Trà Chay Pyang: Thông điệp tác giả Ariya Glơng Anak qua diễn ngôn của Inrasara

Một kiệt tác luôn ra đời trong nỗi cô đơn không cùng của tác giả đẻ ra nó, nhất là khi tác phẩm được sáng tạo trong một hoàn cảnh đặc thù như Ariya Glơng Anak. Nó không thuần túy là một tác phẩm văn chương nữa, mà trở thành một thông điệp. Một thông điệp trong hành trình nhọc nhằn đi tìm người đọc.

Lần đầu tiên trong cuộc đời bèo giạt của mình, tôi biết đến Ariya Glơng Anak qua giới thiệu của nhà thơ Inrasara trong tác phẩm rất giá trị: Văn học Chăm khái luận, rồi được đọc bản dịch và nguyên tác cũng của nhà thơ này (Văn học Chăm – trường ca) một năm sau đó. Tôi bị chinh phục hoàn toàn, và chìm trong nỗi buồn mênh mông, bất tận. Tổ tiên tôi đấy ư? Định mệnh dân tộc tôi là thế đó ư?

Glơng anak linhaiy likuk jang o hu

Bhian drap ngap ralo piơh hapak khing ka thraung

Panrang, Kraung, Parik, Pajai halei gilaung

Kiem pasei khing ka raung, kacwơc tabiak jiơng darah

Nhìn trước ngó sau biết ai người

Của cải làm ra nhiều, cất nơi đâu cho ổn

Bốn vùng: đâu là lối thoát

Ta đã có quyết tâm, và ta đành chuốc lấy thất bại

Cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc được thu lại trong bốn câu thơ: Vương quốc rộng lớn xưa kia bị co lại trong bốn vùng nhỏ hẹp, đường sinh mệnh dân tộc không có lối đi, các cuộc chiến đấu để cứu vãn danh dự, nỗi thất bại cay đắng, tấm lòng thiện chí mất đất đứng, và cuối cùng là nỗi cô đơn của người trí thức”. (Văn học Chăm khái luận, tr. 207). Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, một nhà thơ dân tộc Chăm hôm nay viết về một nhà thơ dân tộc hôm qua.

Đây là thực trạng xã hội Chăm gần hai thế kỉ trước. Bốn vùng bị xâm chiếm, tất cả lối thoát đã bị bao vây, tác giả Ariya Glơng Anak cô đơn giữa bóng tối thời cuộc, càng cô đơn hơn nữa giữa đại dương bao la:

Dauk sa drei sa nưgar di krưh hanrai

Di krưh tathik cwah jai halei nưgar drei sathuw

Ngồi một mình một cõi giữa cù lao

Giữa biển cả cát bồi, đâu là xứ sở ta?!

Cô đơn, cô đơn và cô đơn,… Trong bài viết ngắn xuất thần của mình về Ariya Glơng Anak, Inrasara đã lập đi lập lại hơn mười lần từ này. Có lẽ tác giả Ariya Glơng Anak đã viết tác phẩm đó ngay trên cồn cát giữa cù lao, viết sau khi bị truy đuổi khỏi đất nước, viết vội vã trong sự bốc cháy của vô thức dân tộc và ý thức lịch sử, viết như đang lên đồng, viết như cả dân tộc hối thúc ông viết, viết như là một nỗi trối trăng, như sau này Inrasara thể hiện cô đọng qua một đoạn thơ:

Glơng Anak, Pauh Catwai phải vội vã

Nên viết đã rất ngắn

Như thể trối trăng

(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư)

“Hãy tưởng tượng có lần bạn đi xuống bờ biển, và nơi đó giữa những rác rưởi, rong và gỗ mục, những chiếc lon móp méo và những con cá chết, bạn tìm thấy một cái chai xa lạ từ một thời nào đó. Bạn mang nó về nhà và khám phá trong chai có chứa một thông điệp…”. Edward Hirsch viết như thế trong Message in a Bottle. Lạ lắm! Nhà thơ này viết tiếp: “Thông điệp trong cái chai lại là một bài thơ và, do đó, là một dạng thông tri đặc biệt”

Tôi nghĩ, Ariya Glơng Anak cũng trôi giạt về đất liền từ giữa đại dương. Có thể bằng cái chai hay cái gì khác. Có thể tác giả của tập thơ cùng lặn lội trở về với nó, để rồi cùng chịu hy sinh với hàng ngàn hàng vạn con người vô danh khác. Nhưng đó không phải là điều để bàn ở đây. Chỉ biết rằng tác phẩm Ariya Glơng Anak đã có mặt ở đất liền. Có mặt cùng nỗi khốn cùng của dân tộc. Nói như Hirsch: như một bức thông điệp, “nó đã lên đường trong im lặng”, và chờ đợi “người nhận bí mật” của nó. Nó kiên nhẫn chờ đợi trong thời gian dài: trong Chiet sách của những gia đình Chăm, được giấu dưới hang đá giữa rừng, bị chôn lấp trong cát,… nó vẫn câm lặng và khiêm tốn chờ đợi.

Cho đến khi các bác nông dân Chăm đang tản mác tai khắp đất nước tìm thấy và đọc nó sau những buổi cày hay trước một lễ hội nghèo; hay Thiên Sanh Cảnh say sưa dịch trong Panrang, hoặc Inrasara đánh thức nó dậy giữa đống bụi phủ của thời gian; hay như một tôi hèn kém luân lạc đất Quảng xa xôi bất ngờ có nó trong tay. Rồi có thể rất nhiều người Chăm nữa ở tận trời Mỹ, trời Tây xa tít tắp. Thật là đại hạnh!

Inrasara viết: “Liên tục trong nhiều thế hệ, các hậu duệ của Người đã đón nhận một cách trang trọng bức thông điệp này.” (Sđd, tr. 215)

*

Đâu là ý nghĩa của bức thông điệp?

Đại đa số người Chăm hôm nay nghĩ nó là lời tiên đoán, tiên tri thời cuộc, định mệnh hiện tại và tương lai của dân tộc của cổ nhân đến với các thế hệ Chăm. Tôi nhớ có lần sau Giải phóng, đi cùng đoàn học giả tiếp cận Trung tâm Văn hóa Chàm, nghe Thiên Sanh Cảnh lí giải câu thơ: “kavei angan bhum kavei” là “nước Hồ (Chí Minh) trở về cho Hồ (Chí Minh)”, tôi khá bất ngờ! Có thể nhiều người Chăm, như tôi, không đồng ý với ông về điểm ấy nhưng họ cùng chung ý nghĩ: đó là tập thơ sấm truyền, rất ứng với hoàn cảnh Chăm ngày nay. Và họ đón đọc nó với một sự kính cẩn đặc biệt.

Sau đó, dù không bác bỏ ý kiến của người cùng thời hay của quần chúng độc giả Chăm nói chung, nhưng Inrasara đã nghĩ khác. Anh viết: “giống như các thi phẩm thuộc dòng thơ thế sự khác, Ariya Glơng Anak cũng có những câu mang dáng vẻ sấm kí, nhưng ở đây tính thời sự và tính tâm lí lại lấn lướt hẳn” (Sđd, tr. 206). May mắn, tôi cũng đã hiểu như anh.

Còn đâu là ý nghĩa tối hậu của bức thông điệp cụ thể? Không ai có thể khai mở tất cả bí ẩn của tuyệt tác văn chương. Một lần nữa tôi lại đồng ý với nhà thơ Inrasara: “đây là một tác phẩm xuất sắc mà ý nghĩa cuối cùng không bao giờ được quyết toán” (Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tr. 250). Hãy để những “người nhận bí mật” khám phá lấy ý nghĩa và rút ra bài học cho riêng mình. Để hành xử đúng với thời cuộc và nhân quần mà không bội phản dân tộc, tổ tiên.

E. Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”. Wallace Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Theo tôi, người đọc Chăm còn hơn thế, chúng ta đọc bức thông điệp này của cổ nhân với cả tâm hồn, để có thể bị trả giá bằng sinh mệnh chứ không bằng đôi mắt cận thị của nhà nghiên cứu thuần túy!

*

Lần đầu tiên tôi đọc Ariya Glơng Anak dưới ánh đèn cày leo lét; hôm nay, dù quê tôi đã có điện, tôi vẫn thích đọc thi phẩm của tổ tiên dưới ánh nến hay đèn cày. Tôi không nghĩ mình sẽ là học giả nổi tiếng, mà đơn thuần là qua ánh đèn leo lét kia tôi mới tiếp nhận đầy đủ ý nghĩa của bức thông điệp mà ông Glơng Anak đã gởi về cho thế hệ chúng tôi, nghe được giọng nói của Người, tâm sự những yếu mềm của mình với Người, được Người vỗ về an ủi nhưng bao giờ cũng nghiêm khắc răn dạy: con phải sống, dù trong bóng đêm tối mù, vẫn còn niềm hy vọng được thắp sáng trong mỗi tâm hồn con dân Chăm, chỉ bằng những con chữ K, Kh, Gh,… đơn sơ, đầm ấm. Con phải sống!

Cám ơn tiền nhân Glơng Anak, cám ơn hàng ngàn hàng vạn đứa con Chăm đã đọc Ariya này trước và sau tôi, những độc giả vô danh đã truyền hơi thở cho Ariya Glơng Anak sống. Cám ơn ông Thiên Sanh Cảnh, cám ơn nhà thơ của dân tộc Inrasara đã môi giới cho tôi đến với ngôn ngữ Chăm, đến với cộng đồng Chăm đau khổ mà nhân ái, và nhất là đến với – Ariya Glơng Anak.

Bất cứ bạn ở đâu, bất cứ bạn đang chìm trong nỗi cô đơn hay đau khổ nào, Ariya Glơng Anak luôn có mặt và… chờ đợi.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *