Cuộc chiến của tôi-11. CUỘC CHIẾN TINH THẦN

[ Từ 4 chiều kích – bài học cần thiết cho tất cả mọi người, để sống nhẹ và vui]

[1] Trước tiên là Ý THỨC.

Ý thức về sự biến dịch không ngưng nghỉ, của thế giới tự nhiên, của con người, của vật và việc. Nói theo ngôn từ nhà Phật: nỗi vô thường.

Cửu Long uy dũng thế, sáng dậy bỗng dưng cạn dòng. Văn minh Champa rực rỡ, đùng cái nó suy tàn không đỡ kịp. Đùng cái, Tòa Tháp Đôi sụp đổ tanh bành.

Em Ngọc Trinh đang ở đỉnh của đỉnh hôm trước, hôm sau đã vào khu tập thể. Thơ Đường luật cả ngàn năm làm mưa làm gió, trong nháy mắt nó lặng lẽ đi vào văn học sử.

Ý thức thẳm sâu bao nỗi ấy, làm gì?

[2] Tâm thế

Dọn sẵn cho mình ba tâm thế quản lí đời.

[2.1] Với điều không thể, tôi nhận biết và chấp nhận. Núi lửa kia, trận cuồng phong nọ tôi không thể thì tôi không thể. Vương quốc Champa đã mất, tôi không thể thì tôi càng không thể.

Thằng bạn nghĩ về tôi như thế như thế, tôi không thể quản lí suy nghĩ của hắn, thì tôi cứ im lặng tha thứ mà bước qua. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo vu khống tôi kiểu ấy, thấy mình sai mà chưa học biết xin lỗi, thì tôi cần biết là tôi không thể.

[2.2] Cũng có điều có thể, tôi cần nỗ lực.

Như sinh linh Cham do ngộ nhận mà la lối tôi, tôi cần đính chính, minh định một lần. Hay như con trai tôi rượu bia hoặc ưa nổi khùng, như cháu tôi hiểu lầm mà giận lẩy, tôi vẫn có thể nói lại – nhiều lần nữa là khác. Hay như vụ “vu khống”, tôi cũng cần giải minh cho độc giả, hi vọng họ có thể mở mắt ra.

Còn tất cả chúng có thay đổi hay không thì hết là vấn đề của tôi rồi.

[2.3] Còn điều tôi hoàn toàn kiểm soát được mình

Cái thân thể của tôi, như Bùi Giáng nói: “Người còn thì của mới lai rai còn”. Tôi toàn quyền về nó, nó mạnh mẽ hay yếu nhược là do tôi, chứ không đổ lỗi cho ai khác.

Tôi ngồi lại tiếp tục cuộc rượu kia hay bước ra khỏi bàn tiệc nọ, là do tôi. Viết tiểu thuyết hay phê bình, thể hiện nó thế nào, in hay không, in ở đâu đều do tôi quyết, chứ không có ai định hướng hay chỉ đạo tôi.

[3] Chiều kích thứ ba là, SỐNG

Tôi cần sống ở đây & lúc này, chứ không thời nào hay nơi nào khác. Không tiếc nuối quá khứ dẫu oanh liệt tới đâu, không mơ mộng tương lai dù là tương lai gần như ngày sau hay giờ sau.

Sống, không trì hoãn. Hòa với thiên nhiên, với môi trường xã hội tôi đang ở. Hòa, mà không đồng. Tôi sống kiểu tôi, do tôi chọn.

[4] Cuối cùng là NGHIỆM

Ít nhất là mỗi cuối ngày. Tôi cần trui rèn thứ năng lực tinh thần này, để tự quan sát và kiểm thảo mình, suy ngẫm về nó, đúc kết lại. Văn – Tư – Tu.

Văn: thấy, đọc, nghe, Tư: suy ngẫm sâu về “văn” ấy, rồi Tu: sửa mình. Không sửa mình, bạn không khác loài thú đầy bản năng, không gì hơn, không gì khác.

Từ 4 chiều kích kia, tôi không cần gì?

Không cần sở hữu nhiều của cải vật chất, cho đời nhẹ.

Không cần hưởng thụ bộn tiệc tùng, cho thân nhẹ.

Không cần chất chồng kiến thức, cho trí nhẹ.

Không cần gầy dựng tiếng tâm, cho hồn nhẹ.

Tự do, tự tại và vui vẻ. Thênh thênh như những đám mây phiêu lãng của bầu trời…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *