Thấy chắc chắn sai, con có nên nói không?
Từ thế giới nhỏ bé Cham đến HTX chữ nghĩa Việt Nam, tôi luôn nhập cuộc với tư thế và tâm thế: hết mình & tới cùng, qua đó không tránh khỏi vụ va quẹt lớn nhỏ khác nhau.
Khi văn hóa Cham, hay khi bạn hoặc bằng hữu bị xuyên tạc, nên nói hay im lặng? Khi cái sai được bày ra mặt báo, lại xuất phát từ nhân vật nổi tiếng – những cái sai nguy cơ tác hại và kéo dài, có cần minh định không?
– Chấp gì mấy ngữ đó, vài bạn khuyên tôi như thế, lời lẽ đầy thiện ý.
Tuy nhiên vấn đề ở đây không phải nói hay không nói, chiến hay từ bỏ cuộc chiến, mà là chiến với tâm thế nào? Chiến để tự vệ là cần thiết, nhưng phải là chiến như một con người trưởng thành, như một đàn ông. Chứ không phải đập cho bõ ghét, chửi cho hả giận, hơn nữa – đấu với tâm ăn thua đầy sân hận. Như vậy là bạn tự nô lệ hóa mình, tự trói mình vào những gì người khác nói/ viết.
Hỏi, nếu Hoàng-Ngọc Tuấn không luận chiến về thời điểm xuất hiện và khác của hậu hiện đại, thì giáo sư và dịch giả nổi tiếng kia còn lặp lại nỗi sai ngớ ngẩn ấy đến bao giờ?
Nữa, nếu tôi không minh định về trào lưu hậu hiện đại ở Việt Nam, thì phát ngôn của [cũng lại là] giáo sư với nhà phê bình danh tiếng kia tác hại đến độc giả kéo dài tận đâu!
Nói với ý hướng đưa ra ánh sáng sự thật cho người tiếp nhận nhìn ra đúng sự thật, còn nếu đối phương mang tâm ý không tốt vào cuộc hay có ý ngụy biện, bạn chỉ nói một lần rồi thôi, và hãy sớm rời bỏ cuộc chơi – vĩnh viễn.
Nói với tâm thế tự do, chứ không phải để bị trói buộc vào sự vụ. Nói đến nơi đến chốn, để quyết toán một lần cho mọi lần, chứ không dằng dai kéo dài đến vô tận.
Còn chọn sống khôn “không chấp” hay “buông bỏ”, mặc cho những lời dối trá, kiến thức dối trá tác oai tác quái và làm vẩn đục khí quyển văn chương chữ nghĩa, là bạn phủi tay giành món vô trách nhiệm về phần mình rồi còn gì!