áo dài có là bản sắc?
Ôi, sao mà lệ làng với ao nhà! Sao mà mình-thì-khác đầy ngây thơ vô tội. Về vụ này, quả thật tôi không thể nói hay hơn, nên xin nhường lời cho vị khách mời.
“Biểu hiện của chủ nghĩa mình-thì-khác rất dễ nhận thấy. Nó bàng bạc ở khắp nơi.(…) Ở đâu giọng điệu của nó cũng khá giống nhau. (…) Về phương diện nghệ thuật, người ta hết lao vào thử nghiệm này đến thử nghiệm khác khiến thế giới sáng tạo lúc nào cũng trăm hoa đua nở ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng… mình-thì-khác. Về phương diện văn học, từ lâu người ta đã bước vào giai đoạn hậu hiện đại chủ nghĩa với những quan niệm mới mẻ và vô cùng lý thú ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng… mình-thì-khác. Thậm chí, cả đến thơ tự do vốn đã phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam nó vẫn còn bị rất nhiều người, kể cả giới cầm bút, xem không phải là thơ. Lí do? Tại… mình-thì-khác…
Thứ chủ nghĩa mình-thì-khác ấy làm tắt nghẽn mọi nỗ lực vận động cách tân, và cùng với nó, mọi thiện chí tranh luận. Những tín đồ của chủ nghĩa mình-thì-khác hiếm khi nào dám thẳng thắn phản đối hay đặt nghi vấn đối với những giá trị đã được nhìn nhận ở những nơi khác.”(9).

6. Nhưng thi pháp hiện thực và lãng mạn là thực, rất gần với tâm hồn người Việt Nam, nên khi tiếp nhận nó, các nhà thơ ta đã làm nên một cuộc cách mạng lớn trong nền thi ca Việt Nam. Còn tân hình thức với hậu hiện đại hay gì gì nữa,… tôi không tin lắm. Thơ chỉ có thể cảm, đâu cần phải hiểu? Cần gì đến cái gọi là “phương pháp nghệ thuật” kia chứ? Cứ viết thật lòng mình, “viết giản dị tự nhiên” và viết cho hay đâu cần phải hết thử nghiệm này sang thử nghiệm nọ?
– Này nhé! Bạn thử quá bộ vào một phòng triển lãm tranh Cổ điển. Dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu bạn cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp [giống], bức kia xấu [không thật]. Rồi, sau đó bạn thử dời gót sang phòng tranh lập thể, chắc chắn bạn sẽ rối lên mà coi! Một khi bạn chưa biết gì về hệ mĩ học của trường phái lập thể, bạn không thể hiểu, không thể thưởng thức thì có gì đáng trách đâu. Trách chăng khi bạn đứng giữa phòng triển lãm kia và la lối rằng bọn họa sĩ phương Tây vẽ rối mò, cái nào cũng như cái nào, tôi chẳng hiểu gì sất!
Đâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/xấu thế nào, bạn phải được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác! Nhìn từ hướng ngược lại, chính bởi người đọc chưa được trang bị tri thức căn bản về phong trào văn nghệ mới, nên họ mới dễ bị kẻ cách tân dỏm “lừa mị”.
Trường hợp của lãng mạn và hiện thực cũng thế, không tiếp xúc liên tục và thường xuyên, bạn đâu có được sự tự nhiên đến ấu trĩ và bảo thủ như ngày nay.
Thử điểm qua vài giọng thơ Việt của thế hệ qua và phản ứng của các đại biểu của chúng. Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhà thơ hàng đầu nữa! Huỳnh Thúc Kháng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Linh cho đến tận hôm nay: Lý Đợi, Bùi Chát.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; và trong lúc Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét tập thơ thi sĩ tài hoa đậm tính cách mạng này. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Cứ thế, tiếp tục chương trình…

Thứ hai: tại sao lại sợ phương pháp sáng tác? Và thế nào là hay? E. Pound: Không có bài thơ hay nào được sáng tác bằng phong cách đã hiện hữu cách nay ba mươi năm! Chớ tìm đâu xa, cứ nhìn vào tiến trình thơ Việt Nam cũng đủ biết. Chỉ nói về thể thơ thôi: đâu phải cứ Lục bát truyền thống với Hát nói mà cày! Trong không đầy một thế kỉ, các thế hệ nhà thơ Việt đã biết đến thơ tám chữ, sáu chữ, tự do có vần và không vần, rồi là thơ xuôi. Riêng lục bát, đâu phải mỗi lục bát dân gian Nguyễn Bính mà còn có lục bát trí thức Huy Cận; bên cạnh thi pháp lục bát mơ hồ sương khói nhà Phật của Phạm Thiên Thư còn có thi pháp lục bát hậu hiện đại của Bùi Giáng; rồi lục bát vắt dòng, ngắt nhịp bằng dấu gạch chéo, dấu gạch ngang của Du Tử Lê nữa.
Thế thì nếu sợ phương pháp sáng tác, chúng ta cứ dậm chân tại chỗ, không bao giờ nhích lên cõi sáng tác chuyên nghiệp được là cái chắc.
Và “thật” là gì? Thế nào gọi là tự nhiên? “Tự nhiên” hôm nay của bạn không gì hơn là quả cấu thành từ bao nhiêu nhân trước đó: nền giáo dục bạn tiếp nhận, các cuốn sách bạn đọc, giao tiếp với anh em bạn bè ta, di truyền từ cha mẹ ta, môi trường tự nhiên ta sống. Hãy dám là mình: cái mệnh đề lâu nay các bạn thơ trẻ hót như vẹt ấy, thời thượng và hời hợt ơi là hời hợt! Về sáng tác thơ, nỗi “tự nhiên” với “thật” của bạn chắc chắn chỉ là tàn tích rơi rớt lại đâu từ thời Thơ Mới hay Thơ của nhóm Sáng Tạo miền Nam để lại mà không hay không biết!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *