Một vụ nổ lớn Bigbang trong bề sâu tâm thức, chắc chắn thế.
Ông thấy, và lên đường cô độc làm trận bộ hành bất tận, để cái hạnh từ thân pháp cùng ngôn từ mộc mạc ông tỏa ra luồng sáng bất khả tư nghì. Từ trung tâm vụ nổ ấy, ông đáp ứng với sự sự ngẫu nhiên xảy đến, không chút sai trật.
Người ta chửi, đánh, ca tụng hay sùng bái, ông vẫn thế. Còn vô danh hay đã nổi tiếng ngập trời, ông cứ vậy. Công an gợi mở ông có CCCD để tiện vé máy bay qua Ấn Độ, ông bảo xưa con từng ước bộ hành qua thăm xứ Phật. Hỏi cảm xúc ông khi gặp được cha mẹ sau nhiều năm, ông nói con coi cha mẹ mọi người như cha mẹ ông…
Chỉ từ trung tâm ấy mới bật ra cái giản đơn đầy minh triết ấy, không qua can thiệp hay suy tính của lí tính. Và chỉ từ trung tâm ấy qua luồng sáng bất khả tư nghì ấy, đạo sĩ Minh Tuệ mới tạo sức cuốn hút vũ bão như thế, từ mọi thành phần người từ khắp nơi.
Nếu luồng sáng của Biểu tượng trên làm chấn động và thức tỉnh nỗi khao khát tâm linh ở công chúng bị thiếu hụt trong thời gian dài [tiếc, Việt Nam chưa có văn hóa xếp hàng đã xảy đến tình trạng nhốn nháo], thì ở lĩnh vực Tư tưởng, kẻ suy tư cũng có vụ nổ của riêng mình.
Như Kant trước Rousseau, hay Nietzsche trước Shopenhauer. Tôi cũng đã, khi lần đầu tiên đọc trang đầu tiên của Krishnamurti, Heidegger hay quá trình “đọc lại” Ariya Glơng Anak. Sự thể làm sáng lên cái sáng trong mình, và kẻ suy tư ẩn vào nỗi cô độc, để suy nghiệm. Có thể nói, chỉ có ai từng qua cầu mởi cảm nhận được, không thì… chịu.
[Đặt vụ nổ mang tính tâm linh bên cạnh vụ nổ lí tính, dẫu có khác hệ và vênh chút xíu, nhưng cả hai vẫn xảy đến cùng thể cách].
Đắc Đạo Cham từ tuổi 15, tôi đã hành như thế nào?
Trước tiên, tôi hành đúng tinh thần ‘Agal pakaup’ Kinh Nhật tụng [đã đăng]. Với chức sắc ‘Halau janưng’, tôi không một lời phê bình dù các vị có sai tới đâu, bởi tôi hiểu bao nỗi ấy là do hệ quả từ lịch sử. Cạnh đó, tôi luôn gần gũi và hỗ trợ họ, khi cần thiết.
Với tư cách luận sư, tôi luận giải Kinh sách mà không tranh hơn thua, giỏi dở với các vị.
Ở đời thường – yêu thương Cham, bởi tôi thấy tôi trong Cham – mọi tánh tốt tật xấu, thế nên tôi chưa từng xử xấu ác với Cham nào bất kì. Vài bận sai – con người mà, tôi thức nhận và xin lỗi ngay; khi không còn cơ hội xin lỗi, tôi thành tâm mong được tha thứ. Anh em xuyên tạc hay công phá, tôi cũng không ghét. Còn với sinh linh Cham nào không thể yêu thương được nữa, tôi cứ im lặng tha thứ mà bước qua.
Là trí thức, tôi tư thế sẵn sàng lên tiếng, nhập cuộc cộng đồng khi Cham có vấn đề cần giải quyết. Tôi đến rồi đi – vô tư và vô vị lợi. Tôi tạo đất [đặc san Tagalau] cho các cây bút Cham thể hiện, minh định mấy ngộ nhận về Cham, ở cộng đồng Cham với nhau hay cả từ ngoài.
Cuối cùng, như là nhà văn “lưu giữ” mênh mông câu chuyện Cham, tôi kể nó cho Cham biết, kể rộng ra thế giới qua nhiều thể cách và phương tiện khác nhau.
P.S.
Kể rằng, Kant chuẩn giờ giấc đến nỗi người thị trấn cứ canh lúc ông ra ngoài dạo, là bắc nồi cơm chiều. Lần nọ chả thấy đâu, bà con mới chạy qua nhà xem ông có vấn đề gì không, thì ra ông đang say sưa đọc… Rousseau!
Cô độc cho suy tư triết học, có người gợi ý một người nữ cho ông. Ông qua ướm hỏi, người ấy kêu để nghĩ lại. Tuần sau người nữ ấy sang, ông cho hay mình cũng đã “nghĩ lại”, từ đó ông đơn chiếc cho đến mất.