URANG CHAM 7. CHÂU VĂN MỖ

ChauVanMo-01
Sinh năm 1922 (năm Hợi) tại palei Cauk – Hiếu Lễ, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.
Lớn lên, học Trường Collège ở Qui Nhơn.
Từ năm 1954, làm Thư kí Tòa Hành chánh Ninh Thuận. Sauk hi tốt nghiệp Trường Quốc gia Hành chánh, được bố trí chức Trưởng Ty Tài chánh sau 5 tháng mới chuyển sang làm Thư kí trưởng Quận An Phước, rồi là Phó Quận trưởng Quận An Phước. Công tác ở đây một thời gian, ông được chuyển vào Sài Gòn công tác ở bộ phận Hội đồng các sắc tộc.
Chức vụ cao nhất của ông là 4 năm làm Phụ tá [tương đương chức Thứ trưởng hiện nay] Bộ trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc thuộc chế độ Cộng Hòa. Sau khi ứng cử Dân biểu lần thứ nhất thất bại, ông lên Đà Lạt làm việc và cư ngụ tại nhà Ngô Đình Nhu ở cũ, được một năm thì về hưu tại Chakleng.
Ông học tập cải tạo tại Sông Cái, Ninh Thuận 4 năm: 1975-1981.
ChauVanMo-03 [Châu Văn Mỗ, thứ hai từ trái]
Châu Văn Mỗ lấy dì Nhông, người dì bên họ ông nội tôi, nên có thể coi ông là người trong nhà cũng được, nhưng tôi không muốn thấy người sang bắt quàng làm họ. Dù sau đó khi cải tạo về, ông được bầu làm Hội trưởng Hội Bảo thọ Mỹ Nghiệp, thầy Quảng Đại Hồng làm Phó, tôi khi ấy 30 tuổi đầu giữ chức Thư kí, tôi đã chơi thân với ông như là người bạn vong niên mãi khi ông mất vào năm 1998.
Với thâm tình như thế, ca ngợi ông dễ bị người đời can là không nên. Kệ! Bởi với xã hội Cham hiện đại, ông là một khởi đầu của nhiều khởi đầu. Chính danh: ông là một nhà tổ chức đúng nghĩa.

Năm 1948, ông lập Hội Bảo trợ cho Học sinh nghèo Chàm ở thị xã Phan Rang. Cơ sở Hội ngụ trong một căn nhà khá sơ sài ở góc đường Thống Nhất và Lí Tự Trọng bây giờ. Khi ấy các cô gái Cham không chịu đi học, và bà mẹ Cham càng không muốn cho con gái đi học xa. Hội Bảo trợ ra đời đã làm thay đổi quan niệm đó, bằng cách vừa tạo điều kiện vừa tìm mọi cách vận động con em Cham đến trường, nhất là cánh nữ. Trước học ở Phan Rang, sau ra Nha Trang, số ưu tú và có điều kiện còn lại được cho lên Đà Lạt học Lycée Yersin.
Có thể nói, qua bàn tay tháo vát và tinh thần quyết liệt của Châu Văn Mỗ, đa phần trí thức Cham xuất phát ở thời ấy như có thêm chỗ dựa mới. Năm 1950-1951 là thế hệ Nguyễn Văn Tỷ lên Đà Lạt học lớp Đệ Thất đầu tiên, năm sau có Lưu Quang Sang, Quảng Đại Thưởng.
Về cánh chị em, có chị Nho, chị Mận, chị Phận, chị Mãi… nhưng do hạn chế về nhiều mặt, không như quý ông, các chị chỉ dừng lại nửa chừng. Dẫu sao trong cộng đồng vừa thoát khỏi nỗi sợ hãi thời cuộc và bóng râm lịch sử, thế hệ người nữ Cham đạt trình độ lớp 6-9 (theo cấp học bây giờ) phải nói là kì công.
Cũng ở Hội này, ông tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ vừa xin tài trợ hỗ trợ học sinh nghèo vừa dựng các vở kịch để chống mê tín dị đoan đang là nỗi ám ảnh xã hội Cham thời ấy.

Ông Mỗ nổi tiếng trong Cham là con người chính trực, kiệm lời, kém giao tế, “không biết chào hỏi” – dư luận đồn thế, riêng hành động thì ông quyết liệt ít tai bì. Thuở đương chức, ông đấu tranh cho thanh niên Cham trong thời gian theo học được miễn dịch, bất kể tuổi tác; còn các cô gái Cham đến trường phải được mặc trang phục Cham.
Chuyện kể, chị Mận cháu ông từ Mỹ về, ông chào người cháu yêu quý lâu ngày xa cách bằng câu: “cháu chạy vào thay váy Cham ngay cho chú đi, chuyện hỏi thăm hay quà cáp tính sau”.
Tinh thần dân tộc với đầu óc luôn cầu tiến, ông Châu Văn Mỗ quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ, nên dù bất cứ giữ vai trò nào, ông đều theo dõi sát sao phong trào học sinh sinh viên để kịp thời hỗ trợ và bảo vệ khi cần.
Giữ vai Hội trưởng Hội Bảo thọ Mỹ Nghiệp, ông tổ chức cho thầy Quảng Đại Hồng thuyết trình về Đám tang Cham Ahier, ở đó người mất cần được “gửi nhờ thần Đất” trong vòng 24 tiếng đồng hồ, để sau khi thi hài tiêu vào đất mới được cải táng để làm Đam Thu. Ở giữa thập niên 80, đó là tư tưởng cách mạng. Vậy mà ông đã làm được: Chakleng khởi động, từ đó nhiều làng khác noi theo.
Đầu năm 91, ông tổ chức cho tôi nói chuyện về ngôn ngữ Cham cho 30 thính giả trong palei và từ vài làng về nghe. Xong, tôi nói: “Đây chỉ là sơ thảo Từ vựng học tiếng Cham tôi soạn giai đoạn làm việc ở Ban Biên soạn, chắc còn nhiều sai sót, mong các bác góp ý… và chỉ nêu những sai sót thôi”. Sau buổi ấy, ông Mỗ chắc riêng tôi: “Trạm nói vậy dễ có người nghĩ cháu cao ngạo lắm đó”, khiến tôi cứ nhớ mãi. Vậy sao?
Nhưng chắc chắn công lớn nhất vào cuối đời của ông, nếu có thể nói thế, là tổ chức thống nhất lịch Cham 4 vùng Panrang, Kraung, Parik, Pajai.
Tinh thần tùy tiện Cham dùng sai Lịch đến nỗi mỗi vùng mỗi Kate ngày tháng khác nhau. Chuyện kéo dài từ hơn trăm năm trước rồi, nay cứ thế. Học giả Thiên Sanh Cảnh có mỗi ước mơ: thống nhất Xakawi Cham, chết mới cam lòng. Tác giả Ariya Harei Mưlơm lớn tiếng rủa, ai dùng sai Xakawi thì sẽ bị tàn mạt cả dòng họ.
Ray ni anưk Bini anưk Cam
Pwơc karei harei mưlơm o laik saung gơp
Đời nay cả Chăm lẫn Bàni
Lịch tính sai, tháng ngày không hợp
Vậy mà Cham cứ dùng sai lệch
.
Trước đó suốt thập niên 80, đã có nhiều cuộc họp ở huyện Ninh Phước về vụ này, nhưng bất thành. Nhà nước mà, họp rồi họp. Tháng 3-1991, Châu Văn Mỗ phát giấy “miệng” mời các vị cả sư, các nhà giỏi lịch pháp về “hội nghị” ở Chakleng. Lúc đó tôi Thư kí Hội Bảo thọ, ghi biên bản. Tôi nói:
– Tôi không rành Xakawi, thầy Mỗ biết ít ít, thầy Hồng biết nhiều hơn một tí; chúng tôi mời các vị về về đây là để bàn thống nhất lịch Cham.
Như thần, chỉ qua tiếng đồng hồ tâm tình, hơn hai chục vị trong hội trường nhất trí cao. Sau cuộc nhất trí đó, phiên họp đề cử ban chuyên môn gồm: Trượng Văn Sinh, Sử Văn Ngọc, Phú Trợ lĩnh sứ mệnh biên soạn lịch rồi đi vào Phan Rí, Ma Lâm thương thuyết theo tinh thần “tình cảm là chính”. Chớ dại dột mà đi cãi lí với nói chuyện khoa học chi chi cho nhọc, cứ nỗi Chàm mình mà vận dụng. Như nghệ với vôi, mọi người một lòng một dạ, mỗi vùng chịu nhích qua một tí. Không phải em trúng hay bác trật đâu. Cánh Pajai Malâm bác ăn Katê tháng Mười một, bên Kraung Tuy Phong thì trước đó một ít, thôi thì ta dồn về tháng Mười đi, mỗi bên chịu xê qua xích lại xíu là được. Mỗi thao tác giản đơn đó thôi, Xakawi từng là nỗi ám ảnh trí thức hàng trăm năm qua ăn không vô cơm, đã trùng khớp ngon lành. Sau khi bộ phận chuyên môn hoàn chỉnh “bản chuẩn” (là bản chuẩn đầu tiên, có lẽ), HTX Mỹ Nghiệp tạm ứng 500.000đ tiền tàu xe cho Đạt Chữ và Sử Văn Ngọc vào Sài Gòn lo in ấn. Dù vụ việc dở dang, được cái Xakawi Cham thống nhất, từ đó…

Tất cả xuất phát từ hiểu biết, một hiểu biết đặt nền tảng trên tri thức. Mà tri thức từ đâu ra, nếu không phải là sách – ông Châu Văn Mỗ hiểu thế. Lạ, khác với thời hiện đại, trí thức Cham thời Pháp sở hữu nhiều tủ sách quý, tủ sách Châu Văn Mỗ là một.
Nhớ, năm 1976, nghỉ học không việc làm, được phép của cô gái rượu ông là chị Văn Thị Lạng, mỗi ngày tôi mò lên gác nhà ông lục tìm sách. Sách ông không giao nộp qua mấy đợt truy quyét văn hóa phẩm đồi trụy và phản động, chất cả hai chục bao lớn trên lầu một trong khuôn viên nhà giữa làng.
Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng. Tỉnh lẻ thiếu sách, qua mấy trận càn sách càng thiếu hơn bao giờ, nhất là sách tri thức. Nhưng may, tôi đã vỡ lòng triết học và văn học cao cấp qua tủ sách của ông Châu Văn Mỗ.
Xin cảm ơn ông và cầu bình an cho linh hồn ông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *