Tư duy mở-2. GIẢI SÂN HẬN

Cham không căm thù. Thù đậm, thù dai, thù truyền đời càng không. Giận thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù – không. Lịch sử văn chương Cham không có dấu vết căm thù. Thế tại sao Ariya Glang Anak, tác phẩm đậm tính nhân văn, chữ janük: hận, mưbai: thù, janük mưbai: hận thù…có mặt dày đặc?

Ariya Glang Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo. Nhà văn lớn không sợ sự thật, không né tránh, không ngại phân tích và đẩy nó tới cùng – là vậy.

Bởi, sau mưbai, janük, janük mưbai, là hanim: phúc, lành, thiện, hay hanim ayuh: phúc thọ, hoặc hanim phôl: thiện lành lặp đi lặp lại. Không phải như một đối kháng nhị nguyên mà, để khai thông con đường.

Làm sao có thể giải thoát khỏi tâm sân hận? Bằng sự hiểu biết. Ở giai đoạn bi đát nhất của lịch sử dân tộc, khi đổ vỡ và đau thương dâng tràn khắp xung quanh, tác giả Glang Anak dạy con người…

Không oán trách, mà yêu thương;

Phản ứng, không nóng vội;

Nghe, không nghe lời quanh quéo;

Nói, bằng tâm chân thành;

Làm, dành thiện cảm sâu xa với thân phận yếu hèn nhất.

Đó là một thông điệp. Văn chương cứu chuộc tâm hồn con người. Suốt 200 năm, ở thời điểm túng quẫn, Cham tìm đến Ariya Glang Anak, tụng đọc từ câu đầu tiên cho đến dòng cuối cùng:

Janük hanim thei ngak piơh tabang

Dađaup jhāk ra glang, mưta bbôh di mưta.

Thiện ác người đặt ra để dò lòng

Kín đáo xấu xa cho người đời soi vào, mắt thấy tận mắt.

Để sau những khóc cười cùng Glang Anak, tất cả hiểu rằng sự sự vừa đủ cho một cái cười lớn. Cười thật to rồi cho qua. Dôm bloh dôm kadōk: Bao nhiêu đã xong là bấy nhiêu thì thôi, như ông bà Cham nói.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *