Thư cho bạn trẻ20: Hãy học …chơi.

THƯ CHO BẠN TRẺ
20. Hãy học …chơi.
Sài Gòn tháng 10.2005.
Các bạn thân mến!

Bạn hỏi Tagalau, giữa xô bồ thời hiện đại, làm sao Chăm có thể trụ vững để có thể giữ mình là Chăm. Và, làm sao thế hệ trẻ Chăm có đất để khẳng định mình? Tagalau hiểu băn khoăn của bạn, cũng là của Tagalau hôm qua và cả hôm nay. Từ khởi đầu, Tagalau suy nghĩ nhiều về nó. Không ít lần thất vọng muốn phó mặc, nhưng không! Cuộc sống hôm nay đẩy ta đối mặt với bao thách thức, bên cạnh mở ra trước mắt ta bấy nhiêu cơ hội, trong đó có cọng cỏ hi vọng cho ta bấu víu. Đó là tinh thần hậu hiện đại!
Để có thể trình bày cặn kẽ tinh thần này, cần đến chuyên luận. Tagalau chỉ tóm cái ý chính, theo yêu cầu của vấn đề sắp bàn.

Chủ nghĩa hậu hiện đại (Post-modernism) quyết đánh đổ những đại tự sự (grands récits, từ dùng của Lyotard), để thay vào đó bằng các tiểu tự sự (petits récits). Cá nhân/cộng đồng kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động một cách riêng tư trước vấn đề rất cụ thể mà thế giới đặt ra cho mình/cộng đồng mình.
Nó không quan tâm cho cả thế giới, nó chỉ lo lắng cho nó thôi. Bởi nó cũng là một thế giới. Khi tự lo cho mình cách rốt ráo, như thế là nó đã góp phần cho nhân loại. Ví dụ: khi ta nỗ lực trồng cây trong khuôn viên nhà ta, và nhắc anh em ta không phá rừng là ta đã giúp thế giới bảo vệ môi trường rồi.
Nó bày ra trò chơi cho nó, vì nó, nó chơi trò chơi đó, chơi hết mình. Nhưng nó biết thế giới không phải chỉ có mỗi nó: nó với trò chơi duy nhất; vì, bên cạnh nó và cùng tham gia trò chơi thế giới (chữ dùng của Heidegger) còn có những “nó” khác. Những “nó” này đang chơi trò chơi của họ.
Nhưng chúng không hề tin tất cả trò chơi nhỏ ấy là mảnh vụn của trò chơi vĩ đại nào đó, trò chơi của Chúa chẳng hạn, hay của quy luật Biện chứng nào đó con người nghĩ ra, manh tâm áp đặt nó cho nhân loại hay, mơ tưởng rằng thế giới đã/phải như thế!.

Chúng ta là Chăm, đang nói tiếng Chăm, ta có trách nhiệm bảo tồn và phát huy nó. Tạo lập thế giới ngôn ngữ Chăm, bày trò chơi trong đó, sử dụng nó viết văn, làm thơ hay trò chuyện hàng ngày. Làm được như vậy là ta góp công bảo vệ ngôn ngữ thế giới rồi. Làm đa dạng hóa ngôn ngữ nhân loại rồi. Đó cũng là chủ trương đầy nhân bản của UNESCO. Không phân biệt ngôn ngữ lớn/nhỏ: ngôn ngữ là đặc thù.
Hai câu thơ của Inrasara:

Văn hóa Chămpa là văn hóa đùa vui
chịu chơi cả trong đau khổ
!
Vậy, tại sao chúng ta không chơi đi?

Nietszche nói đại ý con người có thể ngã quỵ bởi triết lí, chân lý; chính nghệ thuật vực ta đứng dậy, làm cho ta lớn lên. Theo Aristotle: “thơ ca có tính triết lý và đáng được chú ý hơn sử học; nhà thơ đề cập đến giá trị phổ quát, trong khi lịch sử nói về cái cụ thể”
Hai triết gia lớn [và nhiều nhà tư tưởng khác] của nhân loại rất chú trọng đến CÁI CHƠI. Họ cho rằng chính cái chơi mới làm nên ý nghĩa cuộc sống, biện minh sự có mặt của con người trên mặt đất này.

Lúc này ở Tây phương đang Olympic mùa đông. Thử xem môn trượt băng nghệ thuật: thiện hạ bày ra cơ man trò mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn. Thấy mà thèm! Mới 30-40 năm trước, Chăm có bao nhiêu là trò chơi, dù là trò chơi của đứa con Chăm nghèo, nhưng thế hệ đó luôn nhập cuộc hết mình và thích thú. Dường như giới trẻ Chăm bây giờ ít chơi hơn. Tín hiệu mừng: vài năm qua sinh viên Chăm tại Sài Gòn biết bày cuộc chơi (cám ơn các bạn trẻ). Dường như thôi.
Tại sao?
Mấy năm qua, chúng ta khá căng thẳng trong “chân lý”. Và ai cũng muốn kéo chân lý về phần mình. Dù chân lý đó, như ông bà ta nói, chỉ to bằng củ khoai: Sunuw đơ bauh habei, Gru si brei đa ka abih/Bùa bé bằng củ khoai, Thầy muốn cho ai e rằng mất hết!

Tại sao ta không bày nhiều cuộc chơi, chơi một cách chuyên nghiệp hơn, nâng cấp nó lên. Biến trò chơi thành nghề vừa hái ra tiền vừa bồi bổ sức khỏe. Khả năng thi thố trong nước lẫn quốc tế. Hãy tưởng tượng xã hội Chăm nẩy nòi ra một Cathy Freeman (vận động viên Úc vô địch Olympic, thay mặt tổ quốc đốt đuốc Đại hội thể thao quốc tế). Chăm năng khiếu nghệ thuật. Tại sao không phát triển năng khiếu đó? Hãy biến ca-múa-nhạc thành một nghề. Hãy biến sáng tạo văn học thành nghề (qua 6 số Tagalau, đã xuất hiện vài khuôn mặt trẻ rất triển vọng).

Chơi, đầu óc ta sáng suốt để nghĩ chuyện làm giàu, nghiên cứu hay học hành. Chơi, thân thể ta khỏe mạnh, tâm hồn ta quảng đại. Ta dễ tha thứ cho nhau, yêu thương nhau. Chơi và tạ ơn. Tạ ơn Tạo hóa, Phật, Chúa, Khổng tử,… Glơng Anak, Ppo Klaung,… Ca ngợi và tạ ơn mặt trời mỗi sớm mai: ta được ban thêm một ngày mới để sống, và làm việc và sáng tạo…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *