Chuyện văn chuyện đời-06. NỖI CŨ NHAI LẠI, THÌ THÔI

[“Giã từ cõi mộng điêu linh…” – Bùi Giáng]

Bàn tròn Văn chương tôi chủ trì, dù là hoạt động ngoại vi của Hội Nhà văn Việt Nam, được nhà văn Lê Văn Thảo phó Chủ tịch và Phan Thị Vàng Anh Ủy viên BCH khen rất hay và chuyên nghiệp, không hao tốn tiền nhân dân, nhưng anh Hữu Thỉnh không thích lắm.

Ở các Đại học, buổi nói chuyện của tôi luôn bị coi là có vấn đề, Ban tổ chức không ít lần phải giải trình, Đại học Đồng Tháp thuở đi cùng nhà văn Dạ Ngân, là một. Không phải bây giờ, mà từ chủ trì Cà phê thứ Bảy Văn học, nhạc sĩ Dương Thụ cũng hay được mời như thế.

Mà tôi có làm gì to tát cho cam: Chuyên môn và chỉ chuyên môn, luôn khai phá cái mới, hấp dẫn và nhất là: RẤT HIỀN LÀNH!

Ở những buổi thuyết cuối cùng trước khi rời diễn đàn Sài Gòn, Giáo sư triết ở Đại học Hoa Kỳ cho tiểu luận của tôi: “hay và quá sâu!”, nhà thơ và lý thuyết về thơ hải ngoại: “ngoài tài hùng biện, anh còn có những hiểu biết rộng về mọi mặt”, nhà thơ trong nước: “Sara nói chuyện quá hay, cảm ơn sự uyên bác của nhà thơ tài hoa”, vân vân.

Bao nhiêu năm tháng luyện công, rồi để gió cuốn đi! “Công trình kể xiết mấy mươi…”. Thế nên, bị phân biệt đối xử kiểu ấy, tôi hết hứng thú đi “truyền Đạo Thơ”. 15 năm rồi là gì.

Sau tút này, tôi hạn chế facebook. Xin lỗi các bạn, mỗi sáng mỗi chờ đọc Sara, dẫu sao tôi không bỏ hẳn, mà gia giảm cường độ.

[Chuyện vui, hổi năm 2015, loạt bài “Hồ sơ Biên bản so sánh” đăng Vanviet, nhà phê bình lão thành ở Hà Nội kể, mỗi sáng chúng tôi chờ đọc phê bình của Sara: mới mẻ, bất ngờ, thú vị. Sau 19 bài, anh Đạm trở nặng, tôi tếch về quê, rồi mất hứng luôn. Thế thôi mà giật Giải Phê bình đầu tiên của Vanviet!] 

Trước khi tạm biệt, cảnh báo các bạn văn trẻ vài ý.

Các nhà ta diễn, luôn mấy nỗi cũ nhai lại, làm vẩn đục khí quyển văn học. Kiểu như: Nhà thơ trẻ thiếu trải nghiệm, chạy theo phương Tây, trào lưu không làm nên giá trị, chỉ là các thử nghiệm, rồi thơ trẻ thế này thế nọ, vân vân. Người trước phát âm, người sau không cần nghĩ, cứ thế lặp lại.

Tội, nói đâu sai đó. Tạm gạch đầu dòng nhẹ như sau:

– “Nhà thơ trẻ thiếu trải nghiệm”. Ta còn chưa hỏi thế nào là trải nghiệm, và trải nghiệm cái gì. Bạn 70 tuổi, hỏi có trải nghiệm bằng Rimbaud, vậy mà chàng thi sĩ này làm nên cuộc cách mạng thi ca thế giới, không chỉ thuần văn chương mà cả tư tưởng nghệ thuật, để hôm nay chúng ta còn phải học!

– “Chạy theo phương Tây”, làm như thế hệ Thơ Mới chưa từng chạy theo sau thơ Pháp đến 80 năm, vậy mà chính thế hệ ấy đã làm nên “một thời đại mới trong thi ca Việt”.

– “Trào lưu không làm nên giá trị”, chớ Thơ Mới ta kêu là gì, chả phải phong trào sao? Trào lưu văn học làm sôi động văn đàn, như Thơ Mới tạo nên bút chiến Cũ Mới, qua đó các tác giả ưu tú làm nên giá trị. Đối sánh với phong trào Siêu thực bên Tây càng rõ!

– Ta phê “thơ trẻ thế này thế nọ”, trong khi ta chưa đọc nhiều dân tộc, vùng miền, khu vực với rất nhiều khuôn mặt xa lạ, từ giấy đến mạng, trong đến ngoài.

– “Chỉ là các thử nghiệm”, món này mới kinh. Xin trích Inrasara, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say-2014, ở đây tôi phán bác một nhà phê bình:

“Nghệ thuật là quá trình thử nghiệm, tập liên tục. Hàn Mặc Tử chuyển từ cổ điển (Thơ Đường luật) sang lãng mạn (Gái quê) qua tượng trưng và [một phần] siêu thực (Thơ điên, Thượng thanh khí…) chỉ trong thời gian ngắn. Hàn Mặc Tử như một Picasso trong hội họa. Liên tục tìm tòi, chinh phục và chối bỏ thành tựu của chính mình, để còn tìm tòi, thử nghiệm và chinh phục nữa.

Cézanne trong mĩ thuật là tên tuổi lớn, lớn và dũng cảm. Sau thành công theo ấn tượng thời kì đầu, không hài lòng với lối thể hiện của hệ mĩ học này, ông thách thức chính không gian của các nhà ấn tượng và chuyển hẳn sang trường tân ấn tượng. Để tạo nên bước chuyển đó, ông phải “tập” – rất nhiều. Núi Sainte-Victoire được vẽ đi vẽ lại nhiều lần từ năm 1885 đến 1906 là những bài “tập”, thử nghiệm bất hủ. Nếu Cézanne cứ vẽ “theo” ấn tượng đi, không chịu “tập”, thì làm gì ông “đã khai mào cho một cuộc cách mạng về hình thể dẫn tới nghệ thuật hiện đại”(9).

Không học, không tập, không tìm tòi, thử nghiệm hỏi thơ Việt sẽ đi về đâu? Giậm chân tại chỗ là cái chắc.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *