Thư cho bạn trẻ08. Thế nào là chơi?

Thư cho NM
Sàigòn, những ngày World Cup 2006.
Em nói: em mới đang U30 mà, để biện minh cho sự còn ham chơi của em. Anh hiểu chuyện đó, hiểu còn hơn triết gia thời Tiền Phục hưng hiểu về vũ trụ nữa!
Sực nhớ câu nói của Lalas, niềm hy vọng của nền bóng đá Mỹ thuở World Cup 94. Cầu thủ đầy tài năng này cũng phát biểu tương tự: Chúng tôi còn trẻ mà – khi đòi tự do sex trong cái tháng diễn ra cúp bóng đá thế giới. Ô là là! Sau World Cup, niềm hy vọng kia tiêu đâu mất rồi?! 3 kì Giải bóng đã lớn nhất nhất hành tinh diễn ra sau đó, thế giới chỉ còn biết Zidane, Figo, Owen,…(là tài năng cùng thế hệ), chứ ai biết Lalas sống hay chết ở đâu mô.
Tuổi trẻ đến chậm nhất là tuổi trẻ tồn tại lâu dài nhất – Nietzsche nói thế!

Lại chợt nhớ câu hỏi cuối trong cuộc phỏng vấn mới nhất. Xin trích lại:
“Pv. Một trí thức lao động khoa học, thơ ca đầy suy tưởng, vậy, có bao nhiêu thành phần lãng mạn trong con người và đời sống của anh? Có thiệt thòi không khi người ta không được sống hết mình và thưởng thức đời sống với những cuốn hút mãnh liệt của sự bay bổng của nó?
Inrasara: Tôi e rằng thành phần bách phân lãng mạn trong tôi vượt trội yếu tố khác nữa. Tôi là dân Chakleng nòi mơ mộng và, như câu nói cửa miệng của một nhân vật trong Chân dung Cát: “sống bằng nghề mơ mộng”. Nhiều người mới văn kì thanh cứ nghĩ tôi lụ khụ khệnh khạng hàn lâm nhăn nhó ghê lắm. Nhưng ngay lần gặp đầu tiên thôi, họ mới vỡ ra tay Inrasara cũng vui vẻ đáo để. Gần hết nửa đời hư (từ dùng của Vương Hồng Sển), tôi nghiệm rằng kẻ “sống hết mình” hơn cả đều ăn ít và nhất là sở hữu rất ít. Họ cũng ít “thưởng thức” đời sống như một ham hố vô độ nữa!
Nhưng cuộc sống là gì kia chứ!? Và hành động cốt tủy nào của con người có thể biện minh cho sự hiện hữu của chúng ta trên mặt đất mong manh này?

Chớ mà dại dột lụ khụ mô phạm dạy dỗ em. Theo tinh thần văn hóa Chăm, anh chỉ bày em chơi. Chơi theo lối thượng thừa thù thắng Heidegger. Đoạn thơ trong Lễ tẩy trần tháng Tư được một nhà nghiên cứu dẫn làm đề từ cho công trình về văn hóa của ông:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ
.

Vậy, chơi là gì? Và anh có biết chơi không? Anh chơi khi còn trẻ, cả ở hôm nay và mai sau hay kiếp sau, không? Một kẻ ngay từ năm 12 tuổi, đã lang thang hết 34 làng Chăm, kết bạn không biết bao nhiêu người mới, tiếp xúc không biết bao nhiêu trí thức hay già làng, thu vào tâm thức bao nhiêu là phong cảnh lạ, cuộc sinh hoạt lạ,… đã không chơi sao?

Nhớ năm 1970, mùa hè, ba tháng đợi ngày rời làng vào thị xã học, để có tiền mua sách, anh rong ruổi khắp làng Chăm, có làng cách làng anh hơn 20km, để bán càrem. Bằng xe đạp! Phải thồ lỉnh kỉnh mấy thứ phụ tùng, rồi thùng càrem to đùng nữa! Mà muốn được bà chủ thêm mươi bịt càrem với vài bịt ăn đỡ ghiền, anh phải lên chợ Phú Quý thật sớm để phụ lắc cái thùng nặng đến vài tạ cho cà rem mau đông. Mùa hè năm ấy, có mươi bạn nữa cùng bán, nhưng qua tuần là dze hết, chỉ còn mỗi anh bám trụ. Em cứ tưởng tượng: 11 tuổi, lại coọc nhất bọn nữa! Lúc nhập học, mấy đứa làng khác trố mắt nhìn mà kêu lên: cái thằng thủ khoa bán cà rem!

Một đoạn thơ lạ của Huy Cận thời Lửa thiêng:
Quanh quẩn lại chỉ vài ba dáng điệu
Tới hay lui chỉ chừng ấy mặt người
Vì quá quen nên quá đỗi buồn cười
Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện

Rồi khi mới qua tuổi hai mươi, các bạn lấy vợ cưới chồng, quẩn quanh…Rồi cứ chuyện cũ lặp lại, người cũ gặp lại, việc nhàm chán cũ nhắc lại, mỗi Chăm với nhau và không thêm dân tộc nào khác,.. có kẻ đã lang thang khắp mọi miền xó xỉnh đất nước, làm quen không biết cơ man nào trí thức với không trí thức các dân tộc, biết nhiều nền văn hóa, giáo khác nhau. Đó là chưa nói đến quen thuộc [đọc] không biết bao nhiêu là triết gia, văn thi hào, họa sĩ… trên thế giới! Chơi vậy thì cũng nhiều và chất lượng chứ.

Cuối cùng, từ cuộc chơi phong nhiêu phiêu lãng đó, hắn lại tiếp tục chơi khác: đa dạng và đậm đà hơn nữa! Tiếp cận trực tiếp và ngang bằng với nhiều khuôn mặt sáng giá hơn, từ đó mở rộng tầm nhìn ra thế giới mênh mông hơn, thấy cuộc sống bao la hơn, cái chết sâu thẳm hơn (triết học là học cách chết!). Và, điều không thể không nhắc đến: để lại dấu vết trên trần gian này sâu đậm hơn. Bằng tác phẩm, việc làm, ý tưởng,…
Nghĩa là biết chơi, cống hiến cho đời thành quả cuộc chơi của mình, để đời tiếp tục có cái để chơi! Đó là trò chơi mà Heidegger gọi là là trò chơi thế mệnh: Jeu du Monde.

Thêm: làm nhiều nghề khác nhau hay hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau không phải là một cách chơi ư? Đọc đến nơi đến chốn [đúng hơn: học và viết] nhiều loại sách khác nhau, không phải một loại chơi sâu thẳm ư? Và sống là gì? Người ta làm phong phú đời sống bằng các tương quan với con người, đất đai và ý tưởng. Đó là Cendrars. Anh thêm: sau đó, cần thiết tương quan với chính tâm hồn mình: sự cô đơn. Làm nhà văn thì lại càng.

Tại sao Camus độc đáo? Triết lí phi lí của ông dựa trên một huyền thoại: Huyền thoại Sisyphe kể một anh chàng lăn hòn đá lên núi. Khi gần đến đỉnh, hòn đá lại rớt xuống, cứ thế! Nhưng ông không thất vọng mà tiếp tục lăn. Hạnh phúc được nhận mặt trong chính hành động lăn đó. Một đoạn văn của anh: “Mớ công trình văn chương-ngôn ngữ dày cộm kia với dăm ba tập thơ mỏng tang này đến lúc nào đó không còn một mống nào nhớ; hay thứ ngôn ngữ truyền đời hắn đang cố bảo tồn kia, hoặc cả nền văn học dân tộc dày truyền thống hắn đang ra sức sưu tầm-dịch-in-và đem tặng khắp thư viện lớn nhỏ đó, ngày nào không hiểu rồi cũng bị tiêu ma! Nhưng hắn vẫn cứ làm. Hắn tìm thấy sự say mê trong đó, niềm vui và nỗi buồn trong đó. Chính điều ấy làm nên ý nghĩa đời hắn, hắn biến chúng trở thành có ý nghĩa”.
Kẻ đó đã chơi trong chiều kích và ý nghĩa ấy!.

Chơi kiểu Lalas ở trên là chơi thiêu thân. Như vài bạn thơ, mới in vài ba [hay chưa] tác phẩm tầm tầm đã suốt ngày ngồi café hay quán nhậu tán tụng, ve vuốt sự kiêu hãnh hão của nhau để cuối cùng níu nhau chết chùm. Vậy là Hội thảo, hội nghị cứ mãi đặt vấn đề làm sao để có tác phẩm lớn, tác phẩm ngang tầm thời đại! Trong khi đó, những tay chơi cao đẳng như những Zidane, đã “chịu nhịn” nguyên tháng (sau đó đền bù cho bà xã hay người yêu đắm hơn) cống hiến cho mùa World Cup muôn vàn đường bóng đẹp, hiến tặng cho lịch sử bóng đá thế giới một tên tuổi lẫy lừng và, làm thay đổi cả hệ thống tư duy bóng đá của nhân loại! Như vậy, Zidane được chơi bóng đá nhiều hơn, dài ngày hơn, thú vị hơn, tiếng tăm hơn từ đó, biết nhiều cái khác hơn nữa. Và, rốt cùng cống hiến cho môn thể thao mình yêu thích triệu lần hơn tay chơi thiêu thân Lalas!

Nhắc lại Nietzsche, tuổi trẻ đến chậm nhất là tuổi trẻ tồn tại lâu dài nhất.
Em chớ ỷ y thông minh hơn người. Không, em ạ. Trong xã hội nhỏ bé của Chăm thôi, anh biết ít nhất có hai bạn cực thông minh, điều kiện làm việc [chơi] tốt gấp mươi lần kẻ khác, nhưng họ đã nửa đường đứt gánh chơi, đứt gánh ngay từ thuở nhi bất cập rồi! Hôm nay, họ chạy ăn bữa nay lo bữa mai, con cái đùm đuề, không gì cả thì thời gian đâu nhớ đến sự chơi. Và chơi. Em hôm nay cũng rứa, nếu có vài thành quả cỏn con mà cứ chơi xả láng, chơi vô độ thì đến tuổi nghe thuận tai, hỏi em có còn cơ hội chơi không?

Anh rất muốn kể chuyện vài vĩ/dị nhân, nhưng ngại nó xa xôi diệu vợi quá, nên thôi. Cây nhà lá vườn với nhau cho ấm áp, em nhỉ! À, mà em có thấy anh trịnh trọng khệnh khạng lố bịch nhà ma (từ dùng của Bùi Giáng) không, NM!?
Thân mến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *