Inrasara: Cái mới từ Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh

GiaiPhanChuTrinhVI.0

Cái mới khởi từ người trẻ tuổi nhất và cao tuổi nhất hận hạnh được điểm danh.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu, người hãy còn “vô danh” nhận Giải thưởng “Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục”, khi vừa mới bước qua tuổi 36! Còn người cao tuổi nhất là nhà sử học nổi tiếng, Giáo sư Lê Thành Khôi, nhận Giải “Nghiên cứu”, năm nay đã bước qua tuổi 91.

Đó là điều lạ của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2012 – Giải thưởng được giới trí thức và dư luận công chúng đánh giá rất cao, qua lối làm việc nghiêm túc và công tâm của Hội đồng Khoa học của giải này.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh nằm trong hoạt động thường niên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh do bà Nguyễn Thị Bình – cháu nhà văn hóa Phan Châu Trinh – làm Chủ tịch. Quỹ lập ra nhằm tài trợ hoạt động dịch thuật phổ biến tinh hoa Tri thức thế giới đến với độc giả trong nước. Tại Khách sạn REX – TP Hồ Chí Minh, tối 29-3-2013, Lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VI diễn ra trong không gian ấm cúng và trang trọng. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đồng thời là Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chủ trì. Đây là lần thứ VI, Giải được trao tặng cho sáu cá nhân đã có những công trình nghiên cứu và hoạt động văn hóa – giáo dục đặc sắc.

Trước đó một tuần, do điều kiện sức khỏe và tuổi tác không cho phép hai người được giải mang quốc tịch Pháp qua Việt Nam, đích thân bà đã bay sang Paris – thủ đô Pháp, trao giải cho Giáo sư Lê Thành Khôi Giáo sư người Pháp Philippe Langlet.

Qua sáu năm, và từng bước mở rộng phạm vi, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng khẳng định vị thế của mình trong sinh hoạt trí thức Việt Nam hôm nay. Cũng không lạ, khi Hội đồng Khoa học của Giải lâu nay nhấn vào những thành tựu và cống hiến của các cá nhân đã từng khẳng định mình ở trong nước và quốc tế. Và nhất là khi những công trình ấy đã qua thử thách của thời gian. Những tên tuổi được giải mấy năm trước như Bùi Văn Nam Sơn, G. Condominas, Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại… cũng đảm bảo uy tín và nói lên sức nặng của Giải.

Điều bất ngờ hơn cả là năm nay, Đây là điều lạ, và là bước phiêu lưu mới của Hội đồng. Sau nhà nghiên cứu Inrasara (giải nghiên cứu) và dịch giả Lê Anh Minh (giải dịch thuật) được cho là trẻ, khi hân hạnh bước lên bục vinh quang này lúc vừa qua tuổi 50, ở Giải thưởng lần III, thì đây chính là sự đột phá.

Trong Khi Vũ Đức Hiếu là người trẻ tuổi mở lối đi riêng biệt, độc đáo và đầy thách thức, khi thành lập bảo tàng tư nhân riêng cho văn hóa và dân tộc Mường – Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tại Hòa Bình, được coi là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, và là dạng bảo tàng sống giữa cộng đồng, thì nhà sử học Lê Thành Khôi đã là người đã được thế giới biết đến.

Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội, rời Việt Nam sang Pháp năm 1947 để theo học Luật và Kinh tế. Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về kinh tế Nhật Bản khi vừa bước sang tuổi 26. Từng là giảng viên tại Đại học Caen và Nanterre. Ông trở thành giám đốc nghiên cứu và giảng viên tại trường Cao học Thực hành. Giai đoạn này, ông cho xuất bản các tác phẩm quan trong, như: Việt Nam, lịch sử và nền văn minh (1955), Nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á (1958) và Lịch sử Đông Nam Á (1959). Từ năm 1963, ông bắt đầu sự nghiệp quốc tế của mình với nhiều vai trò khác nhau. Cả khi về hưu vào năm 1992, ông vẫn có những đóng góp quý báu qua tác phẩm Giáo dục và văn minh (1995, 2001). Lê Thành Khôi được giới nghiên cứu công nhận là nhà bác học có bộ óc hoạt động đa lĩnh vực, bên cạnh ông cũng là nghệ sĩ đóng góp không ít cái đẹp cho cuộc đời.

Vinh danh hai con người thuộc hai thế hệ khá xa nhau, Hội đồng Khoa học của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh đã có bước đột phá mới. Như bà Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh trong tối trao Giải: sẽ trẻ hóa thành viên Hội đồng, từ đó trẻ hóa cá nhân nhận Giải trong thời gian tới.

_________

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2012 dành cho 6 cá nhân thuộc 4 lãnh vực:

– Giải “Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục” đã được trao cho bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen và họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.

– Giải “Dịch thuật” trao cho ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường);

– Giải “Nghiên cứu” được hân hạnh trao cho nhà sử học, Giáo sư Lê Thành Khôi;

– Giải “Việt Nam học” dành cho nhà Việt Nam học người Pháp Giáo sư Philippe Langlet.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *