Sống tôn giáo-1. THẾ NÀO LÀ SỐNG TÔN GIÁO?

Tút “Niềm bí ẩn của tình yêu”, một bạn thơ kêu trên cả tuyệt vời, và bảo không khác gì một vị trên… Youtube, và gửi link cho tôi. Tôi nói, tôi chưa biết ông này.

Ngay năm lên 10, tôi là con mọt sách, đụng đâu đọc đó. Mượn đọc, mua đọc. Đọc đến mụ cả người. Không có sách, tôi đọc từ điển! Mãi khi có gia đình, tôi quyết bỏ sách, và phải sau ba năm, tôi mới rời bỏ sách được. Sau đó, tôi cũng đọc nhiều, đọc để… làm việc.

Trang nhà của tôi, mỗi chủ để tôi làm thành serie. Hôm nay là “Sống tôn giáo”, viết từ trải nghiệm của tôi, qua sống và suy tưởng. Và tôi nghĩ, đó mới giá trị, cho tôi cũng như các sinh linh đồng thanh đồng khí sau tôi, nếu có.

Ở tuổi 15, qua vụ nổ lớn nơi tâm thức, tôi không điên hay tự kết liễu đời mình mà, tiếp tục bước qua giai đoạn “trụ vững” và “hết ngờ” [chữ của Khổng Tử], từ đó tôi sống tôn giáo. Sống tôn giáo…

Là không sợ hãi. Từ trung tâm tâm thức, ta nói và làm, sống và viết, không cần ai chỉ chỏ nên thế này hay không nên thế kia, mà từ ta – tự do tự tại.

Con người là một văn bản, luôn bị vướng kẹt. Sống tôn giáo không phải “phá chấp”, nghĩa là bạn không cần nỗ lực xé bỏ văn bản kia, mà nhìn văn bản như là thế.

Là kính tín Thần linh chứ không mê tín với hình thái các loại.

Là đối thoại với quá khứ, và sống hiện tại. Ở đây và lúc này. Từ đó “hành động trong chân trời khả thể”, và hoan hỉ với nỗi ấy.

Là thường trực giao cảm với thiên nhiên.

Là “phi tổ chức”. Tổ chức, hay ở trong tổ chức bất kì nào cũng thế. Nó là một quyền lực, quyền lực của tổ chức và/ hoặc của “giáo chủ”.

Không cần phải vào chùa tu hay lên núi cao, mà là biết phát tâm từ bi, nhập thế BƯỚC ĐI GIỮA LÒNG ĐỜI khai mở khả tính của chúng sanh sẵn sàng đón nhận ánh sáng tôn giáo.

7 đề mục này sẽ được triển khai ở tút tiếp theo.

Ở cộng đồng Cham

Tôi học, bằng đọc và đi. Tôi lang thang qua các palei Cham Pangdurangga, và vùng miền khác.

Học bằng hỏi. Tôi gặp riêng từ cụ Thiên Sách Cảnh cho chí Châu Văn Mỗ, từ thầy Thành Phú Bá đến thầy Lưu Quang Sang. Sau này khi có gia đình, tôi tổ chức “Hội nghị chiếu xe” gặp chung. Hỏi, để hiểu sâu hơn tâm hồn con người Cham, tinh thần văn hóa Cham.

Tôi hành, bằng dạy, viết, nói, kể chuyện. Và dám làm kẻ đi đầu. Không ngưng nghỉ và bất thổi chuyển, không vì nguyên do nào đó mà chán nản bỏ cuộc.

Tôi quan hệ với mọi thành phần, lứa tuổi, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, sự sự vô ngại.

Thế giới ngoài Cham, tôi tìm học để hiểu, qua đó nhập cuộc về hướng mở.

Ngôn ngữ, khi biết ngôn ngữ quy định tư duy một tộc người nào đó, tôi học tiếng Việt, Anh Pháp, Sanskrit, tiếng Nam Đảo…

Sau đó là tư tưởng, từ triết học đến tôn giáo. Ấn Độ, Trung quốc, Tây phương, cả cổ điển lẫn hiện đại.

Cuối cùng là văn học, văn học Việt Nam và các nền văn học lớn trên thế giới: Pháp, Nga, Anh Mỹ, Nhật Bản… Bởi văn chương biểu hiện rõ hơn cả tâm hồn và đời sống một dân tộc. Hiểu, để nhiếp dẫn tâm hồn Cham gặp được tâm hồn họ, và ngược lại.

Tôi viết báo, thuyết trình, trả lời phỏng vấn, để thế giới bên ngoài hiểu Cham. Rằng Cham không như thứ xác khô “nghiên cứu”, mà là một dân tộc đang có mặt, và sống và đau khổ và làm việc và sáng tạo…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *