NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU 08

08. Buôn bán & 4 nguyên tắc-01. KHÔNG NÓI DỐI

12 năm lăn lộn thương trường: 1990-2002, tôi rút ra mấy nguyên tắc buôn bán cho mình. Cũng cần được viết ra ở đây, biết đâu chúng giúp sinh linh Cham nào đó bài học.
Nguyên tắc thứ 1. Tuyệt đối không tham lam và nhất là không nói DỐI.
“Không biết nói dối không buôn bán được, cứ giữ thật thà không ra ngoài được” – thói thường nghĩ thế. Tôi thì khác. Buôn bán, tuyệt đối không nói dối khách hàng. Bán tạp hóa cho bà con Cham không dối đã đành, bán thổ cẩm cho người ngoài thì càng không.

NÓI DỐI LÀ TỰ HẠI.
Chuyện kể một anh Pabblāp bán thuốc nam dạo, tình cờ “phát hiện” một đất mới, quyết chém đẹp, rồi dzọt. Tháng sau anh đồng hương đồng nghiệp quẩy giỏ thuốc ghé qua xã kia, vừa đặt gánh xuống đã bị chưởi cho một trận tơi bời hoa lá. Anh này bị oan, nhưng không cách nào thanh minh, bởi “cũng là Chàm cả” – đành cúi đầu lỉnh đi, không một lần ngoái lại.
Đó là lừa dối đích thị!
Vụ này không lừa mà thành dối. Một chị Chakleng được mời đại diện thổ cẩm Cham dự triển lãm Hàng Việt Nam chất lượng cao. Là Thổ cẩm Cham, mà tại đó chị bày cả hàng Thái, Mông, Lào… Khách mua, trăm người thì có đến 4-5 người biết. Biết, bái bai, và rỉ tai chỉ chỏ nhau. Sau đó nhà tổ chức cũng chia tay vị đại diện này luôn.
Chuyện bà xã tôi, dù nhẹ hơn, vẫn là cùng hệ. Khách đặt giỏ, bả kêu 40.000đ/ chiếc. Khách bảo bớt, bả nói: Chị cho em lãi 1.000đ đi, giá vốn đã là 39.000 rồi. Khách nằn nì quá, chị bớt: 500đ. – “Dẫu sao chị cũng cho em 500 đồng ăn cháo chớ”.
Chờ hai bên trao đi đổi lại một hồi qua điện thoại, xong xuôi, tôi nói: – Mắc mớ gì em phải dối cơ chứ, trong khi anh biết vốn em chỉ 32.000 đồng? Nàng bảo: – Không làm vậy thì không được. – Sao em không nói thẳng giá cố định đi, chẳng phải hay hơn sao? Em dối họ, và DỐI trước mặt anh và con, là sao?
Dối nhẹ, cũng là dối.

Dối, để khi đối tác biết, thì phải mất công thanh minh. Nặng thì mất khách, trầm trọng thì bị đòn. Vậy tại sao phải cbõ công nghĩ trò lừa dối!
Duy nhất một lần tôi nói dối. Trưa, từ ĐH chạy qua cửa hàng ở Thương xá TAX phụ bà xã, tôi đã bán cho bà Tây tấm silk. Bà cầm lên tấm thổ cẩm, thích, hỏi có phải silk không? Tôi bảo: oui! Bà trả tiền, merci tôi, rồi hồ hởi đi ra. Được mươi phút, tôi mới sực nhớ silk phải là vải tơ tằm, đằng này thói quen dân Chakleng kêu tấm dạng này là silk, mà thật ra nó chỉ là tơ nhân tạo. Tôi không biết đàng nào mà chữa. Bây giờ nhớ lại, vẫn còn xấu hổ.
Một trải nghiệm nhớ đời! Tôi nhắc đi nhắc lại gia đình tuyệt đối KHÔNG nói dối.
Nửa tháng làm Không gian Văn hóa Cham tại Hà Nội, tôi dặn bà xã chỉ trưng bày thổ cẩm Cham. Bà xã ham, trưng luôn hàng vài dân tộc khác. Có ông cho Tây cầm lên một tấm, mua, và Tây mãi xuýt xoa – người trực quầy kể. Té ra nó là của Lào. Tôi biết chuyện thì ông đã đi xa. Chỉ vì tham mà thành dối.
Hai người đó chắc chắn sẽ biết sự thật. Họ nghĩ gì về Cty Inrahani? Lớn hơn – nghĩ gì về Cham? Không đáng xấu hổ sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *