“Thơ con cóc” là bài thơ dở, dở đến nỗi người ta biến nó thành một tính từ chỉ định loài thơ dở tệ. Đồ thơ con cóc, – đại bộ phận người Việt nghĩ thế. Nguyễn Hưng Quốc thì khác. Anh vận dụng lí lẽ, lập luận, ngôn từ để chứng minh rằng đó là một bài thơ… hay.
Và chúng ta thấy nó hay thật, cái hay đầy lí trí!
- Tôi cũng thấy “Thơ con cóc” là bài thơ hay, nhưng hay kiểu khác: Một bài thơ Thiền độc đáo. Thử đọc lại nó, thật chậm. Từng câu một. Và liên tưởng…
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Hãy để tâm ta vắng bặt lí lẽ, lí luận và ngôn từ. Bao lo toan thường nhật chết đi, thế giới chết đi, chỉ có con cóc có mặt. Ở khoảnh khắc đó. Trong không gian đó. Đó chính là tịnh tâm, là khoảng rỗng của Thiền.
- Và thử đọc lại “Bông Thược Dược” của Quách Thoại:
Đứng im bên hàng dậu
Em nở nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Ta lắng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
___________________
Trong sát-na bắt gặp ánh sáng Thiền, thật bất ngờ, thi sĩ đã nhìn và thấy. Cái thấy toàn triệt. Một đóa hoa. Ông lặng nhìn, và thấy, và nghe hoa hát. Tiếng hát không lời. Như thể tâm hồn ông đang hát.
Ông thấy vũ trụ, cuộc sống, đóa hoa mầu nhiệm. Mầu nhiệm cả định mệnh đau khổ ông. Ông sụp lạy tạ ơn. Tất cả!
Không mảy may gắng gượng, không tì vết can thiệp của lí trí. Chỉ có ánh sáng trí huệ tràn trào qua giản đơn của ngôn ngữ thi ca mà thi sĩ mệnh yểu này gửi lại cho đời.
- Là một đồng thanh đồng khí với một bài thơ haicu của Basho:
Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
cành Nazuna.
- Hoặc ở tầm rộng và thẳm sâu hơn, một phát ngôn tôi không nhớ của ai, tạm sắp đặt thành thơ như sau:
Chúng ta đến
Chúng ta đi
Và chúng ta bị quên lãng.
- Và đọc lại “Thơ con cóc”, thật chậm:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Ai cơ sơ duyên, sẽ đạt tới cảnh giới thiền, là điều khó tránh.