[về 20 con người Chakleng của tuổi trẻ tôi]
Tôi biết lắm kẻ ghét người tài, ghét và muốn triệt hạ. Sao ghét được nhỉ, rất lạ! Tôi khác, luôn trân trọng. Tuổi trẻ tôi từng kính ngưỡng vô số nhân vật Cham.
[1] Người cùng máu mủ tôi
Ông ngoại là thầy cao đạo và là tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei. Ông nội đẳng Bà-la-môn, sắp lên chức Tu sĩ Tapah thì bị Việt minh giết oan. Dù chưa nhìn thấy mặt ông, nghe mẹ than, tôi cũng nể phục.
Klơng Thân, ông họ nội là một kì nhân, tất tần tật vụ việc lớn nhỏ của cộng đồng, Cham đều đẩy ông ra mặt lên tiếng, và ông chưa một lần từ.
Phok Dhar Cơk ông họ nội, Yogi cuối cùng của Cham, một dị nhân chánh hiệu. Hành vi cá biệt khiến mấy em họ tôi chọc phá, tôi thì không, trân quý vô cùng. Thêm Mưdôn Gru Hán Phải nữa. Ba nhân vật vật trở đi trở lại nhiều lần trong chữ nghĩa tôi. Chính bài viết về Mưdôn Gru Hán Phải, tôi nhận về Giải thưởng Báo chí của năm.
[2] “Làm sao tôi có những đàn ông láng giềng tuyệt chiêu thế?”
là tên tùy bút in ở Những cuộc đi & cái Nhà-2014.
Hướng Bắc, ngay bên kia hàng rào nhà tôi, là gia đình bà Nok. Bà cụ thọ 99 tuổi, cho ra đời toàn những đứa con “trời đánh”! Trong đó, độc đáo nhất phải là Thiên Sanh Sở, Gru Urang nổi tiếng trong vùng, đồng thời là một nghệ sĩ trống Ginang có hạng.
Sát cạnh nhà ông phía mặt trời lặn, là Kadhar Gam Muk, nghệ sĩ đàn Kanhi kiêm là “nghệ nhân” chép sách nổi tiếng trong vùng với nét chữ vừa chân phương vừa hoa mĩ.
Qua một ngõ chẹt là nhà ông Vạn Ca, một “kĩ sư nông nghiệp ngoại hạng”. Ông luôn biết cải tiến nông cụ ông bà truyền lại, làm cho nó đẹp hơn và tiện ích tối đa có thể.
Bỏ qua một khuôn viên nhà “hoang” bên hướng Nam là nhà ông Bá Chương với giọng hát trời cho, là đạo diễn các đêm văn nghệ làng.
Tiếp, là nhà ông Chánh Gru Kalơng. Ông cao ít nhất mét tám, trắng và đẹp lão. Chính ông trong một tối làm lễ giải hạn, đã cứu sống em Ngòi bệnh thừa sống thiếu chết.
Về hướng Nam cách nhà tôi hai khuôn viên là ông Đạt Bình – nghệ sĩ trống Ginang dù không nổi tiếng như Mưdôn Gru Thạch Tìm nằm “chung hàng rào”, nhưng là bậc kì tài.
Cuối cùng ở sau lưng nhà tôi, là nơi cư trú của Cả sư xuất sắc Pô Dhya Hán Bằng.
Không hiểu sao bà Trời lại ban cho tuổi trẻ tôi các nhân vật tuyệt chiêu thế? Tôi không say mê họ mới lạ.
[3] Những người thầy của tôi
Tiểu học.
Là thầy Hồng, biệt danh Hồng thơ. Ông làm cả thơ tiếng Cham lẫn Việt, sáng tác ca khúc bình dân, và nhất là rất nhiệt trong sinh hoạt cộng đồng: Vệ sinh làng xóm, truyền kiến thức căn bản nhất cho học trò và cả bà con trong palei.
Thầy Sắng: Hát hay, thơ hay, đá banh giỏi, đặt lời cho ca khúc Việt đầy tài hoa được hát truyền từ làng sang làng. Độc nhất ở ông là biệt tài xách động, không lạ – sau đó ông thành thủ lĩnh Fulro Chàm!
Trung học.
Là thầy Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ, Đàng Năng Quạ… tôi kể nhiều lần và đã in thành sách: Hàng mã kí ức-2011, xin miễn lặp lại.
Tất cả, tôi chưa nửa lần phê bình họ, không một lời nào làm mếch lòng họ. Yêu, và kính ngưỡng tận cùng.
[4] Hai anh bạn sinh nhầm thế kỉ
Quảng Vờ, anh họ nội. Làm sinh viên từ Đà Lạt xuống Phan Rang, anh rủ tôi qua Cà-phê Cỏ Hồng, là lần đầu tiên trong đời tôi được chầu cà-phê hạng sang. Anh nói, nói và nói. Say sưa giữa tiếng nhạc, tôi chả nghe được gì, chỉ cảm nhận anh qua sắc mặt.
Nghĩ mình là yếu nhân bị CIA bỏ lại, anh luôn ám ảnh về an toàn bản thân – “chúng ám sát tao mất”, đến mấy năm cuối đời không tiếp ai ngoài tôi. Rồi không lâu sau đó, anh cấm cửa tôi luôn. Tôi đã dành cho nhân vật này nguyên chương trong Chân dung Cát-2006.
Thọ Tiến, tên thường gọi “Tiến Mong”, hay trong thơ tôi: “Anh T’Maung”. Anh ám ảnh bởi nỗi khác: Là nhân vật bị an ninh thường xuyên theo dõi, cấm cản anh đủ điều, cả chuyện lấy vợ. Thế nên anh chịu cảnh độc thân cho tận ngày đi theo ông bà.
Lạ, hai ông anh lớn tuổi lại thân tôi nhất, tạo ấn tượng mạnh cho tôi hơn cả đám bạn và sinh linh Chakleng cùng trang lứa.
Tôi hiểu họ. Tất cả họ làm phong phú tâm hồn tôi. Càng hiểu, tôi càng yêu họ hơn. Là TẠ ƠN theo nghĩa uyên nguyên nhất của từ.