Trò chơi-10. BÀY TRÒ CHƠI CHO CHÍNH BẠN

Bạn bị ném ra đó – thế giới, không ai hỏi bạn có đồng ý hay không, mà thuần do ý muốn tùy hứng hay hữu ý của cha mẹ. Cho đến khi bạn ý thức. 18 tuổi, có thể sớm hay muộn hơn tí, nhưng không quá 22 tuổi, khi bạn bước chân ra khỏi cổng Đại học. Khi ấy, chính bạn phải trách nhiệm cuộc đời bạn, mà không đổ lỗi cho ai bất kì.

Bạn “bị kết án tự do”, Sartre nói to thế. Tôi hơi khác: Ý thức, khi xem cuộc đời là một trò chơi, bạn tự do bày trò chơi để chơi trò chơi đó. Nếu không, bạn sẽ bị chơi – “làm con rối cho cuộc đời giật dây” (Chế Lan Viên).

Chơi…

Bác mê Xakawi lịch Cham, bác yêu nó, thèm nói về và viết cả công trình về nó – không vấn đề gì cả. Dù là đồ cổ, dẫu sao đó là thế giới của bác. Còn bác muốn áp đặt nó lên các chức sắc Cham, thì ra chuyện.

Bởi việc đặt định ngày lễ bái phong tục tập quán Ahiêr Awal không phải việc của bác, mà là chuyện riêng các vị ấy. Nói chả ai nghe, bác la lối om sòm, thì mỗi bác chịu đau bao tử.

Ông chơi gốm hay cây cảnh, ok. Anh em ghé nhà, ông tán về cây cảnh cùng mớ chuyên môn để quên cả rót trà đãi khách, cũng chả sao. Chớ khi bước ra ngoài ngõ, bất kể thiên hạ đang bàn gì, ông cứ lôi chuyện gốm với cây cảnh nhà mình mà lấn đài, ngoài ra không gì hơn không gì khác, là hỏng to.

Bạn yêu thơ, bạn miệt mài làm thơ, thơ không nhằm vào Hội Nhà văn hay giật giải thưởng; không thơ, để cạnh tranh sự nổi tiếng hơn kém với nhà thơ nào đó – hay lắm!

Thơ thôi, không mục tiêu nào khác, càng không thèm liếc sang nhà bên. 

Thơ cho mình, thơ cho người xung quanh, cho cộng đồng nhỏ, to và cho thế giới rộng lớn ngoài kia. Không phải thi thố, mà nhập cuộc vào Trò chơi Thế mệnh le Jeu du Monde.

Chỉ thế thôi, bạn mới thực sự chơi trò chơi của chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *