Cái TÔI đáng ghét? 38. Những người thầy của tôi

Cái TÔI đáng ghét? 38. Những người thầy của tôi 1

2008-TruongTieuhoc* Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp ngày nay – 2008.

Con số người thầy Cham và Việt dạy tôi ngang nhau, nhưng chính người thầy Cham mới tạo ấn tượng mạnh lên tôi.

Thầy Quảng Đại Hồng hiệu trưởng tôi thuở Tiểu học. Thầy thấp người, da ngâm đen. “Đen đen nhưng mà có duyên”, thầy hay khoe trước chúng tôi thế, có khi khoe ngay ở buổi chào cờ đầu tuần nữa, mới lạ. Thầy Hồng là dân thập cẩm đúng nghĩa: dạy học, dạy hát múa, tự sáng tác ca khúc, làm thơ Cham lẫn Việt, làm phong trào làng xóm tất tần tật. Ông là con người nhiệt tình hiếm có với giáo dục. Không có ông, Chakleng không thể có được trường lớp với thế hệ học sinh ngon lành như đã. Học sinh trường Chakleng đậu Đệ Thất 80-90%, 3 thủ khoa chỉ trong 6 niên khóa. Thời buổi ấy, làm được như vậy là cực khó. Thuở 60, chiều xuống, đường thôn tối mò; 7 giờ là ông bắt đầu đi rong, cuốn sổ với cây bút cầm tay, nhà nào không vang tiếng học bài thì chắc chắn sáng mai học trò đó bị kêu dò bài ngay. Về hưu, ông mất bởi tai nạn, khi đang soạn giáo án bổ túc văn hóa cho trẻ chăn trâu thất học ở quê. Để cọc đèn cạnh bình xăng, lơ ý ông đánh đổ đèn dầu, bình xăng phựt cháy. Tội!

Thầy dạy tôi lớp Nhì tôi là Huỳnh Ngọc Sắng, bút danh Jaya Mrang. Người thấp đậm, dáng lực sĩ.  Giờ ra chơi, ông hay cởi áo trèo lên cây me tây trước cửa lớp, nằm đọc sách. Thơ hay, thì miễn nói; lối kể chuyện của ông mới siêu. Tài kể chuyện của ông khiến tôi phải ghen tị. Ông có thể gây cười, gây khóc, khiến người nghe mê mẩn mà ông cứ tỉnh bơ. Cho nên không lạ, khi chỉ qua một lần hiệu triệu mà ông cuốn được cả ngàn thanh niên Cham bỏ làng lên rừng Nau Ngap Ikan Krwak!

Ông tay sát gái có hạng, nhưng tôi chưa hề nghe ông kể về thành tích này. Ông còn được trời ban cho giọng hát cực kì truyền cảm nữa. Ông tự tin tuyên: hát trên sân khấu có mi-crô thì tao thua Chế Linh chớ, chứ hát chay Chế Linh ngang tao là cùng. Liên quan đến Chế Linh, lúc đó Chế Linh về Chakleng, mọi người túa đi xem muốn đạp đổ hàng rào nhà dì Đựng. Tôi nhớ đó là giấc trưa. Vào lớp, ông Mrang đùa: ban ngày mấy đứa còn nhìn thấy Chế Linh, chớ tối xuống thì đừng hòng. Tin ông, tôi cứ nghĩ Chế Linh có phép, mới mò hỏi, ông kêu: đen thế thì làm gì mà thấy được!

Thời gian ở tù Mỹ Đức, nhiều giai thoại thêu dệt xung quanh nhân vật này. Cái không thể chối là, ở đó tù nhân rất nể phục ông, do tinh thần bất khuất ông, nhất là – thái độ đấu tranh không khoan nhượng với mọi bất công trong trại cải tạo.

Ông chết trong tù. Gia đình chỉ nhận được mảnh giấy báo, ghi rõ số hiệu ngôi mộ, nhưng không ai cho biết nó ở đâu. Chết, ông không hưởng đám thiêu như mỗi sinh linh Cham đáng được, thế thì không thể vào kut để về với ông bà. Ông thành thứ ma Hời, một Ma Hời hiện đại.

Trunghoc Pô-Klong

* Trường Trung học Pô-Klong 1973.

Những người thầy của tôi 2

Lên Trung học đệ Nhất cấp, tôi có Thành Phú Bá và Đàng Năng Quạ.

Thầy Bá người chân phương, cái gì cũng chân phương. Nói, cười, dạy, lối hành xử, chân phương đến cả chữ kí. Ông là người công đầu trong sáng lập Trường An Phước [sau này đổi thành Pô-Klong], sáng lập, lưu trì và làm cho nó phát triển. Vừa sắm vai hiệu trưởng vừa thủ vai người đóng thế – dạy các môn thiếu thầy. Tìm được con người xã hội mà có tâm tính hòa ái như ông Bá phải nói là cực hiếm trong cái xã hội đầy cạnh tranh này. Cái tên Rabbah (cực) vận vào đời ông: cực trong đời thường, cực do bị phân thân giữa hai thái cực quan điểm xã hội, cực do chính ý hướng hòa ái của ông. Thuở ông không việc làm, tôi mời ông vào Sài Gòn giữ chức quản đốc Cty Thổ cẩm. Được ba tháng, ông về. Ông không muốn. không thể rời bỏ quê hương. “Thầy không thích qua Mỹ lắm”, tôi biết ông thật lòng khi tâm sự với tôi thế, nhưng “vì tương lai con cháu”, ông đã chiều. Không biết khi đã theo con qua Mỹ, ông có cắt bỏ được cái cực không. Đi, ông tặng cho tôi cặp xe trâu, nhờ nó mà tôi đóng được chiếc xe trâu Cham nổi tiếng, là một trong ba chiếc còn lại trên… thế giới.

Đàng Năng Quạ thì khác. Cùng với Chế Linh, thầy Quạ có giọng hát mê hoặc hồn người. Nhưng khác Chế, nhạc yêu cầu đến đâu phục vụ đến đó, ông Quạ ngược lại – một bài, và chỉ một. FAN hâm mộ bis tới đâu, ông không là không; họ chạy tới xin chữ kí, ông biến tiêu. Thì làm sao mà nổi tiếng cơ chứ? Đó là thứ giọng không thể bắt chước, đến như Hùng [bạn học chung lớp tôi] cháu ông, cố lắm cũng đạt 75% giọng ông là cùng. Con lớn ông – Đàng Năng Đức thì may ra, nhưng Đức nghề quá nên sức hút kém hẳn ông.

Thầy Quạ không thân mật với tôi, không chơi cả khi 4 năm ròng tôi với ông chung cơ quan Ban Biên soạn sách chữ Chăm ở Phan Rang. Mãi khi ông về hưu, chúng tôi mới hạp nhau, và tìm nhau. Ông sở hữu tủ sách lớn, nhưng hiếm khi cho ai mượn, tôi là trường hợp siêu cá biệt. Về hưu, ông qua Danaw Ji dựng chòi, sống. Tôi lên ông, xách theo bầu rượu, nhấm nháp mấy con rô con câu được, và nhìn ông uống. Tôi giúp ông sưu tầm các ca khúc ông. Sưu tầm, dịch, đóng tập và xin giấy phép. Tính sau đó sẽ làm Đêm nhạc Đàng Năng Quạ rất oách, ở Phan Rang và ở quê ông. Công cuộc bon bon được 95% thì đứt. Đây là phim bộ nhiều tập, tạm chuyển sang chuyện khác.

Ông bệnh nằm liệt giường. Trưa, tôi từ Sài Gòn đến thăm, ông trở dậy nửa nằm nửa ngồi, nắm chặt hai tay tôi, mấp máy môi muốn nói gì đó, nhưng không thể. Vợ ông nói: Trạm tới ông mới chịu ngồi dậy đó. Ông đã quá yếu. Tôi nghĩ người cầu thủ vai tổ chức ấy, nghệ sĩ tài hoa ấy, và con người ngang tàng oanh liệt một thời ấy đang nằm đây, bất động và bất lực trước sự tàn phá của định mệnh.

Tôi nắm chắt tay thầy, rồi xin phép. Hơn tiếng sau, tôi nhận tin nhắn: thầy Quạ đã đi rồi. Lúc đó chúng tôi đang ở rẫy nhà Truyền. Chúng tôi rót li rượu xuống đất, nhờ thần Đất tạm cưu mang thầy. Thế thôi, cũng đủ lãng quên đời!

Yasa-2005

* Lưu Quang Sang – Nguyễn Văn Tỷ – Ysa Cosiem.

Những người thầy của tôi 3

Năm 1970, trường An Phước bị Việt cộng pháo kích lạc đạn, học sinh bị thương, kí túc xá hư hại. Mất an ninh, trường chuyển xuống Phan Rang, đổi tên thành Trường Trung học Pô-Klong. Trường lên Đệ Nhị cấp, vai trò thầy Lưu Quang Sang và Nguyễn Văn Tỷ nổi bật hơn.

Đây là hai trí thức Cham chính hiệu Tây học. Thầy Sang hiệu trưởng hai năm, sau đắc cử Dân biểu vào Sài Gòn làm việc, thầy Tỷ lên thay. Khác với thế hệ trước đó – đấu tranh cho quyền lợi dân tộc, một hai cự lại chính quyền Ywơn, hai ông linh hoạt hơn, tính toán khôn ngoan hơn.

Thầy Sang không trực tiếp dạy tôi chữ nào cả, nhưng tôi học ở ông không phải là ít. Học tập cải tạo, ra tù, làm nông dân, rồi làm công dân Hoa Kì theo diện HO. Đi, mang theo cả đại gia đình, ông Sang luôn luôn ngoảnh lại quê nhà với những đóng góp tích cực và đầy hiệu quả. Ý kiến, vật chất lẫn tinh thần.

Ông Sang là con người đầy tự trọng; nhưng tự trọng tới đâu, những cuộc đấu đá tận đẩu đâu miểng vẫn có thể văng tới ông, khiến ông không ít lần bị xúc phạm. Ông là người hoạt động xã hội khôn ngoan, nhưng dẫu khôn ngoan tới đâu, đụng phải đầu óc quá khích ngoan cố, ông vẫn bất lực. Buồn. Hoạt bát, hào hoa và phong nhã, đó là ấn tượng đậm lưa lại nơi những người gặp ông Sang, ở lần đầu tiên và cả lần cuối cùng.

Thầy Tỷ thì khác: thẳng tưng, sẵn sàng làm mất lòng. Ở lại quê nhà, ông dấn mình vào mọi lĩnh vực xã hội Cham nhiều biến động. Từ vai Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú đến Trưởng ban Biên soạn Sách chữ Chăm sang tận hưu. Hưu, ông vẫn giữ lửa. Nhập cuộc đặc san Tagalau ngay buổi đầu, đến tận hôm nay, không ngơi nghỉ. Can thiệp vào vấn đề đấu tố mang tính chính trị ở địa phương, đấu tranh trong sự cố Kiều Minh Vũ, xông pha vào “chiến trường Akhar thrah”, cuối cùng mới nhất là vụ Ghur Bà-ni, ông luôn đứng đầu sóng ngọn gió.

Ngoài vụ Dự án Điện Hạt nhân, còn lại ông luôn sát cánh tôi ở mọi công cuộc; bù lại, ngoài “chiến trường Akhar thrah”, tôi luôn ủng hộ ông về mọi vấn đề liên quan đến đấu tranh cho công bằng xã hội. Một trí thức tuổi 82 vẫn giữ được ngọn lửa trong tim và dám thể hiện ra như ông Tỷ, là điều cực hiếm.

 

Tôi may mắn được làm học trò của những bậc thầy như thế. Tôi không học ở quý thầy kiến thức, có – nhưng rất ít, mà ở nhân cách con người, ở thái độ sống. Năm 1985: ông Mrang mất, 6 năm sau ông Hồng mất. Ông Quạ mất năm 2007. Thầy Sang rồi thầy Bá qua Mỹ. Tôi còn mỗi thầy Tỷ ở lại. Có cô đơn không?

 

One thought on “Cái TÔI đáng ghét? 38. Những người thầy của tôi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *