Y PHƯƠNG, NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀNG HIẾU LỄ ĐÃ CHÁY, NHƯ THẾ!

Y PHƯƠNG

Họ và tên khai sinh: Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày.

Sinh ngày 24-12-1948

Quê quán ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh – Cao Bằng

Tác phẩm

Tiếng hát tháng Giêng, Sở VHTT Cao Bằng, 1986

Lửa hồng một góc, NXB Tác phẩm mới, 1987

Lời chúc, NXB Văn hóa Dân tộc, 1991

Đàn then, NXB Tác phẩm mới, 1996

Chín tháng (trường ca), NXB Quân đội Nhân dân, 1998

Thơ Y Phương, NXB Hội Nhà văn, 2002

Thất tàng lồm (song ngữ Tày – Việt), 2006

Tháng Giêng một vòng dao quắm (tản văn), 2009

Đò trăng (trường ca), 2009

Giải thưởng

– Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1987 – Tiếng hát tháng Giêng

– Giải thưởng Hội đồng Văn học dân tộc – Hội Nhà văn Việt Nam, 2000 – Lời chúc

– Giải Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, 2001 – Chín tháng

– 2007, Y Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Y PHƯƠNG, NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀNG HIẾU LỄ ĐÃ CHÁY, NHƯ THẾ!

“Tên làng” là bài thơ hay của Y Phương. Bài thơ thắng giải nhất cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1983-1984. Bài thơ được xem như khởi đầu cho cuộc dấn thân văn chương của nhà thơ dân tộc Tày này. Anh, “người đàn ông ở làng Hiếu Lễ” đã gọi to đầy yêu thương và kiêu hãnh tên làng Hiếu Lễ nơi anh sinh ra và lớn lên: “Ơi cái làng của mẹ sinh con”, “cái tên làng Hiếu Lễ của con”.

Bài thơ nổi tiếng của nhà thơ tên tuổi đã được nhiều người bình và bàn, bàn vào chỉ làm rối rắm thêm bài thơ mà ý nghĩa đã phơi mở trọn vẹn. Điều tôi muốn nhấn là, dường như bất kì nhà thơ dân tộc thiểu số nào cũng khởi đầu cuộc đi vào thế giới văn chương tiếng Việt – ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình bằng khẳng nhận. Hiếm khi họ khẳng định cái tôi, mà là dân tộc tôi, làng tôi, đi cùng với làng là con sông hay ngọn núi quê tôi. Khẳng định cái tôi cá thể nếu có, cũng gắn liền với quê hương, làng bản.

Con mơ đi xa thật xa

Mơ về một chiều

Không nhớ chiều nào

Thung lũng A Sao hoa mua ngăn ngắt tím

(Y Phương, “Chín tháng”)

Từ hai bờ sông Hiến vọt lên

Chỗ hàng tre xanh chồm tung vó ngựa

Vườn tôi ra quả hồng quả nhớ

Trông cây mưa lá nắng giữa đời.

(Sông Hiến đang yêu)

Nhà thơ đồng hóa mình với quê hương, với những gì thuộc về dân tộc. Như thể sợ phai mờ hay mất bản sắc, nhưng quan trọng hơn: để tự tin bước vào thế giới xa lạ, rộng lớn ngoài kia.

Trong cách mà các cây bút thơ dân tộc thiểu số đồng hóa với quê hương, bản sắc, Dương Thuấn là người nhắc nhiều đến quê hương Bản Hon mình hơn cả, chắc chắn thế. Bản Hon với đất và người Bản Hon (“Bản Hon”), “Mùa xuân Bản Hon”, “Buổi sớm Bản Hon”, “Chiều Bản Hon”, “Tiếng buổi chiều Bản Hon”. Rồi tình cảm người Bản Hon dành cho lữ khách (“Anh về Bản Hon”). Đính kèm với làng Bản Hon là sông Năng quê anh. Từ đó, anh bước xuống đồng bằng, vào phố, ra biển: “Ta đi bộ từ núi xuống đồng bằng” (Ngày mai hoa không nở, trường ca), hay: “Sông mang lòng bản cao xuống biển”.

Anh yêu quê hương, gọi tên quê hương, tắm nước sông quê hương. Rồi ra đi…

Lớn lên tắm nước sông

Mới thành người của làng

Đóng con tàu đi ra bể

Tắm giữa đại dương

Mới thành người của muôn nơi.

(Dương Thuấn, “Theo nước đi”)

Từ núi về thành, từ thành ra biển, nhưng không bao giờ mất gốc. “Em ơi, ta ở đâu/ Là bản ta ở đó” (“Ta ở đâu bản ta ở đó”). “Thành người của muôn nơi”, ước vọng của Dương Thuấn là vậy, khi anh rời quê nhà. Còn Y Phương, sau khi xuống phố và làm người phố thị, anh thay đổi ra sao, hay anh vẫn mang theo tâm tư làng bản về phố, chúng ta không biết được. Không thấy anh thể hiện chính kiến qua thơ.  Các bài thơ hay nhất của Y Phương giai đoạn sau vẫn là những ngoái lại: hồi tưởng kỉ niệm đẹp và tình người ấm áp hoặc ném cái nhìn phản biện về nỗi người hiện tại nơi làng quê yêu dấu. Trở lại bản quán, anh “Không hiểu vì sao cả làng bỏ đi đâu”, anh “Men theo đường chân người/ Giờ chỉ thấy những mảnh sành/ Vương vãi trên luống cày…” (“Làng hoang”).

Tôi đi trên nền làng xưa

Cúi nhặt vài mảnh vỡ

Rạn nâu

Lạnh tanh như dạ cụ cố

Đâu rồi làng một thuở…

(Y Phương, “Làng hoang”)

Nơi ấy:

Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt 

Có niềm vui lúa chín tràn trề 

Có tình yêu tan thành tiếng thác

(Y Phương, “Làng hoang”)

Đó là cảm thức cổ điển của người đàn ông làng Hiếu Lễ khi bước vào làng thơ ở thời kì đầu Đổi mới, khác khá nhiều với Dương Thuấn – đứa con Bản Hon – ở giai đoạn cuối thời kì này, mang cảm thức khác: cảm thức hiện đại.

Sang thời hậu Đổi mới, Trần Wũ Khang mang một cảm thức khác nữa: cảm thức hậu hiện đại. Nhà thơ nông dân này quê Núi Xám – Nha Trang, đứa con hai dòng máu Chăm Việt, từ bóng tối đã dũng mãnh bước lên thi đàn, khi văn học mạng đang nở rộ.

Khác với hầu hết nhà thơ dân tộc thiểu số trước đó, Trần Wũ Khang chưa một lần gọi tên làng quê, tên con sông quê hương hay bất kì cái gì khác mang đặc sản Chăm để làm hành trang lên đường. Bước vào thế giới chữ nghĩa, anh đã là công dân toàn cầu. Thử lướt qua tên bài thơ trong tập thơ Quà tặng của quỷ sứ: “Quà tặng của quỷ sứ”, “Cái chết của Dionysos hay bài thơ ăn theo”, “Thằng con hai dòng máu”, “Nỗi niềm phê bình”, “Thơ thiền trung du”, “Những mảnh đời vụn 1”, “Những mảnh đời vụn 2”, rồi “May mắn sinh, may mắn sống”, “Nỗi mơ khôn rời”, và “Đời mơ hồ 1”,… cho đến “Đời mơ hồ 10”.

Đó là tiếng thơ cắt đứt hoàn toàn với thiên nhiên, trời mây, sông nước. Sau Dostoievski, thật khó mà tìm được cảnh thiên nhiên trong văn chương châu Âu, – Albert Camus nói đại khái thế. Thi sĩ mang hai dòng máu Việt Chăm này cũng vậy. Thơ anh là thơ đời, thơ của một cá thể hiện sinh ở plây, là bản thân anh cùng những vấn đề của riêng anh đối đáp với thế giới. Thơ, bằng ngôn từ đời thường, quá đời thường:

Mẹ nó ơi

ông kiêu eeemm

ứng đâu xị đế giùm đi, em

có gì ông nhấp đâu

cô giáo bé út mới biếu cho cặp trứng dzịch

có nhân gì đấy không ông

mình vừa bắt gặp tứ thơ hơi lớn

ông kể nghea đi

lai rai hứng lên rồi kể

ông xeeemm lại chốt chuồng bòa chưa

rồi, mẹ nó ạ

OK!!!

 SƯƯưứƠƠơớng………

(Trần Wũ Khang, “Thơ thiền trung du”)

Ở quê đã vậy, xuống phố lại càng khác. Trần Wũ Khang nhập cuộc thế sự và văn chương đương thời đầy tự tin.

Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu

vào trăn trở của nỗi niềm phê bình

là những giọt nước mắt phim bộ

có lẽ

từ đại hội năm ngoái khóc

sang tập áp cuối

năm nay

(Trần Wũ Khang, “Nỗi niềm phê bình”)

Đó là lối “xuống phố” của Wũ: Mạnh mẽ, tinh nghịch, và phản tỉnh đẫm chất hậu hiện đại. Khác cả vực thẳm với lối “xuống phố” của Bùi Tuyết Mai nhẹ nhàng “mùi hoa sữa”, “bóng chim xanh”, “bóng chú mèo” yểu điệu Lãng mạn của một thời xa lơ lắc.

Ba tiếng thơ, ba cảm thức. Chính những khác biệt ấy làm phong phú thêm tiếng thơ dân tộc thiểu số Việt Nam. Trở lại với Y Phương, đây là một trong ít khuôn mặt sáng nhất trong bầu trời thơ dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại. Anh làm gạch nối nối liền thế hệ đầu tiên: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Vương Trung… với thế hệ tiếp sau đó: Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn…

Trước kia ta là núi

Mơ một ngày biết bay

Thế là thành hòn sỏi

Trước đây ta là sông

Mơ một ngày phát sáng

Thế là thành vầng trăng

Bây giờ ta muốn mình làm củi

Ta là diêm

Cùng chụm môi thổi lửa

Ta đốt đời sỏi nhỏ

Vừa sáng vừa bay

(Y Phương, “Sỏi vừa bay vừa sáng”)

Và người đàn ông làng Hiếu Lễ đã cháy, như thế!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *