Không biết mà nói, lại nói to!
Website của Hội Nhà văn Việt Nam vừa đăng danh sách hội đồng chuyên môn, đã nhận ngay phản ứng.
“Theo nhà thơ Trần Chấn Uy, danh sách Hội đồng thơ chưa thỏa đáng, bởi tính đại diện cho các phong cách thơ không đầy đủ: “Hội đồng thơ hiện nay bị thiên lệch về một phong cách, gọi là hậu hiện đại. Những tác giả chỉ đại diện cho một phong cách thơ chiếm lượng lớn” (báo Tiền phong, 7-3-2021).
Mèng!
Hội đồng thơ 9 mạng, có mỗi ông Inrasara là hậu hiện đại, chớ “thiên lệch về một phong cách gọi là hậu hiện đại” hồi nào đâu. Ngay cả Inrasara, ổng cũng chỉ hậu hiện đại từ khi Văn chương mạng ra đời vào đầu thế kỉ XXI. Từ đó ổng hậu hiện đại và giải trung tâm toàn triệt, từ thơ đến phê bình, từ viết cho đến đăng…
Vụ ham nói này nói lên điều gì?
Thứ nhất, hoàn toàn thiếu cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển thơ Việt đương đại, càng không biết cụ thể về 9 nhà nằm trong cái hội đồng kia viết cái gì. Bởi ở trỏng có kẻ hiện đại, không ít người còn nằm nơi chân trời tiền hiện đại.
Thứ hai, không hiểu lí thuyết hậu hiện đại, nên không nhìn ra đâu là đâu, cứ viết bừa may nhờ rủi chịu.
Căn bệnh “không biết, nói cứ nói” trong văn giới Việt Nam phát tiết từ lâu, và còn nguy cơ kéo dài, nếu mỗi nhà văn ta không tự thức mà chữa trị. Còn không, nó cần đến thầy thuốc thiện nghệ góp một tay vào giúp mới hi vọng triệt tận căn.
“Không biết, nói cứ nói”, nỗi đồng hóa Tân hình thức với Hậu hiện đại là một.
Có không ít nhà còn hô Tân hình thức là phong trào nghệ thuật nữa, mới chết.
Như 15 năm trước, vụ hai nhà thơ NNN-HPQ phỏng vấn nhau kêu “phong trào nghệ thuật Tân hình thức bị phương Tây ném vào sọt rác từ khuya” đăng Vanchuongviet, tôi mới bốc thang thuốc, rằng Tân hình thức là phong trào thơ, không dính líu đến các nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc với chứng cứ rõ ràng, hai bệnh nhân này mới khỏi. Còn sau đó nó có lộ ra, bung ra ở bộ phận nào khác của cơ thể bệnh hoạn kia không, chả biết.