Tôi dạy con-8. GIẤC MƠ CHO DÂN TỘC

Les Kosem (1927-1976) là nhà thơ, dù cả đời ông chưa làm bài thơ nào, tôi coi ông là một nhà thơ lớn. Nhà thơ là kẻ sáng tạo giấc mơ cho dân tộc, ai nói thế!

Mơ, và hành động. Chứ không phải thứ mơ mộng mơ màng mây gió.

Tôi biết một Cham mơ cạnh tranh với Maradona, trong lúc cả đời không một lần ra sân thử trái bóng. Cũng có kẻ mơ thành một nhà nghiên cứu lớn nhất Cham. Có đứa còn mơ làm Inrasara-thơ thứ hai nữa! “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Chế Lan Viên).

Les Kosem mơ giấc mơ cho Cham, mơ và làm.

Một phần đời sai lầm [đã kể], ông sẵn sàng từ bỏ, để mơ giấc mơ khác: Có một hòn đảo ngoài Thái Bình dương được tổng thống Indonesia biếu không, cho Cham tương lai. Hãy liên tưởng, Singapore chỉ là một làng chài bé tí, mới độc lập năm 1965, đã trở nên cường thịnh như thế nào.

Trời không chiều lòng người, ông mất ở tuổi đứng bóng mặt trời.

Tôi không tin ông thành công, dẫu sao đó là giấc mơ lớn.

Tôi là nhà thơ, cũng là một nhà thơ lớn.

Nhưng khác trời vực với Les – tách rời khỏi Việt Nam, giấc mơ tôi lớn dậy trong Việt Nam giữa lòng 54 dân tộc anh chị em trên đất nước hình chữ S xinh đẹp này. Giấc mơ Hóa giải & hòa giải cho Cham giàu sang giữa lòng Việt Nam giàu mạnh.

Tôi mơ, và làm. Ở 9 khu [lĩnh] vực khác nhau, tôi dựng lên được một “triều đại INRA”. Nhìn một cách nền tảng, và mức độ nào đó – tôi thành công [đã kể]. Thế nhưng, đâu là hậu duệ!?

Và đâu là “sáng tạo giấc mơ cho dân tộc” của con?

Cuối cùng ở tuổi xế chiều, định mệnh ném tôi rớt về miền cố quận, để chiêm nghiệm hành trình vừa qua, cô độc và khiêm cung trong căn phòng nhỏ hẹp.   

Dẫu sao tôi đã hoàn thành giấc mơ của mình, và vui vẻ. Còn “que sera, sera” chỉ có Bà Trời biết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *