Sống tôn giáo-12. CHIẾN BA-LA-MẬT

Inrasara: Thấy sai mà không nói, là vô trách nhiệm; còn tâm thái “buông bỏ” để cái sai kéo dài cho chúng sanh vô minh đến sau “giẫm phải cứt” ‘jwak eh’ đó, là có tội.

Hai ví dụ cộm:

Tiểu thuyết Fulro tập đoàn tội phạm in lần 2 năm 1983, nhà văn Ngôn Vĩnh hư cấu mấy cái sai lớn. Khi ấy không ai [có điều kiện] nói lại, để 22 năm sau, một Tiến sĩ sử học Đại học Paris VII dẫn ra để xuyên tạc tai hại vài sinh linh Cham, buộc tôi phải “trao đổi” (Vanviet.info, 23-4-2017).

Tạp chí Champaka viết sai về Chế Linh [“về nước hát bài ca cách mạng phục vụ chế độ”], không một Cham nào lên tiếng cải chính. Hai năm sau, một Blogger nổi tiếng dẫn ra công kích danh ca này vừa mỉa mai Cham. Năm 2017 từ Cambodia về, cánh trẻ Cham mắng vốn, tôi buộc viết đính chính.

Ai sẽ bảo vệ danh dự và nhân phẩm của họ, nếu bạn không lên tiếng? Không phải nói với kẻ xuyên tạc [cứ để họ sống trong địa ngục tâm của họ], mà cho chúng sanh không thói quen hay không điều kiện kiểm tra thông tin, tránh cho họ bị kéo lôi vào vũng bùn.

Serie “Cuộc chiến của tôi” viết cuối năm ngoái, là tôi dùng lại cụm từ của Hiệu trưởng Đại học Okinawa, S. Kunitoshi: “Cuộc chiến của Inrasara”-2019 trong một bài dài ông viết về tôi.

Thế nào là “cuộc chiến”? Tôi hiểu nó sớm và khác, ngay ở tuổi 20. Bài thơ “Bàn chân, con đường, bóng tối” viết vào mùa Hè 1981 [Tháp nắng-1996]:

Ơi người thi sĩ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen

mãi ngủ giấc lành dưới mốc bụi của hành lang thư viện

cẩn trọng bơi trong dòng hiện sinh

mắc cạn bên này bờ cuộc chiến

Bao giờ?

trút gánh nặng xuống – lên đường

con đường băng qua buổi chiều những thời đại

gặp gỡ người tình nhân: cô đơn…

Cuộc chiến bên này bờ” đa phần thuộc chiến cuộc từng diễn ra suốt lịch sử nhân loại, “giãi thây trăm họ nên công một người”. Ở đó nói như W. Faulkner: “Con người chưa bao giờ thắng trận, họ cũng chưa hề tuyên chiến nữa. Chiến trường chỉ là nơi khai mở cho con người thấy rõ tất cả sự điên rồ và tuyệt vọng của họ. Và chiến thắng chỉ là ảo tưởng của triết gia và những thằng khờ” (Âm thanh và cuồng nộ).

Tôi có cuộc chiến khác. Nó không phải theo tinh thần Arjuna – anh hùng thuộc đẳng cấp Ksatriya thể hiện ở phần đầu Chí tôn ca Bhagavad-Gita, mà tương cận cuộc chiến tâm linh – le combat spirituel chữ của Arthur Rimbaud, cũng tàn khốc không kém cuộc chiến của con người nơi sa trường.

Để rồi khi chấp nhận quay lại bờ, thõng tay đi vào chợ đời, tôi có tham dự cuộc chiến mang tính đời thường, mà vẫn thái độ chiến với tinh thần PHÁP THÍ ba-la-mật.

Hai câu chuyện.

[1] Vừa ngồi vào ghế nóng Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Mạnh Hảo lãnh ấn tiên phuông viết dối trên FB ngày 5-4-2021, lôi kéo cả khối người xúm vào live, love và chưởi ngài Inrasara.

Ngay tức thì Tiến sĩ Cham sống tận Hoa Kỳ Văn Ngọc Sáng liền copy đăng lên trang nhà, và cũng sưu tầm được mớ đồng bọn vỗ tay.

Tôi cần minh định, không phải tự “biện minh”, mà là NÓI CHO, NÓI VÌ chúng sanh. Không khéo sinh linh nào đó cho đó là chân lí, tiếp tục copy-paste, thì tội đổ hết cho người biết mà không nói!

Câu hỏi, ừ thì nó liên quan đến Inrasara và Cham, còn hậu hiện đại là chuyện chung, kệ các nhà văn với nhau, hà cớ Inrasara cứ “xông pha”? – Lại cũng là hành vi pháp thí.

[2] Thụy Khuê trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, 5-1-2018:

“Người Mỹ đã hiểu sai khi tiếp cận hậu hiện đại của Pháp và họ mang cái sai đó về bên kia châu lục, người Nga lấy lại cái sai đó của Mỹ và cuối cùng người Việt lại lấy cái sai đó từ Nga, cộng với việc dịch thuật không chuẩn thành ra méo mó hết cả.”

Không đâu xa, riêng Sài Gòn – viết về hậu hiện đại có: Bùi Văn Nam Sơn, Nhật Chiêu, Inrasara cả ba tuyệt không ai học cái sai hậu hiện đại từ Nga cả! Đọc thấy, tôi đã “phản biện” theo tinh thần pháp thí. Bởi hai năm trước đã có nhà phê bình “giẫm cứt” ấy rồi:

Nguyễn Hòa dựa vào đó, viết (Vanvn.net, 3-8-2016):

“Như trong bài Hậu hiện đại thực chất và ảo tượng, sau khi nhận xét tình trạng “ngộ nhận… kết hợp, diễn giải một cách khá tùy tiện… vì không đọc kỹ Lyotard hoặc vì thiếu kiến thức văn học và ngoại ngữ”, Thụy Khuê khuyến cáo…”

“Quảng bá” hậu hiện đại, ai là kẻ “thiếu kiến thức văn học và ngoại ngữ”, không thấy tác giả bài báo nêu tên tuổi. Vậy mà nhà Theo-ist Nguyễn Hòa vô tư tin, tiếp tục chương trình dạy đời:

“Tôi đồ rằng từ kiểu ý kiến như vậy, Thụy Khê đã phải khuyên những ai đang sùng bái và cổ vũ cho văn học Hậu hiện đại ở Việt Nam: “nên học từ gốc chứ không từ ngọn”!”

Nhà phê bình Pháp [gốc Việt] nói, nhà phê bình Việt [Nam] tin ngay, lạ chớ!

“Quảng bá” hậu hiện đại nhiều và đậm hơn cả, ba người Việt [sống và viết ở Úc]: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân; ba người Việt [Nam ở Sài Gòn] có Bùi Văn Nam Sơn, Nhật Chiêu, Inrasara.

Hỏi chớ ai học hậu hiện đại “từ ngọn” mà không “từ gốc”?

Bạn lượm nhặt đâu đó 1-2 học trò kém, rồi hô hoán lên rằng, người Việt không biết học, không biết tư duy thì… ô là là.

[Inrasara: Muốn vượt qua trào lưu nghệ thuật hay hệ mĩ học sáng tạo nào bất kì, bạn cần vượt qua các đại biểu xuất sắc cũng như tát cạn phần tinh túy nhất của nó, chứ không phải ở vài tên tuổi hay qua những sản phẩm èo uột nẩy ra từ trào lưu đó].

Bổ túc thêm hiểu biết: Hậu hiện đại dù xuất phát điểm từ Pháp, nhưng đây là trào lưu văn hóa mang tính toàn cầu với vô số hoạt động nở rộ, vô số tác phẩm ra đời, chớ có phải có mỗi Lyotard mà phải khuyên nhau đọc kĩ!

P.S.

Inrasara & hậu hiện đại

Từ cội nguồn văn hóa Cham, lặn sâu vào tư tưởng Nietzsche, Heidegger, Phật [Hoa nghiêm, Duy thức và Thiền], nắm được thần hồn hậu hiện đại để trụ trên 3 chân kiềng: Tư tưởng phi tâm hóa, Tinh thần tôn trọng sự khác biệt và Hành động theo phương châm “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”, tôi sống và viết.

Hậu hiện đại phá vỡ bức vách ngăn trung tâm và ngoại vi, vô phân biệt, như: Đa số với thiểu số, Trung ương với tỉnh lẻ, nam hay nữ, trong hay ngoài, ngoài lề hay chính thống… Dẫu ý hướng “phi tâm hóa”, sống và viết của tôi vẫn nhấn về phía ngoại vi, là bộ phận yếu thế. 

Riêng lĩnh vực văn chương, tôi tập trung vào các chi lưu văn học thuộc dòng văn học [bị cho là] ngoại vi: Văn học Cham, sáng tác của tác giả DTTS, văn học miền Nam trước 1975, tác phẩm in ngoài luồng, các cây bút tỉnh lẻ và vùng sâu vùng xa, văn chương mạng, văn học Việt hải ngoại, nhà văn Việt sáng tác bằng ngoại ngữ…

Chúng bị phân biệt đối xử, bị xem nhẹ, thậm chí bị triệt phá. Là thiệt thòi chẳng những cho độc giả, mà cho cả nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền.

Tác phẩm:

[1] Tcherfunith, tiểu thuyết, đăng 1 chương ở Tienve, 1 ở Nhật, 2012

[2] Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], thơ, đăng ở Tienve, 2018

[3] Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ, thơ, đăng facebook, 2019

[4] Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tiểu luận & tuyển thơ, Lotus Media, Hoa Kỳ, 2019

Tiểu luận và phỏng vấn:

01. Hậu hiện đại và tinh thần nhập cuộc chịu chơi, tạp chí Tia sáng số 22, 20-11-2006

02. Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Viêt, Vanchuongviet, 21-12-2007

03. Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì, Tham luận tại Đại học KHXH&Nhân văn, TPHCM, 19-2-2008; Talawas.org, 21-2-2008

04. Giải minh hậu hiện đại, Vanchuongviet, 22-6-2008; Tienve.org, 1-2009

05. Hậu hiện đại là hậu hiện đại là, Tienve, 17-7-2008

06. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, Tienve, 18-2-2009

07. Con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam, phỏng vấn, báo Điện tử Tổ quốc, 25-4-2009

08. Đối thoại hậu hiện đại, thuyết trình, Đại học Văn hóa, Hà Nội, 2009

09. Hậu hiện đại ở Việt Nam, thuyết trình, Cà phê thứ Bảy Văn học, Sài Gòn, 2010

10. Thực tiễn sáng tác hậu hiện đại ở Việt Nam – phỏng vấn, Mặc Lâm thực hiện, Đài RFA, 3-12-2011

11. Cảm thức, hoàn cảnh và sáng tác hậu hiện đại Việt Nam, Vanvn.net, 21-2-2012

12. Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì?, tạp chí Nhà văn, số 6-2012

13. Hậu hiện đại khởi động cuộc cách mạng văn học Việt Nam, tham luận tại Đại học Sư phạm Hà Nội, 26-12-2012; Tienve.org, 5-1-2013

14. Chủ nghĩa hậu hiện đại gặp gỡ Đông phương, tạp chí Nhà văn, 2-2013

15. Văn học ngoại vi Việt Nam ở đâu?, thuyết trình, Cà phê thứ Bảy Văn học, Sài Gòn, 2014

16. Về đâu, phê bình hậu hiện đại Việt Nam? Vanviet, 7-5-2016

17. Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới, tạp chí Sông Hương, 8-2016.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *