Thế nào là đắc đạo Cham?-3. ARIYA GLƠNG ANAK GIẢI SÂN HẬN

Tại sao các thế hệ trí thức Cham luôn xem Ariya Glơng Anak – một thi phẩm rất mỏng, là tác phẩm lớn nhất, quan trọng nhất?

Cham tiếp nhận và hiểu thông điệp Ariya Glơng Anak thế nào?

… Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”.

Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”.

Cham không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi.

Nếu bác khả năng giảng giảilaang yah’, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak.

Khi tâm hồn bác còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bác còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bác chưa hiểu tinh thần Glơng Anak.

Khi bác chưa mở lòng ppalai tung tian với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bác chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.

Glơng Anak gợi mở nhiều diễn ngôn. Ông bà từng cho Glơng Anak được viết để đoán trước chuyện cũ hay cuộc hôm nay. Và họ nghĩ: Nó rất ứng! Sinh thời Thiên Sanh Cảnh và mãi tận bây giờ, vẫn cứ thế.

Cham diễn giải và suy luận triết lí Glơng Anak, giở Glơng Anak để đoán thời thế, mang Glơng Anak Pauh Catwai ra răn dạy và cả hù dọa con cháu.

Khi xếp Ariya Glơng Anak vào dòng “Thơ thế sự” trong Văn học Cham – khái luận, tôi đã bàn về thi phẩm này trong chiều hướng triết lí thế sự. Nhưng tôi vẫn chấp nhận lối hiểu khác. Hiểu và chấp nhận lối hiểu khác mình.

Ngày mai, có thể dân tộc Cham tan rã như đất nước đã từng rã tan hai thế kỉ trước đó. Cham lần nữa phiêu giạt, xa và mỏng hơn, chìm khuất giữa những dân tộc xa lạ, nền văn hóa khác lạ. Nhưng khi ta còn mang trong tâm khảm thông điệp Glơng Anak, Pauh Catwai, và nhất là khi tinh thần damnưy Cam vẫn hiện hữu nơi thẳm sâu tâm hồn ta, ta vẫn cứ là Cham. Độc đáo và độc nhất. Làm phong phú và đa dạng văn hóa và tinh thần cộng đồng bản địa nơi ta tạm trú!

(Hàng mã kí ức-2011) 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *