Út Jakha tôi một hôm bất ngờ hỏi: Cei ít đi đây đó, không nhậu nhẹt bù khú, chả có món giải trí nào, cei thấy mình có ổn không? – Ổn quá đi chứ, tại sao không!
Sống là tương giao, với con người, với miền đất, với ý tưởng. Tương giao càng nhiều thì đời càng phong phú, thú vị – Cendrars nói thế. Tôi thêm: tương giao với cô đơn của chính ta nữa.
Mỗi ngày tôi gặp bao ý tưởng thâm hậu để đối thoại. Xưa, là “tặng vật” của Heidegger, hay “conditioning” của Krishnamurti; nay, đối thoại với ý tưởng của mình, với các sáng tạo của bạn thơ Việt đương đại. Thế thôi, đã quá thú vị rồi còn gì.
Thêm, tôi làm việc, và giải trí bằng thay đổi công việc. Bế tắc thơ, tôi viết tiểu thuyết, sáng tác kẹt thì chuyển qua phê bình hay viết báo. Còn khi rời phòng văn, tôi đi nói chuyện các nơi. Bao nhiêu ánh mắt tuổi trẻ ngồi đón nhận ngọn lửa mình truyền, vui nào vui hơn.
Rồi tương quan với con người, vô danh lẫn hữu danh. Về quê là lang thang tìm đến bà con, người quen người lạ, anh chị em hay bạn học cũ. Tôi kể câu chuyện Cham, hay giúp bà con giải quyết vấn đề nào đó, vui tăng lên bội phần.
Cuối cùng, khi rời bỏ mộng tưởng và tư tưởng, tôi tương quan với cô đơn. Không ít lần đóng cửa cô độc cả tháng, không báo chí không sách vở, tôi chưa hề biết đến trống rỗng là gì.
Ngoài các bậc đạo sư, tư tưởng gia hay nghệ sĩ thượng thặng, đại bộ phận con người thiếu khả năng cô đơn. Cô đơn là một khả năng, ai không tôi luyện thì không thể đắc. Không kiên trì tôi luyện, ta không khả năng chịu đựng cô đơn.
Cô đơn, một khoảng rỗng vô tận không gian và vô cùng thời gian mở ra. Cô đơn, tôi – một mình không nơi bấu víu trôi bồng bềnh. Tôi đối mặt với vô nghĩa của sống và chết, của được và mất, của sát-na và vĩnh cửu. Tôi – một mình, và không ai khác có thể hỗ trợ.
Một mình, nhân loại bày vô số trò giải trí, từ thấp đến cao cấp, để khỏa lấp cô đơn. Một mình, ta tìm người tán gẫu, đi shopping, hoặc chơi thể thao các loại. Một mình, ta cần hơi ấm con người, để lấp đầy khoảng rỗng của cô đơn. Một mình, ta đọc sách, tiểu thuyết ngôn tình hay sách triết học hạng nặng, hoặc lao vào hoạt động xã hội cũng thế.
Nói xấu người khác hay bàn chuyện thế sự cũng là cách chạy trốn cô đơn.
Một mình, ta kiếm việc bất kì để làm: bận rộn là cách chối bỏ cô đơn hiệu quả nhất. Một mình, không khả năng đối mặt với chính mình, ta thả hồn đi mây về gió, hay cho tâm trí nhảy nhót từ hoài vọng này sang ý tưởng kia, khuôn mặt này vừa lướt qua niềm vui nỗi buồn kia đã trườn tới.
Một mình, tâm hồn ta vẫn cứ đầy ứ – kỉ niệm với mộng tưởng, vui hay buồn, hình ảnh và ý niệm.
Hòa nhi bất đồng, là cô đơn.
Còn làm thế nào một mình mà vẫn cô đơn, mới đỉnh!