Bản thảo bạn văn gửi tới, và gợi ý – hứng, có tứ và nhất là tình thân, tôi mới viết, không thì miễn. Mà hội cho đủ ba món kia cùng lúc là hiếm, thế nên tôi ít khi viết tựa hay giới thiệu. Không ai viết lời giới thiệu để nhận… nhuận bút. Có, chỉ là quà, mà quà thì không được lớn. Có dại mới chê tiền.
30 năm, dường tôi “viết cho” chưa tới 20 tựa.
Kể vài tai nạn đầy kỉ niệm, giải trí.
Về VĂN XUÔI
[1] Năm 1993, còn vô danh tiểu tốt, thầy Thế ở Đại học giới thiệu tôi viết tựa cho tập tản văn một chị người Phan Thiết không quen. Là lần đầu tiên. Chị đánh xe đón tôi cơm trưa tại một nhà hàng [với tôi khi ấy] khá sang trọng. Về trường, tôi viết. Rồi không nhớ mình đã viết cái gì nữa.
[2] Năm 1998, viết tựa cho tiểu thuyết một bạn văn duy nhất ở Sài Gòn khi ấy, sách ra, chả thấy đâu “lời giới thiệu”. Bạn kêu, nhà xuất bản không chịu. Sau tôi mới biết, chính bạn bỏ ra, bởi ở đó chả có một lời khen gọi là để PR sách.
[3] Năm 2011, qua quen biết chị vợ phụ trách trang báo nơi tôi cộng tác, tôi viết tựa cho anh chồng về cuốn sách liên quan đến lịch sử Cham. Sách ra lò, tựa biến hết chỉ còn 5 dòng vỏn vẹn in đậm ở bìa 4. Và tôi bị nạn!
Về THƠ
Đã in 7 tập thơ, tôi cô độc bơi, chớ không có ai hay cho ai cầm tay em đi vào cả. Thơ là phải nhẹ, tựa hay bạt chỉ tổ thêm rườm với tốn tiền in. Bạn thơ, thân lắm tôi mới cho… tựa, chỉ 1 lần. Nguyên Vi được hai lần là cá biệt.
[1] Tựa cho một bạn thơ nữ nhân viên Nhà xuất bản, lời giới thiệu ngắn như không thể ngắn hơn, thế mà cô nàng cho cỡ chữ to chiếm mất 2 trang sách!
[2] Một bạn thơ trẻ Cham phản ứng kiểu khác: Vẫn in ở đầu sách, sau đó kêu Inrasara thiếu công tâm, đơn giản bởi chả thấy khen cho một tiếng, trong khi tôi ca bao nhiêu là thơ trẻ ngoài kia!
[3] Cũng vì thiếu tụng ca, mà tựa cho tập thơ đầu tay một bạn nữ, bị cho ra rìa. Tập thơ ra đời, đọc được 2 tựa khác với bao lời tán tụng, tôi mới biết thân biết phận.
[4] Một anh cũng hệt luôn, anh nhờ nữ quen mang bản thảo qua cho tôi “tựa”, đính kẻm “có quà đó anh Sara nhé”. Chữ gửi đi, quà chuyển về, còn tựa thì biến đâu chả thấy.
Và nhiều nữa, hơn một nửa “tựa” của tôi chịu thân phận đó.
Người ta tựa là để nâng nhau, tôi chơi cá biệt: Viết theo thể điệu bứt dây động rừng, để người đọc lần theo đó mà đi vào tác phẩm “lớn” kia. Trong khi nhà thơ khoái được khen, khen sai cũng khoái luôn. Thế mới nói mời giới thiệu là “mang phiền tặng nhau” chả sai.
Có được bài học, tôi nói: Hay bạn cứ in đi, sách ra nếu hứng, mình sẽ tán nhau, nhé.
+++
Giải trí buồn. MANG PHIỀN TẶNG NHAU
“Mang phiền tặng nhau” – cụm từ rất quái của Dị nhân Thy sỹ Bùi Giáng trong bài “Giai nhân viếng chùa” (Bài ca quần đảo, 1973).
Mỗi năm bánh trái lên chùa
Bốn lành mỗi tháng một mùa mỗi năm
Mỗi ăn uống mỗi ăn nằm
Mỗi tơ uống tuyết mỗi tằm ăn dâu
Thu hằng mỗi giết mộng đầu
Mỗi trang thành lệ mùa ngâu chùa chiền
Thập thành lài gốn thiên tiên
Thần than thở đất mang phiền tặng nhau
Riêng tháng 8 này, có đến ba văn nhân “mang phiền tặng” tôi.
Chuyện như vầy:
Tôi là người yêu sách, và rất chịu tìm mua sách. Dành cả năm cày thuê mua sách, hay cuốc bộ ra tận Huế tìm bộ Kinh Phật… là chuyện đã kể.
Lớp Đệ Tứ – Pô-Klong, tôi đã đặt mua tạp chí Văn học… từ Sài Gòn, cho đến ngày giải phóng. Nhà văn, tôi đặt dài kì tạp chí Văn học Nước ngoài, khi tạp chí đình bản, Hội còn mắc nợ tôi chưa trả lại tiền.
Vào Sài Gòn làm việc, mỗi chiều Chủ nhật tôi hay lang thang hiệu sách cũ hay vỉa hè, sưu tầm sách. Năm 2015 ra Hà Nội, rủ bạn ra đường sách lậu tìm sách, bạn văn ngạc nhiên: Ủa, như anh mà còn mua sách à? Ý bạn, tầm như Inrasara thì phải được tặng chớ.
Tặng, có – nhiều nữa là khác, dẫu sao, mua thích hơn. Tôi mua sách cho đến tuổi lục thập, mới thôi.
Quý nhau tặng sách là tốt. Tôi đọc, thích thì giữ lại, hứng lên còn viết giới thiệu. Phiền cái là, vài món quà tới nơi tôi trả phí gửi. Chả phải tiếc tiền, mà nó… kì. Tôi có yêu cầu đâu!
Cũng chuyện chữ nghĩa, ở đây người mang phiền tặng kiểu khác. Gửi bản thảo tới tôi đọc, là tốt. Kêu “nhà thơ lớn tán cho vài dòng” cũng không sao. Lắm lúc tôi còn viết rất ngon lành nữa. Phiền nỗi là khoản… tiền.
Bạn chuyển khoản tới 5triệu, “được Sara đọc là quý rồi”! Lẽ nào “thối” lại, thế là tôi rút kinh nghiệm, nói trước luôn, vài gói trà bắc gọi là thôi. Vậy mà cũng có người bì thư đến 2triệu. Ừa, cũng được, dẫu sao tôi chả phải cán bộ để ăn lương hưu – tội nghiệp!
P.S. Một cái “tựa” = 1triệu, lí tình cân phân hơn, có lẽ.